Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam : Công an câu lưu 6 người tham gia một kênh thông tin độc lập

Hôm qua 23/09/2015, theo tin trong nước, công an thành phố Hà Nội bắt giữ sáu người hoạt động báo chí thuộc một kênh thông tin thời sự độc lập, mang tên Lương Tâm TV. Hiện tại, tất cả những người bị bắt đã được trả tự do.

Chương trình của Lương Tâm TV trên YouTube
Chương trình của Lương Tâm TV trên YouTube DR
Quảng cáo

Buổi tối qua, hàng chục người ủng hộ đã tập hợp trước trụ sở công an quận Hai Bà Trưng, để đòi thả người. Về diễn biến cụ thể và kênh truyền thông độc lập nói trên, mời quí vị nghe lời thuật của nhà báo Phạm Đoan Trang (Hà Nội), người có mặt tại chỗ.

Phạm Đoan Trang : Từ sáng sớm hôm qua, công an Hà Nội đã bắt giữ một số người làm truyền thông tại Hà Nội, phần lớn là các bạn trẻ, trong đó có bạn Lê Thị Yến, phát thanh viên của chương trình Lương Tâm TV. Kênh này mới phát chương trình đầu tiên vào ngày 19/08/2015. Kênh này chuyên về tình hình đấu tranh dân chủ, nhân quyền, cũng như tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Hầu hết những người bị bắt đều bị hỏi về kênh truyền hình đó. (Nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết thêm, chương trình này thuộc dạng một bản tin thời sự, có độ dài từ bảy đến 10 phút. Lương Tâm TV truyền tải các thông tin, ví dụ như chuyện khiếu kiện, chuyện nhóm Vì Hà Nội xanh tiếp tục đấu tranh pháp lý cho việc bảo vệ cây ở Hà Nội... - NDR).

Khi bắt, không có lệnh bắt, không có giấy tờ gì. Tất nhiên là không có lý do xác đáng, vì không thể bắt một người chỉ vì người đó làm clip rồi đưa lên Youtube được. Hành động đó của công an là sai ngay từ đầu.

Do vậy chúng tôi quyết định phải tổ chức đối thoại với họ, để làm rõ. Thứ nhất là họ có bắt người trái phép không, thứ hai là họ định xử lý như thế nào với việc này. Chúng tôi cũng muốn nói chuyện đàng hoàng, minh bạch với họ. Nhưng khi chúng tôi đến, họ không cho vào. Họ (chỉ) cho luật sư Nguyễn Văn Đài vào nói chuyện. Họ với luật sư Nguyễn Văn Đài là không có ai cả, không biết những người đó là ai, ở đâu. Nhưng chúng tôi nhận được tin tức từ những người bị bắt báo ra là họ bị giữ tại đồn công an Hai Bà Trưng.

Biết là có sự không đàng hoàng với nhau ở đây, nên đến khoảng 8 giờ tối, chúng tôi định nếu vẫn không thả người, thì chúng tôi buộc lòng phải làm một cuộc biểu tình nho nhỏ ở trước cổng cơ quan công an.

Chúng tôi vừa mới hô khẩu hiệu, yêu cầu thả người, phản đối thả người bắt giữ tùy thiện, thì họ lao ra đuổi đánh, xô đẩy, khá là bạo lực. Họ đánh rất đau. Phía công an họ huy động có lẽ đến cả trăm người, cả công an, dân phòng, bảo vệ đeo băng đỏ. Toàn những thành phần mặc thường phục, những người gọi là « côn đồ » này đánh dưới sự bảo kê của công an, đánh, đuổi, la hét, chửi rất bậy. Đồng thời họ cũng dùng dây chằng đẩy mọi người ra xa. (…)

Đương nhiên là chúng tôi không giải tán, vẫn ngồi lại bên vỉa hè, hai đầu đường. Đến nửa đêm, chúng tôi nhận được tin họ đã lần lượt thả từng người một, thả theo đường nào không rõ, có người bị áp tải về tận nhà riêng.

Tôi quan tâm đến báo chí nói chung, và giới truyền thông độc lập ở Việt Nam, đến tự do báo chí, tự do ngôn luận. Cho nên, khi có chuyện bắt bớ nhà báo, đặc biệt là nhà báo không được công nhận, không thẻ bài, tôi nghĩ rằng đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của những người làm báo phải lên tiếng, tham gia bảo vệ người bị bắt, đấu tranh đến cùng với cái sai trái, để bảo vệ quyền tự do báo chí cho nhà báo ở Việt Nam.

Xin cảm ơn nhà báo Phạm Đoan Trang.

02:57

Nhà báo Phạm Đoan Trang tại Hà Nội

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.