Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu quả vải Việt Nam

Đăng ngày:

Năm nay, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu quả vải sang các thị trường « khó tính » Mỹ, Úc, Canada, Pháp, Nhật Bản. Sản lượng vẫn còn khiêm tốn nhưng đây là tiền đề quan trọng để vải thiều Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị thương hiệu, giá trị kinh tế, đồng thời tránh phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu truyền thống.

Quả vải Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu.
Quả vải Việt Nam đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu. AFP
Quảng cáo

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và các loại trái cây trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng Việt Nam chưa thể thâm nhập vào những thị trường khó tính vì không đáp ứng được tiêu chuẩn các nhà nhập khẩu. Trong một năm trở lại đây, thị trường quả vải Việt Nam có những dấu hiệu đáng mừng. Tháng 10/2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp phép cho vải thiều của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tháng 4/2015, Bộ Nông nghiệp Úc cũng đã đồng ý nhập vải thiều từ Việt Nam. Như vậy, Việt Nam được phép xuất khẩu vải thiều tươi sang Mỹ và Úc.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, sản lượng thu hoạch quả vải Việt Nam đạt khoảng 200 nghìn tấn một năm, trong đó tiêu thụ nội địa chiếm 60%, gần 40% xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Cho đến nay, xuất khẩu vào các thị trường mới như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Châu Âu, Malaysia, vẫn giữ một tỉ trọng rất khiêm tốn. Để bảo đảm chất lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường này, vải thiều phải đáp ứng quy trình sản xuất chất lượng, an toàn, đặc biệt qua kiểm dịch gắt gao là phương pháp chiếu xạ.

Cải thiện chất lượng quả vải

Tỉnh Bắc Giang là thủ phủ của vải thiều, có tổng diện tích trồng vải khoảng 32 nghìn ha, sản lượng đạt khoảng 150 nghìn tấn. Nhằm đáp ứng tốt cho thị trường xuất khẩu, diện tích vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang đã mở rộng lên 12.000ha, với sản lượng ước tính gần 80.000 tấn và có khoảng 100 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu vào thị trường đòi hỏi chất lượng cao.

Từ đầu năm 2015, các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang đã triển khai sản xuất vải thiều chất lượng tốt nhất đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của các thị trường trái cây trên thế giới. Ngoài yêu cầu phải được trồng trên vùng đất được đăng ký, mỗi lô hàng phải kèm theo chứng chỉ của Cục Bảo vệ thực vật xác định sản phẩm phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang phối hợp với các địa phương tư vấn, hỗ trợ các tổ chức và nhân dân sản xuất, thu hoạch theo quy trình an toàn sinh học; khuyến khích, mở rộng canh tác theo tiêu chuẩn VietGap, Global Gap áp dụng khoa học tiên tiến vào quá trình sản xuất, bảo quản vải thiều.

Tại thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, từ đầu năm 2015, 72 hộ gia đình đã áp dụng mô hình sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn Global GAP. Trọng tâm của Global GAP là an toàn thực phẩm, sản phẩm được tạo ra có chất lượng và an toàn, nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và các tiêu chuẩn pháp lý.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, chánh văn phòng Ủy ban nhân dân xã Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, cho biết :

« Để đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp thì Ủy ban nhân dân huyện cùng với các sở ban ngành của tỉnh và các bộ ngành trung ương triển khai 60,38 hecta để sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP thực hiện tại thôn kép 1 của xã Hồng Giang. Khi thực hiện thì chất lượng quả vải đáp ứng nhu cầu các nước. Khi đại sứ quán của 13 nước có về Bắc Giang và đến huyện Lục Ngạn lên tận vườn và nếm quả vải Việt Nam thì đánh giá chất lượng là rất tốt. »

Qua những năm đầu tư cho cây vải thiều cả về chất lẫn lượng, đến nay sản phẩm "Vải thiều Lục Ngạn" đã được nhà nước bảo hộ, cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý. Qua đó, vải thiều sẽ được đóng gói vào các thùng, túi có nhãn mác, mã vạch và bán rộng rãi trên thị trường. Công tác quản lý việc sử dụng nhãn hiệu theo quy chế cần được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, đóng gói đến khâu tiêu thụ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Giáp Văn Thành, Thôn kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, giải thích :

« Số vải này đã được phía Mỹ cấp mã vùng, mã vạch là cái thứ nhất. Cái thứ hai là từ cấp huyện xuống cấp xã của địa phương là người ta chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chính thức là đã được cấp quả vải thiều sạch để xuất khẩu, và các nước đến mua cũng chấp nhận thương hiệu của quả vải thiều. Trước đây chúng tôi làm theo tiêu chuẩn Viet GAP của Việt Nam. Từ đầu năm nay 2015, chúng tôi bắt đầu làm theo tiêu chuẩn Global GAP, địa phương chúng tôi triển khai dưới sự quản lý của cơ quan nước ngoài. Chính thức là cơ quan của Mỹ, Úc, Nga về kiểm tra từ đầu vụ vải đến khi được thu hái, nếu được thì có một công ty của Việt Nam mua để xuất sang đấy cho họ. Người ta đến người ta kiểm tra xem sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có đúng không, canh tác, canh vườn, làm có đúng theo ý của người ta không thì người ta đã đưa ra quy trình sản xuất cho từng hộ gia đình rồi. »

Tỉnh Hải Dương cũng là một trong những địa phương triển khai mô hình sản xuất vải sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất 60.000 tấn vải, riêng huyện Thanh Hà đạt gần 27.000 tấn. Với mô hình sản xuất mới, quả vải của huyện Thanh Hà được thị trường nước ngoài đánh giá cao, đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu và những yêu cầu của Cơ quan thanh tra thực phẩm. Hải Dương cũng đã có 25 mô hình sản xuất vải thiều theo chương trình VietGAP với 229 ha, sản lượng được cấp chứng chỉ này khoảng 1.500 tấn. Gần 19 ha được cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn đi Mỹ.

Ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải Thanh Hà, nhận định :

« Nhìn chung thị trường chấp nhận là chất lượng vải thiều Hải Dương, theo người tiêu dùng đánh giá là chất lượng tốt hơn hẳn của Thái Lan, Trung Quốc. Vải Thanh Hà, Hải Dương là đứng đầu, nhất là xuất xa thị trường Malaisia người tiêu dùng đánh giá cao. Xuất sang Malaysia thì số lượng lớn chứ Mỹ thì chưa được bao nhiêu, năm nay là có cái mới là chiếu xạ. Ở Hà Nội thì máy chiếu xạ chưa đủ điều kiện nên phải xuất sang TPHCM chiếu xạ rồi mới xuất khẩu. »

Lợi nhuận gấp đôi

Đối với quả vải trồng theo quy trình VietGap và GlobalGap để xuất khẩu, giá thành cao gấp đôi so với vải trồng theo phương pháp truyền thống. Đây là một động lực khuyến khích nông dân tiếp tục và mở rộng diện tích đất trồng vải đạt chất lượng cao.

Ông Giáp Văn Thành đánh giá :

« Năm nay, vải chúng tôi được mùa, nhưng giá bán ngoài thị trường rất thấp, nhưng giá xuất khẩu thì cao gấp đôi giá ngoài thị trường. Gía chính thức bình quân là 24.000/kg. Tôi ví dụ như gia đình chúng tôi có 1 hecta thôi. Hiện nay tôi có 15 tấn. Lợi nhuận chúng tôi là tăng lên gấp đôi. »

Ông Giáp Văn Liên chia sẻ :

« Vải sạch giá đẩy lên cao, mấy mẻ thu hoạch đầu tiên được đem đi phóng xạ, thuốc bảo vệ thực vật. Năm nay sản lượng không bằng năm ngoái nhưng tiền nhiều hơn. Năm ngoái được khoảng tầm 100 triệu thôi, năm nay được tầm 200. Năm nay mình vẫn phải xuất khẩu sang Trung Quốc khá nhiều vì người ta thu mua không đủ nên phải xuất sang Trung Quốc. »

Chính vì quả vải sạch mang lại lợi nhuận gấp đôi, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn quy trình để nông dân sản xuất vải đáp ứng các tiêu chí vào các thị trường Mỹ và châu Âu, đồng thời khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng vải sản xuất theo quy trình Viet GAP, Global GAP.

Tránh lệ thuộc vào Trung Quốc

Từ trước đến nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của quả vải Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam cứ lệ thuộc vào một thị trường truyền thống này thì xuất khẩu quả vải sẽ bị đe dọa. Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc vẫn làm việc theo tính nhất thời, không có hợp đồng rõ ràng nên dễ làm tổn thương đến các nhà sản xuất nhỏ lẻ Việt Nam.

Giáp Văn Thành cho biết :

« Riêng từ trước đến nay, 20 đến 30 năm nay rồi, vải thiều vẫn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng năm nay có vải thiều xuất khẩu vào các thị trường này thì được một phần rất nhỏ trong thôn kép 1 chúng tôi thôi. Chính vì thế nên anh Trung Quốc vẫn là thị trường chính. Năm nay chúng tôi bán không được giá vì cơn bão số một vừa rồi là các anh rút về hết. cho nên vải của chúng tôi tụt xuống một cách thảm hại. Như năm ngoái chúng tôi bán được 30 nghìn một ký thì, năm nay họ mua một nửa còn một nửa họ rút về hết nên năm nay vải chúng tôi, vải bình thường Viet GAP, sụt giá rất nghiêm trọng. Chúng tôi muốn vận động bà con trong thôn tất cả cùng sản xuất vải sạch để xuất khẩu, mời các thương gia »

Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải Thanh Hà, xuất khẩu sang Trung Quốc giá thành không cao, và chủ yếu là theo đường tiểu ngạch do thủ tục đơn giản hơn so với chính ngạch. Xuất khẩu theo con đường này không những dẫn tới ùn tắc bởi tình trạng quá tải, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi nếu xuất khẩu qua cửa khẩu chính, thì thuế suất của mặt hàng gạo là 17%, ngoài ra còn bị kiểm soát chặt chẽ từ tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu qua đường tiểu ngạch với các chính sách biên mậu. Chính vì vậy, đã dẫn đến tình trạng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu chính không có, xuất qua cửa phụ lại bị ùn ứ.

Theo nhiều chuyên gia, nếu quả vải đảm bảo chất lượng và tôn trọng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, Việt Nam có nhiều triển vọng thâm nhập vào các thị trường mới Mỹ, Úc, châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này sẽ mang lại doanh thu gấp đôi và an toàn hơn cho việc xuất khẩu quả vải Việt Nam.

Với điều kiện thuận lợi về khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có rất nhiều loại trái cây chất lượng tốt phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Các loại trái cây xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam hiện nay là dứa đóng hộp, bưởi, xoài, thanh long… Kể từ năm 90 đến nay, diện tích trồng cây ăn quả của cả nước tăng đáng kể. Nếu so với thời gian cách đây chưa gần 20 năm, diện tích dành cho sản phẩm này chỉ bằng 1/3. Hiện cả nước có khoảng 775.500 ha cây ăn quả, trong đó diện tích đang thu hoạch khoảng 362.685 ha với sản lượng gần 3,9 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây ăn quả cả nước sẽ tăng lên 1,1 triệu ha, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,2 tỉ USD. Có thể nói, trái cây ở nước ta không chỉ đa dạng về chủng loại mà mùa nào cũng có sản phẩm.

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam tăng từ 260 triệu đô la vào năm 2011 đến 610 triệu đô la năm 2014. Chính phủ dự kiến tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu vào năm 2020, chủ yếu dựa vào vải, và những loại trái cây khác như thanh long.

(Tạp chí được thực hiện với sự cộng tác của Đặng Thị Hường, học viên Cao học năm 1, Trung tâm đào tạo ngành Báo chí, trường Đại học Strasbourg, Pháp). 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.