Vào nội dung chính
CAM BỐT - VIỆT NAM

Dân biểu Cam Bốt đưa hơn nghìn người "thị sát" biên giới với Việt Nam

Theo báo chí Cam Bốt, hai dân biểu đối lập nước này, hôm qua 19/07/2015 đã dẫn đầu hơn hai nghìn người trở lại khu vực cột mốc biên giới với Việt Nam, nơi đã xảy ra xô xát cách đây gần một tháng khiến nhiều người bị thương.

Cảnh biểu tình phía Cam Bốt, vùng biên giới ở Svay Rieng, ngày 19/07/2015
Cảnh biểu tình phía Cam Bốt, vùng biên giới ở Svay Rieng, ngày 19/07/2015 Reuters
Quảng cáo

Nhật báo Cambodia Daily đưa tin hai dân biểu đối lập của đảng Cứu nguy Dân tộc ( CNRP) , Real Camerin và Um Sam An đã cùng một đoàn khoảng 2500 người đi trên 100 xe bus từ thủ đô Phnom Penh đến khu vực cột mốc số 203 trong khu vực biên giới giữa tỉnh Svay Riêng và Long An, địa điểm đã xảy ra xô xát hôm 28/6 làm 7 người hai bên bị thương, trong đó có ông Real Camerin.

Lực lượng an ninh của hai bên đã huy động hàng trăm người đến để tránh không xảy ra xô xát. Chỉ có khoảng 100 người trong đoàn biểu tình được tiếp cận sát đường biên, còn lại phải đứng cách xa hàng trăm mét. Cuộc tập hợp kéo dài khoảng 45 phút, không có sự cố nào xảy ra.

Đây là lần thứ nhì, các dân biểu của đảng Cứu nguy Dân tộc cùng người ủng hộ đến khu vực có cột mốc biên giới giữa hai nước mà họ cho là đã được cắm sai lấn sang đất Cam bốt. Lần trước là vào hôm 28/6, họ đã tràn qua đường biên và gây ra xô xát dữ đội với dân địa phương Việt Nam, khiến 10 người phía Cam Bốt và 8 người Việt bị thương.

Vấn đề biên giới Cam Bốt – Việt Nam trở nên nóng từ vài tháng nay, từ khi đối lập Cam Bốt tố cáo chính phủ của Thủ tướng Hun Sen sử dụng bản đồ sai cho việc cắm mốc phân định biên giới hai nước.

Việt Nam và Cam Bốt có 1270 km đường biên, trong những năm qua hai bên đã tiến hành cắm mốc phân định được 83% chiều dài đường biên. Quãng biên giới còn lại đang còn những bất đồng về vị trí đặt mốc.

Trước sức ép của phe đối lập, Thủ tướng Hun Sen đã có một số động thái như đề nghị Liên Hiệp Quốc cho mượn bản đồ gốc mà nước này đã nộp lên tổ chức quốc tế này từ năm 1964. Hôm 16/7 vừa qua, ông Hun Sen trong một phát biểu đã thừa nhận có một số mốc biên giới đã cắm có sai sót cần phải điều chỉnh lại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.