Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Xây mới Long Thành hay nâng cấp Tân Sơn Nhất ?

Đăng ngày:

Dự án xây “Cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành” trong mấy năm qua đã gây rất nhiều tranh cãi ở Việt Nam, với nhiều ý kiến khác biệt nhau, nhưng có không ít chuyên gia đề nghị là nên nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện có, hơn là xây thêm một sân bay ở Long Thành.

Sân bay Nội Bài, Hà Nội đã được mở rộng để tăng khả năng đón hành khách. Ảnh chụp ngày 20/12/2014.
Sân bay Nội Bài, Hà Nội đã được mở rộng để tăng khả năng đón hành khách. Ảnh chụp ngày 20/12/2014. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Hiện nay, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ( được xây dựng từ năm 1930 ) là sân bay lớn nhất ở miền Nam Việt Nam. Sân bay này nằm tại khu vực nội đô của Sài Gòn, nay đã rất đông đúc và chật chội, cho nên khả năng mở rộng và bảo đảm an toàn bay bị xem là rất hạn chế.

Trong khi đó thì lượng khách quốc tế đến Việt Nam lại tăng nhanh và thị trường hàng không quốc nội cũng có rất nhiều tiềm năng với dân số Việt Nam nay đã vượt hơn 90 triệu người. Do công suất tối đa của sân bay Tân Sơn Nhất được thẩm định là khoảng 25 triệu khách, sân bay này bị cho là sẽ nhanh chóng bị quá tải, có thể là kể từ . Cho nên chính phủ Việt Nam mới nghĩ đến chuyện xây một sân bay mới với quy mô lớn hơn ở Long Thành, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không cũng như nhằm cạnh tranh với các sân bay lớn khác trong khu vực.

Tại cuộc hội thảo về hàng không Việt Nam vào tháng 08 năm ngoái, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, Tony Tyler đã đánh giá “Việt Nam là thị trường hàng không năng động và phát triển nhanh chóng.Trong giai đoạn 2008-2013, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng gần gấp 2 lần, tương đương với tỷ lệ 96%”.

Theo dự báo của IATA về ngành hàng không trong giai đoạn từ 2013 - 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Cùng với sự tự do hóa vận tải hàng không trong ASEAN, nhu cầu đi lại được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng từ năm 2015.

Cũng tại cuộc hội thảo nói trên, Tổng giám đốc Việt Nam Airlines Phạm Ngọc Minh cho rằng thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, vì hiện tại Việt Nam đứng thứ 3 về dân số, nhưng chỉ đứng thứ 5 về vận tải nội địa trong khu vực.

Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hiện giờ Việt Nam xếp thứ 82 về chỉ số cơ sở hạ tầng hàng không và xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia ASEAN.

Theo dự kiến Chiến lược phát triển ngành Giao thông Vận tải, vào năm 2020,Việt Nam sẽ có 26 sân bay. Hiện nay Việt Nam đang mở rộng hai sân bay quốc tế Hà Nội và Sài Gòn. Còn sân bay quốc tế mới Long Thành dự trù sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2020 và trên nguyên tắc phải được khởi công xây dựng kể từ năm nay.

Theo dự kiến, sân bay quốc tế Long Thành, mà tên chính thức gọi là “Cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành” “ sẽ nằm ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, cách Sài Gòn khoảng 40 km theo hướng Đông Bắc.

Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã được đưa ra từ rất lâu, từ năm 1997, tức là cách đây gần 20 năm. Nhưng mãi đến năm 2005, Ban cán sự Đảng Chính phủ mới chỉ đạo bộ Giao thông Vận tải lập “Báo cáo tiền khả thi đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành”. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI, trong phần “Định hướng phát triển hạ tầng giao thông” cũng đã đề ra chủ trương “Huy động nguồn vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư để đầu tư xây dựng mới Cảng trung chuyển hàng không Quốc tế Long Thành”.

Theo Quy hoạch tổng thể, sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh đạt tiêu chuẩn quốc tế mới nhất, có thể phục vụ các loại máy bay 2 tầng khổng lồ như Airbus A380, Boeing 747, có 4 nhà ga rộng lớn và hiện đại, với công suất tổng cộng phục vụ ít nhất là 100 triệu khách/1 năm. Cũng theo dự kiến thì dự án sân bay Long Thành sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn: 2015-2020, 2020-2030, 2030-2035 và sau 2035.

Với tổng số vốn đầu tư lên tới 18,7 tỷ đôla, khi đi vào hoạt động thì sân bay Long Thành sẽ đảm nhiệm 80% tổng lượng khách quốc tế, tính luôn cả khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế và 20% khách quốc nội, trong khi đó sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chủ yếu phục vụ các chuyến bay quốc nội với việc đảm nhận 80% khách quốc nội và 20% khách quốc tế, nhưng không đảm nhận các chuyến bay trung chuyển, cũng như khách quá cảnh trên các chuyến bay quốc tế.

Kế hoạch dự kiến là như thế, tuy nhiên có những chuyên gia như tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ và quản lý TP Hồ Chí Minh ( HASCON ), cho rằng dự án sân bay Long Thành có rất nhiều bất cập.

« Mục tiêu của Nhà nước Việt Nam là xây dựng một sân bay lớn, phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay. Đó là một mục tiêu đúng. Vấn đề là phải xây dựng như thế nào. Phải có một báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đầu tư. Báo cáo đó phải do các nhà tư vấn lành nghề, có trình độ cao xây dựng và sau đó chính phủ duyệt và trình lên Quốc hội. Nếu Quốc hội thấy báo cáo ấy là đúng và có hiệu quả kinh tế thì Quốc hội sẽ thông qua chủ trương đầu tư.

Hiện nay chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhưng Quốc hội chưa duyệt. Vừa rồi, chính phủ lại chuyển sang cho Đảng, nhưng Trung ương Đảng cũng không duyệt, mà chỉ bảo là phải làm lại, bởi vì còn rất nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu lại, điều chỉnh lại.

Việc Hội nghị Trung ương Đảng vừa rồi yêu cầu phải sửa chữa lại báo cáo là rất phù hợp với những kiến nghị của chúng tôi rằng báo cáo đó còn rất nhiều khiếm khuyết, bất cập. Chúng tôi đã vạch ra 7 bất cập rất lớn. Thứ nhất là bất cập về pháp luật. Thứ hai là vai trò và vị trí của cảng hàng không quốc tế trong mục tiêu phát triển đất nước hiện nay. Thứ ba là không có thiết kế sơ bộ, dẫn đến những hậu quả nặng nề. Thứ tư là lựa chọn phương án đầu tư sơ sài, không chính xác. Thứ năm là tính toán sai về hiệu quả kinh tế, xã hội. Thứ sáu là giải pháp huy động vốn hết sức mơ hồ. Thứ bảy là chưa xét đến những rũi ro tất yếu. Chúng tôi đã phân tích rất nhiều những sai sót của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. »

Đối với các chuyên gia như tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, không cần phải xây một sân bay mới ở Long Thành mà chỉ cần nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, với chi phí thấp hơn nhiều, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng không của Việt Nam.

« Khi xây dựng đề án sân bay Long Thành, người ta kể ra rất nhiều lỗi của sân bay Tân Sơ Nhất. Chúng tôi phân tích rất nhiều từng lỗi một để chứng minh là họ nói không đúng. Chúng tôi khẳng định Tân Sơn Nhất có thể được nâng cấp lên, phù hợp với ( tiêu chuẩn ) quốc tế và với một kinh phí rất rẻ, tốn 3 tỷ đôla thôi, mà vẫn thỏa mãn được những nhu cầu của Long Thành, một dự án tốn tới 18,7 tỷ.

Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ, đã có những bài viết, hội thảo về vấn đề này. Trong các bài tham luận, chúng tôi đã tính toán rằng chỉ cần 1,7 tỷ là có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất để nâng số hành khách lên 56-57 triệu hành khách mỗi năm, mà không cần giải tỏa bất cứ người dân nào. Chỉ cần giải tỏa sân golf trong khuôn viên Tân Sơn Nhất.

Còn sau này, đến năm 2050, cần nâng cấp lên thêm thì có thể nâng cấp Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách/năm, với điều kiện giải tỏa, di chuyển tất cả các đơn vị quân sự trong khuôn viên Tân Sơn Nhất ra ngoài ».

Trong Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vào đầu tháng 5 vừa qua, Ban chấp hành trung ương Đảng vẫn xem chủ trương xây sân bay Long Thành là “đúng đắn” và xem đây là một dự án “có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Nhưng theo nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Ban chấp hành trung ương Đảng coi như chưa thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo mà Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ chính trị xem xét.

« Chúng tôi rất mừng là Ban Chấp hành Trung ương còn yêu cầu Bộ Giao thông phải lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các tổ chức xã hội, như hội HSCON của chúng tôi, thảo luận với chúng tôi. Và nếu như có điểm gì chưa thống nhất, thì phải giải trình cho chúng tôi, để làm sao đi đến đồng thuận toàn xã hội. Tôi rất trân trọng cách giải quyết như thế của Ban chấp hành trung ương, rất khoa học, không có gì đáng trách cả. Ban chấp hành trung ương rất công bằng, rất sòng phẳng.

Bây giờ chúng tôi kiến nghị rất cụ thể là bộ Giao thông ngồi với chúng tôi, các chuyên gia hai bên ngồi lại, bàn từng vấn đề một, thảo luật sòng phẳng, rõ ràng, tranh luận trực tiếp để làm rõ vấn đế. Điều đó hoàn toàn phù hợp với ý kiến của Ban chấp hành trung ương Đảng. »

Yêu cầu thảo luận trực tiếp với Bộ Giao thông đã được Hội tư vấn HASCON đưa ra trong bản kiến nghị đề ngày 10/05/2015. Cụ thể, hội tư vấn này đề nghị thảo luận với Bộ giao thông về những tiêu chí, điều kiện để sân bay Long Thành trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế. dự báo hiệu quả thực tế của sân bay , về vốn đầu tư, về phương án xây dựng và phát triển, cũng như những vấn đề liên quan đến sử dụng đất, giải phóng mặt bằng và tái định cư....

Nhưng trong trận đấu Long Thành – Tân Sơn Nhất còn lâu với ngã ngũ. Tại cuộc hội thảo về dự án sân bay Long Thành do báo Lao động kết hợp với Cục Hàng không Việt Nam tổ chức ngày 14/05 tại Sài Gòn, cũng còn nhiều ý kiến ủng hộ việc xây sân bay mới. Chẳng hạn như ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng sân bay Long Thành có lợi thế là sẽ “ giải quyết được hạn chế tổ chức vùng trời mà Tân Sơn Nhất đang gặp phải, (... ),đồng thời giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, khí thải, các nguy cơ về an toàn hàng không cho khu vực dân cư dầy đặc của thành phố và đặc biệt là có thể đảm bảo khai thác 24/24h".

Trong cuộc hội thảo này, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng ủng hộ việc giải tỏa sân bay Tân Sơn Nhất để xây sân bay Long Thành. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam thì khẳng định rằng: “Vị trí được lựa chọn đầu tư xây dựng và quy mô đầu tư của Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để hình thành, phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có khả năng cạnh tranh trong khu vực.”

Nhưng cũng trong cuộc hội thảo này, ông Trần Đình Bá, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không thì nêu lên các câu hỏi: “Tìm đâu ra tổng số vốn đầu tư lên đến 18,7 tỷ đôla để thực hiện việc xây dựng sân bay Long Thành? Sử dụng trong vòng bao lâu sẽ hoàn lại được vốn?"

Ông cũng lo ngại là dự án sân bay Long Thành nếu đuợc triển khai vội vả sẽ tạo gánh nặng nợ nần, tạo sức ép rất lớn lên nền kinh tế và khi hoàn thành thì chưa chắc đã có đủ số lượng hành khánh tương xứng với quy mô của sân bay bay, chưa chắc có thể cạnh tranh được với Tân Sơn Nhất, trong khi một số sân bay quốc tế khác ở miền Nam như Cần Thơ, Phú Quốc khách cũng không nhiều.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.