Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Lời kêu gọi Hà Nội trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức

Ngày 24/05/2009 cách nay đúng 6 năm, blogger Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và bị khởi tố với tội danh chống chính quyền Xã hội chủ nghĩa. Nhà doanh nghiệp kêu gọi cải cách chính trị và tôn trọng nhân quyền đã bị chính quyền Việt Nam kết án 16 năm tù cộng thêm 5 năm quản chế.

Bốn bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm tháng 01/2010. Từ phải sang trái: Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức - AFP /TTXVN
Bốn bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm tháng 01/2010. Từ phải sang trái: Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức - AFP /TTXVN
Quảng cáo

Hôm nay 24/05/2015, một bản thông cáo chung yêu cầu trả tự do cho tù nhân lương tâm này được công bố trên các mạng điện tử. Tổng cộng có 36 tổ chức trong và ngoài nước từ Amnesty International đến Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền đồng ký tên.  

Trong bản thông cáo bằng tiếng Anh và tiếng Việt, các tổ chức ký trong lời kêu gọi nhắc lại phiên tòa ngắn ngủi ngày 20/01/2010. Bốn nhà tranh đấu ôn hòa là Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung và Lê Thăng Long bị xét xử với tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền”.

Ba người bị lãnh án từ năm đến bảy năm tù và đã được tự do. Riêng ông Trần Huỳnh Duy Thức vẫn còn bị giam vì bản án nặng hơn đến 16 năm tù. Phiên xử bị chỉ trích là không công bằng còn các bản án bị nghi ngờ đã được chuẩn bị trước.

Nhân đánh dấu năm tù thứ sáu của nhà tranh đấu, 2009-2015, các tổ chức ký tên kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng những lời cam kết với Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, thực hiện 31 khuyến nghị đã chấp nhận trong kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc năm 2014 về quyền tự do phát biểu. Cho đến nay, trường hợp quyền tự do ngôn luận của Trần Huỳnh Duy Thức chưa được Việt Nam giải quyết sáng tỏ, theo bản thông cáo công bố trên mạng.

Cách nay gần ba năm, ngày 23/11/2012, Nhóm Làm việc chống Giam giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc WGAD cũng đã kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho bốn tù nhân lương tâm kể trên và bồi thường thiệt hại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.