Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Việt Nam : Vì sao nhiều văn sĩ đồng loạt bỏ Hội Nhà văn ?

Đăng ngày:

Đầu tháng 5/2015 vừa qua, giới văn chương chứng kiến một sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Việt Nam cộng sản : gần 20 văn sĩ – trong đó có nhiều cây bút tên tuổi – tuyên bố rút khỏi Hội Nhà văn, tổ chức chính thức duy nhất cấp quốc gia của những người sáng tác văn chương. Vì sao Hội Nhà văn Việt Nam, vốn được coi là « ngôi đền của văn chương » trong nước, lại bị nhiều nhà văn đồng loạt lánh xa như vậy ? Xuyên qua vấn đề đi hay ở là những ám ảnh lớn đối với văn giới Việt Nam hiện nay : quyền tự do sáng tác, ý nghĩa của hội đoàn và mối quan hệ giữa văn chương và chính trị, một liên đới tiềm ẩn và hệ trọng, nhưng ít có dịp được thảo luận công khai và cặn kẽ trong nước. Tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự tuần này giới thiệu với quý vị các quan điểm đa chiều về những vấn đề nói trên.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực cơ quan trung ương, Hà Nội, 16/05/2015. Ảnh Trần Nhương :  tranlao.blogspot.fr.
Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khu vực cơ quan trung ương, Hà Nội, 16/05/2015. Ảnh Trần Nhương : tranlao.blogspot.fr.
Quảng cáo

Ngày 11/05, 16 nhà văn ra Tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam tiếp theo sự kiện nhiều hội viên – thành viên Ban vận động Liên đoàn độc lập – bị tước quyền « tham gia Đại hội lần IX » tại một Đại hội cấp địa phương khu vực miền Nam (Tuyên bố từ bỏ này còn nêu thêm tên bốn nhà văn khác - vốn trước đây cũng là thành viên Ban vận động - nhưng hai vị đã quyết định ra khỏi nhóm từ nhiều tháng trước, và hai vị ra trong đợt này). Biến cố đặc biệt nói trên gần như rơi vào im lặng, báo chí chính thống trong nước bặt tăm, ngoại trừ một bài viết ngắn trên trang Vnexpress.net, một trang tin chính thống, ngày 13/05, tuy nhiên ngay sau đó, đã bị tờ báo mạng này rút xuống.

Văn đoàn Độc lập Việt Nam, những tố cáo của một số nhà văn bị áp lực, hay đe dọa, do tham gia Ban vận động hay hiện tượng bỏ hội mới đây... là các chủ đề khó nói đối với nhiều người. Khi chúng tôi liên lạc với nhà văn Phong Điệp (Hà Nội), chị đã từ chối, không muốn bày tỏ thái độ. Trường hợp của nhà văn Phong Điệp có lẽ không phải là duy nhất.

Sự kiện phức tạp, trong lúc thông tin rất ít ỏi trên báo chí chính thức, và cũng không nhiều trên các trang mạng cá nhân, dường như đã khiến cho biến cố nói trên trở nên không dễ hiểu với công chúng, ngay cả với nhiều người trong văn giới. Ban lãnh đạo Hội Nhà văn, cho đến nay, chưa đưa ra thông báo chính thức gì về vấn đề này.

Theo một số nhân chứng, Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam, ra đời cách nay hơn một năm với tôn chỉ « góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới », ngay từ đầu đã chịu nhiều nghi ngờ, quy kết và kể cả áp lực, khi công khai, lúc kín đáo (có thể xem bài « Tâm sự của một nữ sĩ [nhà văn Dạ Ngân] phải rút khỏi Văn đoàn Độc Lập » ). Một số nhà văn cho biết Ban lãnh đạo Hội Nhà văn cho lưu hành một dự thảo điều lệ của hội, cấm hội viên tham gia vào các « tổ chức bất hợp pháp », một phần để ngầm chỉ Ban vận động Văn đoàn Độc lập. Tuy nhiên, nhiều thành viên của nhóm vẫn kiên định con đường này, mặt khác họ cũng không từ bỏ cương vị hội viên Hội Nhà văn. Vì sao các nhà văn trong Ban vận động lại chọn thời điểm hậu « bầu chọn » để thông báo quyết định ra khỏi Hội ? 

16:34

Tạp chí Việt Nam 18/05/2015

Hai cách nhìn về một biến cố

Sau đây mời quý vị theo dõi phần giải thích của nhà thơ Hoàng Hưng (TP Hồ Chí Minh), thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, nhưng không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam :

« Trong những năm gần đây, càng ngày người ta càng thấy rõ tính chất nghề nghiệp của Hội Nhà văn bị chìm xuống dưới, mà nổi lên là tính chất của một tổ chức chính trị nhiều hơn. Cũng không phải mới đây, rất nhiều nhà văn trong Hội đã phản đối tình trạng đó. Những nhà văn của Hội Nhà văn tham gia Ban vận động này họ cũng không đả kích gì Hội Nhà văn cả, chỉ có điều họ không thích thì chắc họ cũng bỏ bê không sinh hoạt tham dự công việc của Hội Nhà văn thôi.

Nhưng mà đến khi để chuẩn bị cho Đại hội mới của Hội Nhà văn đã công khai đưa ra một chỉ thị là không được bầu cho những người trong Ban vận động Văn đoàn này, làm đại biểu đi dự Đại hội. Cái đó phải nói là họ quá tùy tiện. Bản thân cái việc đó đã vi phạm điều lệ của Hội Nhà văn rồi. Và đối với danh dự của những nhà văn trong Ban vận động Văn đoàn, đa số là những nhà văn lão thành, đáng kính, và rất có uy tín trong xã hội, thì phải nói đó là hành động quá phũ phàng, và phải nói là quá xấc xược. Cho nên, với danh dự của người cầm bút, anh chị em họ không chịu nổi nữa, họ buộc phải tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn. Cái đó tôi thấy hoàn toàn hợp tình, hợp lý, không thể chê trách được họ việc nào cả ».

Từ một góc nhìn khác, nhà thơ Đặng Huy Giang – hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ Hà Nội) - nhận xét :

« Mình cho rằng, việc lựa chọn vào Văn đoàn Độc lập hay Hội Nhà văn Việt Nam, đấy là quyền tự do của mọi người thôi. Cái chuyện người này vào hội này sang hội kia, cũng là bình thường. Thật ra tham gia hội đoàn đúng là nó không loại trừ lẫn nhau, nhưng mà có việc : khi Văn đoàn độc lập ra đời, tức là đang vận động thôi chứ chưa ra đời, thì khi tuyên bố lại to tiếng quá. Họ đứng ra họ nói là : chúng tôi sẽ làm thay đổi văn hóa, thay đổi văn học Việt Nam, rồi là chúng tôi sẽ bảo vệ quyền lợi vật chất, tinh thần cho hội viên.

Khi anh ra đời mà anh tuyên bố như thế là đã bắt đầu chạm đến phía bên kia rồi. Nhưng mà ở Việt Nam từ lâu người ta không quen cái kiểu vào hai hội, vẫn quen vào Hội Nhà văn, vào trong một tổ chức Nhà nước, nên người ta nghe một tổ chức này, tổ chức khác, như Văn đoàn Độc lập, người ta có vẻ ngại ».

Sự im lặng của các hội viên : sợ hãi hay băn khoăn ?

Nhìn cụ thể hơn về sự kiện đã dẫn đến việc gần 20 văn sĩ quyết định từ bỏ Hội Nhà văn, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết ông cảm thấy « buồn » trước thái độ của những đồng nghiệp văn chương khu vực phía nam, có mặt tại buổi bỏ phiếu truất quyền tham gia Đại hội của nhiều thành viên Ban vận động.

« Ngoài đời, người ta vẫn chơi với nhạu, bạn bè thân thiết, nhưng khi vào đây, đặt trong khuôn khổ đó, nỗi sợ hãi chính trị đã khiến cho tất cả im lặng, không dám lên tiếng, mặc dầu nó là quyền lợi, trách nhiệm của mình, với tư cách là hội viên ».

Về vấn đề này, nhà thơ Đặng Huy Giang nói nếu có mặt ông sẵn sàng chất vấn, nhưng ông cũng có một câu hỏi khác. 

« Mình tiếc là mình không có mặt trong Đại hội trong đấy. Chứ nếu có, mình sẽ đứng lên mình hỏi là : Ai chủ trương, ai có lệnh này ? Nhưng mình cũng nêu một trường hợp, như anh Bùi Minh Quốc. Anh ấy cũng đi dự để được đi họp tại Đại hội đại biểu, nhưng anh ấy không trúng, thì anh ấy về anh ấy xin ra. Nếu anh đã không thích nó, thì sao anh đến ngồi đấy ?! ».

Anh không thích nó, thì anh đừng tham dự, khi tham dự không được bầu, thì anh lại xin ra ».

Nhà thơ Bùi Minh Quốc dường như là thành viên đầu tiên của Ban vận động có tuyên bố riêng chi tiết về vấn đề này, phê phán trực diện các hành xử mang tính « áp đặt » của lãnh đạo Hội Nhà văn, ngay tại đại hội của Hội nhà văn Việt Nam khu vực miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long họp tại Mỹ Tho, ngày 04/05/2015. Quan điểm của ông được thuật lại qua bài « Nhà thơ Bùi Minh Quốc tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam » ngày 10/05, đăng tải trên trang Văn việt, trang blog của Ban vận động).

Không muốn xì-căng-đan, nhưng…

Vì sao lại có sự lưỡng lự đi ở, nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên là một lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Trường ban Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập, giải thích :

« Trong thực tế, đã hơn mười năm rồi tôi không dính dáng gì đến Hội Nhà văn Việt Nam, mặc dầu tôi chưa ra. Là vì tôi muốn không gây ra những gì gọi là xì-căng-đan. Ở Việt Nam người ta hay nghĩ như thế.

Nhưng càng ngày tôi càng thấy thế này : cái điều quan trọng nhất, đó là cái quyền tự do sáng tác, tự do đưa tác phẩm đến công chúng, và công chúng có quyền tiếp cận tự do với tác phẩm. Cái Hội Nhà văn qua bao nhiêu năm nay đã không làm được việc đó.

Chúng tôi mong có một tổ chức (để) anh em gần gũi nhau, thân thiết với nhau, hỗ trợ nhau trong sáng tác, và đặc biệt là cùng nhau đấu tranh cho quyền tự do sáng tác. Cái đó là sinh tử đối với người viết văn. Những hành động của Hội Nhà văn, cách xử trí của Hội Nhà văn, ví dụ như đối với những tác phẩm bị đối xử không đúng đắn, thì họ không hề lên tiếng bảo vệ, và thậm chí còn hùa thêm vào cái việc vùi dập các tác giả đó nữa. Cái việc đó làm cho một số anh em chúng tôi thấy càng ngày không thể ở trong cái hội như thế được nữa.

Thực ra cái khi chúng tôi làm một ban vận động Văn đoàn Độc lập là chúng tôi cũng đã muốn tách ra khỏi Hội Nhà văn đó rồi, nhưng chúng tôi cũng còn suy nghĩ, cân nhắc thế này, thế khác ».  

Đi ở : Quen rồi chẳng có vấn đề gì

Từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo, một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì lại có một cái nhìn nhẹ nhõm, khác hẳn :

« Cái này mình coi nó là một chuyện bình thường đi ! Đừng có nghĩ nó là cái gì ghê gớm, gây sốc !... Có ở Hội, ra Hội thì cũng thế thôi, vấn đề cuối cùng là tác phẩm của anh, nhân cách của anh. Không có hội đoàn nào quyết định anh cái gì cả. Cái này là toàn thế giới, chứ không phải riêng Việt Nam.

Bởi vì Việt Nam chưa quen chuyện có nhiều hội đoàn. Cái gì mà pháp luật không cấm thì có thể làm được. Mình cũng nên bình thường hóa, đừng có chính trị hóa… Theo tôi như thế thì dễ hiểu hơn. Trong hội nghị miền Trung cũng có một vài ý kiến, vài nhà văn lên án (những người theo Ban vận động Văn đoàn Độc lập). Tôi nghĩ, tại sao lại lên án những chuyện như thế. Chẳng hạn như ở Pháp bây giờ, có biết bao nhiêu hội nhà văn ?! Bởi vì ở mình chưa quen. Tôi nghĩ chưa quen thì không nên trách, khi quen rồi, thì lúc đó chẳng có vấn đề gì cả ».

Hội Nhà văn : nơi khẳng định vai vế trong xã hội

Thực tế của việc tham gia hay không vào Hội nhà văn đối với nhiều người hoạt động văn chương ở Việt Nam dường như có một ý nghĩa hết sức hệ trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (vốn không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng lại là Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội) nhận xét :

« Người ta vẫn quan niệm rằng, có vào những hội này mới được gọi là nhà văn, nhà thơ. Hội Nhà văn Việt Nam đang có rẩt nhiều người xin vào, đơn xếp dài, Hội Nhà văn Hà Nội cũng vậy. Họ coi như đấy là Hội chính thống, chính thức, và khi được kết nạp vào là coi như là được công nhận.

Người ta kể câu chuyện một anh đến khi được kết nạp, đã rước thẻ hội viên về, cúng gia tiên, cúng họ hàng, khao cả làng, mời mọi người. Nếu như anh ở các địa phương, thì danh giá nhà văn có vẻ cũng được trọng vọng hơn ».

Về vấn đề này, nhà thơ Hoàng Hưng cho biết thêm :

« Có hiện tượng có nhiều người, người ta chả tha thiết gì với Hội Nhà văn, chả tham gia hoạt động gì đâu, nhưng người ta phải vào Hội Nhà văn, phải phấn đấu vào Hội Nhà văn. Nếu những người viết lách ở địa phương mà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ở địa phương họ sẽ nể trọng hơn, họ không làm khó khăn, và có thể có nhiều quyền lợi đi kèm theo ».

Trường hợp nữ văn sĩ Nguyễn Ngọc Tư sau khi bị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đảng CS tỉnh Cà Mau yêu cầu kỷ luật (hồi đầu năm 2006), do cuốn tiểu thuyết « Cánh đồng bất tận » được lãnh đạo Hội ủng hộ từ sớm, và cuốn tiểu thuyết được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 10/2006, cho thấy định chế Hội Nhà văn từng có vai trò tích cực trong việc bảo vệ người viết, ít nhất cũng là trước áp lực của chính quyền địa phương.

Hội Nhà văn có bảo vệ quyền tự do sáng tác hay không ?
 
Về tự do sáng tác – một vấn đề cốt lõi gây bất đồng -, nhà thơ Hoàng Hưng cho biết ý kiến :

« Cái hội đoàn khi tập hợp lại, nếu như làm được nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích đấu tranh cho quyền đó, thì nó sẽ có tác dụng rất tốt, đối với sáng tác. Không phải ‘‘automatique’’, nghĩa là khi làm điều đó, thì sẽ có ngay tác phẩm xuất sắc đâu ! Nhưng chắc chắn, nếu nó có một tác động tốt, để tạo ra một bầu không khí tự do, dân chủ trong xã hội, đối với các nhà văn, thì chắc chắn là các nhà văn sẽ có sự tự tin, và có sức mạnh phấn khích để sáng tác. Và chắc chắn như thế, không trước thì sau, cũng có những tác phẩm xuất sắc ! (Nhưng) Hội Nhà văn không quan tâm đến những việc đó. Mà cái quan tâm của Hội Nhà văn người ta thấy rất rõ là chỉ quan tâm đưa các nhà văn vào đúng định hướng gọi là ‘‘xã hội chủ nghĩa’’ của Đảng lãnh đạo ».

Có tài, không rào nào cản được

Không đồng tình với quan điểm cho rằng các hội viên bị ban lãnh đạo hội định hướng, nhà thơ Đặng Huy Giang giải thích :

« Mình vẫn cho là Hội Nhà văn là tương đối thoải mái. Không khí sáng tác cởi mở hơn ngày xưa rất nhiều. Ví dụ như bây giờ in thơ, in rất thoải mái. Ngay cả quyển “Trại súc vật” (xin xem thêm ở phần dưới) thì cuối cùng cũng có cấm đâu. Hay một số quyển nặng nề, ví dụ như quyển của anh Hoàng Minh Tường, ‘‘Thời của Thánh Thần’’ người ta cũng có cấm đâu. Mà anh Hoàng Minh Tường anh ấy nói sát sàn sạt. Thậm chí anh ấy còn nêu cả tên người ra.

Đương nhiên để bắt kịp được những nước văn minh hơn, tiên tiến hơn, cũng phải có thời gian. Nếu anh hay thật, thì anh không in trong nước, anh in ở nước ngoài cũng được chứ sao. Còn Hội Nhà văn họ không chỉ đạo cái gì không. Anh Hữu Thỉnh anh ấy vẫn nói là làm sao viết cho hay. Mà làm sao chỉ đạo được các nhà văn, các nhà văn có nghe ai đâu mà chỉ đạo họ được. Nhà văn là khó chỉ đạo nhất đấy, có lẽ không phải chỉ riêng Việt Nam đâu ».

Tiểu thuyết "Thời của Thánh Thần" của Hoàng Minh Tường do NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2008, bị Bộ Thông tin Truyền thông ra lệnh thu hồi ngay sau đó. Sách dịch qua tiếng Pháp, được NXB Les Editions de La Fremillerie phát hành năm 2014, với tên gọi "Le temps des génies invincibles". 

Về ‘‘Trại súc vật’’ : Cuốn “Animal Farm : A Fairy Story (của nhà văn George Orwell), dịch sang tiếng Việt với tên gọi “Chuyện ở nông trại”, được NXB Hội nhà văn kết hợp với công ty Nhã Nam xuất bản năm 2013. Tuy nhiên sau đó có tin cuốn sách bị thu hồi (xem bài “Sách bị cấm phát hành vẫn “nhơn nhơn” giữa chợ sách”, trang Dân Việt ngày 10/02/2015, trích báo Phụ nữ Thủ đô). Trước đó (năm 2010), NXB Giấy vụn – một nhóm xuất bản tư không cần cấp phép của Nhà nước - đã in cuốn sách này với tên "Trại súc vật".
 
Gì sợ bằng văn dở lên ngôi

Tự do sáng tác, nhưng tự do trong không khí xã hội nào, công chúng nào. Tự do công bố tác phẩm nhưng công chúng tiếp nhận ra sao. Nhà văn Nguyên Ngọc lo ngại, môi trường văn hóa nói chung hiện nay, không chỉ văn học, sự vinh danh những gì tầm thường đang là một mối tai họa ghê gớm.

« Nghệ thuật mà dở thì rất có hại. Chứ không phải là nghệ thuật xấu – như người ta hay nói – về mặt tư tưởng, hay sai về mặt tư tưởng. Nghệ thuật dở có khi còn hại hơn. Cái đó Hội Nhà văn này cũng không quan tâm. (Không biết) vô tình hay cố ý mà khuyến khích cái loại đó, thì càng ngày càng làm cho cái thị hiếu, cái thưởng thức của người xem càng ngày càng thấp, và như vậy những tác phẩm hay, những tác phẩm cao cả không đến được.

Lâu nay người ta hay nói đến những cản trở có tính chính trị, thường người ta hay quan tâm đến cái đó, nhưng theo tôi, tôi cho cái quan trọng hơn là sự cản trở bằng cái dở, làm cho cái hay, cái tốt, đẹp, cái cao cả, không đến được. Người ta chai lì, thì cái đó cực kỳ nguy hiểm.

Hội Nhà văn biểu dương ông Hoàng Quang Thuận, xúm nhau lại mà ca ngợi ông Hoàng Quang Thuận, từ ông Tổng thư ký và một số người ở các cơ quan lãnh đạo, liên quan đến văn hóa, văn nghệ. Chỉ riêng việc đó thôi, Hội Nhà văn không còn ra Hội Nhà văn nữa ».

Về sự tầm thường hóa lên ngôi, đáng nhớ có khổ thơ hóm hỉnh của Nguyễn Vũ Tiềm, « Được chăn dắt quá kĩ càng/Văn bò sát, thơ bầy đàn phổng phao/“Ra ngõ là gặp đỉnh cao”/Bằng khen giải thưởng ồn ào hàng năm… » (« Văn đàn bi tráng », 2009). Trả lời RFI qua điện thoại, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (Sài Gòn) cho biết, ông không tin là người ta lại có thể ngăn chặn được các tác phẩm có giá trị đích thực, bởi những tác phẩm này bao giờ cũng sẽ được đánh giá đúng mức. Hiện tượng « thơ Hoàng Quang Thuận » chỉ là « một phút vô tình, không tỉnh táo », không thể qua mắt được tất cả mọi người. Về nguyên tắc, theo ông, tự do là khao khát lớn, nhưng trong một xã hội không thể có tự do tuyệt đối…

Thỏa hiệp là tự cắt bớt tự do

Trở lại vấn đề tự do sáng tạo văn học trong bối cảnh hiện nay tại Việt Nam, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu ra một khía cạnh tinh vi của việc tự do sáng tạo bị cắt giảm.

« Một khi đã thỏa hiệp, tức là anh cũng tự cắt bớt tự do của mình rồi. Anh phải viết những cái gì an toàn, ở mức an toàn. Cho nên lâu nay, ngay cả cấp quản lý cũng thấy, họ cũng biết là văn học, văn học không có tác phẩm lớn, văn học cũng còn lờn vờn ở bên ngoài hiện thực, là bởi vì các nhà văn, các nhà thơ, cũng ngại ngùng, cũng né tránh.

Tôi nói ví dụ như : trước đây viết về cuộc chống Pháp được, viết về cuộc chống Mỹ được, nhưng viết về cuộc phía Bắc là không được, vì Trên không cho viết. Không (được) đụng gì đến, cả văn chương, cả báo chí, cả dư luận, không nói gì đến cuộc chiến tranh phía Bắc với Trung Quốc. Nhà văn chúng ta không viết, vì vẫn mang tâm lý, viết là để in, mà không in được thì không viết. Cho nên, chúng tôi vẫn hay nói với nhau là : có rất ít tác phẩm để ‘‘ngăn kéo’’».

Về nguồn gốc của sự thỏa hiệp, nhà thơ Đặng Huy Giang có đưa ra một giải thích rõ ràng :

« Bất cứ một hội nào ở đất nước Việt Nam này đều nghe quen một câu “Đảng lãnh đạo toàn diện”, cho nên Hội Nhà văn cũng là người của Đảng thôi, thì làm thế nào được nữa, cũng phải làm theo định hướng thôi… Trong một đất nước như thế này, cũng phải chấp nhận thế thôi ! Hội Nhà văn cũng là một bộ phận thôi, thì làm sao, làm gì thay đổi được ?! Bởi vì nếu anh làm thay đổi, thì anh bị văng ra thôi ! ».

Đã gần 10 năm kể từ khi Nguyễn Khải công bố tiểu luận « Đi tìm cái tôi đã mất », phanh phui những uẩn ức của mình về một chế độ - mà một đời ông phục vụ -, được rất nhiều người khen, nhưng bị không ít chê trách nghi ngờ, đặc biệt từ nhiều đồng nghiệp cùng thời biết rõ ông. Sự phản tỉnh muộn màng của Nguyễn Khải, cho dù chưa hoàn toàn thành thực theo một số đánh giá, hay sự chia tay dứt khoát từ sớm của Nguyễn Minh Châu có thể vẫn còn có ích đối với nhiều người cầm bút hiện nay, ở Hội Nhà văn hay kể cả đã là thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, đang có nhu cầu đối diện với chính mình, với một lối sáng tác mang tính minh họa hay tính công cụ, dù dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ước mơ một đời sống văn học có nhiều trường phái

Trong phần cuối của tạp chí, chúng tôi giới thiệu một suy nghĩ khác của nhà văn Nguyên Ngọc. Sự ra đời trong tương lai của một văn đoàn độc lập, hay nhiều tổ chức văn nghệ khác, có quy mô nhỏ, cho phép ông nuôi tiếp ước mơ về một chuyển biến căn bản của sáng tác, đoạn tuyệt với thực tại đáng buồn hiện nay.

« Tôi mong có một tổ chức, mà nay mai có thể có thêm các tổ chức văn học, nghệ thuật khác nữa, nhỏ thôi, và độc lập, để nó (đời sống văn học) đa dạng đi.

Một người lãnh đạo văn nghệ rất giỏi là ông Trần Độ. Có hôm ngồi, nói chuyện xong, tôi bảo, cố gắng làm thế nào để nâng cao cái nền chung của cái văn học của mình, để hy vọng rằng, trong mấy chục năm nữa có những đỉnh cao. Thì ông ấy nói một câu rất hay. Tôi không ngờ ông ấy nói.

Ông bảo : muốn có được đỉnh cao mới, phải có trường phái mới, mà cái kiểu Hội Nhà văn như thế này, thì làm sao mà có trường phái mới. Tổ chức đời sống văn học như thế này làm sao có được trường phái mới ?! Sẽ cào bằng hết. Mà trong văn hóa, cào bằng là tai họa  ».

Không khí cào bằng trong văn hóa, văn học, để cái dở lên ngôi, tình trạng tự kiểm duyệt, giả dối phổ biến, khiến không ít nhà văn thở dài châm biếm : « viết hay làm sao được giải !», « muốn được giải phải viết làng nhàng vô hại, tuyệt đối không được sâu sắc ! » hay « chưa bao giờ nhà văn bị coi thường như bây giờ ! »… Có lẽ không thể không đặt câu hỏi : Hội Nhà văn – tổ chức tự coi là đại diện cho văn đàn Việt Nam – có trách nhiệm gì trước thực trạng bi hài hiện nay ? Mỗi thành viên hội viên Hội Nhà văn có phần trách nhiệm nào ?

 
***

Ba mươi năm sau bài « Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa » (tiểu luận Nguyễn Minh Châu năm 1987), đời sống văn chương Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Văn chương Việt Nam dù tiến một bước dài, nhưng hiện vẫn đang trong tình trạng tranh tối, tranh sáng. Dường như không còn thế lực nào can thiệp trực tiếp khống chế thô bạo quyền tự do sáng tác của mỗi cá nhân nhà văn như trước. Dường như thị trường, thông qua các nhà xuất bản, đang ngày càng đóng vai trò chủ chốt trong việc lựa chọn những tác phẩm hấp dẫn để đưa đến với công chúng. Tuy nhiên, theo một số nhà văn ủng hộ Văn đoàn Độc lập, cũng như không ít nhà văn khác, quyền tự do sáng tác ở Việt Nam tiếp tục bị hạn chế nặng nề, đôi khi công khai (trang mạng của Ban vận động Văn đoàn Độc lập – cũng như một số trang văn học có quan điểm khác với chính quyền - bị tường lửa ngăn chặn, những người cộng tác với Ban vận động thường bị răn đe bằng nhiều hình thức khác nhau), nhưng thường là rất tinh vi.

Sự ra đời của ban vận động thành lập một tổ chức mới của những người sáng tác – phê bình – nghiên cứu văn chương là một liều thuốc thử cho thấy xu thế vận động hiện nay và sắp tới của nền văn học Việt Nam. Theo một số người trong cuộc, chủ trương chống phá các thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập từ cấp lãnh đạo Hội Nhà văn, hoặc cấp cao hơn, được thi hành lúc mềm, lúc rắn, lúc đánh, lúc xoa, tùy theo thời tiết chính trị, và thái độ của Ban vận động (sau khi bị phản đối dữ dội sau Đại hội nhà văn khu vực phía nam, lãnh đạo Hội Nhà văn đã thay đổi thái độ. Theo « Những tiếng vỗ tay cảm động », ghi chép của Trần Kỳ Trung về Đại hội nhà văn khu vực miền trung và Tây Nguyên khai mạc vào sáng ngày 07/05/2015, và « Đại hội Hội nhà văn khu vực trung ương hội », Trần Nhương, ngày 16/05/2015). Không khí nghi ngại, nghi kỵ vẫn còn khá nặng nề trong văn giới. Tình cảm này sở dĩ có được đất sống một phần quan trọng là do tình trạng thiếu thông tin, thông tin không minh bạch và nhiều bất đồng không được làm sáng tỏ, dễ gây ngộ nhận - cơ sở thuận lợi cho các tuyên truyền bóp méo sự thực, reo rắc không khí phó mặc, hoài nghi, bất bình, thậm chí thù ghét. Quan niệm thế nào là tự do sáng tác là một trong những điểm chủ yếu có thể gây bất đồng hay thậm chí gây đối kháng giữa những người ủng hộ cách hoạt động của Hội Nhà văn hiện nay và những người chủ trương Văn đoàn Độc lập muốn đoạn tuyệt với cách làm cũ, đáng tiếc điều này dường như lại chưa được trao đổi rốt ráo.

Qua các chia sẻ của một số văn sĩ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam hay Ban vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đa số đều công nhận rằng : một bầu không khí cởi mở, thân ái, tôn trọng và đối thoại giữa các quan niệm khác biệt rất có lợi cho không khí sáng tạo. Điều đáng mừng là : có vẻ như ngày càng có nhiều người hơn thừa nhận quyền thành lập, quyền tham gia các tổ chức ái hữu văn học chuyên nghiệp tự nguyện, độc lập với các tổ chức do Nhà nước chỉ đạo, bất chấp việc họ có ủng hộ đích danh Ban vận động Văn đoàn hay không.

Việc công nhận các tập thể tự nguyện, đồng nghĩa với việc tôn trọng những quan niệm khác biệt, rất có lợi cho những đối thoại thực sự. Mà đối thoại, giao lưu là cơ sở của sáng tạo.

RFI xin cảm ơn các nhà văn Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Đặng Huy Giang, Nguyễn Vũ Tiềm và Phạm Xuân Nguyên.

Tin bài liên quan

Đỗ Trung Quân : « Từ bỏ Hội Nhà văn để trở thành công dân tự do »

Nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa bị bắt

Nhà văn độc lập quan điểm: Con chim hót phải có người nghe

Văn học Việt Nam trên đường đi tìm những tác phẩm lớn

Tiểu thuyết « Biển và Chim bói cá » : tâm hồn thơ trong một thế giới đang tan rã

Paris tháng Ba : Văn học và điện ảnh Việt Nam khoe sắc

Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp đến với độc giả Pháp

Phạm Xuân Nguyên: "Việt Nam thiếu tác phẩm lớn vì thiếu tư duy lớn"

Vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa : « Tôi không bao giờ tuyệt vọng »

Tự do học thuật qua vụ Đỗ Thị Thoan

Giới học thuật phản đối vụ thu hồi bằng thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan

Luận văn Đỗ Thị Thoan, một Nhân Văn Giai Phẩm thứ hai

Cuộc chiến Việt-Trung trong "Xe lên xe xuống" - tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương

Một tác phẩm về vụ án "Lệ Chi Viên" bị đình chỉ xuất bản

Nguyễn Chí Thiện (1939-2012) và Hoa địa ngục

Trannhuong.com : giải thưởng độc lập đầu tiên ở Việt Nam dành cho văn xuôi

Võ Thị Hảo : Huyền ảo, độc tài và tội ác

Nhân văn Giai phẩm
 

Văn đàn nhiều chuyển động, Hội vẫn quá phụ thuộc vào cấp trên

(Không khí văn đàn Việt Nam gần đây qua một số ghi nhận của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)

RFI : Xin ông cho biết một số nét về không khí văn học tại Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là vai trò của Hội Nhà văn Việt Nam đối với vấn đề tự do sáng tác.

Lại Nguyên Ân
: Sáng tác trong nước hiện nay ngày càng trở nên đa dạng hơn, và rốt cuộc thì văn học, nói chính xác hơn là sách văn học, cũng đã trở thành một thị trường (nhiều loại hình khác như nghệ thuật tạo hình, ca nhạc đã trở thành thị trường sớm hơn, ngay đầu thời đổi mới, đầu những năm 1990s; văn chương thì muộn hơn, và cũng chỉ hình thành thị trường ở một số thể tài sách in chứ không phải toàn bộ văn học). Công chúng bây giờ là một thế hệ khác, có những quan tâm và thị hiếu khác trước; đối với công chúng bây giờ, ngay các tác phẩm có giá trị của những tên tuổi lớn của văn học thời 1930-45 cũng không hấp dẫn họ bao nhiêu, nói gì đến những tác phẩm thời chiến mà nay chỉ còn được in mới trong các bộ tuyển làm bằng ngân sách bao cấp, làm xong chỉ để biếu tặng. Tất nhiên cũng có chuyện “thị hiếu lệch lạc” − theo một số người quan sát nào đó, − và đó là chỗ cho những cây bút đầu cơ kiếm tiền. Nhưng nên thừa nhận: phải có tài mới chinh phục được công chúng; kiếm tiền từ việc người ta mua sách của mình không phải là việc dễ (nạn in sách lậu hay đánh cắp bản quyền là câu chuyện rất nan giải cần được bàn thêm vào dịp khác – Lại Nguyên Ân). Chung quy là chỉ những người thực sự có tài mới nổi lên được; văn học đang trở lại tình trạng đó là sáng tác của những cá nhân.

Đối với nhiều người vào Hội Nhà văn từ những năm 1970-90, Hội Nhà văn bây giờ chỉ là điểm hẹn vui, để gặp gỡ nhau, chứ họ không trông đợi vào sự hướng dẫn, chỉ dẫn gì. Những người viết văn được ưu đãi, được nhà nước đầu tư chỉ chiếm số ít trong tổng số các hội viên Hội Nhà văn; vấn đề tài trợ cũng không có ý nghĩa lớn đối với số đông hội viên (chuyện đi « trại sáng tác » vẫn chưa khác thời bao cấp, người ta vẫn xem đi trại là những dịp may, có người biết tận dụng, có người không biết – Lại Nguyên Ân). Hội viên quá đông, trên dưới 1000, mỗi người ít nhất sau 5 năm mới được đầu tư 1 lần; mức cao nhất chừng vài chục triệu, ứng trước một nửa, nửa còn lại được lĩnh nốt khi viết xong tác phẩm, đưa bản thảo ra làm bằng cứ; mức thông thường là dăm triệu, khi nhận được người ta thường nói vui là “thêm vào tiền mua gạo mua rau” hay uống bia, tùy từng người!). Vẫn còn một số khu vực viết theo lối cũ được đầu tư khá, như nhà văn trong quân đội, trong công an, viết đề tài chiến tranh hay đề tài an ninh, nhưng cách viết cũng không đơn giản là phải tô hồng như trước, vì cái tác phẩm được đầu tư ở đầu vào cũng phải bán được ở đầu ra, tức là phải hấp dẫn.

Tất nhiên có hàng trăm nhà văn hội viên hiện vẫn có viết chút ít, đăng báo in sách chút ít, nhưng hầu như đã đứng bên lề đời sống văn chương hiện tại; có nhiều lý do, thông thường là họ đã già, phần làm được đã là quá khứ; họ là người của giai đoạn trước.

Hiện tượng đáng chú ý khác là khu vực thơ “quần chúng” phát triển rất mạnh, hàng năm ước tính có đến dăm bảy trăm tập thơ được xuất bản, nhưng thường không bán (cũng không bán được!) mà thường để cho tặng. (Một vài nhà nghiên cứu đang nói về xu hướng “đi ngược thị trường” của thơ Việt hiện nay!) Có cả những câu lạc bộ riêng của những tác giả thơ như thế, thành viên đông hơn Hội nhà văn, có chi nhánh ở các tỉnh, đôi lúc trong câu lạc bộ này xảy ra việc “cách chức” nhau gây ồn ào và gây cười trong dư luận. Đây là kiểu làm thơ in thơ cho tặng thơ như một nhu cầu thuần túy từ các tác giả, không tính đến công chúng, không cần thị trường; người ta nói đây là những người làm thơ để “xả stress”, như tập thở khí công vậy.

Về văn học chuyên nghiệp, có vài hiện tượng đáng lưu ý, theo tôi. Một là sự tái trình diện và thành công muộn của một số nhà văn từng bị nạn nhiều năm trước; đó là các trường hợp như Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn; sinh những năm 1930, bị nạn những năm 1970-80; trở lại văn đàn và thành công lớn vào những năm 1990-2000. Một nữa là, trong lứa sinh những năm 1960 nổi lên một số tác giả, là hội viên Hội Nhà văn, viết và in sách khá đều đặn, được dư luận trong ngoài nước đánh giá tốt, ví dụ Hồ Anh Thái (hiện là quan chức ngoại giao), Nguyễn Bình Phương (hiện là tổng biên tập tạp chí “Văn nghệ quân đội”), Tạ Duy Anh, v.v. Nhìn vào thì có thể thấy các sáng tác ấy vị tất đã đặt vừa theo những quy cách quen thuộc mà đảng CS thường yêu cầu; tất nhiên trong đó cũng không có gì là chống đối một cách công khai. Điều thấy rõ là họ đã nói bằng tác phẩm và nói thành công về những vấn đề, những bệnh trạng của con người và xã hội người Việt, và mỗi tác giả ấy đều có khá đông công chúng.

Năm 2005 xuất hiện tập thơ “Dự báo phi thời tiết” của 5 nữ tác giả đều sống ở Tp.HCM. Tôi thấy ở tập thơ này tín hiệu về sự sống lại dòng tìm tòi của thơ ca ở miền Nam trước 1975 theo hướng hiện đại chủ nghĩa. Dòng thơ này đang phát triển mạnh hơn, có nhiều tác giả hơn, cũng được chú ý nhiều hơn. Dòng thơ này cũng là chỉ dấu về liên hệ ngày càng mạnh giữa sáng tác của các tác giả sống trong nước với sáng tác của các tác giả hải ngoại.

Tôi hiện nay giành thì giờ tìm các di sản cũ nhiều hơn đọc cái mới nên chỉ dám nêu vài hiện tượng như thế; nhưng tôi tin là người viết văn Việt Nam thế hệ nào rồi cũng sẽ có những tài năng, những đại diện xứng đáng của mình.

Việc Hội Nhà văn tỏ ra quá phụ thuộc vào cấp trên, ít lo thậm chí không làm được những việc ái hữu (nói đúng hơn là chỉ chăm việc tang tế, mà bỏ mặc việc bảo vệ quyền tự do sáng tác và xuất bản của các hội viên, tạo không khí trao đổi văn học), nên bị mất uy tín là đúng thôi! Đánh giá thế nào là quyền từng người. Nhưng cũng đừng nên nhìn một chiều vào các cơ quan của Hội nhà văn để cho rằng mọi tác phẩm đăng tải ở các cơ quan đó, xuất bản tại các cơ quan đó đều là rác, đều đáng vứt đi hết!

Hiện nay, đời sống văn nghệ trong nước, cũng như đời sống kinh tế xã hội, đang ở trong những cuộc biến chuyển, biến đổi…, không ít nhà văn cũng đang tự mình trải nghiệm nhiều sân chơi, nhiều vai trò; đừng nên nghĩ tất cả đều ở trong “đàn cừu” thụ động!

RFI : Thưa ông, cách nay hơn 30 năm, có nổi lên một số tiếp cận lý thuyết, mở đường cho một số nhận thức hoàn toàn khác về nền văn học trong nước, dẫn đến các thay đổi, đặc biệt nổi bật có Hoàng Ngọc Hiến, với khái niệm “văn học phải đạo” mà công chúng biết đến nhiều. Về vấn đề này, trong hiện tại, liệu những tiếp cận có tầm cỡ tương tự đã xuất hiện chưa ?

Lại Nguyên Ân
: Thời Hoàng Ngọc Hiến, xã hội Việt Nam khép kín. Nhiều điều trong tiểu luận kể trên của ông vẫn còn giá trị, nhất là trong việc nhìn lại bản chất văn học xã hội chủ nghĩa. Đến thời kỳ Đổi mới (cuối những năm 1980), giới lý luận phê bình sẽ luận bàn lại hàng loạt vấn đề: văn nghệ - chính trị, văn nghệ - hiện thực, v.v. Điều thú vị là ngay sau lúc lãnh đạo ra mặt “dẹp” phong trào đổi mới trong văn nghệ, thì lại xảy đến sự kiện Liên Xô tan rã, phe xã hội chủ nghĩa tan rã! Toàn bộ cơ sở chính trị, cơ sở lý thuyết của chủ nghĩa xã hội “hiện thực”, đến đây, đã phá sản. Bởi thế, dẹp Đổi mới không thể giống như dẹp “Nhân văn - Giai phẩm” và các vụ việc trong văn nghệ từ 1958 đến 1980 nữa. Ngay sau lúc lãnh đạo đảng ra tín hiệu dẹp “văn nghệ đổi mới” thì chính họ vẫn đang loay hoay soạn “kịch bản” cho đổi mới kinh tế xã hội; từ chỗ chỉ chấp nhận hai thành phần kinh tế (“toàn dân” và “tập thể”) họ đã chuyển sang chấp nhận 5 thành phần kinh tế; rồi chủ trương mở cửa với đầu tư từ nước ngoài, v.v. Kinh tế mở ra, văn hóa cũng phải mở ra, dù rất ngập ngừng, chậm chạp, đầy lo sợ (bị) “hòa tan”. Thế thì lãnh đạo tuy dẹp đổi mới, nhưng đã không thể lập lại “trật tự” như thời bao cấp đóng cửa nữa. Họ không nói “chính trị quyết định văn nghệ” nữa; cũng không đem “tính đảng” làm thước đo để định tính phẩm chất tư tưởng các tác phẩm và sự trung thành với chế độ của tác giả nữa; lại cũng không đem hiện thực xã hội chủ nghĩa ra làm thước đo “lập trường nghệ thuật” của nhà văn nữa. Từ ấy, nhà văn dù có bảo mình viết kiểu “hiện đại” hay “hậu hiện đại” thì cán bộ tuyên huấn của Đảng có thể không thiện cảm nhưng cũng không được lườm nguýt nữa.

Về mặt lý luận và nghiên cứu văn học, từ thập niên 1990, nhất là sang thế kỷ XXI, nó liên quan đến một hiện tượng thú vị: Phần lớn người làm nghiên cứu xã hội nhân văn, trong đào tạo ở bậc sau đại học, không còn gắn với lý thuyết Mác-Lê nữa, mặc dù nhiều khi họ buộc phải qua kỳ thi môn Mác-Lê rồi mới được vào học sau đại học. Ta biết, giai đoạn chọn đề tài luận văn sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) thường phải gắn nội dung khảo sát lịch sử cụ thể (ví dụ đề tài thuộc văn học hay sử Việt Nam) với một lý thuyết nhất định. Các lý thuyết thuộc khoa học xã hội nhân văn ở khu vực phe XHCN cũ tuy cũng có nhưng là quá ít ỏi nghèo nàn. Vì thời bao cấp ở quy mô toàn “phe XHCN” là độc tôn ý thức hệ, di sản lý thuyết xã hội nhân văn hầu như rất nghèo. Ở Liên Xô và Đông Âu còn có mấy trường phái như trường phái hình thức Nga, rồi nhóm Tartu (về ký hiệu học), nhóm Praha (về ngữ học), v.v. chứ vùng Đông Á CS (Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam) nào có gì? Lấy đâu ra “truyền thống” để ngày nay “phát huy”? Cho nên trong mắt các nghiên cứu sinh ở Việt Nam thời nay thì di sản ấy là vô hồn, không còn sức hấp dẫn gì hết. Cho nên họ hướng tới các lý thuyết được đề xuất ở khoa học xã hội nhân văn Tây Âu và Bắc Mỹ. Nếu có điều kiện du học thì sự “hướng ngoại” về lý thuyết càng mạnh. Đến những tìm tòi về nền ngữ văn “ngoại Hán” Á Châu thì người ta cũng đi Harvard Yenching, đi Tokyo, đi Seoul chứ không chỉ đi Bắc Kinh, Thượng Hải. Vậy là, lớp người này đã không còn được đào tạo để trở thành “cán bộ tuyên huấn”, theo một chủ nghĩa Mác dung tục nữa. Họ đọc các học giả phương Tây, các luồng tư tưởng học thuật chính của châu Âu…; khi tiếp cận các vấn đề của văn học Việt Nam, họ sẽ tìm các góc nhìn mới, không chỉ “thi pháp học”, “phân tâm học” mà còn “nữ quyền”, “hậu thực dân”, v.v. Cho đến nay, mặc dù mức kiến thức “sàn” ở họ có thể còn thô sơ, song cái nhìn của họ đã thay đổi rất nhiều, thay đổi căn bản so với thế hệ được đào tạo trước đây. Mặc dù từ số người trẻ tuổi này chưa xuất hiện nhiều cây viết lý luận trẻ đĩnh đạc, thành thục, nhưng chiều hướng này đang phát triển.

Người ta biết trường hợp luận án Nhã Thuyên (tức thạc sĩ Đỗ Thị Thoan viết về thơ của nhóm Mở miệng) đột ngột bị những cây bút cực tả “tố giác”, rồi những quan chức quá sợ hãi vội vàng trấn áp (thu hồi bằng cấp, cho thôi việc một lúc mấy thầy trò) chỉ gây thêm một vết nhơ vào lịch sử cái trường sư phạm đã từng miễn nhiệm các bậc thầy Trần Ðức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu hồi 1958. Nhýng theo tôi, trường hợp Nhã Thuyên chỉ là tín hiệu phần nổi. Cùng với Nhã Thuyên là rất nhiều bạn trẻ khác thực ra cũng đã nhìn theo cách khác trên hàng loạt đề tài lịch sử, xã hội, văn hóa, có điều là đề tài của họ không mang nhiều tính thách thức như đề tài Nhã Thuyên lựa chọn mà thôi. Tôi nhìn thấy rất nhiều Nhã Thuyên trong các nghiên cứu viên trẻ tuổi tại các Viện thuộc Viện HL KHXH Việt Nam.

Những xu hướng cực đoan (cực tả mà cũng là cực hữu!) vẫn còn, nhưng ít lộ diện, thường co cụm lại trong một số nhóm. Giới nhà văn nhà báo thấy rõ mấy địa chỉ như tờ “Văn nghệ TP Hồ Chí Minh” hay tạp chí “Hồn Việt” (Trung tâm nghiên cứu Quốc học), đều được tài trợ lớn từ ngân sách, nhưng ít người cộng tác, cũng không có mấy độc giả. Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, tuy mượn oai Ban Bí thư, thực ra chỉ gồm một số cán bộ hưu trí đã từng có lúc là quan chức cấp cao; cái chủ yếu đối với họ là kéo dài được lối sống quan chức, tức là vẫn có trụ sở, có xe công, có những tài khoản lớn từ ngân sách, và để tỏ ra đáng được hưởng thì họ tiếp tục những chiêu trò dọa dẫm văn nghệ sĩ và trí thức, đồng thời vận động hành lang cho những biện pháp cứng rắn từ phía lãnh đạo đương nhiệm. Họ cũng muốn tập hợp một số trí thức và văn nghệ sĩ còn nhiều vương vấn với quá khứ bao cấp, mong có lúc thổi lên được ngọn lửa “phục tích”; nhưng năng lực thấp và tư cách kém của mấy bậc “đàn anh” này thường gây ác cảm nhiều hơn thiện cảm; số đông văn nghệ sĩ trí thức tránh xa họ, phạm vi ảnh hưởng của họ rất hẹp, không tác động được đến số đông.

RFI : Xin cảm ơn ông.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.