Vào nội dung chính
VIỆT NAM - LỊCH SỬ

''Người chết ở biển'' : Hồi ức mong manh về thuyền nhân Việt Nam

Ám ảnh khó giãi bày về người thân qua đời trong những cảnh ngộ bất hạnh là tâm trạng thường trực của rất nhiều người gốc Việt thuộc thế hệ trước 1975. Tuần san Le Nouvel Observateur dịp 30/04 năm nay có một bài viết đặc biệt về chủ đề này, mang tựa đề « Người-chết-ở-biển ». Ký ức về một người chú từng chiến đấu trong quân đội miền Nam, cuộc đối thoại với một người thân khác từng là bộ đội miền Bắc, cho thấy nhiều người Việt trong cùng một gia đình vẫn  vô cùng xa cách, cho dù bốn thập niên đã trôi qua kể từ khi đất nước thống nhất.

Một con thuyền chở người tỵ nạn Việt Nam. (DR)
Một con thuyền chở người tỵ nạn Việt Nam. (DR)
Quảng cáo

Trong khi thực hiện một đề tài về những người tỵ nạn Phi Châu bị chìm tàu tại Lampedusa, người phóng viên gốc Việt Doan Bui (có thể là Doãn Bùi) bất ngờ nhận được những thông tin và hình ảnh một người chú họ mất tích trên đường vượt biển, trốn khỏi Việt Nam, cách nay hơn 30 năm. Hình ảnh người chú họ 12 tuổi « với gương mặt tròn trĩnh, cặp mắt mở to, như muốn nói “hãy nhớ đến tôi’’ ! » không ngừng ám ảnh người phóng viên.

Bác sĩ trẻ Bùi Thế Cầu, thuộc thế hệ gốc Bắc di cư 1954, từng phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chiến tranh kết thúc, như cả triệu người Việt có liên quan đến chế độ cũ, ông bị đưa vào trại cải tạo. Sau hai năm đày ải, viễn ảnh tương lai khép kín, với lý lịch bị ghi phục vụ trong quân đội miền Nam, người thanh niên Bùi Thế Cầu quyết định vượt biên. Lần thứ nhất không thành công, bị bắt và bị bỏ tù hai năm. Trong cuộc ra đi thứ hai năm 1982, ông đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển.

Không còn ai nhớ về ông, ngoại trừ một người em gái. Trở lại với số phận bi thảm của ông Bùi Thế Cầu cũng là dịp để bà nhớ đến thảm kịch trên đường vượt biển của rất nhiều người Việt phải bỏ nước ra đi, vì bị chặn hết đường sống tại quê hương.

« Vận rủi với sông nước »

Trở lại Việt Nam tháng 12/2014, về Langset (Làng Sét), một làng có nhiều người họ Bùi, ven Hà Nội, phóng viên Doan Bui gặp lại một người chú từng ngồi trên một chiếc xe tăng tiến vào dinh Độc lập ngày 30/04/1975, một người chưa bao giờ rời Việt Nam. Người chú tên V. có lưu giữ một cây phả hệ, trong đó về ông Bùi Thế Cầu, chỉ có một dòng duy nhất : « 1975, chết ở biển ». Về cái chết của người anh em họ, ông V. tâm sự : các bậc già cả thường nói dòng họ ông có vận rủi với sông nước, và khuyên lớp trẻ « không nên liều lĩnh bơi lội ». Một thông tin về người chú, mà người cháu phóng viên nhận được, cho thấy bơi là môn thể thao ưa thích của ông.

Le Nouvel Observateur nhắc lại, 20 năm sau khi lực lượng cộng sản miền Bắc chiếm Sài Gòn, khoảng 1,4 triệu người Việt đã chạy khỏi Việt Nam, 200.000 người mất mạng trên biển, theo số liệu của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc. Bài viết kết thúc với nhận xét, hiện nay rất nhiều người vẫn tiếp tục rời khỏi Việt Nam đi tỵ nạn, nhưng các « thuyền nhân » (boatpeople) Việt Nam giờ đây không còn được chú ý, như trước năm 1990, khi vẫn còn tồn tại Liên Xô và khối cộng sản.

Bầu cử Quốc hội Anh : Đọ sức quyết liệt giữa đảng Bảo thủ và đảng Lao động

Về thời sự quốc tế cuối tuần, Le Figaro hôm nay chạy trên trang nhất hàng tựa « Cameron-Miliband : Đọ sức quyết liệt ở Vương quốc Anh », vào thời điểm năm ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội.

Cuộc bầu cử này cho thấy khung cảnh chính trị hiện nay của Anh Quốc giờ đã thay đổi, « truyền thống lưỡng đảng ngự trị lâu nay tại Anh trên thực tế đã chấm dứt, thay vào đó là sự nổi lên của một loạt các đảng nhỏ (như đảng cánh trung, đảng Ukip, đảng Xanh) và các đảng phái dân tộc chủ nghĩa (Scotland, Ailan và Wales) ». Theo Le Figaro, trong bối cảnh hai đảng Bảo thủ và Lao động không bên nào vượt trội, rất có khả năng đảng dân tộc chủ nghĩa Scotland (SNP) sẽ đóng vai trò người phân định thắng thua.

Cũng về bầu cử Anh, Le Figaro có bài xã luận « Một tấm gương của Châu Âu », theo đó, đảng của Thủ tướng mãn nhiệm David Cameron có một chút lợi thế theo các thăm dò dư luận mới nhất, và điều này có được là do nhiều thành tích của ông Cameron trong năm năm cầm quyền, như giảm thâm hụt ngân sách (xuống một nửa), thúc đẩy tăng trưởng (2,7%) và đưa thất nghiệp xuống thấp kỷ lục. Vẫn theo Le Figaro, cương lĩnh tranh cử của đảng Lao động cũng không khác xa đảng Bảo thủ.

Dù bên nào được chọn, kết quả bầu cử Anh cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn Châu Âu. Le Figaro một mặt chê trách chính sách « mơ hồ » của chính phủ Anh với Châu Âu cho đến nay, nhưng mặt khác cũng hy vọng Châu Âu sẽ « giúp Luân Đôn thoát khỏi cạm bẫy » của một chính sách mua chuộc lòng tin của các cử tri bài Châu Âu, để Anh tiếp tục là « một mô hình thành công », một « động lực » của Châu Âu.

Nga : Công nhân viên liên tục bãi công đòi quyền lợi

Vẫn về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến « Bãi công xảy ra nhiều tại một nước Nga đang hồi khủng hoảng ». Bài phóng sự, do thông tín viên gửi về từ Matxcơva, mở đầu với hình ảnh cuộc bãi công của công nhân một công trường xây dựng sân bay vũ trụ mới tại khu vực Viễn Đông. Không được trả lương từ tháng 1/2015, 500 công nhân viên công ty TMK nghỉ làm để phản đối, sau quyết định thuê thêm 1.000 công nhân mới của nhà thầu. Hành động của công nhân đã buộc điện Kremli phải phản ứng. Mươi hôm sau, giám đốc công ty TMK bị bắt vì cáo buộc tham nhũng và không trả lương.

Theo một lãnh đạo nghiệp đoàn Nga, kể từ sáu tháng nay, trong tất cả các ngành nghề, công nhân viên tại rất nhiều doanh nghiệp đã buộc phải bãi công để đòi tiền lương, kể cả trong khu vực hành chính, y tế, giáo dục. Chủ tịch liên đoàn lao động Nga Boris Kravtchenko rất lo ngại, các cuộc bãi công phản đối rất dễ có nguy cơ bị tư pháp truy tố, vì thiếu cơ chế hợp pháp cho bãi công.

Dù sao, người làm công ăn lương Nga vẫn tiếp tục tranh đấu. Gần đây nhất, ngày 25/04, 13 bác sĩ và y tá một khoa cấp cứu đã ngưng tuyệt thực, sau khi chính quyền địa phương vùng Oufa (miền đông nam) hứa buộc ban giám đốc chấm dứt gây áp lực với các công đoàn.

Khí chất « vô chính phủ » và « đa văn hóa » của người Ukraina

Libération có bài phỏng vấn nhà văn Andrei Kourkov, một cây bút người Ukraina, sáng tác chủ yếu bằng tiếng Nga, nhân dịp ra mắt tại Pháp bản dịch tiểu thuyết mới nhất của ông « Buổi hòa nhạc tưởng niệm Jimi Hendrix ». Phỏng vấn mang tựa đề « Người Ukraina rất thích than thở, cho dù đời sống có dễ chịu ».

Trước hết phải nói rằng, nhà văn Andrei Kourkov rất gắn bó với Ukraina, với các phong trào cách mạng trong những năm gần đây. Qua cái nhìn của Andrei Kourkov, hiện lên một nước Ukraina rất khác, với cả những ưu điểm và nhược điểm, đặc biệt qua hai khu vực : « miền Đông Nam – quê hương của chủ nghĩa vô chính phủ và miền Tây với truyền thống tìm khoái lạc trong đau khổ ». Nhà văn Andrei Kourkov rất ngưỡng mộ tính chất đa văn hóa, đa ngôn ngữ hết sức lạ lùng của nhiều vùng đất Ukraina, đặc biệt là Lviv, cái nôi của chủ nghĩa dân tộc Ukraina, thành phố được Unesco xếp hạng di sản văn hóa nhân loại này được mệnh danh là « thành Vienna của Ukraina », hay một địa điểm khác là thành phố « năm ngôn ngữ » Tchernowitz (miền Tây Nam).

Tham gia Cách mạng Màu Cam 2004, nhưng Andrei Kourkov cũng chống lại chính sách ngôn ngữ dân tộc chủ nghĩa cực đoan của Tổng thống Yuchtchenko, dẫn đến loại các ngôn ngữ thiểu số sang bên lề, làm nghèo đi tính đa dạng văn hóa, điểm hết sức độc đáo của Ukraina.

Trong Cách mạng Maidan lần thứ hai, Andrei Kourkov theo sát các diễn biến. So sánh với cuộc Cách mạng thứ nhất, ông nhận thấy những người nổi dậy không còn cần đến giới trí thức hay các nhà chính trị tham gia với tư cách là « trung gian », bản thân người dân trực tiếp lên tiếng và phối hợp hành động. Đó là những gì hết sức giống với truyền thống vẫn được gọi là « vô chính phủ » của Ukraina. Đây chính là điều khác biệt sâu sắc giữa Ukraina và Nga, giữa một bên là khát vọng tham gia vào đời sống chính trị, qua các hoạt động đảng phái, tranh cử, và một bên là truyền thống « chấp nhận có một thủ lãnh (một tsar), để rồi tôn sùng hoặc lật đổ ông ta ». Ở điểm này, vùng Donbass – miền Đông Ukraina – rất giống với nước Nga, nơi các Nga hoàng rất được dân chúng yêu mến, Tổng thống Putin được ngưỡng mộ.

Ông Andrei Kourkov là chủ tịch Hội nhà văn Ukraina. Tác phẩm của ông được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới.

Muốn không tăng quá 2°C, phải để 80% dầu khí trong lòng đất

Còn ít tháng nữa là đến Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Paris, COP21, tuần san L’Express chọn giới thiệu với độc giả góc nhìn của ông Jean Jouzel, Phó chủ tịch Nhóm nghiên cứu liên chính phủ về môi trường GIEC (thuộc Liên Hiệp Quốc), với tựa đề « Vâng, mọi người có thể tin cậy vào GIEC ! ».

Trước việc một số kết quả nghiên cứu của GIEC bị chỉ trích (như dự đoán băng hà trên Himalaya tan quá nhanh) hay việc Chủ tịch Rajendra Pachauri phải từ nhiệm, nhà khí hậu người Pháp Jean Jouzel, Phó Chủ tịch GIEC lên tiếng khẳng định vai trò quyết định của GIEC.

Những nghiên cứu của ông và các cộng sự về các mẫu băng, ngay từ thập niên 1980, đã đưa ra những bằng chứng hết sức thuyết phục về lịch sử biến đổi nhiệt độ trên Trái đất, buộc cả thế giới – từ người dân thường đến các lãnh đạo – phải thừa nhận vai trò của hoạt động con người đối với việc trái đất bị hâm nóng. « Phe hoài nghi » ngày càng thu hẹp ảnh hưởng.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch GIEC cũng phải thừa nhận rằng, chỉ đến rất gần đây thôi, nhiều nhà lãnh đạo mới thực sự hiểu rõ tầm mức nguy hiểm của xu thế biến đổi khí hậu hiện nay, mà nếu không có sự tham gia hết sức tích cực của các quốc gia chủ chốt, mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C không thể bảo đảm được. Tổng thống Pháp Hollande mới thừa nhận rằng, không có báo cáo của GIEC trong quá trình chuẩn bị hội nghị Paris, ông đã không nhận thấy thực sự tầm mức nghiêm trọng của tình hình.

Jean Jouzel nhấn mạnh, cho đến nay, chưa có quốc gia nào thực sự sẵn sàng cho các hành động triệt để, « giữa mục tiêu đặt ra giữ nhiệt độ không tăng quá 2°C và các phương tiện được huy động để đạt mục tiêu là cả một vực thẳm ». Một trong những điều kiện cần thiết để thực hiện được việc này là nhân loại phải chấp nhận không khai thác 80% tài nguyên nhiên liệu trong lòng đất.

Văn hóa « Geek » : niềm hy vọng mới

Báo Libération cuối tuần dành hồ sơ chính cho chủ đề văn hóa với hàng tựa trang nhất « Văn hóa Geek : niềm hy vọng mới ». Dòng văn hóa hiện đại của kỷ nguyên tin học, được công chúng biết đến với những bộ phim như Star War (Chiến tranh giữa các vì sao), Chúa tể của chiếc nhẫn, hay các trò chơi điện tử đại chúng nối mạng với các siêu nhân... Libération trở lại với lịch sử của « Geek », với ghi nhận : các phong trào « phản văn hóa » thập niên 1970 là cội nguồn của trào lưu Geek hiện nay.

Vốn là một hiện tượng văn hóa bên lề, sau bốn mươi năm phát triển, « Geek » đã được các ngành công nghiệp giải trí hấp thụ, để trở thành nhân tố của dòng văn hóa chủ lưu. Bài xã luận « Khủng hoảng tứ tuần » nhận xét : « Năm 2015 văn hóa Geek đã chiến thắng (với thế hệ của Apple, Facebook hay Google). Tuy nhiên, thay vì ăn mừng thắng lợi, một số người cảm thấy nền văn hóa này – thay vì giải phóng – đã mang lại ấn tượng một mặt làm gia tăng các nguyên mẫu cũ kỹ, mặt khác âm thầm thu hẹp các quyền tự do của con người, nhân danh một cuộc cách mạng ». Từ một văn hóa ngoại vi, Geek đã trở thành văn hóa chủ lưu, nhưng với nguy cơ đánh mất bản sắc độc lập của mình.

Câu hỏi mà Libération đặt ra là : liệu một thế hệ mới có khả năng làm nên những điều mới mẻ từ những gì cũ kỹ ? « Vinh quang hay suy tàn : số phận đầy kịch tính của Geek » là tựa đề hồ sơ chính của Libération.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.