Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt Ngày 30 Tháng Tư

Đăng ngày:

Ngày 30/04/1975, cuộc chiến tại Việt Nam chấm dứt. Bốn mươi năm sau, những người sinh ra sau chiến tranh, nghĩ gì về đất nước Việt Nam hiện nay ? Đối với nhà văn Trang Hạ, đất nước đã thống nhất, nhưng « vết thương trong lòng dân tộc vẫn chưa lành ». Các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại miền Nam Việt Nam vẫn có nhiều câu hỏi về cuộc chiến này. Việt Nam vẫn đối mặt với các hậu quả chiến tranh. Tham gia phá dỡ bom mìn và trợ giúp nạn nhân chất độc da cam : đó là những đóng góp của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam.

Một góc khu bảo tàng chiến tranh Việt Nam-Hà Nội
Một góc khu bảo tàng chiến tranh Việt Nam-Hà Nội Reuters
Quảng cáo

Sinh đúng vào năm 1975 tại Hà Nội khi chấm dứt chiến tranh, nhà vănTrang Hạ có kinh nghiệm 16 năm làm báo và đang hoạt động trong ngành truyền thông. Chị cũng là tác giả của hơn một chục cuốn sách đã được ấn bản và đã nhận được một số giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam. Hầu hết sách của Trang Hạ hướng về chủ đề phụ nữ Việt Nam trong xã hội hiện đại, về những hy sinh của những người đàn bà để « lấp tròn những thiếu sót của xã hội » như chính tác giả đã nhận xét về công việc viết văn của mình.

Trả lời đài RFI, Trang Hạ ghi nhận, 40 năm sau chiến tranh, 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, nhưng trong lòng dân tộc hãy còn nhiều chia rẽ. Chị cũng tiếc là thế hệ của chị chưa làm gì được nhiều để hàn gắn những vết thương đó.

08:36

Nhà văn Trang Hạ-Hà Nội

Reuters

Cựu chiến binh Mỹ vẫn còn nhiều câu hỏi về chiến tranh

Vào lúc Việt Nam kỷ niệm 40 chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước thì ở Hoa Kỳ đây cũng là dịp các cựu chiến binh Mỹ kỷ niệm 50 năm ngày Washington chính thức đưa quân tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Các cựu chiến binh Mỹ bày tỏ với phóng viên thường trú của đài RFI tại Mỹ, Anne-Marie Capomaccio, những quan điểm khác nhau về một cuộc chiến. 

Năm 1971, Ken Dalton khi đó mới vừa 18 tuổi, là một thành viên trong hàng ngũ thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ. Con tàu Monticello đưa Ken đến Việt Nam. Hơn 40 năm sau, Ken Dalton là một thành viên của hội Cựu chiến binh Việt Nam và chống chiến tranh. Ông chia sẻ quan điểm với RFI :

« Đừng cảm ơn tôi đã đóng góp cho đất nước. Có nhiều người cảm ơn tôi vì những gì tôi đã làm cho nước Mỹ, nhưng xin đừng ai nói với tôi hai chữ cám ơn. Bởi một phần thời gian phục vụ trong quân đội, tôi từng chiến đấu ở Việt Nam. Chính vì lẽ đó tôi cảm thấy rất buồn (...). Hai năm liên tiếp tôi được vinh dự đón Tết nguyên đán tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Tại đây tôi đã gặp nhiều người Việt Nam, nhiều gia đình người Việt. Có những người cùng độ tuổi với các con, các cháu của tôi. Và tôi nhận thấy rằng, người Việt không có tội tình gì để phải hứng chịu chiến tranh mà chính quyền Mỹ đã gieo rắc lên đất nước họ. Tôi từng bị phơi nhiễm chất độc da cam, rồi chất a-mi-ăng. Chẳng biết còn sống được bao lâu nữa nhưng tôi quyết định tận dụng thời gian còn lại để nói lên sự thật, sự thật về chiến tranh Việt Nam ».

Còn tại Lynchburg, bang Virginia, hàng tuần các cựu chiến binh họp mặt với nhau để ôn lại chuyện cũ, để không quên những người đã ngã xuống trong chiến tranh Việt Nam. Các cuộc tập hợp đó đã bắt đầu từ 13 năm nay, tức là kể từ khi Hoa Kỳ can thiệp quân sự tại Afghanistan, sau loạt khủng bố ngày 11 Tháng 9 năm 2001. David Stokes vẫn không quên không khí ngột ngạt ngày ông từ chiến trường Việt Nam trở về. Khi đó Stokes chưa đầy 20 tuổi. Ông giải thích về sự hiện diện của mình và nhiều đồng đội cũ vào mỗi ngày thứ Sáu hàng tuần ở trung tâm thị trấn Lynchburg :

« Chúng tôi muốn những người lính Mỹ đang bị huy động ở Afghanistan hay Irak biết rằng, ở nơi này chúng tôi vẫn quan tâm tới họ, vẫn yểm trợ họ đến cùng. Vợ tôi thường nói có thể chúng tôi sẽ chết tại Lynchburg thôi, bởi chúng tôi đã thề với lòng rằng : ngày nào mà những người con của nước Mỹ còn hiện diện ở những chiến trường phương xa để bảo vệ đất nước trước đe dọa chống khủng bố, thì ngày đó chúng tôi còn tập hợp tại nơi này để ủng hộ họ. Và như thế là chúng tôi đã có mặt tại điểm này hàng tuần từ hơn 13 năm qua ». 

Khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, những người lính còn sống sót trở về họ đã không hiểu thái độ của một phần công luận ngay trên đất Mỹ. Nơi chiến trường, họ không hề hay biết về các phong trào phản chiến trên quê nhà. 

Trong số những lớp đầu tiên trở về Mỹ sau chiến tranh như Otto Davis, ông không thể hiểu là lính Mỹ từ chiến trận trở về lại bị những đồng hương của mình lăng mạ :

« Phần lớn trong số chúng tôi đã được chính phủ điều qua Việt Nam. Khi chúng tôi trở về thì nước Mỹ quay lưng lại với chúng tôi, họ đối xử với chúng tôi không ra gì. Chúng tôi bị tố cáo là những kẻ sát nhân, là những tên đã sát hại trẻ em, và chúng tôi thực sự bị mọi người phỉ nhổ. Điều đó làm chúng tôi rất đau lòng. Có nhiều anh em, đồng đội của tôi thậm chí là trong nhiều năm trời, không hề dám đả động đến thời gian tham chiến ở Việt Nam, cho đến khi chúng tôi thành lập hiệp hội cựu chiến binh, chúng tôi mới dám ôn lại những trải nghiệm về cuộc chiến đó ».

David Stokes khi bị động viên còn không biết Việt Nam nằm ở vị trí nào trên bản đồ thế giới. Ông nhớ lại cảnh tượng kinh hoàng khi đặt chân lên chiến trường miền Nam Việt Nam :

« Chúng tôi đã phải hạ cách khẩn cấp ba lần trước khi đến được trận địa. Có lúc tôi tưởng đã phải bỏ mạng trước khi tới được vùng đất này. Cuối cùng máy bay của tôi cũng hạ cánh được và đó cũng là lúc chúng tôi bị tấn công. Trong ánh sáng của đạn, bom, tôi trông thấy kẻ thù từ một ngọn đồi tràn xuống. Ra khỏi máy bay tôi trông thấy xác người ngổn ngang. Thường thì chỉ có một cái chăn đắp lên những thi thể của các tử sĩ. Máu loang trên chiếc cầu thang máy bay ». 

David Harker, tù binh chiến tranh trong 5 năm và 2 tháng, từ ngày 08/01/1968 đến 03/03/1973. Ông từng phải sống trong rừng, rồi trong nhà tù ở Hà Nội. Ông kể lại thời gian bị bắt làm tù binh :

« Điều quan trọng nhất là làm thế nào để sống sót trong hoàn cảnh khủng khiếp đó. Năm đầu tiên bị bắt giữ ở trong rừng, tôi đã phải chôn 6 đồng đội trong vỏn vẹn 4 tháng, hầu hết họ chết vì bị thương mà không có thuốc men chữa trị. Sau cùng, năm 1973, chỉ có 16 người trong số chúng tôi được trở về, nửa còn lại đã chết tại Việt Nam ».

Tại Hoa Kỳ, nửa cuối thập niên 1960, làn sóng phản chiến lan rộng, với một số gương mặt hàng đầu nữ ca sĩ Joan Baez, nhạc sĩ Bob Dylan, hay ngôi sao điện ảnh Jane Fonda... Ngay trong hàng những người lính đang tham chiến, cũng có những cử chỉ chống đối. Nhưng dù ở phía bên nào, tức là trong phía những người phản chiến hay những người thi hành nhiệm vụ nơi chiến trường miền Nam Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ đều cảm thấy họ đã bị chính quyền lừa dối. Như lời của Mike Hinukee :

« Cú sốc lớn đối với chúng tôi là khi tướng Westmoreland vào mùa hè năm 1967 nói là Mỹ đang trông thấy ánh sáng cuối đường hầm, là chúng tôi đang đến gần chiến thắng. Thế rồi đội ngột xảy ra đợt tấn công tháng Giêng năm 1968 trong dịp Tết Mậu Thân. Từ đó chúng tôi nghi ngờ về các chỉ huy.

Những người dưới quyền tướng Westmoreland không ngừng gieo hy vọng cho chúng tôi, điều đó chứng tỏ từ các nhà lãnh đạo cấp cao ở bên trên đã cố tình che giấu sự thật, họ lừa gạt anh em chúng tôi. Nếu biết được sự thật thì không đến nỗi có 58 ngàn lính thiệt mạng. Đáng buồn hơn cả là tôi đã tham gia, đã tiếp tay với vụ lừa dối đó. Tôi bị rơi vào bẫy, và đó là một điều gây sốc đối với tôi ». 

Hai nhân vật trong số các chính khách hàng đầu của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là Thượng nghị sĩ John McCain, và đương kim Ngoại trưởng John Kerry.

John McCain từng là phi công Hải quân Hoa Kỳ. Ông bị thương và bị giam tại nhà tù « Hilton Hà Nội » khi máy bay bị bắn hạ. Về phần mình ông John Kerry nhập ngũ năm 1966, phục vụ tại Việt Nam trong bốn tháng trên một chiếc tàu tuần tra. Ông đã sớm gia nhập hội Cựu chiến binh phản đối chiến tranh Việt Nam và là một trong những gương mặt hàng đầu của phong trào phản chiến. Năm 28 tuổi, Kerry đã điều trần tại Thượng viện về « sự thật liên quan đến chiến tranh Việt Nam ». 

Cả hai ông McCain và Kerry cùng vận động cho việc bãi bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam. Cả hai cũng đã rất tích cực trong việc bình thường hóa quan hệ Mỹ- Việt. 

Hậu quả chiến tranh và các cựu chiến binh Mỹ

Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã bốn mươi năm. Hoa Kỳ đã tham gia khắc phục các hậu quả, đặc biệt kể từ khi Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao. Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam/Vietnam Veterans of America Foundation-VVAF thành lập năm 1980 là một cơ sở có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động phá gỡ bom mìn, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. VVAF là một trong sáu thành viên của hiệp hội các tổ chức phi chính phủ International Campaign to Ban Landmines (Chương trình quốc tế chống mìn). Năm 1997, liên minh này được trao tặng giải Nobel Hòa Bình.

Theo chị Thảo Griffiths, trưởng đại diện của quỹ VVAF tại Việt Nam, ngay từ rất sớm, các cựu chiến binh Mỹ đã tham gia thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

07:59

Thảo Griffiths - Quỹ VVAF

 RFI cảm ơn nhà văn Trang Hạ và Trưởng đại diện quỹ VVAF, chị Thảo Griffiths, đã tham gia chương trình tạp chí. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.