Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Độc chất amiăng trắng tại Việt Nam và Công ước Rotterdam

Đăng ngày:

Đầu tháng 5/2015, tại Genève sẽ diễn ra hội nghị lần thứ bảy Công ước Rotterdam về các hóa chất độc hại được sử dụng phổ biến trong công nghiệp hay nông nghiệp. Một trong những nội dung chính được quan tâm của hội nghị là vấn đề đưa một số hóa chất công nghiệp và thuốc trừ sâu nguy hiểm vào danh sách các chất độc cần được quản lý chặt chẽ. Amiăng trắng (Chrysotile) là một trong số năm hóa chất được xem xét lần này.

Hiến binh Pháp (thuộc Andeva - hiệp hội nạn nhân amiăng) biểu tình để lên án các thủ phạm trước tòa án, trong một vụ kiện amiăng năm 2013.
Hiến binh Pháp (thuộc Andeva - hiệp hội nạn nhân amiăng) biểu tình để lên án các thủ phạm trước tòa án, trong một vụ kiện amiăng năm 2013. Reuters
Quảng cáo

Amiăng trắng là một hợp chất được sử dụng rất phổ biến trong công nghiệp từ hơn thế kỷ nay. Với những đặc tính như bền, dai, chịu nhiệt, chịu ma sát, chịu lực, cách điện, cách âm, … hóa chất này được coi như là nguyên liệu lý tưởng cho nhiều vật liệu xây dựng, sản phẩm chịu ma sát như má phanh, các loại quần áo chịu nhiệt, hay trong công nghiệp hàng không, quốc phòng… Ở Việt Nam, amiăng trắng được biết đến phổ biến như là một thành phần quan trọng của tấm lợp fibro ximăng, một sản phẩm được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ gần nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, cũng chính amiăng trắng (với các sợi có đường kính từ 0,02 đến 0,1 µm, tương đương từ 1/400 đến 1/2000 bề dày sợi tóc người, không thể nhìn thấy bằng mắt thường) từ hàng chục năm nay đã được ngành y tế thế giới nhìn nhận như là một thủ phạm gây ung thư hàng đầu thế giới trong môi trường công nghiệp, từ nhiều thập niên trở lại đây.

Hậu quả amiăng : Xử lý hết sức khó

Viện nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC/CRC) trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới, Cơ quan Vệ sinh Công nghiệp của chính phủ Mỹ (American Conference of Governmental Industrial Hygienists/ACGIH) hay hệ phân loại của Liên Hiệp Châu Âu, đều xếp amiăng vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm nhất.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế, hàng năm có hơn 100 nghìn người tử vong vì các căn bệnh do amiăng gây ra, chưa kể hàng triệu người phải sống chung với các bệnh tật do hóa chất này. Con số hơn 100 nghìn người chết nói trên, tuy nhiên được một số chuyên gia cho rằng chỉ tính riêng tại các quốc gia có theo dõi sát vấn đề này.

Việc xử lý các hậu quả của amiăng đối với sức khỏe con người là hết sức phức tạp, lâu dài và tốn kém. Riêng tại Pháp, amiăng bị cấm từ năm 1997. Từ đó đến nay, theo một con số thống kê được công bố đầu năm nay, hóa chất độc hại này vẫn tiếp tục gây thêm 2.200 trường hợp ung thư hàng năm. Kể từ nay đến 2050, ước tính sẽ còn 68.000 đến 100.000 người chết vì amiăng, trong đó khoảng 50.000 đến 75.000 người do ung thư phổi và 18.000 đến 25.000 người do ung thư trung biểu mô (số liệu của HCSP/Hội đồng cao cấp về y tế công).

Gần 20 năm sau khi amiăng bị cấm, truyền thông Pháp vẫn tiếp tục có các chương trình nói về tác động nguy hiểm do amiăng gây ra. Việc tẩy rửa amiăng tại các công trình cũ, và việc đền bù cho các nạn nhân vẫn còn là những vấn đề nhức nhối của xã hội.

Việc tẩy rửa amiăng nhìn chung là một công việc tốn kém và nguy hiểm. Công luận thế giới đặc biệt chú ý đến hiện tượng các « nghĩa trang tàu thủy », chủ yếu tại các quốc gia Nam Á, nơi toàn bộ các con tầu lớn được tháo dỡ và tái chế, trong đó amiăng là một hóa chất có mặt phổ biến (xem bài "Amiante: le temps de latence est une véritable épée de Damoclès" trên trang web của Tổ chức Lao động Quốc tế).

Bảy quốc gia làm tắc nghẽn Công ước Rotterdam

Cho đến nay, đã có hơn 50 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng amiăng trong nước (toàn bộ Liên Hiệp Châu Âu cấm sử dụng từ 2005). Trong hội nghị về Công ước Rotterdam lần trước năm 2013, hơn 140 quốc gia đồng ý đưa Amiăng vào Phụ lục III, tức các chất độc cần được quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, sự phản đối của nhóm vài quốc gia còn lại khiến amiăng rốt cục đã không được đưa vào danh sách này, bởi Công ước Rotterdam đòi hỏi sự đồng thuận của 100% các nước tham gia.

Nhóm bảy nước phản đối đưa amiăng vào Phụ lục III tại hội nghị 2013, bao gồm năm quốc gia xuất khẩu amiăng là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ukraina, Zimbabwe và hai nước nhập khẩu là Ấn Độ và Việt Nam. Vào thời điểm đó, nhiều tiếng nói trong công luận quốc tế, đặc biệt là các hiệp hội nạn nhân amiăng lên án mạnh thái độ của các quốc gia nói trên. Bảy quốc gia này còn bị gọi là nhóm « dirty 7 ».

Việt Nam là một trong số 10 quốc gia nhập khẩu amiăng trắng đứng đầu thế giới, với mức tiêu thụ hơn 65.000 tấn/năm. Khoảng 80% lượng amiăng trắng được sử dụng để chế tạo tấm lợp fibro, được biết đến như một sản phẩm rẻ tiền, tiện lợi, được sản xuất với số lượng khoảng 100 triệu m²/năm, mang lại công việc cho hàng ngàn người tại hơn 40 cơ sở sản xuất. Mặc dù, đã có lúc chính quyền đặt ra thời hạn cấm amiăng, hiểm họa amiăng tưởng như đã bị quên lãng.

2014 : Chuyển biến tại Việt Nam

Tuy nhiên, từ năm 2014, tính nguy hiểm của hóa chất này tại Việt Nam một lần nữa lại được nhiều nhà chuyên môn, nhà quản lý và báo giới đặc biệt quan tâm. Một trong những biến cố quan trọng là lá thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO/OIT) gửi đến chính phủ Việt Nam, đề nghị chính quyền thực thi lộ trình cấm hoàn toàn amiăng, như đã từng cam kết, như là biện pháp phòng chống tốt nhất các căn bệnh do chất độc này gây ra.

Về vấn đề amiăng tại Việt Nam và Công ước Rotterdam, mời quý vị nghe phần phỏng vấn sau đây của RFI với Bác sĩ Trần Tuấn, Tiến sĩ dịch tễ học và sức khỏe dân cư, đại diện của Nhóm Hợp tác Thúc đẩy Phát triển Chính sách Y tế dựa vào Bằng chứng Khoa học (EBHPD).

13:16

Phỏng vấn Bác sĩ Trần Tuấn (Hà Nội)

....

RFI : Phía quốc tế đã có khuyến cáo chính phủ Việt Nam có lộ trình cấm amiăng, như Việt Nam từng dự kiến. Phía Việt Nam đã có tiếp thu, nhưng dường như không hẳn đã có thông suốt. Vậy triển vọng của chuyện này ra sao ?

Bác sĩ Trần Tuấn : Trong năm ngoái, Bộ Xây dựng có đệ trình Thủ tướng một quy hoạch vật liệu xây dựng, trong đó, với vấn đề amiăng trắng, có đề nghị đẩy lùi thời hạn cấm hoàn toàn đến 2030. Vấn đề này gây quan ngại rất lớn, đặc biệt là từ phía Bộ Y tế Việt Nam và cả Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, cũng như các tổ chức của thế giới đang giúp các cơ quan chính phủ trong việc thực hiện các khuyến cáo cấm amiăng của Tổ chức Y tế Thế giới. Thực sự có sự quan ngại sau quyết định 22 tháng 8 (của Thủ tướng Chính phủ).

Sau đó, đã có một sự vận động chuyển tải thông tin từ các tổ chức độc lập, trong đó có liên minh vận động chính sách, nhóm EBHPD, thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cùng với Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng RTCCD, rồi một loạt các tổ chức khoa học kỹ thuật khác ngoài Nhà nước. (Các tổ chức này) đã phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, tổ chức công đoàn Úc, ILO. Nhiều hội thảo đã được tổ chức, truyền thông vào cuộc…

Chỉ chưa đầy một tháng sau, tôi nhớ là ngày 19/09/2014, văn phòng chính phủ đã ra một công văn 7307, trong đó chỉ thị cho các bộ thực thi các biện pháp để chấm dứt amiăng trắng vào năm 2020…. Sau đó, chính phủ đã có thư trả lời (Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế), cam kết chấm dứt amiăng trắng vào thời điểm này.

Như vậy, đầu năm có sự quan ngại, nhưng bắt đầu từ quý 3, bước sang quý 4, tình hình đã có tiến triển sáng sủa hơn.

Đến lúc này, tôi có thể khẳng định rằng chúng ta đã có cam kết, đã có trả lời với quốc tế, với lá thư của Bộ Khoa học, Công nghệ, và Môi trường trả lời WHO và ILO ngày 25/12/2014, tái khẳng định thời hạn cấm vào 2020, thậm chí còn nêu rõ là Việt Nam sẽ không phản đối dự kiến của các nước trên thế giới đưa amiăng trắng vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam, như một độc chất, để quản lý việc buôn bán trên thị trường quốc tế… Các Bộ… đều có những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện mục tiêu chấm dứt vào năm 2020, cũng như ra được chương trình thanh toán các bệnh do amiăng ở Việt Nam. Tôi cho rằng các thông tin này cho thấy định hướng chỉ đạo như vậy rất là đúng hướng.

RFI : Các cam kết quốc tế có tác động như thế nào đến việc cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam ?

Bác sĩ Trần Tuấn : Trên thế giới, từ mươi năm vừa qua, đã có sự gia tăng đáng kể số nước đã ra được luật cấm sử dụng amiăng. Ngoài ra rất nhiều nước đã đưa ra chương trình hạn chế tối đa, hoặc kiểm soát nghiêm ngặt. Hiện nay, (việc dùng amiăng rộng rãi) chỉ còn tập trung ở một số nước sản xuất, như Nga, với sản lượng 1 triệu tấn, Trung Quốc, 0,44 triệu tấn… Ngay cả Canada (quốc gia từng đứng đầu về sản lượng amiăng), đến 2014 cũng bắt đầu ngừng….

Như vậy, đứng trên bình diện quốc tế, còn có sự phản đối của vài nước xuất khẩu - không bác bỏ việc amiăng không độc, nhưng lấy lý do là nếu thực hiện tốt các tiêu chuẩn an toàn thì có thể kiểm soát được. Những nước này cho rằng amiăng vẫn cần, và vì thế họ tạo các áp lực để không đưa chất này vào Phụ lục III. Họ có các tác động để đưa ra những bài báo, thông tin, gây cản trở việc thực thi khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Việt Nam chúng ta cũng bị ảnh hưởng.

Thực ra đến năm 2001, (chính quyền) Việt Nam đã theo kịp được tiến bộ chung của thế giới lúc đó. Năm 2001, đã có được một quyết định của Thủ tướng để ra sẽ cấm amiăng trắng vào năm 2004. Thì đúng lúc đó, Nga lại vươn sang Việt Nam, là một thị trường quen thuộc. Cho nên chắc hẳn đã có những ảnh hưởng trực tiếp của các công ty xuất khẩu Nga, khiến cái mốc 2004 của Việt Nam sau đó đã bị đẩy lùi, thành 2010, sau đó đẩy tiếp đến 2015, 2020, và còn dự kiến đến 2030. Sự đẩy lùi này, tôi cho rằng chắc chắn có sự tác động từ thị trường quốc tế nói chung, đặc biệt là Nga.

Cũng phải nói rằng, các thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới, các bài báo khoa học chưa đến được với các nhà hoạch định chính sách, một cách rõ ràng. Dường như chúng ta thiếu các thông tin để phân tích, để chỉ ra được rằng các thông tin từ phía tôi tạm gọi là « ngụy biện », lại xuất phát từ quốc tế. Đó chính là lý do khiến cho tiến trình kiểm soát amiăng của chúng ta, đang từ giai đoạn chúng tôi gọi là « đi kịp những nước hàng đầu thế giới », bị tụt lại sau trong giai đoạn mười năm sau này.

RFI : Tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy trong thái độ của chính phủ Việt Nam, một mặt thừa nhận tính nguy hiểm của amiăng, nhưng mặt khác không ủng hộ việc gia tăng kiểm soát chất độc này ?

Bác sĩ Trần Tuấn : Việc trước đây Việt Nam bỏ phiếu chống đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam là do bộ phận thực thi đã không phân tích được các thông tin, chúng tôi gọi là « trái chiều », thông tin thiếu khoa học trong vấn đề này.

Về phía cá nhân, chúng tôi cho rằng việc bỏ phiếu chống như vậy, đoàn đi bỏ phiếu chắc chắn có bị ảnh hưởng bởi sự vận động của các nước xuất khẩu, vì không lẽ nào một nước nhập khẩu lại chống lại một vấn đề như vậy. Việc Việt Nam bỏ phiếu chống đã gây ra nhiều xôn xao trong các bên tham gia Công ước. Và khi biết về việc này, các nhà khoa học trong nước làm việc về vấn đề này, các nhà hoạt động y tế công cộng bắt đầu lên tiếng. Năm 2014 đã có một thay đổi rất lớn.

Trước đây, hầu như tất cả các thông tin giải phóng trên các phương tiện thông tin đại chúng không đi được theo hướng amiăng là một chất độc hại, mà Tổ chức Y tế Thế giới muốn cấm hoàn toàn, và đề nghị Việt Nam phải tuân thủ. Các thông tin đã bị chệch hướng, tức là tuy có thừa nhận tính chất độc hại của amiăng, nhưng việc này hoàn toàn có thể kiểm soát được và « chúng ta » đang trên đà kiểm soát được bằng cách thay đổi công nghệ, và đã ra được các quy định như phải kiểm soát chặt, còn những nơi nào không làm được thì sẽ cấm…. Điều này gây khó khăn cho việc ra được chính sách liên quan đến amiăng.

RFI : Trở lại tình hình trong nước, nhiều người quan tâm đến thực trạng bảo hộ lao động đối với những người công nhân tiếp xúc trực tiếp với amiăng. Dường như đây là đối tượng có nguy cơ bị tác hại nhiều nhất bởi độc chất này. Xin Bác sĩ cho biết cụ thể việc bảo hộ ra sao ? Điều này cũng gắn liền với vấn đề thanh tẩy amiăng, một công việc phức tạp và chắc kéo dài sau này.

Bác sĩ Trần Tuấn : Chúng ta thấy có hiện trạng là báo cáo của Bộ Xây dựng vẫn cho một hình ảnh khả quan là kiểm soát tương đối tốt môi trường lao động. Thậm chí Bệnh viện của ngành xây dựng còn cho rằng không thấy có mối liên quan nào giữa amiăng và bệnh tật. Thế nhưng các nghiên cứu của Viện Môi trường Lao động và bệnh nghề nghiệp của Bộ Y tế lại cung cấp các số liệu về tình trạng vệ sinh an toàn lao động không tốt chút nào tại các cơ sở đó.

Gần đây nhất, tháng 11/2014, nhóm nghiên cứu thuộc liên minh EBHPD đã thăm một số nhà máy, có được các bằng chứng bằng ảnh và quan sát rõ ràng cho thấy, những quy định về việc tiếp xúc với sợi amiăng tại các cơ sở sản xuất đã bị vi phạm. Chẳng hạn, có chỗ bao amiăng thủng, văng vãi ra, có nơi công nhân còn dùng tay bốc đưa vào. Hoặc là không có hướng dẫn bằng tiếng Việt để báo cho công nhân biết (về tính chất nguy hiểm) của vật liệu này. Nói khác đi, các điều kiện làm việc tại các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, là hoàn toàn không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Chính vì thế việc cấm amiăng mới là biện pháp đúng, để bảo vệ lợi ích của người lao động.

RFI : Xin Bác sĩ cho biết thêm về ý thức của người sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng hiện nay ra sao ?

Bác sĩ Trần Tuấn : Truyền thông trong năm 2014 đã tạo ra một chuyển biến về nhận thức xã hội. Gần đây, khi nói chuyện với các cán bộ cộng đồng, kể cả ở miền núi, nông thôn, đồng bào đã tiếp xúc được với thông tin về nguy cơ gây ung thư của các tấm lợp có chứa sợi amiăng. Đã có một thay đổi trong nhận thức cộng đồng về nguy cơ do amiăng.

Trong một cuộc đi thực địa tại một nhà máy sản xuất tấm lợp khá lớn ở phía Nam, họ cho biết lượng tiêu thụ tụt xuống rõ ràng.

Ngay trong năm nay, Bộ Y tế đang đề ra chương trình thanh toán bệnh do amiăng, thì chắc chắc các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin cho những người sử dụng (sẽ gia tăng). Nhóm EBHDP chúng tôi có phương án thí điểm tạo ra các mô hình nói không với amiăng. Nhóm đang đăng ký với Bộ Y tế để tham gia đề tài cấp Nhà nước.

Khi người dân nói không với amiăng, thì nhu cầu sẽ giảm hẳn xuống, thì bên cung phải thay đổi công nghệ, và chuyển đổi sản xuất. Và như thế chúng ta đi đến chỗ loại trừ được amiăng trắng ở Việt Nam.

RFI : Dường như việc thanh toán bệnh tật do amiăng không phải là điều đơn giản, vì đây là một tác nhân gây bệnh phức tạp, quá trình ủ bệnh kéo dài. Thanh toán như thế nào, khi ngành y tế hiện nay chưa thực hiện được sự theo dõi các tiếp xúc với amiăng ?

Bác sĩ Trần Tuấn : Để thanh toán được amiăng, trước hết phải xác định được các cơ sở có tiếp xúc với amiăng. Chúng tôi nghĩ rằng, tới đây phải có tuyên truyền mạnh mẽ để người dân tự phát hiện ra chuyện này…. Chúng ta cần phải chỉ ra được tổng lượng cho đến nay đã có bao nhiêu người từng tiếp xúc vớ bụi amiăng trong các cơ sở sản xuất. Thứ hai là, phải xác định được các sản phẩm chứa amiăng, chủ yếu là tấm lợp hiện đang tồn lưu, phân bố như thế nào. Cần phải có một bản đồ phân bố. Các tấm lợp amiăng không khó nhận dạng. Trong một vài tháng, với sự cộng tác của người dân tại chỗ, có thể ra được một bản đồ về mức độ sử dụng amiăng. Khi mình nhìn được mức độ nguy hiểm đang đè nặng lên người dân, thì mình có thể ước lượng được mức độ bệnh do amiăng gây ra, căn cứ trên xác suất bệnh đã được nhiều nghiên cứu quốc tế rút ra.

Khi biết được lượng amiăng nhập khẩu, biết được bản đồ phân bố amiăng, biết được số người tiếp xúc, chúng ta có thể dự đoán được trong 20 năm, 30 năm tới, số lượng bệnh nhân do amiăng ước tính bao nhiêu.

Bên cạnh đó, một khi biết được bệnh, làm thế nào xác định được bệnh do amiăng. Điều này phụ thuộc vào phía y tế. Tôi được biết Bộ Y tế đang tiếp cận với phía Nhật Bản để có được các công nghệ, quy trình xác định bệnh. Với sự giúp đỡ của WHO, tổ chức hỗ trợ phát triển Nhật Bản, công đoàn Úc, ILO, một hệ thống 9 trung tâm ghi nhận ung thư đã hình thành. Để từ đây xác định những trường hợp ung thư do amiăng. Trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hoạt động làm việc với cộng đồng để phát hiện sàng lọc sớm các trường hợp bệnh do amiăng, và thúc đẩy người dân chủ động tiếp xúc với các trung tâm, thực hiện kết nối giữa chẩn đoán tại trung tâm với chẩn đoán dịch tễ học tại cộng đồng. Để từ đó xác định ra các nhóm có nguy cơ cao thực sự.

RFI : Như vậy, thanh toán các căn bệnh do amiăng đòi hỏi nhiều đầu tư ?

Bác sĩ Trần Tuấn : Đã có những quan niệm cho rằng, sử dụng amiăng để làm ra các tấm lợp có chi phí thấp hơn so với các loại tấm lợp khác, nhưng nếu so với các hệ quả lâu dài về sức khỏe và môi trường, chắc chắn chi phí để giải quyết hậu quả còn lớn hơn rất nhiều.

Việc cấm amiăng là cách tốt nhất, hiệu quả nhất, để giúp Việt Nam tránh được những phí tổn sau này. Tất nhiên, việc cấm được một hóa chất, hiện đang có nhiều thế lực quốc tế ủng hộ duy trì, là chuyện không dễ.

Nhưng may mắn chúng ta đang sống trong thời đại truyền thông, toàn cầu hóa, giúp cho chúng ta có thể tận dụng được thế mạnh của những nước đi trước. Tôi được biết sắp tới chương trình thanh toán các bệnh do amiăng của Bộ Y tế hoàn toàn đi theo các hướng dẫn kỹ thuật của WHO. Với khoa học dẫn đường như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được các mong đợi.

***

Vẫn liên quan đến vấn đề tác động của amiăng đến người có tiếp xúc, theo GS Lê Vân Trình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật và Bảo hộ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc theo dõi bệnh do amiăng gây phức tạp, vì thời gian ủ bệnh thường lên tới vài chục năm, trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất tấm lợp tại Việt Nam có tuổi đời chưa tới 15 năm. Bên cạnh đó, « việc giám sát sức khỏe cho người lao động chưa liên tục, đồng thời cũng không có trung tâm đăng ký người lao động tiếp xúc với amiăng nên không thể theo dõi được lịch sử tiếp xúc » (bài «Amiăng trắng gây ung thư…», Vietnamnet, ngày 17/07/2014). Trả lời RFI, GS Lê Vân Trình cho hay, mặc dù chính phủ Việt Nam đã có những quy định về bảo hộ lao động, việc kiểm tra các điều kiện môi trường tại doanh nghiệp có liên quan đến amiăng rất khó, một phần vì cơ quan quản lý thiếu phương tiện đo lường, mặt khác do thái độ không hợp tác của nhiều doanh nghiệp.

Trung tâm RTCCD cũng nhấn mạnh đến hiện tượng "nguy cơ tiếp xúc với bụi amiăng... bị gia tăng lên nhiều, còn do sản phẩm loại bỏ trong quá trình sản xuất tấm lợp chứa amiăng đã được một số cơ sở nghiền ra, trộn với đất, rải ra đồng ruộng. Người dân cũng rất hay đập vỡ các tấm fibroximăng loại bỏ, đổ nền nhà, hoặc lát đường đi" (bài "5 thông tin chính về Amiăng cho lãnh đạo cộng đồng và gia đình").

Giải pháp thay thế amiăng và một nỗi lo khác

Để chuẩn bị cho lộ trình chấm dứt sử dụng amiăng, một số doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển hướng sang sản xuất tấm lợp với các thành phần khác. Truyền thông trong nước thường nhắc đến tấm lợp xi măng sợi PVA, được coi là tấm lợp thân thiện với môi trường, hiện đang được sản xuất, nhưng chủ yếu bán ra thị trường nước ngoài. Nói chuyện với RFI, tổng giám đốc một công ty sản xuất tấm lợp tại Sài Gòn bày tỏ hy vọng việc cấm hắn amiăng hay việc amiăng bị đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam, có thể là một cơ hội tốt để các tấm lợp PVA phát triển.

Trên thực tế, tấm lợp không amiăng PVA, xuất phát từ công nghệ Hatschek của Nhật Bản, đã được các chuyên gia Việt Nam làm chủ cách nay gần 10 năm, như báo chí trong nước cho biết. Tại sao một giải pháp thay thế độc chất amiăng hoàn toàn trong tầm tay lại không được hỗ trợ kịp thời ? Tại sao chính quyền Việt Nam, ngành xây dựng Việt Nam, trong một thời gian dài, đã cố sức duy trì (hay để mặc cho tồn tại) một vật liệu vô cùng nguy hiểm, vốn bị một phần lớn nhân loại tiến bộ từ bỏ ?

Hiện tại, mặc dù chính phủ Việt Nam đã có chủ trương thuận theo xu thế chung trong vấn đề này, nhưng trong giới quan tâm, còn nhiều lo ngại về một số thế lực trong chính quyền vẫn muốn duy trì càng lâu càng tốt ngành vật liệu có chứa amiăng tại Việt Nam, bất chấp những khuyến cáo về những tổn hại vô cùng lớn lao của độc chất. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, điều đáng lo ngại hơn là, thái độ khăng khăng ấy dường như không phải chỉ riêng trong lĩnh vực amiăng nói trên, mà còn liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác, và những bệnh tật do amiăng gây ra chắc chắn là rất lớn, nhưng có thể cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nơi vô số các tổn hại - do những hành động bất chấp sinh mạng con người gây ra - đang bị chìm trong quên lãng. 

RFI xin cảm ơn Bác sĩ Trần Tuấn, Giáo sư Lê Vân Trình và vị lãnh đạo doanh nghiệp đã dành thời gian cho chương trình Tạp chí Xã hội.

Tin bài liên quan

An toàn thực phẩm : Trọng tâm của Ngày Y tế Thế giới 2015

Cơ quan LHQ chỉ đích danh 5 thuốc trừ sâu gây ung thư

Thạch tín : Sát thủ vô hình đe dọa 20 triệu người Việt

Phóng xạ hạt nhân tác động thế nào đến sức khỏe ?

Mỹ tái khẳng định chống ô nhiễm là « trách nhiệm đạo lý »

"Kỷ Nhân sinh'' : Khi con người tạo một thời đại địa chất mới 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.