Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Cây xanh làm thức tỉnh xã hội dân sự

Đăng ngày:

Ngày Chủ nhật 29/03/2015, một cuộc tuần hành quy tụ đông đảo người dân Hà Nội đã diễn ra tại thủ đô Việt Nam, trong đó đặc biệt có sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ. Người dân Hà Nội đã xuống đường rầm rộ như vậy sau khi hàng trăm hoặc có thể là hàng ngàn cây xanh, trong đó có cả những cây rất lâu đời và rất quý giá, ở thủ đô bị chặt một cách không thương tiếc, gây công phẫn dư luận địa phương cũng như cả nước.

Tuần hành ngày 29/03/2015 tại Hà Nội để bảo vệ cây xanh.
Tuần hành ngày 29/03/2015 tại Hà Nội để bảo vệ cây xanh. DR
Quảng cáo

Từ người dân thường cho đến các nhân sĩ trí thức ai cũng đau buồn khi thấy những hàng cây thân yêu ven đường bị “bức tử” một cách vội vã như vậy. Là một kiến trúc sư cảnh quan rất gắn bó với thủ đô Hà Nội, trả lời RFI Việt ngữ ngày 01/04, bà Trần Thanh Vân cho biết cảm xúc của bà khi nghe được thông tin này:

“ Đối với tôi, Hà Nội gắn bó không chỉ với tình cảm giữa con người với con người, mà đó còn là nơi mà tôi sống và làm việc nhiều năm. Đặc biệt, tôi là kiến trúc sư cảnh quan và một trong những điều tôi quan tâm nhất chính là cây xanh đường phố, của công viên, của vườn hoa và từ trong từng căn nhà. Cho nên việc chặt đốn hàng nghìn cây đó đã khiến tôi hết sức hoảng hốt, bất ngờ và buồn vô hạn.

Những hàng cây quý giá đang bị mất dần: Những cây xà cừ to, mấy vòng tay người, đường kính trên một mét, những cây muỗm trong đền Voi Phục, nơi thờ Thăng Long Tứ Trấn, tức là có bốn nơi để trấn cửa Thăng Long, mà đền Voi Phục là một. Có những cây muỗm hàng ngàn năm tuổi cũng bị chặt.

Tôi chẳng hiểu tại sao, không hiểu ai chỉ đạo. Lệnh của ai mà họ làm hối hả như thế? Ở Hà Nội có rất nhiều chuyện bê trễ chậm chạp, thế mà chuyện này tôi thấy nó vội vã, nhanh chóng, như là có một sức mạnh gì lôi cuốn người ta. Sự việc đã xảy ra hơn một tuần rồi, nhưng tôi vẫn chưa hết bàng hoàng và buồn đau.”

Trước hành động chặt cây thô bạo như vậy, người dân Hà Nội đã thể hiện sự phản đối bằng nhiều hình thức khác nhau, với cao điểm là cuộc tuần hành ngày 29/03 mang tên là Green Walk - Diễu hành hòa bình vì môi trường, bảo vệ cây xanh- do giới trẻ tổ chức. Mặc dù công an, an ninh đang ra sức ngăn chặn, nhưng cuộc diễu hành này đã diễn ra thành công.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 30/03, tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định về sự tham gia của người dân Hà Nội vào phong trào bảo vệ cây xanh:

“Người dân tham gia rất là đông. Mọi người đi hai vòng quanh bờ hồ và có rất là nhiều bạn trẻ. Bất chấp lời khuyên răn của chính quyền suốt một tuần trước đó là đừng có tham gia, bất chấp những ngăn cản, cuộc diễu hành vẫn diễn ra một cách rất là trật tự và thành công.

Việc chính quyền Hà Nội cho chặt, có nguồn nói là đã chặt 2000 cây, có nguồn nói là mấy trăm cây, trong số 6.700 cây mà họ dự kiến sẽ chặt, đã thật sự đụng vào tình cảm yêu quý cây, cảnh, cũng như môi trường của người Hà Nội. Và nó đã làm cho rất nhiều giới phải lên tiếng, khởi đầu là anh Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, với bức thư ngỏ gởi Chủ tịch thành phố Hà Nội.

Thư ngỏ sau đó được đưa lên mạng và đã được rất nhiều người hưởng ứng tích cực, từ ngoài nước như giáo sư Ngô Bảo Châu, cho đến khắp mọi miền trong nước.

Mới chỉ là dư luận trên mạng thôi thì đã buộc chính quyền thành phố Hà Nội phải thông báo tạm dừng ( chặt cây ). Sau lệnh tạm dừng ấy, những bạn trẻ ở Hà Nội đã hô hào xuống đường diễu hành để ủng hộ cây xanh vào tuần trước nữa. Sau cuộc diễu hành xung quanh hồ Thuyền Quang ấy, thì đến cuộc diễu hành ngày 29/03 quanh Hồ Gươm.

Cuộc diễu hành quanh Hồ Thuyền Quang đã diễn ra tốt đẹp, nhưng sau đó, nghe nói có lệnh từ cấp rất cao yêu cầu dẹp tất cả cái chuyện diễu hành ủng hộ cây xanh. Người ta cũng bắt đầu nhắc nhở các báo chí là đừng nhắc nhiều đến chuyện này nữa. Nhất là các nhà báo lên tiếng về vụ này thì phải cẩn trọng. Rồi Đoàn Thanh niên và các trường đại học cũng ( tìm cách ngăn chận ).

Tiêu biểu là trường Đại học Lâm nghiệp, nơi có hai vị tiến sĩ có cho ý kiến về việc này. Trường đại học đó đã ra văn bản nói rằng họ làm như thế là không đúng với “ quy chế phát ngôn của trường”. Vì sự can thiệp của PA 83, tức là bộ phận an ninh của thành phố Hà Nội xuống đến trường, cho nên họ đã phải nhắc nhở như vậy.

Rất may là công văn ấy đã được đăng lên trên mạng và càng làm cho dân chúng thấy bực với cách hành xử của chính quyền Hà Nội và bất chấp những ngăn cản, cuộc diễu hành ngày 29/03 vẫn diễn ra khá đông đảo và trật tự, êm đẹp.

Có thể nói là ý thức của người dân, nhất là của các bạn trẻ, là một nét rất đặc biệt, rất hay về sự phát triển chung về tinh thần cộng đồng của người dân và về sự phát triển của xã hội dân sự”.

Vì lý do sức khoẻ nên không thể trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến, nhưng kiến trúc sư Trần Thanh Vân rất xúc động khi nhìn thấy trên mạng hình ảnh của cuộc tuần hành ngày 29/03 ở Hà Nội, nhưng bà Trần Thanh Vân cũng lưu ý là cần phải tiếp tục cảnh giác để tránh tiếp diễn việc chặt cây xanh bừa bãi, bởi vì bà không mấy tin tưởng vào thực tâm của chính quyền thành phố Hà Nội:

“Tôi đã được xem một số hình ảnh và video clip trên mạng và thấy đó là một tình cảm hết sức con người, hết sức chân thành, hết sức bức xúc, không ai ngăn cản được. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, ở Hà Nội có một cuộc biểu tình với hàng ngàn người hết sức trật tự, với những băng rôn in những hàng chữ hết sức thân thiết và hàng cây màu xanh.

Dầu sao việc xảy ra đã làm rúng động dư luận và chính quyền thành phố ít ra đã kịp dừng lại. Chính phủ cũng đã có yêu cầu phải xử lý nghiêm minh. Tôi chưa biết sẽ có nghiêm minh hay không, nhưng ít ra đã có lệnh như thế và đó là điều phần nào đó an ủi, vì cái mất thì đã mất rồi, bây giờ làm sao phải khôi phục lại. Vẫn phải cảnh giác, vì đâu phải những gì người ta nói người ta sẽ làm đâu.

Tôi đã lên tiếng nhiều lần về điều này điều khác, về công viên Thống nhất, về khu đô thị ven bờ sông, nên biết rằng không dễ gì thay đổi được. Nếu người ta biết sai, người ta sửa thì tốt, nhưng người ta lại cố tình biết sai mà không chịu sửa. Chẳng qua là vì ồn ào quá, người ta tạm lặng yên, nhưng rồi người ta vẫn hành động lén lút thì rất khó ( kiểm soát ).

Quả thật là tình trạng vừa rồi làm cho chúng tôi rất đau buồn, vì việc này họ đã chuẩn bị từ lâu lắm rồi. Họ chặt đổ đồng loạt nhiều cây như thế, mang đi nhanh như thế, chứng tỏ họ đã chuẩn bị rất chu đáo.

Tại sao việc như vậy thì lại làm tích cực như thế, trong khi ở thành phố còn bao nhiêu cái tồn tại mà đến nay chưa giải quyết được?”

Những cây xanh này bị “bức tử” trong khuôn khổ đề án “từng bước thay thế” 6.700 cây xanh bị xếp vào loại “ già cỗi, sâu mục, cong nghiêng”. Nhưng trước sự phản đối quyết liệt của người dân Hà Nội, chính quyền thành phố này vào ngày 20/03 đã buộc phải tạm dừng kế hoạch chặt và thay thế cây xanh.

Trong cuộc họp báo ngày 31/03 vừa qua, Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị, tức là người lãnh đạo cao nhất của Hà Nội, vẫn cho rằng chủ trương nói trên là đúng, nhưng ông nhìn nhận rằng việc triển khai kế hoạch đã “làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của thủ đô”.

Ông Nghị yêu cầu mọi người phải “ tự phê bình, tự kiểm điểm khắc phục sai sót, sự nóng vội” trong việc thay thế cây xanh ở thủ đô. Sai sót chủ yếu, theo Bí thư thành ủy Hà Nội, là do chính quyền thành phố này chưa nhận thức được “sự nhạy cảm”, liên quan đến tình cảm, đến văn hóa. Ông cũng cho biết là chính quyền thành phố đang tiến hành thanh tra và sẽ công bố kết quả thanh tra.

Về phần ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 01/04 cũng đã ký “công văn hỏa tốc” gởi Chánh thanh tra thành phố và Giám đốc Sở Xây dựng tiến hành thanh tra để “xử lý nghiêm” trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ này.

Nhưng có lẽ sợ rằng chính quyền thành phố Hà Nội “câu giờ”, cho nên chính quyền trung ương, cụ thể là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đã ra chỉ đạo yêu cầu “khẩn trương” thanh tra và “điều chỉnh “ việc thực hiện kế hoạch thay thế cũng như quản lý cây xanh ở thủ đô.

Chưa biết là vụ này sẽ được xử lý ra sao, nhưng dầu sao, theo các nhìn của tiến sĩ Nguyễn Quang A, phong trào bảo vệ xây xanh ở Hà Nội đã làm thức tỉnh xã hội dân sự ở Việt Nam và đó là một điều khích lệ rất lớn đối với những nhà hoạt động xã hội như ông:

“Đã có một sự thức tỉnh như vậy. Nhưng tôi nghĩ là cũng đừng quá lạc quan, bởi vì sự phát triển có thể lúc thế này lúc thế khác. Nhưng chí ít là trong một tháng vừa qua, ý thức của người dân đã được nâng lên cao, với kết quả có thể thấy ngay, qua chuyện phản đối chặt cây, qua chuyện phản đối lấp sông Đồng Nai. Đó là một sự khích lệ cho các nhà hoạt động, cho các bạn trẻ và người dân nói chung.

Nhưng như thế không có nghĩa là những việc làm âm thầm, các kiến nghị thư ngỏ, tưởng như chẳng ai để ý đến, cũng rất có ý nghĩa. Hiện giờ cũng có những tổ chức (xã hội dân sự ) hoạt động trong khuôn khổ pháp luật hiện hành và họ cũng rất là tích cực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh như vậy. Còn các tổ chức mà chưa được đăng ký, mà chính quyền cho là bất hợp pháp, tôi cho rằng đó là những tổ chức hợp pháp, chỉ có cái là do lỗi của chính quyền. Chính quyền lẻ ra phải tạo điều kiện cho họ đăng ký, trong một khuôn khổ pháp lý, chẳng hạn như Luật về hội.”

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân cũng thấy một dấu hiệu đáng mừng qua việc người dân Hà Nội đã tự động xuống đường tuần hành bảo vệ cây xanh:

“ Đó là một điều đáng mừng trong cái đau đớn mất mát này, bởi vì ý thức của người dân hết sức tỉnh táo, giác ngộ, không cần ai cổ động, lôi cuốn, mà tự động xuống đường. Người dân Hà Nội trong cái sâu thẩm tình cảm, họ yêu mến thành phố, yêu mến những hàng cây và họ làm hết sức là chân thành vì tình yêu thương đó. Họ ý thức được rằng mất cây là mất nguồn sống, mất không khí để thở. Phong trào này cũng không cần ai lãnh đạo, hô hào, bởi vì hai bên đường phố đã có người dân rồi và trên mạng hiện nay thông tin dân sự cũng rất là nhiều.

Trong 30 triệu người sự dụng Internet, không chỉ qua các phương tiện lớn mà cả bằng smartphone, người ta có thể thông báo cho nhau. Điều đó đã tạo cho người dân một sự cảnh giác. Tôi cũng hy vọng là sau vụ này, người ta sẽ nghiêm túc chấn chỉnh cách làm việc .”

Thế nhưng, trong cuộc họp giao ban ngày 31/03, Bí thư thành ủy Hà Nội lại nhìn thấy có sự “kích động từ bên ngoài” vào phong trào tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, để “chống chế độ, chống lại chính quyền các cấp”. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, thay vì lo sợ sự phát triển của xã hội dân sự, chính quyền nên đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân để ra những chính sách, những biện pháp hợp lý:

“Họ càng đối mặt với chuyện đấy càng nghiêm túc, bằng cách đưa ra những luật lệ nghiêm túc, đường hoàng, để điều chỉnh những hành vi như vậy, thì càng tốt cho chính quyền, tốt cho xã hội dân sự, cũng như cho xã hội nói chung. Họ càng né tránh thì càng làm cho tình hình căng thẳng mà thôi và điều đó không có lợi gì cả cho cả chính quyền và xã hội.

Tôi thấy là chính quyền vẫn còn thái độ như cũ, tức là khi bị dồn vào cái thế là không thể nào làm khác đi được, thì họ giải thích lẩn quẩn, lanh quanh rằng “chủ trương là đúng”, tại việc thực hiện thế này, thế kia. Cái đó có thể là đúng một phần, nhưng có lẽ họ cần phải nhìn vào cái gốc của vấn đề. Cái gốc của vấn đề là người ta không thèm để ý đến những ý kiến của người dân, của các chuyên gia. Tôi hy vọng là những cuộc tuần hành như thế sẽ buộc chính quyền thành phố Hà Nội cũng như chính quyền Việt Nam nói chung phải thức tỉnh. Không chỉ có người dân thức tỉnh về quyền của mình, mà chính quyền cũng phải thức tỉnh về nghĩa vụ của mình.”

Có một sự trùng hợp về thời điểm: Vào lúc phong trào bảo vệ cây xanh đang rầm rộ ở Hà Nội, thì ở Sài Gòn, hàng ngàn công nhân công ty Pou Yuen từ ngày 26/03 đã đình công, tuần hành liên tục trong nhiều ngày để phản đối một điều khoản trong bộ Luật Bảo hiểm xã hội mới. Cụ thể là công nhân không chấp nhận các các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về việc không cho người tham gia Bảo hiểm xã hội được hưởng bảo hiểm xã hội một lần ngay sau nghỉ việc như trước đây, mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu mới được lãnh.

Để xoa dịu phong trào đình công này, chính phủ Việt Nam đã hứa sẽ đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm, nhưng công nhân có vẻ không mấy tin tưởng vào lời hứa hẹn đó và phong trào đang lan ra một số công ty khác.

Phong trào đình công từ công ty Pou Yuen là một trong những cuộc đình công không phải là nhằm đòi cải thiện điều kiện làm việc hay đòi tăng lương mà là nhằm phản đối Nhà nước về một chính sách bị xem là bất lợi cho người lao động. Nó cho thấy sự thức tỉnh của một bộ phận người lao động ở Việt Nam tự đứng lên để đòi quyền lợi không chỉ họ mà cho cả những người lao động khác.

Hai phong trào, một ở Hà Nội và một ở Sài Gòn, buộc chính quyền Việt Nam kể từ nay phải lắng nghe ý kiến của người dân nhiều hơn khi hoạch định các chính sách, hay khi đề ra các chủ trương. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.