Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Luật biểu tình tiếp tục bị “treo”

Đăng ngày:

Ngay từ năm 2011, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phải nhanh chóng thông qua luật biểu tình và từ năm đó đã giao cho bộ Công an soạn thảo một dự luật về biểu tình. Cũng vào năm 2011, Quốc hội Việt Nam đã thông qua nghị quyết đưa dự luật này vào chương trình chuẩn bị xây dựng luật. Thế nhưng, cho tới nay, luật biểu tình vẫn chưa được trình ra Quốc hội, thậm chí chẳng ai biết cụ thể nội dung dự luật đang được soạn thảo là như thế nào.

Một cảnh  biểu tình chống Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/05/2014
Một cảnh biểu tình chống Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/05/2014 Reuters
Quảng cáo

Đến kỳ họp tháng 5 năm ngoái, các đại biểu Quốc hội đã đi đến quyết định là Luật Biểu tình sẽ được cho ý kiến tại kỳ họp tháng 05/2015 và đến tháng 10/2015 sẽ biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, theo tin của tờ Tuổi Trẻ ngày 27/02 vừa qua, chính phủ lại đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lùi thời hạn trình dự án Luật biểu tình đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa tới (dự kiến tháng 10/2016).

Lý do mà chính phủ đưa ra là trong quá trình soạn thảo, “có một số nội dung cần nghiên cứu thêm và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình”, “quyền tự do biểu tình”, “nơi công cộng”, “tụ tập đông người”…; phạm vi áp dụng của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mittinh, biểu tình do Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”

Nhưng thực tế, vì sao dự thảo luật biểu tình cứ tiếp tục bị dời đi dời lại như vậy, trả lời RFI Việt ngữ từ Sài Gòn, nhà báo Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, giải thích.

“ Ở Việt Nam họ rất sợ đưa ra luật biểu tình với những lý do chính như thế này:  Thứ nhất, khi đưa ra luật biểu tình, Nhà nước và bộ Công an sẽ rất sợ vấn đề đa nguyên tư tưởng sẽ làm lung lay chế độ độc đảng.

Thứ hai, chính quyền sợ sự phản kháng xã hội, vốn đã tích tụ từ lâu ở Việt Nam trong các tầng lớp nông dân, công nhân, tiểu thương và kể cả nhân sĩ trí thức phản đối Trung Quốc, sẽ gây ra cái mà họ gọi là “bất ổn chính trị” theo kiểu “diễn biến hòa bình” hoặc sau này là “cách mạng màu” ở châu Âu, “mùa xuân Ả Rập” ở Bắc Phi và gần đây nhất là “cách mạng dù” ở Hồng Kông.

Thứ ba, họ sợ đưa ra luật biểu tình sẽ làm mích lòng Trung Quốc và Trung Quốc sẽ lấy cớ đó để can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Mặc dù có áp lực của dân chúng khiến Quốc hội Việt Nam đã dự định đưa luật biểu tình vào thảo luận và trình biểu quyết, nhưng họ bị bộ Công an trì hoãn. Có thể nói bộ Công an khá là tắc trách trong việc này. Việc hoãn trình luật biểu tình cho đến tháng 10/2016 có thể là một động tác “nghiệp vụ” của bộ Công an cố trì hoãn luật biểu tình càng lâu càng tốt.

Tôi cũng cho rằng nếu như luật biểu tình có được thông qua trong năm nay hoặc năm 2016, thì với nội dung dự thảo luật của bộ Công an, những người vẫn quen đàn áp biểu tình chống Trung Quốc hay biểu tình chống dân oan đất đai, điều đó cũng sẽ không có lợi gì cho người biểu tình ở Việt Nam”.

Về phần luật gia Cao Minh Tâm, trả lời RFI Việt ngữ từ Sài Gòn, thì có một lý do khác khiến dự luật biểu tình tiếp tục bị treo như vậy, đó là vì Bộ Chính trị chưa có ý kiến về dự luật này, cũng như chưa thông qua nghị quyết về xây dựng luật biểu tình.

Để thúc đẩy việc thông qua nhanh chóng luật biểu tình ở Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam vừa phát động một phong trào “Vận động luật biểu tình” và, như là một hình thức để phổ biến cho người dân về quyền tự do biểu tình, họ đã nhờ các luật gia soạn thảo một dự luật biểu tình song song với dự luật mà bộ Công an Việt Nam đang soạn thảo. Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết.

“Hội Nhà báo độc lập cố gắng tự soạn ra luật biểu tình trên cơ sở tập hợp một số chuyên gia gồm các luật sư, luật gia có trình độ và đặc biệt là có tâm huyết. Chúng tôi mong muốn là dự luật biểu tình này làm cho người dân tự nhận thức về quyền tự do biểut tình, mà Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 quy định, nhưng chưa thành luật.

Sau đó, chúng tôi phổ biến một thư phát động rộng rãi đề xuất và thảo luận về dự luật biểu tình. Thư này được gởi cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước và một số tổ chức hải ngoại, cũng như các tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Chúng tôi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và xây dựng diễn đàn các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam về luật biểu tình, đồng thời vận động các hội nhóm trong nước và quốc tế, để tạo ra được công tác quốc tế vận rộng rãi.

Nếu như Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ quan tâm đến luật biểu tình ở Việt Nam, điều này sẽ có thể thúc đẩy cho vấn đề luật lập hội và luật về công đoàn độc lập ở Việt Nam và chắc chắn sẽ tốt cho vai trò của xã hội dân sự ở Việt Nam và tiến trình dân chủ ở Việt Nam"

Sau khi tổng hợp các ý kiến và hoàn chỉnh dự luật biểu tình, Hội Nhà báo Độc lập sẽ chuyển giao cho Quốc hội Việt Nam và các cơ quan Nhà nước liên quan, như chính phủ hay bộ Công an. Mặc dù chúng tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng dự luật mà Hội Nhà báo Việt Nam chuyển giao sẽ không được tiếp nhận một cách tương xứng với nội hàm của nó, nhưng có lẻ hiệu ứng phong trào vận động dự luật biểu tình này hy vọng sẽ giúp người dân Việt Nam tự nhận thức được quyền biểu tình chính đáng của mình và nó sẽ làm cho xã hội dân sự có ý nghĩa hơn.”

Như đã nói ở trên, đã hơn 3 năm rồi, nhưng bộ Công an vẫn chưa hoàn tất việc soạn thảo dự luật biểu tình và hiện giờ, dự luật này chưa được đưa ra lấy ý kiến, nên chẳng ai biết là đã được soạn đến đâu rồi. Nhưng dưới cái nhìn của nhà báo Phạm Chí Dũng, dự luật biểu tình do chính phủ đưa ra phải làm sáng tỏ một số điểm còn mơ hồ liên quan đến quyền biểu tình.

“Chẳng hạn như họ thường lấy lý do bảo vệ trật tự trị an hay an ninh quốc gia, hay chống “thế lực thù địch” để ngăn cản người biểu tình. Dự luật biểu tình mà chúng tôi soạn ra chắc chắn không chỉ dựa trên Hiến pháp Việt Nam, mà còn căn cứ vào các điều luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, chẳng hạn như các điều luật quyền tự do biểu đạt, tự do hội họp và lập hội của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, hay dựa trên nghị quyết 24 của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc về cổ xúy và bảo vệ nhân quyền trong bối cảnh biểu tình ôn hòa.

Dự luật nhân quyền cũng phải làm rõ những khái niệm bị chính quyền lạm dụng, như thế nào là “gây rối trật tự trị an”, thế nào là “thù địch”, như thế nào là “phá hoại an ninh quốc gia”.

Một vấn đề khác là nên bỏ cơ chế “xin, cho” nói chung và cơ chế “xin, cho” nói riêng đối với luật biểu tình. Cụ thể chỉ nên dùng chữ đăng ký và thông báo và cũng chỉ nên đăng ký trước từ 12 đến 24 giờ, thay vì trước cả một tuần.

Đồng thời, phải quy định chặt chẽ về việc chính quyền và công an có thẩm quyền đến đâu trong việc chế tài người biểu tình: giải tán biểu tình, bắt giữ, khởi tố, truy tố người biểu tình, để tránh tình trạng lạm dụng và lợi dụng. “

Khi soạn thảo dự luật biểu tình, dĩ nhiên là bên phía bộ Công an chú trọng nhiều hơn đến khía cạnh kiểm soát, trấn áp, trong khi bên phía các tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động nhân quyền thì quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do biểu tình. Như vậy vấn đề là phải làm sao dung hòa giữa hai yêu cầu đó, luật gia Cao Minh Tâm, một trong những người tham gia soạn thảo dự luật biểu tình cho Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nêu lên một số điểm còn “lấn cấn” trong dự luật biểu tình.

“Tương tự như luật biểu tình vừa được thông qua ở Thái Lan, cụ thể là biểu tình thì cần thông báo trước, số lượng người là bao nhiêu, nội dung biểu tình là gì. Tiếp cận được những thông tin đó thì sẽ dung hòa được cái mà lâu nay bộ Công an vẫn lo.

Tôi cũng được biết là bộ Công an cũng tham khảo luật biểu tình sửa đổi vừa được thông qua ở Thái Lan. Tôi cũng nghĩ là luật biểu tình của Thái Lan, cũng như luật của Tây Đức trước đây, phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay, vì hiện giờ vẫn chưa có luật trưng cầu dân ý, luật về lập hội. Nếu chỉ ra luật biểu tình không thôi, nó sẽ có một độ chênh nhất định khi chưa có sự đồng bộ của hai luật kia.

Luật biểu tình cũng là một cách thể hiện ý của dân giống như trưng cầu dân ý, thế mà luật trưng cầu dân ý thì vẫn còn đang được bàn cãi, chưa đưa ra lấy ý kiến dân một cách công khai. Luật lập hội thì cũng chưa được đề cập đến, mà khi chưa có luật lập hội, thì một tổ chức, một hội nào đó đứng ra xin phép biểu tình sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Luật về lập hội cũng “nhạy cảm” như luật biểu tình và trong nghị quyết của Bộ Chính trị cũng không thấy đề cập đến hai luật này, nhất là năm nay sẽ có Đại hội Đảng các cấp. Nếu dời hai luật này sang năm tới, tức là dời sang nhiệm kỳ chính phủ mới cũng như sang bộ chính trị mới.

Tôi nghĩ nếu như bộ Công an vẫn băn khoăn, vướng mắc về một số điểm của luật biểu tình, nên chính phủ nên giao hẳn việc soạn thảo luật này cho Hộì Luật gia, như Hội Luật gia đang soạn thảo Luật trưng cầu dân ý.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng cho rằng song song với luật biểu tình, Việt Nam cũng phải nhanh chóng thông qua luật về hội.

“Song song với luật biểu tình, chắc chắn là cần phải có luật về hội và các luật khác nữa. Luật về hội này chắc chắn phải thừa nhận sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự độc lập. Hiện nay đã có 24 tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam.

Luật lập hội cũng phải gắn với mô hình công đoàn độc lập. Cho phép thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam cũng chính là yêu cầu của quốc tế để thông qua hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương cho Việt Nam”

Theo luật gia Cao Minh Tâm, thật ra nhóm soạn thảo dự luật biểu tình bộ Công an cũng muốn nhanh chóng ra luật về biểu tình vì theo ông, thứ nhất, họ không thể để tiếp diễn tình trạng mà họ gọi là “vô chính phủ”, như vụ biểu tình phản đối dẫn đến bạo loạn ở tỉnh Bình Dương vào năm ngoái. Hiện giờ, theo luật gia Cao Minh Tâm, chưa có một luật biểu tình để quy định những chế tài điều chỉnh hành vi của người biểu tình kiểu như vậy, mà nghị định 38 của chính phủ chỉ mới dừng lại ở các văn bản dưới luật quy định hành vi “tụ tập đông người”. Nó không chi tiết hóa những việc được và không được làm của người tham gia biểu tình và thực tế là không thể điều chỉnh hết những tình huống thường phát sinh trong biểu tình chẳng hạn như, địa điểm dành cho biểu tình, luồng đường, phạm vi di chuyển dành cho biểu tình, vật dụng được phép mang theo trong biểu tình… Rất nhiều những chi tiết cần được chế tài để hạn chế những thiệt hại ngoài mong muốn, ngoài mục đích của biểu tình.

Vì vậy, theo luật gia Cao Minh Tâm, mọi cuộc xuống đường của quần chúng đều phải và nên có một nhóm đại diện đứng ra tổ chức, hướng dẫn. Thậm chí những người đại diện đó còn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của đoàn biểu tình vượt quá giới hạn cho phép.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.