Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam : Bỏ phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, ai cao phiếu nhất?

Hôm nay 12/01/2015 Hội nghị lần thứ 10 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11 đã bế mạc sau tám ngày làm việc. Trong hội nghị, lần đầu tiên đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, kết quả đã được báo cáo hôm qua. Tuy nhiên đối với dân chúng thì kết quả này vẫn là điều bí mật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị trung ương 10 khai mạc hôm 5/1/2015. (Ảnh chụp qua màn hình TV).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Hội nghị trung ương 10 khai mạc hôm 5/1/2015. (Ảnh chụp qua màn hình TV). DR
Quảng cáo

Theo ngôn từ chính thức, thì việc lấy phiếu tín nhiệm trong Hội nghị Trung ương 10 nhằm giúp những người được đưa ra lấy phiếu tự nhìn lại mình để điều chỉnh, đồng thời Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí cán bộ.

Đây là hội nghị quan trọng nhưng đã bị dời lại nhiều lần. Bên cạnh việc đưa ra định hướng chiến lược, quan trọng nhất là việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ 12, mà theo giới quan sát, là dịp để tranh chấp quyền lực.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon về vấn đề trên.

RFI : Xin chào anh Phạm Chí Dũng, rất cảm ơn anh đã nhận trả lời phỏng vấn hôm nay. Thưa anh, vừa rồi Hội nghị Ban chấp hành Trung ương có tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Anh có thông tin gì về cuộc bỏ phiếu tín nhiệm này không ?

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Có thể nói đây là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lịch sử trong Đảng Cộng sản Việt Nam, vì từ trước tới giờ lần đầu tiên mới lấy phiếu tín nhiệm. Tôi biết là nhiều dư luận, nhiều giới, nhiều người dân đang chờ đợi kết quả bỏ phiếu, nhưng tới giờ này vẫn không công khai. Theo quy định trong Đảng thì họ nói là không công khai, nhưng theo một nguồn tin khả tín, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam là người đạt kết quả cao nhất.

Đó là một kết quả có thể nói là khá bất ngờ, nếu tính từ thời điểm năm 2012, khi diễn ra Hội nghị Trung ương 6 - lúc ông Nguyễn Tấn Dũng trong tình trạng khá bị động, và nhiều thông tin cho biết là ông suýt bị kỷ luật, và sau đó thậm chí ông có biệt danh là « đồng chí X ».

RFI : Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng được phiếu cao nhất, anh nghĩ khuynh hướng sắp tới sẽ như thế nào ?

Nếu quả thật thông tin ông Nguyễn Tấn Dũng đạt phiếu cao nhất trong cuộc bỏ phiếu ở Hội nghị Trung ương 10 kỳ này là đúng, thì phải nói đó là cú đột biến lịch sử đối với ông Dũng. Sau hơn hai năm kể từ Hội nghị Trung ương 6 năm 2012, ông đã có một cuộc chuyển mình ngoạn mục và phát triển. Nếu không có gì thay đổi, thì đây là một cú bứt phá, để phá tan thế giằng co về tương quan lực lượng trong Đảng, kéo dài suốt hơn hai năm qua.

Theo tôi, nếu đúng kết quả ông Nguyễn Tấn Dũng đạt phiếu cao nhất, thì con đường của ông đến Đại hội 12 của Đảng sẽ thong dong hơn khá nhiều – nếu không xảy ra những cú đột biến nào khác đối với ông. Về phần cá nhân thì tôi xin chúc mừng sớm đối với ông Nguyễn Tấn Dũng. Tôi có đôi chút hy vọng rằng những gì mà ông cam kết trong thông điệp năm 2014 về cải cách dân chủ, về tinh thần dân tộc, về giảm và xóa độc quyền, về Nhà nước kiến tạo phát triển và nắm chắc ngọn cờ dân chủ, thì ông sẽ thực hiện trong năm 2015.

Mặc dù cho tới giờ phút này, có thể nói là ông vẫn chưa đưa ra thông điệp nào cho năm 2015 cả. Nhưng tôi hy vọng rằng những gì ông Dũng cam kết mà chưa làm được, thì năm 2015 ít nhất ông cũng có một vài hành động nào đó, để chứng tỏ cho dư luận trong và ngoài nước biết rằng ông là người không phải chỉ có nói mà còn biết làm.

RFI : Theo anh thì có nên công khai hóa kết quả bỏ phiếu không ?

Bà Phạm Chi Lan là một người trong nhóm tư vấn của Chính phủ cũng đã đề nghị cần phải công khai, minh bạch hóa kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng. Mặc dù có thể theo quy định nội bộ của Đảng là không công khai, nhưng tôi cho rằng tất cả những vấn đề đó, Đảng sinh ra từ lòng dân, thì người dân cần phải biết là Đảng cầm quyền và những nhân vật của Đảng cầm quyền thực hiện chỉ đạo như thế nào, đã bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào, có phù hợp với lòng dân hay không, với sự mong mỏi của họ hay không.

Tất nhiên điều đó cần phải công khai hóa, minh bạch hóa đối với người dân càng sớm càng tốt. Không những thế còn phải công khai hóa những vụ việc gần đây đã tạo ra rất nhiều dư luận, làm xáo trộn. Chẳng hạn như liên quan tới trang blog Chân dung quyền lực, và những thông tin trang này tung ra đối với một số ủy viên Bộ Chính trị, liên quan đặc biệt tới trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh có bị đầu độc hay là không.

RFI : Thưa anh, vừa rồi báo chí Việt Nam, thí dụ như tờ Vietnamnet chẳng hạn, khi đưa tin kết quả bỏ phiếu tín nhiệm, có câu « biểu quyết giữ nguyên hình thức kỷ luật Đảng như đề nghị của Bộ Chính trị ». Theo anh, điều này có thể lý giải như thế nào ?

Có thể nói đó là một thông tin khá bất ngờ. Tôi có đọc một số bản tin của VTV, của Vietnamnet, tôi nhận thấy đoạn đó họ viết khá tối nghĩa và mơ hồ, dường như họ bị kiềm chế bởi một vòng cương tỏa nào đó từ Ban Tuyên giáo Trung ương, mà không thể tiết lộ được thông tin. Nhưng đưa ra thông tin như vậy thì lại gây ra tò mò và hoài nghi nơi công luận.

Đây là một thông tin đặc biệt, vì việc giải quyết khiếu nại, giữ nguyên hình thức kỷ luật Đảng mà lại được đề nghị từ cấp Bộ Chính trị, chứ không phải cấp thấp hơn, làm cho người ta hiểu rằng nhân vật bị kỷ luật có thể là một nhân vật cao cấp, thậm chí ít nhất là cấp ủy viên trung ương Đảng trở lên.

Có lẽ chúng ta nên chờ xem trong những ngày tới, Bộ Chính trị có công khai hóa, minh bạch hóa nhân vật nào bị kỷ luật hay không, và nhân vật đó có liên quan tới một vụ việc nào đó, trầm trọng đến mức mà phải chính do Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật.

RFI : Xin rất cám ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng ở Saigon.
 

05:55

Nhà bình luận Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn

Thụy My

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.