Vào nội dung chính
VIỆT NAM - XÃ HỘI

Việt Nam : "vô địch Đông Nam Á" về tôn trọng người đồng tính

Với bộ Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” có trong luật cũ năm 2000, Việt Nam trở thành nước đạt nhiều tiến bộ nhất Đông Nam Á về việc bảo vệ quyền của những người đồng tính trong thời gian gần đây. Theo giới phân tích, quyết định của Hà Nội có mục tiêu kinh tế là thu hút số du khách đồng giới có tiềm năng tài chính cao, nhưng đồng thời cũng có tác dụng chính trị là giải tỏa áp lực về nhân quyền đang đè nặng trên Việt Nam. 

Tuần hành « Viet pride » lần thứ hai tại Hà Nội, ngày 4 tháng 8 2013.
Tuần hành « Viet pride » lần thứ hai tại Hà Nội, ngày 4 tháng 8 2013. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Điều cần ghi nhận trước tiên là luật Gia đình mới của Việt Nam vẫn quy định là  " Không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính " (khoản 2 Điều 8), do đó, những người đồng giới tính vẫn có thể kết hôn, nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra tranh chấp.

Cho dù vậy, quan điểm bao dung đối với người đồng tính, nam cũng như nữ, được ghi thành luật, đã biến Việt Nam thành quốc gia rộng lượng nhất đối với những người này trong vùng Đông Nam Á.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 08/01 vừa qua, chuyên gia Jamie Gillen thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã không ngần ngại xếp Việt Nam vào vị trí hàng đầu châu Á trong lãnh vực tôn trọng quyền của giới đồng tính. Nhà nghiên cứu này so sánh : " Singapore vừa tái khẳng định lệnh cấm các hành vi đồng tính luyến ái, trong khi Việt Nam lại đang cố gắng nêu bật mình trong tính cách một đất nước bao dung và an ninh ".

Vẫn theo hãng tin trên, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, cũng ghi nhận là không một quốc gia nào khác trong khu vực Đông Nam Á tiến bộ bằng Việt Nam trong việc chấp nhận hôn nhân đồng tính. Theo chuyên gia nhân quyền này, tại Thái Lan, những nỗ lực để ra những đạo luật về người đồng tính đã bị đình trệ kể từ ngày giới quân đội đảo chánh vào tháng Năm 2014, còn Cam Bốt, Miến Điện, và Lào thì không đưa cả vấn đề này vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Thậm chí, theo một chiều hướng ngược lại của mình, Philippines đang xem xét luật cấm hôn nhân đồng tính, Indonesia và Malaysia, hai nước Hồi giáo thì vẫn duy trì " quan điểm phân biệt đối xử cố hữu " chống lại người đồng tính, trong khi Brunei thì ra luật Hình sự mới, phạt đánh roi và tù nặng đối với giới đồng tính.

Theo các nhà quan sát, ngoài tư tưởng cởi mở, Việt Nam còn có mục tiêu kinh tế khi bao dung đối với những người đồng tính : Đó là phát triển du lịch, mà những người đồng tính trên thế giới là đối tượng cần thu hút do tiềm năng tài chánh của họ.

Theo một nghiên cứu do công ty Community Marketing Inc., trụ sở tại San Francisco thực hiện, riêng tại Mỹ, 29% trong cộng đồng người đồng tính Mỹ đi du lịch ít nhất 5 lần/năm, mang lại cho ngành du lịch Mỹ nói riêng 100 tỉ đô la. Tính ra 48% các hộ gia đình đồng tính có thu nhập hàng năm trên 75.000 đô la.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng ghi nhận một dụng tâm chính trị của chính quyền Việt Nam : Đó là giải tỏa bớt áp lực về nhân quyền mà Hà Nội đang phải chịu, vì quyền của những người đồng tính cũng là nhân quyền.

Đây chính là nhận xét của ông Joerg Wischermann, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu và Khu vực của Đức. Theo nhà nghiên cứu này, bảo đảm quyền tự do cho giới đồng tính, cũng là một cách để giảm nhẹ tầm mức tệ hại của vấn đề tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam.

Việc tổ chức Human Rights Watch, thường chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, lại có tuyên bố hoan nghênh luật bao dung với người đồng tính là dấu hiệu cho thấy là Việt Nam đã phần nào thành công.

Cũng trong lãnh vực chính trị, luật bao dung với người đồng tính cũng đi theo chiều hướng mong muốn của Hoa Kỳ, với Tổng thống Mỹ Obama công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính, trong lúc tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Ted Osius cũng không ngần ngại đến nhận nhiệm sở cùng với người hôn phối là ông Clayton Bond, và con trai của hai người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.