Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

Biển Đông : Bắc Kinh lại ép Hà Nội nhân chuyến thăm của Du Chính Thanh

Trung Quốc trong những ngày cuối năm 2014, đầu năm 2015 có vẻ hòa dịu khác thường với Việt Nam, khiến giới quan sát tự hỏi là Bắc Kinh đang âm mưu gì, cụ thể trên hồ sơ Biển Đông. Trong một bài phân tích công bố hôm qua, 02/01/2015 trên báo mạng The Diplomat, chuyên gia Carl Thayer đã tiết lộ nhiều chi tiết về hành động gây sức ép mới nhất của Trung Quốc trên chính quyền Việt Nam nhân chuyến công du Việt Nam vào hạ tuần tháng 12 của ông Du Chính Thanh, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Chính hiệp Trung ương Trung Quốc.

Một cảnh  biểu tình chống Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/05/2014
Một cảnh biểu tình chống Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/05/2014 Reuters
Quảng cáo

Trong ba ngày của chuyến thăm kết thúc hôm 27/12/2014, nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ tư trong chế độ Bắc Kinh đã tiếp xúc với toàn bộ các lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam, từ Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cho đến Tổng Bí thư Đảng Cộng sản. 

Ở đâu ông cũng có những tuyên bố hòa dịu, nội dung kêu gọi chính quyền Việt Nam chú ý đến « đại cục » được ông đánh giá là rất tốt đẹp trong quan hệ Việt-Trung. Ngay cả hành động hung hăng đưa giàn khoan HD-981 vào đặt trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông vào đầu tháng Năm, gây sóng gió trong bang giao giữa hai nước, cũng được ông giảm nhẹ, cho rằng hai bên cần lái quan hệ đi « đúng hướng », nhưng không nói rõ đó là gì. 

Trước lúc ông Thanh đến Hà Nội, hôm 05/12, Việt Nam đã chính thức gởi bản tuyên bố lập trường của mình về vụ Philippines kiện đường lưỡi bò Trung Quốc đến Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye, trong đó bác bỏ hoàn toàn các luận điểm của Trung Quốc. Bắc Kinh tuy nhiên đã không có phản ứng gì nhiều trước hành động này. 

Bản thân ông Du Chính Thanh nhân chuyến công du Việt Nam cũng tránh không tuyên bố chính thức nào về chuyện đó, nhưng theo giới quan sát, ông đã hàm ý cảnh cáo Việt Nam khi ông đả kích cái mà ông gọi là « Ngoại giao Loa phóng thanh ».  

Theo bản tin Tân Hoa Xã đánh đi ngày 27/12, nhân vật này đã nói nguyên văn như sau : « Các vấn đề hàng hải rất phức tạp và nhạy cảm, đòi hỏi các cuộc đàm phán để quản lý và kiểm soát sự khác biệt. Ngoại giao 'loa phóng thanh' chỉ kích động sự bất ổn của công luận mà cả hai bên nên tránh. » 

Những yêu sách ngấm ngầm của Bắc Kinh đối với Hà Nội  

Theo ghi nhận của Giáo sư Carl Thayer, một số nguồn tin từ các quan chức và giới báo chí Việt Nam đã tiết lộ rằng ngay từ trước lúc ông Du Chính Thanh đặt chân xuống Hà Nội « Trung Quốc đã gây áp lực đòi Việt Nam phải tuân thủ ba điểm : Đình chỉ chiến dịch tuyên truyền chống Trung Quốc ; không quốc tế hóa tranh chấp biển đảo ; và tiến hành đàm phán về vấn đề tranh chấp trên cơ sở hoàn toàn song phương ». 

Theo Giáo sư Thayer, một số nhà báo Việt Nam cũng tiết lộ riêng với báo mạng The Diplomat rằng Trung Quốc đã phản đối việc Việt Nam gởi đến Tòa án Trọng tài Thường trực bản tuyên bố lập trường về vụ kiện của Philippines, và yêu cầu Việt Nam giữ kín và không công bố bản tuyên bố.

Trung Quốc cũng bày tỏ thái độ bất bình đối với ít nhất hai điểm trong bản tuyên bố của Việt Nam. Trung Quốc trước hết bác bỏ lời khẳng định của Việt Nam theo đó Tòa án Trọng tài Thường trực có thẩm quyền pháp lý về các vấn đề được Philippines nêu ra trong đơn kiện của mình. Thứ hai, Trung Quốc không đồng ý với lập luận của Việt Nam theo đó một số thực thể địa lý tranh chấp ở Biển Đông không thể có lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế.

Giáo sư Thayer ghi nhận rằng các chi tiết nói trên không hề được báo chí nêu lên nhân chuyến công du Việt Nam của ông Du Chính Thanh, nhưng rõ ràng là vấn đề Biển Đông đã được đề cập đến và cả hai bên đều đồng ý giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.