Vào nội dung chính
VIỆT NAM - CAM BỐT

Người Thượng Việt Nam chính thức xin tỵ nạn tại Cam Bốt

Ngày 21/12/2014 Liên Hiệp Quốc thông báo 13 người Thượng Việt Nam vượt biên sang Cam Bốt đã được đưa về thủ đô Phnom Penh và chính thức xin tỵ nạn tại Xứ Chùa Tháp.

Người Thượng  Việt Nam trong trại  tỵ nạn Ben Lung  tại Cam Bốt  năm 2001.
Người Thượng Việt Nam trong trại tỵ nạn Ben Lung tại Cam Bốt năm 2001. Ảnh: www.trust.org
Quảng cáo

Theo lời phát ngôn viên Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (HCR) tại Bangkok, Vivian Tan cách nay hơn 7 tuần, 13 người Thượng Việt Nam đã vượt biên sang Cam Bốt, sống trong khu rừng ở tỉnh Rattanakiri, phía đông bắc nước này trước khi bị phát hiện. Phần lớn trong số đó là người Jrarai.

Qua sự trung gian của các hội đoàn bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc, hôm qua (20/12/2014), 8 trong số 13 người Thượng Việt Nam – trong số đó có 1 phụ nữ, đã tiếp xúc nhân viên Liên Hiệp Quốc. Tiếp theo đó, 5 người còn lại cũng đã có cử chỉ tương tự. Vẫn theo lời đại diện của HCR Vivian Tan, chính quyền Cam Bốt đã tìm cách ngăn cản nhân viên Liên Hiệp Quốc tiếp xúc với người tỵ nạn Việt Nam trước khi nhượng bộ. 

Hôm nay, 21/12, cả đoàn đã lên đường đến Phnom Penh, và đã ra trình diện cơ quan tỵ nạn của Cam Bốt để chính thức xin được ở lại quốc gia này. Theo lời một nhà hoạt động nhân quyền của tổ chức Adhoc công tác tại tỉnh Rattanikiri, « những người Thượng Việt Nam không còn sợ bị trả về nước ». Nhiều người trong nhóm bị sốt rét và sốt xuất huyết. 

Bản tin của AFP nhắc lại danh từ người Thượng xuất phát từ thuật ngữ « Montagnard » mà người Pháp dùng để chỉ người miền núi. Đây là danh từ chung chỉ những nhóm sắc tộc sống ở vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, đa số theo đạo Thiên chúa. Một phần lớn trong cộng đồng người Thượng ủng hộ Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.

Năm 2001, Việt Nam đàn các dân tộc thiểu số nổi dậy ở vùng Tây Nguyên. Nhiều người sau đó đã chạy sang Cam Bốt xin tỵ nạn. Chính quyền Hà Nội đã yêu cầu Phnom Penh trao trả những người này về nước.

Mười năm sau, đến năm 2011, xung đột với các cộng đồng thiểu số lại xảy ra, nhưng lần này là ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam : Hàng ngàn người Hmong tập hợp trong một hoạt động tôn giáo. Chính quyền điều động quân đội để tái lập trật tự. Việt Nam giải thích đã can thiệp để ngăn chặn một âm mưu ly khai nhằm lật đổ chế độ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.