Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Vấn đề bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long

Đăng ngày:

Trung tuần tháng 8/2014, các cơ quan thông tấn không ngừng đăng những bức ảnh phản ánh tình trạng ngập nước, chỉ sau vài trận mưa rào, tại các hố được khai quật nằm ở khu vực C và D của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010 - DR
Di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010 - DR
Quảng cáo

Bên cạnh tình trạng ngập úng, hình ảnh các container vệ sinh và đường nước thải tại khu xây dựng công trình nhà Quốc hội cũng khiến giới khoa học và công luận trong và ngoài nước lo lắng cho sự xuống cấp của những di vật và công trình đã được phát lộ này.

Câu hỏi đặt ra, tại sao khu di tích đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thứ 900 của thế giới lại không được bảo quản cẩn thận ? Trách nhiệm thuộc về đơn vị nào ? Trả lời câu hỏi của RFI tiếng Việt về những lo ngại của công chúng trước vấn đề bảo vệ khu di tích Hoàng thành Thăng Long, PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc trung tâm nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học-xã hội Việt Nam, trong chuyến công tác tại Paris tháng 9 vừa qua, cho biết :

« Thứ nhất, chúng ta thấy rằng báo chí sôi động trong một thời gian rất ngắn, trong vòng hai, ba ngày. Người ta đưa những thông tin trái chiều nhau, sau đó chúng ta thấy im. Tại sao lại như vậy ? Bản chất báo chí vào cuộc lúc đó là rất vội vàng và không nắm được đầy đủ các thông tin đa chiều. Và thậm chí, chúng ta phản ảnh không đúng với những gì chúng ta cần phải nói. Chúng ta biết công trình nhà Quốc hội là một công trình rất quan trọng của đất nước trong thời kỳ đổi mới và đã được quyết định xây dựng trước khi khu di tích này trở thành dự án thế giới và đã được phân định rất rõ ràng. Việc xây dựng bên cạnh một khu di sản rõ ràng luôn luôn được chính phủ quan tâm và chỉ đạo rất sát sao. Bởi vì chúng ta vừa phát triển vừa bảo tồn chứ chúng ta không thể nào chỉ ở một khía cạnh thuần túy nào đó.

Về việc báo chí đưa, thực chất người ta đã có bài trả lời. Ví dụ tại sao có những container nhà vệ sinh nằm trong đó. Khi xây dựng cả một công trường, mà vùng đất đó đã được bàn giao để cải tạo làm sân vườn của khu di sản. Còn các hố khai quật là nhiệm vụ bảo tồn của Hà Nội, không phải của bên xây dựng. Trách nhiệm nước đầy hay rêu cỏ, Hà Nội phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý, không phải vai trò của nhà xây dựng. Còn người xây dựng phải có trách nhiệm giữ vệ sinh môi trường, quản lý nhân công để hạn chế tối đa nhất những sự xâm hại đến di sản. Đó là trách nhiệm của mỗi bên rất rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có những thông tin mà nhiều lúc người ta phản ánh không đúng về ranh giới, chỉ giới, hoặc là các biện pháp thi công của công trình khảo cổ. Chúng ta biết rằng, những thông tin như vậy, rõ ràng làm cho nhiều người, có thể vì tình yêu di sản, mà hoang mang.

Trong nghề khảo cổ học của chúng tôi có một câu, giữa các nhà nghiên cứu khoa học, với những người xây dựng, luôn luôn, cả thế giới, đều mâu thuẫn nhau. Bởi vì các nhà khoa học luôn luôn gìn giữ bảo tồn tối đa tất cả những di sản hoặc những gì có giá trị về văn hóa. Còn những nhà xây dựng, nhiệm vụ của họ là xây dựng. Mà cái đấy là không chỉ là mâu thuẫn của một nước, mà là mâu thuẫn mang tính toàn cầu.

Bài toán đặt ra là gì ? Là chúng ta nhìn đúng vấn đề, và chúng ta phối hợp với nhau như thế nào để giải quyết vấn đề đó. Còn khi chúng ta phản ánh thông tin hoặc nghe thông tin, hãy nhìn, nghe đa chiều và nhìn theo chiều hướng tích cực. Mỗi bên đều mong muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và thực hiện tốt những điều cần phải làm. »

« Chúng ta biết là di sản Hoàng thành Thăng Long, đặc điểm của nó là được bảo tồn tại chỗ. Những vết tích khảo cổ học nằm dưới lòng đất sau các cuộc khai quật. Mà những hố khai quật này, chúng tôi thực hiện năm 2002, đến 2004 chúng tôi dừng và sau đó tiếp tục nghiên cứu. Những hố đó, chúng tôi đã bàn giao lại cho Hà Nội vào tháng 4 năm 2014 vừa qua. Việc để ngập nước trong trời mưa, mưa ngập nước hố khai quật là chuyện bình thường, vấn đề là chúng ta phải xử lý bơm nước cưỡng bức ra ngoài. Còn việc không bơm nước cưỡng bức ra ngoài là trách nhiệm của người bảo quản, bảo tồn, chứ không phải là do xây dựng. Thứ hai, do chúng ta đang trong quá trình và tiến tới là làm nhà mái che và xây dựng bảo tàng. Cho nên, tất cả, khi mà đã mưa, thì bao giờ nước cũng trong hố. Vấn đề là, lúc đó, mưa vẫn phải bơm nước và sau khi mưa vẫn phải bơm nước. Còn với những nhà quản lý và bảo tồn, nhiệm vụ của họ là phải dọn vệ sinh. Đây là trách nhiệm của chúng tôi bao nhiêu năm rồi. Vì tôi là một trong những người đã đóng vai trò bảo tồn di sản này suốt từ năm 2002 cho tới 2014, tôi mới hết vai trò lịch sử của mình. »

Ngày 01/08/2010, khu di tích Trung tâm Hoàng Thăng Long trở thành Di sản văn hóa thứ 900 của thế giới. Đây là thành quả của nhiều đợt nghiên cứu và khai quật khảo cổ học đã được thực hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây với sự tham gia phối hợp của các nhà khoa học liên ngành.

Quần thể bao gồm các di tích tiêu biểu ghi dấu ấn phát triển của thủ đô từ thời tiền Thăng Long, qua các triều đại Đinh-Tiền Lê, Lý-Trần, Lê-Mạc, Nguyễn cho tới ngày nay. Trải dài trên trên diện tích 18,3 ha, khu di tích hoàng thành Thăng Long gồm trục trung tâm cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Nhà D67 Khu A Bộ quốc phòng, Bắc Môn và địa điểm khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

Tiến sĩ Tống Trung Tín, nguyên Giám đốc Viện Khảo cổ học Việt Nam, người tham gia vào công trình khai quật cho biết nguyên nhân, quá trình khai quật từ năm 2002, cũng như giá trị hiếm có của các di sản di vật tại khu di tích này.

« Câu chuyện nghiên cứu và phát hiện khu di sản hoàng thành Thăng Long bắt đầu từ chuyện thực hiện luật di sản văn hóa của Việt Nam. Tức là khi ở trong các khu vực di sản, nếu tiến hành các công trình xây dựng thì cần phải thực hiện luật bằng cách khảo sát, thám sát và nghiên cứu trước các nơi có khả năng có di tích khảo cổ học. Khi đó, Viện Khảo cổ học, năm 2002, đã có một dịp khá may. Khi thực hiện công trình của nhà nước ở đây, nhà nước đã cho phép các nhà khảo cổ học của Viện Khảo cổ học và các cơ quan liên quan vào đây thăm dò. Sau khi thăm dò và phát hiện có dấu tích khảo cổ học ở đây, bắt đầu việc tiến hành khai quật mở rộng trong phạm vi cho phép. Khu đó, ban đầu diện tích ước tính là 48 nghìn mét vuông, Viện Khảo cổ đã tiến hành khai quật trên khoảng 19 nghìn mét vuông, đã thấy tầng văn hóa của nó rất dầy. Và trong các tầng văn hóa đó, di tích di vật rất nhiều và được xác định là có rất nhiều thời kỳ chồng xếp lên nhau với giá trị lịch sử và giá trị khoa học rất lớn. Vì vậy, cuộc khai quật đã tạm dừng để nghiên cứu, đánh giá giá trị và đề xuất với UNESCO và các cơ quan liên quan xem xét để xác nhận đó là di sản thế giới. Đến năm 2010, trước giá trị rất lớn mà các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng tham gia nghiên cứu, các giá trị đó đã được xác nhận và đồng thời di sản đã được vinh danh ».

Theo ước tính của Viện Khảo cổ học, hoàng thành Thăng Long ngày xưa có diện tích lên tới khoảng hàng trăm héc-ta nằm ở khu trung tâm nội đô của Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, Viện Khảo cổ học và các cơ quan liên quan mới chỉ khai thác và đánh giá bước đầu tại địa điểm khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu. Chính vì thế, UNESCO khuyến nghị cần tăng cường nghiên cứu khảo cổ tại khu Di sản được ghi nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Từ đó, Viện Khảo cổ học và các cơ quan liên quan đã tiến hành nghiên cứu ở trục trung tâm. Có nghĩa là khu vực được xem là quan trọng và có những di sản của các triều đại Việt Nam. Sau ba năm liên tục khai quật, tuy trên một diện tích nhỏ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được nhiều di tích với nhiều tầng văn hóa khác nhau. Tiến sĩ Tống Trung Tín giải thích :

« Ví dụ là trong cái trục trung tâm, thì lần đầu tiên đã thấy được là tầng lớp văn hóa ở độ sâu từ 1 mét tới trên 4 mét. Và ở đó đã thấy được rất rõ các tầng lớp văn hóa. Ví dụ sâu nhất là lớp văn hóa thời Đại La, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 8-thứ 9. Tiếp theo là những dấu tích của thế kỷ 10, thời Đinh-thời tiền Lê. Lần lượt tiếp theo là dấu tích của các thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng và cuối cùng là thời Nguyễn và kể cả thời hiện đại. Vì nó nằm ở khu trung tâm, nên tính liên tục của nó nhiều khi còn thấy rõ hơn ở các khu vực khác. Và qua mỗi thời kỳ, thấy rằng các di tích diễn biến rất khác nhau cả về phương diện quy mô lẫn kỹ thuật. Và đồng thời các di vật của các di tích đó như gạch, ngói, gốm, sứ…trải qua các thời kỳ đều tương thích với các thời kỳ lịch sử đó. »

Các di tích và di vật trên đều có giá trị rất lớn. Ngoài dấu vết những triều đại đã tìm được trước đây, lần đầu tiên, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thêm dấu vết thời Đại La và thời Lý. Tiến sĩ Tống Trung Tín giải thích thêm :

« Ví dụ bước đầu có thể thấy các tầng văn hóa ở đây được bảo vệ có vẻ tốt hơn các nơi khác. Rồi các di tích của các lớp cũng thế, nó được bảo vệ tốt hơn. Và lần đầu tiên, ở khu trung tâm này, thì đã xác định được có dấu vết Đại La mà trước đây chưa tìm thấy. Rồi cũng lần đầu tiên, xác định được các dấu tích kiến trúc thời Lý mà trước đây chưa tìm thấy. Tiếp theo là thời Trần và đặc biệt là thời Lê sơ, thời Lê trung hưng. Hay là những kiến trúc rất lớn như một đường nước thời Lý. Các nhà khoa học thấy kích thước của nó lớn quá, nên gọi là đường nước khổng lồ trong hoàng thành. Ngoài ra, còn có những di tích kiểu sân, gạch, những bố trí của các kiến trúc có vẻ đang hướng về trung tâm của điện Kính Thiên. Cho nên, người ta đang đoán là khu vực đó có những di tích rất tốt. Và như vậy nó báo hiệu dần dần từng bước khai quật. Có thể là tại khu trung tâm đó, mình có thể tiếp tục khai thác được, phát hiện được kiến trúc, hay là di tích có tầm quan trọng đặc biệt ở khu trung tâm của trục trung tâm này. »

Việc bảo quản các công trình được phát lộ là vấn đề gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết nóng ẩm của Việt Nam, cũng như kinh nghiệm quản lý của các cơ quan liên quan. PGS-TS Bùi Minh Trí giải thích thêm công việc của nhóm nghiên cứu.

« Chúng ta biết là UNESCO công nhận khu di sản hoàng thành Thăng Long trong bối cảnh khu di tích đang khai quật và đang nghiên cứu đánh giá giá trị. Và việc ghi nhận di sản hoàng thành Thăng Long cũng không đồng nghĩa là việc nghiên cứu đã kết thúc. Cho nên trong bản tuyên bố giá trị toàn cầu, UNESCO đã khuyến cáo việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của khu di sản này phải được tiếp tục. Bởi lẽ, việc nghiên cứu, đánh giá giá trị của khảo cổ học là nền tảng, là cơ sở quan trọng cho những cứ liệu khoa học về việc bảo tồn và phát huy giá trị của khu di sản này. Chính vì vậy, công tác nghiên cứu để bảo tồn những di tích di vật đã phát lộ là một nghĩa vụ hết sức quan trọng. Về những di tích, thì chúng ta biết hiện nay mới là nhà mái che tạm và là di tích lộ thiên. Đương nhiên là trong tương lai là quy hoạch, sẽ xây dựng một bảo tàng mở, bảo tàng ngoài trời, tức là « outside museum ». Điều kiện đó chắc chắn giúp việc bảo vệ di tích tốt hơn.

Còn di vật, chúng ta có rất nhiều loại để tiến tới là việc bảo tồn di vật như thế nào. Các đồ gốm sứ, đồ đá, thì việc bảo quản nó tương đối khá đơn giản. Nhưng với những đồ kim loại và những đồ gỗ tìm trong di tích thì việc bảo quản đó đòi hỏi phải có đội ngũ những nhà cán bộ mang tính chuyên nghiệp về bảo quản, có đủ năng lực trình độ thì mới có thể thực hiện tốt được. Điều này ở Việt Nam đang còn thiếu và yếu. Chính vì vậy, cần phải có ý thức sâu hơn cho công tác bảo quản, nhất là với những loại hình di vật đặc biệt. Đặc biệt với đồ gỗ, chúng ta cần phải học tập rất nhiều kinh nghiệm của châu Âu, cũng như đặc biệt với Nhật Bản. Đấy là những khó khăn, thách thức.

Còn công việc nghiên cứu, như tôi nói lúc đầu, tức là, khi di sản này trở thành di sản thế giới thì nhiều người nghĩ rằng việc nghiên cứu đã kết thúc và nhiệm vụ nghiên cứu là của lĩnh vực khác. Vì chúng ta chưa học được mô hình nghiên cứu, cộng tác giữa nghiên cứu và quản lý như là Nara (Nhật Bản), một mô hình rất đẹp. Một mặt, vẫn phát huy giá trị cho di sản này, tuyên truyền quảng bá nó, một mặt, người ta đầu tư rất là sâu cho công tác nghiên cứu. Và công tác nghiên cứu, dường như đối với di sản này, nó mãi, chưa bao giờ nói là có thể kết thúc được vì công tác nghiên cứu trong khảo cổ học, như Nara (Nhật Bản), người ta tiến hành đến năm nay là 61 năm và họ vẫn tiếp tục khai quật, nghiên cứu, phát huy giá trị.

Bản thân UNESCO cũng rất ủng hộ quan điểm này và họ cũng đã khuyến cáo Việt Nam cần phải tiếp tục khai quật, nghiên cứu làm rõ giá trị hơn nữa. Và những giá trị này sẽ bồi đắp, làm nổi nét hơn, những giá trị nổi bật toàn cầu mà đã được UNESCO vinh danh. Và chính cái sự hiểu biết đó mới mang lại những hữu ích cho việc tuyên truyền, quảng bá tới công chúng và đồng thời mới trả lại những giá trị đích thực của khu di sản. »

PGS-TS Bùi Trung Tín cũng cho biết Viện Khảo cổ học và các cơ quan liên quan đã trình dự án bảo tàng ngoài trời (outside museum) lên thủ tướng từ những năm 2006-2008 và mới đây đã được thủ tướng phê duyệt. Mô hình này dựa theo mô hình của Bảo tàng Nghệ thuật và Khảo cổ học Perigord (Musée de l’Art et de l’Archéologie de Perigord) ở miền nam nước Pháp. Bảo tàng sẽ có mái che, được thiết kế đẹp mắt, hiện đại đáp ứng đủ yêu cầu về nhiệt độ để có thể bảo vệ tất cả những di tích xuất lộ dưới lòng đất.

Phương án xây dựng bảo tàng tại chỗ sẽ tập trung ở hai khu vực, A-B và D4-D6. Việc hoàn thiện phương án bảo quản, bảo tồn và khai thác được giao lại cho thành phố Hà Nội từ tháng 4/2014. Tuy nhiên, cho tới hiện nay, Hà Nội vẫn chưa đưa ra thông tin cụ thể về dự án xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.