Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NAM PHI

Nam Phi bắt hai người Việt cùng một lượng sừng tê giác kỷ lục

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin cảnh sát Nam Phi cho biết, tối qua 31/10/2014 đã bắt giữ hai người Việt Nam cùng với 41 kg sừng tê giác khi quá cảnh tại sân bay quốc tế Johannesburg, Nam Phi trên chuyến bay từ Maputo qua Mozambique về Hà Nội.

Tại Vệt Nam, một kílô sừng tê giác trị giá 60 ngàn đô la (DR)
Tại Vệt Nam, một kílô sừng tê giác trị giá 60 ngàn đô la (DR)
Quảng cáo

Thông cáo chung của cảnh sát và hải quan Nam Phi nhấn mạnh đây là « lượng sừng tê giác lớn nhất thu giữ được trong một lần kiểm tra tại Nam Phi ». Cơ quan chức năng cũng khẳng định số sừng này đều có nguồn gốc từ Nam Phi.

Phát ngôn viên cảnh sát Nam Phi, tướng Solomon Makgale cho AFP biết thêm chi tiết là nhìn chung « các sừng tê vẫn còn nguyên vẹn. Có 18 chiếc được gửi theo hành lý ký gửi ».

Danh tính của hai nghi phạm bị tạm giữ không được cảnh sát tiết lộ trước khi được đưa ra trình diện trước tòa án và thứ Hai tới. Được biết hai người Việt này vào khoảng 25, 26 tuổi. Ông Makgale cho biết « họ có có thể bị buộc tội vận chuyển, tàng trữ và buôn bán các loài động vật bị đe dọa ».

Cảnh sát Nam Phi cho biết họ đã nhận được tin mật báo các hành khách mang sừng tê giác trên chuyến bay này và đã nhanh chóng can thiệp, dùng chó nghiệp vụ của hải quan để xác định hành lý có sừng tê giác. Đây là mẻ lưới lớn trong cuộc chiến chống săn bắn tê giác lấy sừng từ 7 năm qua.

Tại Nam Phi vẫn còn khoảng 20 nghìn con tê giác, tức là chiếm 80% số lượng trên toàn thế giới. Thế nhưng các vụ tàn sát tê giác vẫn tiếp diễn. Riêng trong năm 2014 đã có 730 con tê giác bị giết để lấy sùng.

Khu vườn quốc gia Kruger nằm sát biên giới với Mozambique là một trọng điểm của những kẻ săn bắn trái phép, đến mức chính phủ đã phải cho di dời một số tê giác về các vùng dễ kiểm soát.

Mặt khác tư pháp Nam Phi cũng rất mạnh tay trong việc xử lý các vụ phạm pháp liên quan đến săn bắn tê giác. Hồi tháng 7 vừa qua, một tay săn lậu đã bị kết án 77 năm tù.

Vốn được coi như là một thần dược trong y học cổ truyền phương Đông, vì thế ở Việt Nam và Trung Quốc, sừng tê giác đã trở thành một món hàng cực kỳ đắt giá và được nhiều người giàu có tìm mua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.