Vào nội dung chính
VIỆT NAM -TRUNG QUỐC

Ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam nhằm giảm căng thẳng

 Hôm qua 26/10/2014, Ủy viên Quốc vụ đặc trách ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Việt Nam. Chuyến công du lần thứ hai của Ngoại trưởng Trung Quốc đến Hà Nội trong vòng năm tháng diễn ra trong bối cảnh tình hình trên Biển Đông vẫn tiếp tục căng thẳng với việc Trung Quốc có một loạt hoạt động xây dựng và mở rộng nhiều đảo tranh chấp tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mới đây.

Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp ông Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ đặc trách ngoại giao Trung Quốc tai Trung tâm hội nghị quốc tế Hà nội ngày 27/10/2014.
Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp ông Dương Khiết Trì Ủy viên Quốc vụ đặc trách ngoại giao Trung Quốc tai Trung tâm hội nghị quốc tế Hà nội ngày 27/10/2014. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Ông Dương Khiết Trì tới Việt Nam lần trước vào ngày 21/06 để tham dự cuộc họp thứ 6 của Ủy ban nói trên đúng vào lúc quan hệ Việt – Trung đang khủng hoảng nghiêm trọng do biến cố Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố đặc quyền. Căng thẳng hai bên có phần dịu xuống sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực này hồi giữa tháng 7.

Sáng nay, hai lãnh đạo ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc Phạm Bình Minh và Dương Khiết Trì đồng chủ trì cuộc họp thường kỳ lần thứ 7 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc. Một trong các nội dung chủ yếu của cuộc họp song phương này là để hai bên khẳng định lại các phương thức giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông. Nhật báo Hoa Kỳ Wall Street Journal nhận định, sau cuộc họp này, Việt Nam đã “đồng ý khôi phục quan hệ song phương và quản lý tốt hơn các căng thẳng ở Biển Đông”.

Theo thông báo chính thức của chính phủ Việt Nam, trong cuộc họp này, lãnh đạo ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh đến lập trường của Việt Nam “ưu tiên thông qua các biện pháp hòa bình để cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Hiện tại, lập trường của Trung Quốc khẳng định yêu sách chủ quyền trên khoảng 90% Biển Đông bị nhiều nước láng giềng Đông Nam Á - như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia – nhìn nhận như là những mối đe dọa lớn. Bên cạnh đó tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông cũng gây lo ngại đối với cộng đồng quốc tế trong vấn đề an toàn hàng hải. Việc Trung Quốc mở rộng xây dựng các căn cứ tại nhiều đảo tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratleys) cũng khiến chính quyền Việt Nam thường xuyên phản đối.Mới đây nhất, ngày 24/10, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng chỉ trích mạnh việc Trung Quốc thay đổi nguyên trạng tại các đảo tranh chấp.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg qua điện thoại, Alexander Vuving - nhà phân tích làm việc tại Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương (Asia-Pacific Center of Security Studies) ở Hawaii cho biết : Sau cuộc khủng hoảng giàn khoan, “hình ảnh của Trung Quốc tại Việt Nam đã bị sói mòn”. Chiến lược hiện nay của Việt Nam là tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba để đối trọng với Trung Quốc.

Quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ đã cải thiện đáng kể trong thời gian này, đặc biệt với việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam mới đây. Vẫn theo nhà nghiên cứu Alexander Vuving, chuyến đi của lãnh đạo Ngoại giao Trung Quốc lần này là để thuyết phục Việt Nam không ngả về phía Mỹ. Tuy nhiên thái độ của Trung Quốc khó mang lại tin tưởng, vì Bắc Kinh đã nhiều lần cự tuyệt đối thoại để giải quyết bất đồng và Trung Quốc có ít lý do để thỏa hiệp với Việt Nam, bởi “ưu thế về kinh tế và quân sự” với quốc gia láng giềng phía Nam. Chuyên gia đại học Hawaii cảnh báo : nếu tình hình thuận lợi, Trung Quốc sẽ lại tiếp tục có những động thái gây hấn mới ở Biển Đông.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.