Vào nội dung chính
VIỆT NAM - ẤN ĐỘ

Việt Nam sẽ ký hiệp định quốc phòng với Ấn Độ

Chỉ khoảng hơn một tháng sau khi ký một biên bản ghi nhớ về cấp tín dụng để mua vũ khí nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ, Hà Nội và New Delhi sẽ ký một hiệp định quốc phòng khác nhân chuyến công du Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hai ngày 27 và 28/10/2014.

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (trái) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội. Ảnh ngày 15/09/2014.
Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee (trái) và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội. Ảnh ngày 15/09/2014. Reuters
Quảng cáo

Tờ nhật báo The Economic Times của Ấn Độ số ra ngày 20/10/2014, cho biết hiệp định quốc phòng sắp được ký kết dự trù là Ấn Độ sẽ cung cấp các thiết bị quân sự cho quân đội Việt Nam. Cả hai nước đều hiện sử dụng rất nhiều vũ khí của Nga và như vậy hai nước có thể hợp tác với nhau dễ dàng trong lĩnh vực này, trong đó có việc Ấn Độ bảo trì và cung cấp các phụ tùng vũ khí cho quân đội Việt Nam.

Vào tháng trước, nhân chuyến viếng thăm của Tổng thống Pranab Mukherjee, Hà Nội và New Delhi đã ký một biên bản ghi nhớ về khoản tín dụng 100 triệu đô la cho Việt Nam vay để mua các tàu tuần tra của Ấn Độ nhằm tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển.

Vốn là đối tác chiến lược từ năm 2007, Việt Nam và Ấn Độ đang tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh để đối phó với tham vọng chủ quyền ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt là ở hai vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tờ báo The Economic Times trích lời một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi rất muốn giúp Việt Nam nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội. Vẫn theo quan chức này, hai nước cũng dự định mở thêm các cuộc tập trận chung và chương trình huấn luyện.

Nhưng không chỉ có quốc phòng. Việt Nam và Ấn Độ còn sẽ gia tăng trao đổi mậu dịch. Theo The Economic Times, tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi thăm Ấn Độ lần này sẽ có một phái đoàn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Họ sẽ thăm dò cơ hội thương mại và đầu tư ở Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh mà Hà Nội đang cố giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.