Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Nên hay không nên bán vũ khí cho Việt Nam ?

Đăng ngày:

Ngày 02/10/2014, chính quyền Tổng thống Obama loan báo Hoa Kỳ sẽ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Quyết định này được thông báo nhân cuộc gặp gỡ giữa bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington.

Hai Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và Mỹ John Kerry bắt tay nhau tại trụ sở bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 02/10/2014 - Reuters
Hai Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và Mỹ John Kerry bắt tay nhau tại trụ sở bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington, ngày 02/10/2014 - Reuters
Quảng cáo

Dĩ nhiên là báo chí Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh trước thông tin nói trên. Trong một bài báo đề ngày 10/10/2014, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng chính sách của Mỹ về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thể hiện rõ rệt sự “can thiệp” của Hoa Kỳ vào thế cân bằng lực lượng ở khu vực châu Á.

Đối với Nhân dân Nhật báo, việc Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam sẽ phá hỏng sự “đồng thuận” giữa Việt Nam với Trung Quốc, và « gây phương hại đến ổn định và làm phức tạp thêm các tranh chấp ».

Tờ Nhân dân Nhật báo cũng tỏ vẻ bực tức khi viết rằng, “trong khi đã giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, và vẫn hạn chế việc xuất khẩu công nghệ cao cấp cho Trung Quốc”. Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn cảnh báo rằng quyết định của Hoa Kỳ bán vũ khí cho Việt Nam sẽ “cản trở việc phát triển quan hệ Mỹ-Trung”.

Nhưng ngay trên báo chí phương Tây, việc Hoa Kỳ giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng đã gây nhiều tranh cãi, kẻ thì bênh, người thì chống.

Trong một bài viết của số báo ra ngày 11/10, tuần báo The Economist của Anh cho rằng việc bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam chỉ có tính chất tượng trưng, bởi vì 9/10 số vũ khí hiện nay của Việt Nam là mua từ Nga. Nhưng quyết định này sẽ cho phép Việt Nam mua tàu tuần tra có vũ trang, máy bay do thám của Mỹ, cũng như mua các phụ tùng cho những phi cơ trực thăng củ, mà Việt Nam tịch thu của quân Mỹ trong chiến tranh và nay đang rất cần được sửa chữa.

Bài báo của The Economist viết :

" Việc Hoa Kỳ giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí không phải là điều hoàn toàn đáng ngạc nhiên. Washington đã cải thiện quan hệ với Hà Nội từ giữa thập niên 1990. Hai nước tưởng là khó có thể thành bạn này đã ký hiệp định mậu dịch song phương vào năm 2001. Mỹ và Việt Nam cũng là thành viên trong khối Đối tác xuyên Thái Bình Dương, TPP, một khối tự do mậu dịch bao gồm cả chục nước châu Á-Thái Bình Dương ( nhưng không bao gồm Trung Quốc ). Các công ty năng lượng của Mỹ đang rất muốn cung cấp thiết bị cho các lò phản ứng hạt nhân mà Việt Nam dự trù xây dựng. "

Nhưng The Economist cũng trích lời một chuyên gia về Việt Nam tại trường Đại học Oregon nói rằng sự thay đổi chính sách của Mỹ cho thấy là quyền lợi chiến lược đã lấn át nhân quyền. Hoa Kỳ đã chấp nhận giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí cho Hà Nội, mặc dù nhiều nhà bất đồng chính kiến hiện vẫn ngồi tù ở Việt Nam. Chế độ độc đảng vẫn tiếp tục bắt giữ những người chỉ trích chính quyền dựa trên những điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia.

Tờ báo cũng trích lời tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, một trong những tù chính trị được trả tự do gần đây và hiện sống ở Mỹ, nói rằng ông rất muốn nhìn thấy một nước Việt Nam vừa dân chủ, vừa liên minh quân sự với Hoa Kỳ để chống lại tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Nhưng ông nói thêm rằng, bán máy do thám vào lúc này, khi mà đàn áp chính trị tiếp diễn, chỉ kéo dài thêm sự tồn tại của chế độ Hà Nội.

Trên trang mạng Foreign Policy ngày 03/10/2014, tức là ngay sau khi Hoa Kỳ loan báo quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, tác giả John Sifton đã nêu lên những lý do Hoa Kỳ không nên bán vũ khí cho Việt Nam, đặc biệt là lý do về mặt nhân quyền :

“ Chính quyền Hoa Kỳ biện hộ cho quyết định thay đổi chính sách nói trên với lập luận rằng các thiết bị hàng hải không thể dùng vào việc đàn áp đối lập. Lập luận này không xác đáng. Đương nhiên, chính quyền Hà Nội sẽ không đem ngư lôi ra phóng vào đám đông biểu tình. Lực lượng an ninh Việt Nam không cần các thiết bị quân sự phức tạp để dập tắt tiếng nói của những người phản đối chính quyền. Khi muốn bắt các nhà bất đồng chính kiến và blogger, họ chỉ việc lái xe đến địa điểm biểu tình, hay tư gia và bắt người cần bắt. Việt Nam không cần phải mua súng, dùi cui hay bình xịt hơi cay từ Hoa Kỳ, vì ngành an ninh Việt Nam có thể mua được các trang thiết bị không mấy đắt tiền này từ các thị trường sẵn có (....)

“Quyết định về việc bắt đầu bán vũ khí sát thương của Hoa Kỳ đã gạt sang một bên bao công sức và lòng can đảm của các nhà hoạt động ở Việt Nam, những người trông chờ Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác gây sức ép buộc Đảng Cộng sản cầm quyền phải chấm dứt chính sách đàn áp có hệ thống và thực hiện các cải cách nghiêm túc.”

Nhưng trong một bài báo đăng ngày 13/10/2014 trên trên trang mạng The Council on Foreign Relations ( Hội đồng về Quan hệ Đối ngoại ) của Mỹ, tác giả Joshua Kurlantzick lại cho rằng khi ra quyết định bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, chính quyền Obama đã hành động đúng, cho dù tình trạng vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.

Kurlantzick cũng lưu ý rằng các quan chức chính quyền Mỹ đã nói rõ là việc Hoa Kỳ bán thêm vũ khí, hoặc thắt chặt quan hệ với Việt Nam và quân đội Việt Nam là tùy thuộc vào những tiến bộ của Việt Nam về mặt nhân quyền.

Tác giả bài báo viết :

“ Tôi thật sự không nghĩ là đã có cải thiện nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây (...). Chính báo cáo thường niên của bộ Ngoại giao Mỹ về Việt Nam cũng đã cho rằng trong năm ngoái đã không có cải thiện thật sự về nhân quyền (... ).

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng chính quyền Mỹ không phải là bỏ quên vấn đề nhân quyền và thúc đẩy dân chủ trong chiến lược thắt chặt trở lại quan hệ với Đông Nam Á”.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia nổi tiếng về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cũng đã có một bài viết trên trang mạng The Diplomat, ngày 06/10 với hàng tựa: “ Mỹ bỏ cấm vận vũ khí : Quả banh đang ở bên sân Việt Nam”.

Trong bài viết này, giáo sư Carl Thayer đã điểm lại quá trình lịch sử từ lúc Hoa Kỳ thi hành lệnh cấm vận vũ khí lên miền Bắc Việt Nam do sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 08/1964 ( và lên toàn bộ Việt Nam sau khi hai miền chính thức thống nhất sau năm 1975), cho đến quyết định đầu tháng 10 vừa qua bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Theo giáo sư Carl Thayer, có thể rút ra hai kết luận từ quyết định nói trên :

“ Thứ nhất, chính sách của Mỹ nhằm chống lại hành động cứng rắn nhằm xác quyết chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông đã vượt khỏi khuôn khổ của những tuyên bố ngoại giao và ủng hộ công pháp quốc tế, để chuyển sang chiến lược bao gồm việc trang bị vũ khí cho các quốc gia ven biển để họ có thể tự bảo vệ lãnh hải.

Sự thay đổi chính sách này nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các nước ven biển, mà không trực tiếp kéo Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột trên biển với Trung Quốc. Trong trường hợp Việt Nam, các quan chức Mỹ đã nói rõ là họ sẽ ưu tiên nâng cao khả năng của lực lượng tuần duyên Việt Nam. Đó là bởi vì Trung Quốc cũng sử dụng lực lượng tuần duyên và các cơ quan chấp pháp dân sự khác, cũng như các đội tàu cá để khẳng định chủ quyền của họ ( trên Biển Đông ).

Thứ hai, sự thay đổi trong chính sách của Mỹ còn có tác động làm suy yếu phe bảo thủ ở Việt Nam, vẫn chống lại việc gia tăng hợp tác an ninh và quốc phòng với Hoa Kỳ.”

Giáo sư Carl Thayer nhắc lại rằng, trong quá khứ, các thành phần bảo thủ trong đảng vẫn chống lại phe chủ trương thắt chặt quan hệ với Mỹ. Họ đã đưa ra ba yêu cầu với Mỹ: Tẩy độc những khu vực bị nhiễm chất da cam, trợ giúp nhiều hơn cho việc tìm kiếm các bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh và chấm dứt cấm vận vũ khí. Hoa Kỳ đã thi hành những bước để giải quyết hai vấn đề đầu. Với việc bãi bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương, họ đã giải quyết vấn đề thứ ba. Quả banh bây giờ đang nằm bên sân Việt Nam.

Theo giáo sư Thayer, các thành phần bảo thủ nay phải quyết định họ có chấp nhận đề nghị của Mỹ cung cấp vũ khí phòng thủ để bảo vệ an ninh hàng hải hay không.

Tác giả Joshua Kurlantzick cũng có quan điểm tương tự như giáo sư Thayer. Trong bài viết tựa đề " Phải chăng đã đến lúc Hoa Kỳ thiết lập liên minh với Việt Nam", đăng ngày 14/10 trên trang mạng The National Interest ( Lợi ích quốc gia ) của Mỹ, ông viết :

" Việc bán vũ khí cho Việt Nam sẽ giúp củng cố vị thế cho phe thân Mỹ trong giới lãnh đạo Việt Nam trước phe thân Trung Quốc. Một số học giả và quan chức Việt Nam nói rằng phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo Việt Nam nay đã suy yếu, do căng thẳng gia tăng trên vấn đề tranh chấp chủ quyền vùng Biển Đông.

Hoa Kỳ nên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và tiến tới một liên minh chính thức với Hà Nội. Ngoài việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hoa Kỳ nên để cho các chiến hạm của hải quân Mỹ đi vào cảng Cam Ranh nhiều hơn, mở rộng chương trình huấn luyện cho các sĩ quan cao cấp của Việt Nam, định chế hóa cuộc đối thoại chiến lược thường niên ở cấp cao hơn, để cho bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và đồng nhiệm Việt Nam tham gia đối thoại chiến lược thường niên"

Theo tác giả Kurlantzick, thiết lập liên minh với Việt Nam là yếu tố chủ chốt trong việc duy trì sự hiện diện của Mỹ ở vùng Đông Á, trong việc bảo vệ sự tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông, trong việc tìm các hải cảng mới cũng như các căn cứ quân sự mới, vào lúc mà tình hình chính trị nội bộ ở Nhật và Thái Lan đang đe dọa mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia này.

Cũng theo tác giả bài viết, đối với Hà Nội, quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ sẽ giúp quân đội Việt Nam nhanh chóng hiện đại hóa thiết bị quân sự, giúp gia tăng trao đổi thương mại với Mỹ và giúp bảo vệ an ninh cho Việt Nam trước Trung Quốc, điều mà ASEAN sẽ không khi nào làm được.

Trong một bài viết chung, đăng trên trang mạng The Diplomat ngày 07/10, hai tác giả Trương Minh Vũ, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh và Ngô Di Lân, nghiên cứu về chính sách ngoại giao, hiện đang theo học tại Đại học Maastricht (Hà Lan), đã phân tích ý nghĩa chính trị của vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam.

Bài viết nhận định rằng quyết định của Mỹ là một bước tiến cho thấy rằng cả hai bên “đã vượt qua nhiều rào cản trong mối quan hệ song phương”. Hai tác giả viết :

“ Lâu nay Mỹ luôn cho rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một vấn đề nhạy cảm, do sự khác biệt trong hệ thống chính trị và giá trị giữa hai bên. Sự dè dặt của Washington trong việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí là do có nhiều người quan ngại rằng những vũ khí này sẽ được sử dụng với mục đích đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Những ý kiến như vậy đang được những người Việt ở Mỹ ủng hộ và vận động, vì họ luôn nhấn mạnh rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cần đi kèm với cải cách chính trị. Tuy nhiên, các chính trị gia Mỹ đã phản ứng một cách dè dặt trước những ý kiến đó. Đã có một sự nhất trí ngầm giữa hai đảng rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một phản ứng chiến lược cần thiết trước những hành động cứng rắn gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông”.

Cũng theo hai tác giả Trương Minh Vũ và Ngô Di Lân, trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam, đã có nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách quốc phòng “3 không” của nước này ( không liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào bất cứ nước nào để chống các nước khác ). Đối với những người chỉ trích, chính sách này không còn hữu hiệu trong việc giúp bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền, nhất là sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Những tiếng nói chỉ trích này ủng hộ việc Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn. Từ góc nhìn của các chiến lược gia Việt Nam, chỉ có Mỹ mới có thể làm thay đổi tính toán của Trung Quốc ở Biển Đông, và ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng. Được sự hậu thuẫn của một cường quốc quân sự đồng nghĩa với việc cán cân lực lượng sẽ thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Hà Nội.

Nhưng hai tác giả Trương Minh Vũ và Ngô Di Lân cũng lưu ý:

“ Tuy được xem là một bước đột phá quan trọng, vũ khí của Mỹ sẽ khó có thể lật ngược thế cờ trong cuộc tranh chấp ở biển Đông nói riêng và trong mối quan hệ tay ba Trung-Việt-Mỹ nói chung. Trước hết, cho dù Mỹ có gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, thì điều này cũng không làm thay đổi một cách đáng kể cán cân lực lượng giữa Trung Quốc và Việt Nam .

Dù thế nào đi nữa, hải quân Trung Quốc vẫn sẽ áp đảo hải quân Việt Nam. Hạm đội của Trung Quốc cũng hiện đại và được trang bị tốt hơn so với Việt Nam. Do vũ khí của Mỹ còn rất đắt tiền, Hà Nội khó lòng có thể mua đủ vũ khí của Mỹ để thay đổi một cách đáng kể cấu trúc quân đội hiện nay nhằm đối đầu với mối đe dọa Trung Quốc (...)

Quan trọng hơn nữa, vẫn còn một số sự khác biệt và cách hiểu khác nhau giữa hai nước về hợp tác quốc phòng. Về phía Việt Nam thì muốn hợp tác quốc phòng không chỉ giới hạn trong việc mua bán vũ khí. Lý tưởng đối với Việt Nam là hải quân hai nước sẽ tuần tra chung trên biển và Mỹ sẽ thể hiện một cách mạnh mẽ hơn cam kết bảo vệ an ninh hàng hải và ổn định trên biển Đông trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục chính sách gây hấn. Nếu Mỹ bảo đảm “ngầm” nhưng chắn chắn rằng sẽ yểm trợ và bảo vệ Việt Nam trong trường hợp Trung Quốc tấn công trước, thì nhìn bề ngoài, sự bảo đảm đó sẽ không bị coi là vi phạm với chính sách quốc phòng “3 không” hiện tại.”

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.