Vào nội dung chính
HÀN QUỐC - VIỆT NAM

Hàn Quốc bị tố cáo bóc lột lao động nhập cư, kể cả người Việt

Trong một bản báo cáo không khoan nhượng công bố hôm nay, 20/10/2014, tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án tình trạng lao động nhập cư làm việc trong lãnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc bị bóc lột thậm tệ. Trong số các nạn nhân có không ít người Việt Nam.

Người giúp việc nhà Philippines bị chủ đánh đập © Amnesty International
Người giúp việc nhà Philippines bị chủ đánh đập © Amnesty International
Quảng cáo

Dưới tựa đề "Vụ mùa cay đắng", bản phúc trình của Ân xá Quốc tế - tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Anh Quốc - đã dựa trên lời chứng của hàng chục người trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc để lên án các hành vi cưỡng bách và lạm dụng lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp, được chính quyền tôn lên thành cả một hệ thống.

Theo bà Norma Kang Muico, người đặc trách hồ sơ quyền của người lao động nhập cư khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, việc bóc lột lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp tại Hàn Quốc là một "quốc sách".

Ân xá Quốc tế tố cáo : "Chính quyền Hàn Quốc đã tạo ra một hệ thống đáng xấu hổ đã cho phép tệ nạn buôn người vì mục tiêu bóc lột và lao động khổ sai rộ nở". Theo bà Norma Kang Muico : "Nếu chính người Hàn Quốc bị mắc kẹt trong hệ thống lạm dụng này, điều đó sẽ gây chấn động và (phản ứng phẫn nộ) sẽ được cho là chính đáng".

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, trong năm 2013, có khoảng 250.000 lao động nhập cư ở Hàn Quốc, trong đó có 20.000 người làm việc trong lãnh vực nông nghiệp theo các điều khoản quy định của Chế độ Giấy phép Lao động (SPE).

Theo Ân xá Quốc tế, chế độ SPE hoàn toàn có lợi cho người sử dụng lao động, có quyền tùy tiện sa thải nhân công, mà số đông đến từ Việt Nam, Cam Bốt, Népal, nhiều người trong số này đã phải vay những món nợ khổng lồ để qua Hàn Quốc. Trong lúc đó, lao động nhập cư nào muốn rời bỏ chủ nhân thuê mình đều phải xin trước một mẫu đơn cho phép.

Đối với Ân xá Quốc tế, chế độ EPS đã đẩy những người lao động nhập cư vào vòng sinh sát của những người chủ vô lương tâm, đã lợi dụng những khó khăn của nhân công nước ngoài trong thay đổi chỗ làm. Theo bà Muico : "Đối với nhiều người nhập cư đã mang công nợ, giải pháp duy nhất là tiếp tục ở lại với người chủ lạm dụng mình."

Bộ Nhân dụng Hàn Quốc đã bác bỏ báo cáo của Ân xá Quốc tế, cho rằng tổ chức này đã phóng đại tình hình. Seoul nhắc lại rằng hệ thống luật lệ đã được sửa đổi, giúp cho việc thay đổi chủ nhân dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, Ân xá Quốc tế đã cáo buộc Chính quyền Hàn Quốc là cố tình ngăn cản các hành động khiếu nại. Bà Muico nêu ví dụ của một người Cam Bốt, đã đến cơ quan nhân dụng với một đoạn video quay bằng điện thoại di động cho thấy cảnh anh bị người chủ đánh đập. Cơ quan này đã đổ lỗi cho người công nhân, kêu anh phải lập tức trở về và xin lỗi người chủ.

Báo cáo của Ân xá Quốc tế được công bố ít lâu sau chuyến công du Hàn Quốc của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc phụ trách phân biệt chủng tộc. Vào đầu tháng Mười, nhân vật này thẩm định rằng người lao động nhập cư và phụ nữ nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc đã phải gánh chịu những "vấn đề nghiêm trọng" do tình trạng kỳ thị chủng tộc, tệ nạn bóc lột và lạm dụng các loại.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.