Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG- VIỆT NAM

Ấn Độ -Việt Nam mở rộng hợp tác dầu khí ở Biển Đông

Nhân ngày thứ hai trong chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee,ngày 15/09/2014, hai nước đã ký kết 7 thỏa thuận quan trọng. Trong đó có thỏa thuận về hợp tác dầu khí song phương tại vùng Biển Đông, và việc cung cấp 100 triệu đô la tín dụng để Việt Nam mua thiết bị quốc phòng của Ấn Độ.

Tổng thống Ấn Độ công du Việt Nam. Ảnh ngày 15/09/2014.
Tổng thống Ấn Độ công du Việt Nam. Ảnh ngày 15/09/2014. Reuters
Quảng cáo

Trong bản Thông cáo chung công bố sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ấn Độ và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, hai bên cùng kêu gọi các nước tôn trọng quyền tự do lưu thông trên Biển Đông. Thông điệp này được cho là nhắm vào Trung Quốc.

Một cách cụ thể, tập đoàn dầu khí quốc gia hải ngoại của Ấn Độ là ONGC Videsh Limited (OVL) đã ký với Petro Việt Nam một ý định thư nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lãnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.

OVL đã từng tham gia thăm dò hai lô dầu khí 127 và 128 tại Biển Đông, trong một khu vực bị Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Hiện nay, tập đoàn này được triển hạn khai thác một lô, nhưng thỏa thuận vừa ký kết sẽ mở rộng địa bàn hoạt động của OVL.

Phát biểu với nhật báo Mỹ Wall Street Journal, ông Đỗ Văn Hậu, lãnh đạo Petro Việt Nam xác nhận rằng « ONGC đã tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam từ nhiều năm nay, thỏa thuận ký hôm nay sẽ mở đường cho việc hợp tác song phương tại những lô khác ngoài khơi Việt Nam. »

Ngoài ý định thư về hợp tác dầu khí, được báo chí Ấn Độ đánh giá là mang giá trị « chiến lược quan trọng », hai bên cũng ký Bản ghi nhớ về Hạn mức tín dụng trị giá 100 triệu đô la, để Hà Nội mua trang thiết bị trong lãnh vực quốc phòng.

Hồ sơ Biển Đông tất nhiên đã được hai bên thảo luận. Bản Thông cáo chung Việt-Ấn vào hôm nay đã kêu gọi tôn trọng « tự do » hàng hải ở Biển Đông, một nhận xét rõ ràng là nhắm vào Trung Quốc.

Điều 13 Bản Thông cáo chung ghi rõ :

« Hai bên nhất trí tự do hàng hải ở Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được thế giới công nhận bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hai bên hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện DOC và hợp tác tiến tới thông qua COC trên cơ sở đồng thuận. Hai bên kêu gọi hợp tác đảm bảo an ninh các tuyến đường biển, an ninh biển, chống cướp biển và tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn. »
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.