Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Chiếc lồng đèn trung thu Made in Vietnam và biển đảo Tổ quốc

Đăng ngày:

Trung thu với truyền thuyết về Chú Cuội, Chị Hằng…những háo hức trẻ thơ trước những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, những chiếc lồng đèn đủ hình dạng, sắc màu, vô vàn ánh nến lung linh huyền ảo trong đêm rước đèn trung thu dường như chỉ còn tồn tại trong ký ức một thời đã qua. Ngày tết thiếu nhi tại Việt Nam từ nhiều năm nay đã biến tướng thành một dịp để người lớn biếu xén lẫn nhau.

wikipedia
Quảng cáo

Tuy vẫn còn là dịp để trẻ em vui chơi, nhưng những chiếc đèn xếp, đèn ông sao, đèn khung tre uốn hình dạng nhiều con vật bọc giấy kính đỏ made in Vietnam từ lâu đã phải nhường chỗ cho các loại đèn Trung Quốc. Các lồng đèn nhựa sặc sỡ với nhiều kiểu dáng, tiếng nhạc ò í e được bán với giá rẻ, thường được mua nhiều vì thật ra cũng ít có chọn lựa nào khác : đèn made in China tràn ngập thị trường Việt.

Nhưng năm nay tình hình đã có đổi khác. Tại các chợ, đèn Trung Quốc bày bán ít hơn nhiều và cũng ít có người hỏi mua so với đèn trung thu Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn tung ra nhiều loại lồng đèn dành cho thiếu nhi với giá phải chăng, trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Kỹ Thuật Mới, đã tung ra gần nửa triệu lồng đèn trên thị trường. Đặc biệt có đến 50 mẫu có in hình các danh nhân chống ngoại xâm trong sử sách như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng…và một đề tài rất mới là biển đảo : Ngư dân và biển đảo, Cảnh sát biển…

Ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng giám đốc công ty cho biết thật ra, đẩy lùi được hàng Trung Quốc là điều mà ông đã ấp ủ từ lâu. Theo ông, sự kiện chế độ Bắc Kinh ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đã làm dấy lên lòng yêu nước của người Việt.

Theo kiểm nghiệm của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng và Viện Công nghệ Hóa học cách đây hai năm, hai mẫu đèn lồng thông dụng của Trung Quốc trên thị trường có chứa muối Cadimi (Cd) – một trong ba kim loại nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người – được sử dụng như chất tạo màu trong nhiều loại nhựa. Chất này có thể gây nhiều loại bệnh như ung thư, loãng xương…được tích lũy trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc.

Sau phát hiện này, nhiều bậc phụ huynh đã tẩy chay lồng đèn Trung Quốc, tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguy cơ. Ông Huỳnh Văn Khánh giải thích, sản xuất lồng đèn dành cho thiếu nhi cần phải chú trọng về chất lượng, tính thẩm mỹ, bên cạnh đó giá cả cũng cần tính toán cho vừa với túi tiền người mua.

Riêng về phần nhạc, công ty Kỹ Thuật Mới đã đưa vào những bản nhạc trung thu truyền thống, thay cho tiếng nhạc eo éo xa lạ của đèn Trung Quốc, và đều có trả tiền tác quyền. Một cách làm ăn ngay thẳng, bên cạnh đó là ý thức đấu tranh giữ gìn bản sắc dân tộc trong các sản phẩm văn hóa.

Trong một thị trường nhiều năm qua đã quen với đèn Trung Quốc thì việc chiếm lại thị phần là điều không hề dễ dàng. Theo ông Huỳnh Văn Khánh, sự hiện diện của giàn khoan Trung Quốc vô hình chung đã là cơ hội, vì trong lịch sử mỗi khi có giặc ngoại xâm thì người Việt lại đoàn kết muôn người như một. Đối với hàng Việt Nam nói chung và riêng lồng đèn trung thu, nếu năm ngoái chỉ mới chiếm được phân nửa thị trường thì năm nay hàng Trung Quốc đã bị đẩy lùi. Ngay cả những người trung gian chỉ chú trọng đến lợi nhuận bây giờ cũng ngại nhập hàng Trung Quốc vì không có mấy người mua.

Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty của ông Khánh phải tự lực, không có sự trợ giúp của Nhà nước trong việc đấu tranh chống hàng Trung Quốc. Không chỉ đèn trung thu cho trẻ em, mà đèn lồng trang trí lâu nay hàng nhập từ Trung Quốc vẫn phổ biến – một sự lai căng đáng buồn.

Còn hơn một tháng nữa mới đến dịp rằm tháng Tám, nhưng những chiếc lồng đèn trung thu made in Vietnam hiện diện trên các quầy hàng khắp nơi là niềm tự hào cho người sản xuất.

Trả lại mùa trung thu cho trẻ em, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, ý thức về bản sắc …Những chiếc lồng đèn nhỏ bé năm nay bắt đầu lung linh khơi nguồn lại tình tự dân tộc Việt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.