Vào nội dung chính
VIỆT NAM

UPR: Việt Nam chấp thuận 182, bác 45 khuyến nghị

Hôm qua, 20/06/2014, trong phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Genève, trong khuôn khổ Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (viết tắt là UPR) chu kỳ 2 (2012-2016), đại diện chính phủ Việt Nam chính thức thông báo chấp thuận 182 khuyến nghị về cải thiện nhân quyền của các nước, trong tổng số 227 khuyến nghị được đưa ra trong phiên điều trần UPR lần trước, ngày 05/02/2014. Đại diện Việt Nam cam kết « nghiêm túc triển khai 182 khuyến nghị UPR ». Trong khi đó, một số tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam bày tỏ sự nghi ngại.

Phòng hội nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève - Wikimedia
Phòng hội nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève - Wikimedia
Quảng cáo

Phiên họp toàn thể của các nước tham gia Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát dưới sự chủ tọa của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ 15 giờ 45 (giờ địa phương) đến 18 giờ. Báo cáo UPR của Việt Nam được thảo luận tiếp theo ba nước khác, Etria, Cộng hòa Cyprus và Cộng hòa Dominica. 

Theo báo chí chính thức trong nước, cũng như ghi nhận tại chỗ, đa số đại diện các nước tham dự phiên họp khen ngợi các cam kết và thành tích nhân quyền của Việt Nam, trong khi đó, một số tổ chức dân sự quốc tế như Human Rights Watch, và đại diện các tổ chức dân sự độc lập từ Việt Nam có mặt tại chỗ, bày tỏ sự nghi ngại về thực tâm của chính quyền trong việc thực thi các khuyến nghị. (Danh sách các khuyến nghị mà chính phủ Việt Nam chấp nhận/bác bỏ trên trang của Cao Ủy Nhân quyền LHQ : Mục "Addendum 1 : E Advance version").

Phái đoàn dân sự độc lập của Việt Nam, lần thứ hai tham dự UPR, xếp thứ 12 trong danh sách phát biểu, nhưng vì không còn đủ thời gian nên không có cơ hội trình bày được ý kiến (về một số nhận định của đoàn, có thể tham khảo bài "UPR: Việt Nam bác bỏ 45 khuyến nghị"). 

Đại diện của một số tổ chức xã hội dân sự và chính phủ ghi nhận thực tế là trong số 45 khuyến nghị bị chính quyền loại bỏ, có một số khuyến nghị liên quan đến các quyền tự do căn bản, đặc biệt là các quyền chính trị (các khuyến nghị 176 của Hy Lạp, 177 của CH Séc),  yêu cầu xóa bỏ một số điều luật trấn áp nhân quyền cũng đã bị chính phủ Việt Nam loại bỏ (các khuyến nghị 151 của Đan Mạch, 152 của Pháp). Trong số các khuyến nghị bị loại bỏ còn có nhiều khuyến nghị về hoãn hoặc loại bỏ án tử hình. 

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cũng lưu ý một hiện tượng chưa có lời giải thích. Về cùng một nội dung, có khuyến nghị được chấp thuận, có khuyến nghị bị bác bỏ. Ví dụ : khuyến nghị 157 của Canada đề nghị sửa đổi các điều 79, 88 và 258 Luật hình sự (các điều luật thường được coi là dùng làm công cụ trấn áp nhân quyền) « để bảo đảm tuân thủ với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị » được giữ lại. Khuyến nghị 156 của Úc với nội dung tương tự cũng được chấp nhận. Trong khi các khuyến nghị 151, 152 gần giống về nội dung lại bị từ chối.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định « Việt Nam sẽ nghiêm túc triển khai 182 khuyến nghị UPR cũng như các cam kết tự nguyện khác của Việt Nam, nhấn mạnh tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền và sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế UPR ».

Trưởng đoàn Việt Nam nói thêm : « Việt Nam sẽ (…) đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ để triển khai thắng lợi các khuyến nghị, tăng cường rõ rệt các quyền và tự do cho người dân và đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người trên toàn thế giới ». 

Ngày 23/06/2014 sắp tới, sẽ có phiên họp thảo luận chung về Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

Tin bài liên quan

Cam kết UPR : Việt Nam từ chối nhiều khuyến nghị nhân quyền cơ bản (PV Tiến sĩ Nguyễn Quang A về phiên họp 20/06/2014)

Bốn nhà hoạt động dân sự Việt Nam đến LHQ vận động nhân quyền

Liên Hiệp Quốc đưa ra 227 khuyến nghị về nhân quyền cho Việt Nam

UPR : Đại diện Mỹ yêu cầu Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động

UPR : Giới bảo vệ nhân quyền tăng sức ép với Việt Nam

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.