Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Việt Nam tham khảo Philippines về vụ kiện Trung Quốc

Kyodo News, ngày 22/05/2014 đưa tin, các quan chức Philippines cho biết, trong chuyến công du Manila, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, nước hiện đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, đã « tham khảo » Tổng thống Philippines Benigno Aquino về trường hợp Manila kiện Trung Quốc lên tòa án Liên Hiệp Quốc.

Biểu hiệu của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc
Biểu hiệu của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc
Quảng cáo

Theo các quan chức này, ông Dũng đã nói với ông Aquino trong cuộc gặp tại Phủ Tổng thống Malacanang, hôm 21/05, rằng Hà Nội « theo dõi sát sao » vụ kiện.

Ông Edwin Lacierda, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết, trong cuộc gặp với Tổng thống Aquino, Thủ tướng Dũng không nói dứt khoát là Việt Nam có kế hoạch đưa vụ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ra trước tòa án Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, trong tuyên bố gửi các cơ quan truyền thông, ông Dũng nói rằng Việt Nam « đang xem xét nhiều biện pháp phòng vệ khác nhau, bao gồm các hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Ông Dũng tuyên bố : « Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới ».

Do vậy, ông Lacierda nói Việt Nam đang « theo dõi xem chúng tôi đã kiện như thế nào ».

Ông Lacierda cho biết, « chắc chắn đây là một việc mà Việt Nam quan tâm, bởi vì một nước nhỏ quyết định sử dụng cơ chế ngoại giao trọng tài quốc tế. Đó là điều mà Việt Nam đang theo dõi ». « Việt Nam đã quan sát vụ việc. Còn triển vọng vụ việc ra sao, nên làm vào lúc nào, thì đó là chủ đề thảo luận giữa người Việt Nam với nhau. Nhưng chắc chắn là Việt Nam đang quan sát và theo dõi diễn tiến trường hợp kiện lên tòa án trọng tài ».

Vào tháng Giêng năm ngoái, Philippines đã đưa vụ tranh chấp lãnh thổ và biển với Trung Quốc ra tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc để « làm rõ » các quyền của các bên, kể cả Trung Quốc, trong khuôn khổ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Manila muốn tòa án trọng tài, bao gồm 5 thành viên, đặt tại La Haye, Hà Lan, tuyên bố rằng đòi hỏi của Trung Quốc tại Biển Đông là vô giá trị và đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Ông Lacierda nói : « Việt Nam đang dõi theo các hành động của chúng tôi, nhất là qua con đường ngoại giao, bởi vì giống như đấu quyền Anh, chúng tôi không thể nào đọ được với Trung Quốc về quân sự ». « Do vậy, chúng tôi thực sự phải dùng con đường ngoại giao và tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế đang dõi theo cách thức mà Philippines tiến hành trong việc xử lý tranh chấp với Trung Quốc ».

Philippines và Việt Nam là hai nạn nhân chính của các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng đang có tranh chấp tại Biển Đông.

Các va chạm trên biển giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc xẩy ra ở gần quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp, hồi đầu tháng này, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu gần vùng biển mà Việt Nam coi là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình.

Tháng trước, Philippines đã phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng và củng cố hạ tầng trên một bãi đá khác đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Cả hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Aquino và Thủ tướng Dũng, đều cam kết chống lại những hành động hung hăng gần đây của Trung Quốc.

Sau cuộc gặp ngày 21/05, ông Dũng nói rằng Manila và Hà Nội « quyết tâm chống lại các hành động vi phạm của Trung Quốc và kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ Trung Quốc ».

Hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi Trung Quốc « chấm dứt các hành động xâm phạm, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế », bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002.

Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc « phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử » ở Biển Đông.
Các cuộc thảo luận nhằm xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc về pháp lý tiến triển chậm chạp cho dù ASEAN kêu gọi thúc đẩy nhanh các cuộc thương lượng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.