Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Việt Nam: Mẹ tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh điều trần tại Quốc hội Đức

Số phận ba tù nhân lương tâm Việt Nam Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương được trình bày trước Quốc hội và chính phủ Đức. Qua cuộc vận động của tổ chức VETO, Mạng Lưới Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền, cơ sở tại Đức, bà Trần Ngọc Minh đã có cơ hội kêu cứu cho con gái mình, là Đỗ Thị Minh Hạnh, bị giam trong điều kiện cay nghiệt ở nhà tù Thanh Xuân, Hà Nội với bản án 7 năm tù vào năm 2010 vì tổ chức đình công bảo vệ công nhân công ty giày Mỹ Phong ở Trà Vinh.

Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương
Quảng cáo

Từ Berlin, bà Trần Thị Ngọc Minh tóm lược hai buổi gặp gỡ với Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Đức ngày 08/04 và Đặc Ủy viên Nhân Quyền Liên Bang Đức ngày 09/04/2014: 

02:09

Từ Berlin, Bà Trần Thị Ngọc Minh cho biết:

Bà Trần Thị Ngọc Minh : Tôi được Veto đưa vào Quốc hội Đức qua sự hướng dẫn của anh Vũ Quốc Dụng. Khi đến nơi, tôi đã thấy bầu không khí trang trọng tại phòng họp. Đã có bốn vị dân biểu cao cấp ngồi tại bàn chính, xung quanh là rất nhiều nhân viên các văn phòng dân biểu.

(…) Khi vào họp, đầu tiên, vị chủ tọa – tức là người dân biểu cao cấp nhất của Ủy ban Nhân quyền – đã đặt vấn đề về sức khỏe của Đỗ Thị Minh Hạnh hiện tại, cũng như các điều kiện giam giữ tại Việt Nam, nơi Minh Hạnh đang bị giam giữ. Tôi cũng tóm tắt sơ lược về sức khỏe Minh Hạnh, hiện đang mang một căn bệnh hiểm nghèo mà tôi không biết được rõ ràng.

Họ đề nghị tôi trình bày chi tiết về các vấn đề Minh Hạnh hoạt động, cũng như là lý do Minh Hạnh bị tù tội và bị tù tội như thế nào.Họ rất là xót xa và đau lòng, và họ không ngờ rằng ở Việt Nam lại có những trường hợp như vậy.

Tôi cũng trình bày hết cho họ nghe, và nguyện vọng của Đỗ Thị Minh Hạnh là muốn có công đoàn độc lập ở Việt Nam, để mà bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Vì nghiệp đoàn lao động hiện nay ở Việt Nam là của đảng Cộng sản, chỉ có phục vụ lợi ích cho đảng Cộng sản nhiều hơn là bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Họ rất là ân cần và họ hứa sẽ tổ chức một cuộc họp để tìm ra một phương pháp giúp cho Hạnh và các người bạn được tự do. Sau đó tôi được gặp các vị dân biểu bảo trợ cho Đỗ Thị Minh Hạnh, rồi ngài đặc ủy về Nhân quyền Liên bang Đức. Quốc hội cũng hứa sẽ hết sức quan tâm đến Minh Hạnh và tìm ra giải pháp giúp Hạnh được tự do, được chăm sóc về y tế. (…)

Những điều mà Quốc hội Đức đã làm vừa qua, khi tôi được gặp gỡ họ thì tôi cảm thấy rằng tôi rất hạnh phúc và vinh dự, rất là may mắn . Tôi tin rằng khi ở trong tù Minh Hạnh biết được điều này, thì Minh Hạnh rất hạnh phúc và an tâm, mạnh mẽ hơn trong nhà tù của Nhà nước Việt Nam.

Đồng thời tôi cảm thấy đất nước của họ tôn trọng nhân quyền rất lớn, đặt vấn đề nhân quyền lên trên hết. Tôi cũng tin tưởng rằng, qua cuộc gặp gỡ này, Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Đoàn Huy Chương, và các tù nhân lương tâm ở Việt Nam có các diễn biến khả quan hơn. Tôi rất tin tưởng và hy vọng. 

Về phía Quốc hội và chính phủ Đức, các dân biểu và những nhân vật trách nhiệm hồ sơ nhân quyền đã có thái độ ra sao trước nỗ lực vận động công luận quốc tế của một bà mẹ Việt Nam, ông Vũ Quốc Dụng, điều hành tổ chức nhân quyền VETO cho biết như sau.

01:47

Ông Vũ Quốc Dụng, nhà điều hành tổ chức VETO:

Ông Vũ Quốc Dụng : Chúng tôi rất là mừng, khi thấy ở Đức, họ đặt giá trị nhân quyền lên cao hơn hết, như là các giá trị chung. Tại sao tôi lại nói như vậy ? Khi chúng tôi đi vận động, chúng tôi thấy tất cả các khối đảng trong Quốc hội đều rất quan tâm, từ tả sang hữu, từ đảng ngày xưa là đảng Cộng sản của Đông Đức, cho đến các đảng tham chính hiện nay. Khi chúng tôi làm việc với các đảng tham chính và các đảng đối lập , chúng tôi có những người thực hiện những cam kết, và những người giám sát việc thực hiện những điều đã hứa.

Nhận xét thứ hai của tôi là, trong trường hợp này, bà Trần Thị Ngọc Minh đã được hai cơ chế cao cấp nhất của lập pháp và hành pháp Đức đón tiếp. Đó là Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức và viên Đặc ủy Liên bang phụ trách Nhân quyền và Cứu trợ nhân đạo. Điều này cho thấy, đây là một vinh hạnh cho người Việt Nam đầu tiên, được hai cơ chế cao nhất về nhân quyền của nước Đức tiếp đón.

Nhận xét thứ ba của tôi là trường hợp Đỗ Thị Minh Hạnh, chỉ là một trường hợp tiêu biểu cho việc giam giữ tùy tiện, việc xét xử bất công và vấn đề tra tấn, hành hạ, đánh đập trong tù, vấn đề cưỡng bách lao động, tiêu biểu cho rất, rất nhiều những người tù chính trị và tù nhân lương tâm hiện còn bị giam giữ một cách bất công. Trường hợp tiêu biểu này sẽ giúp, không chỉ cho việc quan tâm đến hai người khác trong vụ cô Hạnh, là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và anh Đoàn Huy Chương, mà sẽ giúp cho thế giới quan tâm đến số phận của các tù nhân chính trị và lương tâm tại Việt Nam.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.