Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" : Phim dự LH Điện ảnh Hiện thực Paris

Đăng ngày:

Toàn bộ cuốn phim « Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng » là cảnh đời và tiếng lòng của những con người mang nghiệp cầm ca, lấy việc mua vui cho công chúng làm sinh kế. Đằng sau ánh đèn rực rỡ trên sân khấu, là bao nỗi đau vì bị ngược đãi, miệt thị, khinh rẻ ; nỗi sợ vì những đe dọa hành hung, cướp bóc rình rập ; nỗi thất vọng vì không được cảm thông… Dự án làm phim của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã mang lại một cơ hội được chia sẻ, giãi bày, một cơ hội được thấu hiểu.

(DR)
Quảng cáo

Cách đây gần 5 năm, gần thành phố Nha Trang, miền Trung Việt Nam, một gánh hát rong tỉnh lẻ đã chấp thuận để một đạo diễn nhập đoàn, quay lại cuộc sống nay đây mai đó của họ tại các vùng quê nghèo ở miền nam Việt Nam. Cuối tháng 3/2014 này, bộ phim tài liệu dài 86 phút mang tựa đề "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", về một đoàn diễn hội chợ vốn không hề được công chúng ở các thành phố lớn Việt Nam biết đến, được trân trọng đón nhận tại « Cinéma du réel » (Điện ảnh Hiện thực), Liên hoan quốc tế điện ảnh tài liệu lần thứ 36 (tổ chức tại Pháp). "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" tham gia tranh giải hạng mục các phim tài liệu đầu tay, cùng với 8 bộ phim đến từ nhiều nước khác. (Về bộ phim có thể xem thêm bài « Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Phim dài đầu tay của Nguyễn Thị Thắm dự thi quốc tế phim đầu tay » trên trang mạng Diễn đàn).

Điều rất bất ngờ đối với đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, tác giả "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", là khi thực hiện bộ phim mơ ước về một gánh hát hội chợ, chị đã đến với một thế giới rất xa lạ của những người đồng tính nam, những người chuyển giới, một cộng đồng phải chịu rất nhiều kỳ thị vào thời điểm đó.

Nhân vật chính của bộ phim tài liệu, nhưng mang dáng dấp của phim truyện này, là « chị » Phụng, một người đồng tính nam ngoài 40 tuổi, ông bầu của đoàn diễn hội chợ. Thời gian mà đạo diễn Nguyễn Thị Thắm làm việc tại đoàn cũng là những tháng cuối cùng trong cuộc đời « chị » Phụng, người đã tích góp cả đời để lập nên đoàn diễn và gắng sức bảo vệ nó đến cùng, khi trong mình đang mang trọng bệnh.

Trong lời tâm sự với công chúng sau buổi công chiếu đầu tiên tại Trung tâm Pompidou, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm cho biết, nếu như hàng chục năm về trước những nghệ sĩ như « chị » Phụng có mặt tại khắp các đô thị lớn ở miền nam Việt Nam, thì ngày nay những đoàn diễn hội chợ như vậy - ước tính còn khoảng 100 đoàn – bị đẩy lùi ngày càng xa về các vùng xa xôi hẻo lánh…, vì không trụ được trước các làn sóng biểu diễn mới, "hiện đại" hơn, sang trọng hơn...

« Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng » là câu chuyện về một lứa nghệ sĩ hát rong đang bước vào giai đoạn hấp hối của cuộc đời. Thân hình tàn tạ của « chị » Mỹ Hằng, một diễn viên lão thành trong đoàn, cũng trạc tuổi ngoài 40, ngôi sao của sân khấu Sài Gòn một thời, tương phản với giọng hát xuống cấp nặng nề, nhưng vẫn còn như giữ nguyên chất men nghệ sĩ, để lại một ấn tượng khó phai với khán giả…

Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm thật buồn. Nhưng khán giả xem phim cũng có thể thấy, trong đoàn diễn, bên cạnh lớp nghệ sĩ đang hấp hối, có cả người trẻ tuổi tài năng, mạnh bạo bày tỏ tâm tình uẩn khúc của người đồng tính  - chuyển giới qua một số màn trình diễn được công chúng chào đón…

Vượt qua những ngại ngùng ban đầu, chia sẻ cuộc sống của một đoàn diễn tỉnh lẻ trong cả một năm trời, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã ghi lại được hàng chục giờ phim quý giá. Và bắt đầu từ chất liệu đó, cùng với các cộng sự, chị Thắm đã cho ra lò một bộ phim tài liệu đầy ắp hơi thở cuộc đời.

Sau đây mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của RFI với đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

13:11

Phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Thị Thắm (Paris)

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm : … Cái thôi thúc tôi đi theo con đường của người làm phim tài liệu là khi mình bắt đầu vào một bộ phim là mình bắt đầu một cuộc phiêu lưu. Và chính người làm phim cũng không biết rằng cuộc phiêu lưu nó sẽ dẫn mình tới đâu. Ngay cả những ‘‘nhân vật’’ nữa, họ cũng không biết là ngày mai cuộc sống họ sẽ như thế nào. Tôi cảm thấy vô cùng thích thú, khi ngày qua ngày, mình khám phá thêm những điều mới…

Mình không hình dung được là người ta lại vào tận nơi như vậy để trêu ghẹo, họ có thể ném lửa vào để đốt những người bên trong như thế. Đó là sự sợ hãi đối với các ‘‘nhân vật’’, và đó cũng là nỗi sợ hãi tại thời điểm đó của người làm phim, là tôi. Lúc đấy khi cầm máy quay, ngoài tư cách của người làm phim ra, mình cũng là thành viên trong đoàn hội chợ, mình cũng trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc giống như họ. Đối với tôi, những cung bậc ấy làm cho tâm hồn mình được nhiều trải nghiệm, trở nên phong phú hơn. Tôi rất thích thú khi tận hưởng điều ấy…

Đi theo cái bộ phim này, coi như là mình không sống cái riêng tư của mình nữa, mình sống với cuộc sống coi như là của một người dân hội chợ, mình trải qua những nỗi buồn, niềm vui, nỗi đau và sự tổn thương… Giống như một con người, được trải nghiệm những cảm xúc mới mẻ, thì tâm hồn mình trở nên đẹp hơn, nhạy cảm hơn. Nhạy cảm hơn với cuộc sống, với hiện trường.

RFI : Chị cảm nhận gì khi quay những hình ảnh cuối cùng trong phim ?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm : Khi quay cảnh đó, ban đầu tôi cũng không nghĩ phân đoạn ấy sẽ là phân đoạn cuối phim đâu. Lúc đấy đơn giản là họ chuẩn bị rời bến…. Phim tài liệu thường đưa đến cho mình những điều, giống như là một món quà, mà mình phải chộp lấy. Đó là hình ảnh đoàn tàu chạy ngang qua, hình ảnh chị Phụng nằm trên võng hát một bài hát rất là buồn, và những hình ảnh mang lại cảm giác rất là điêu tàn, về một đám lửa cháy, những túi nilon bay bay trong gió, và phía xa đường phố thưa thớt xe qua lại. Nó như là dấu hiệu cho một sự tàn lụi ấy ! Khi mà tất cả những điều ấy được thu vào ống kính của mình… Khi quay phim, nhìn thấy cuộc sống được thu vào, nhìn các nhân vật, đời sống, khung cảnh đi vào hình của mình, đó là một cảm giác vô cùng thích thú. Có thể dùng một cái từ ‘‘nhạy cảm’’ là ‘‘khoái cảm’’ của người làm phim, mình cảm thấy rất hưng phấn khi có được những hình ảnh như thế, chộp được nó và thu được nó…

RFI : Trở lại với nước Pháp, chị thấy công chúng Pháp đón nhận bộ phim đầu tay của chị như thế nào ?

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm : Không chỉ là trong khuôn khổ bộ phim của tôi đâu. Trong cả Liên hoan phim « Cinéma du Réel » này, tôi thấy khán giả rất là đông. Lần đầu tiên tôi được đến một liên hoan lớn như thế này, khán giả đến rất là đông và họ thích thú với tất cả các phim được chiếu ở đây. Tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy như vậy và cảm thấy vô cùng phấn khởi, nhìn thấy đoàn người lần lượt xếp hàng vào rạp, người làm phim như mình được khích lệ vô cùng. Được khán giả đến như vậy là một hình thức người ta công nhận mình, trân trọng mình, thì mình cảm thấy vô cùng phấn khích và có thêm động lực để làm nghề.

Tôi cảm thấy rất là vui, và cứ nghĩ là không biết khi nào ở Việt Nam mình, khán giả Việt Nam mình mới xếp hàng để xem các bộ phim độc lập nói chung và phim tài liệu nói riêng như thế….

"Bi quan" hay "lạc quan"... : Những đón nhận đa chiều

Trước khi khép lại giới thiệu về bộ phim tài liệu đầu tay « Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng » tranh giải Liên hoan phim Điện ảnh hiện thực tại Paris, xin mời quý vị theo dõi tiếp hai phản ứng từ khán giả. Trước hết, chị Brigitte Baleo, một người Pháp chưa hề tới Việt Nam, cho biết cảm nghĩ :

« Tôi thấy bộ phim hết sức thú vị, được xây dựng rất tốt. Trước hết tôi hoàn toàn không biết gì về câu chuyện này. Phim cho thấy cuộc sống tương đối khó khăn của những người làm hội chợ, nhưng những người đồng tính đã rất dũng cảm, họ xây dựng được một cuộc sống chung giữa họ với nhau, bởi vì dường như họ không được thực sự chấp nhận trong xã hội.

Cả một gia đình lớn chia sẻ các hoạt động trong hội chợ như xiếc, ca hát, nhảy múa, biểu diễn của những người chuyển giới…. Phim được xây dựng rất tốt, vì người xem cảm thấy hội nhập được ngay lập tức vào trong gia đình đó, chứng kiến các chuyến đi của họ, qua những phong cảnh khác nhau của Việt Nam ở vùng nông thôn, mà tôi chưa hề được biết.

Cuộc đời của những người dân ở nông thôn khá là gian khó, có vẻ như họ không có nhiều thứ để giải trí. Họ rất là sung sướng khi có một đoàn như vậy đến tận nơi, để có thể được vui chơi, nghe hát, chơi xổ số, thoát khỏi cuộc kiếm sống hàng ngày của họ.

Cuộc sống khó khăn, kiếm tiền rất khó, nhưng các thành viên đoàn kết, họ cũng rất hài hước (…) tôi cho rằng đây là những con người lạc quan, họ biết cách rút ra được những gì tốt nhất từ cuộc sống khó khăn này. Họ không than trách, tất nhiên họ có than phiền vì không kiếm được nhiều tiền, không được người khác trân trọng, nhưng điều quan trọng là họ tìm cách rút ra được những gì tốt nhất từ cuộc sống không thuận lợi này.

Đây là những con người nhiệt tình, nhiệt huyết với những việc họ làm. Trong cảnh cuối cùng trong phim, có đám lửa họ đốt để chuẩn bị rời đi vào ngày hôm sau, họ lại tiếp tục biểu diễn, cuộc sống không dừng lại. Một bộ phim không hề bi quan, một bộ phim về cuộc đời gian khó, được xây dựng rất tốt. Sau khi xem xong, ta không hề buồn. Chúng ta thấy những nhân vật trong phim hết sức dũng cảm, chúng ta không thể than phiền về những khó khăn nhỏ bé trong cuộc sống của chúng ta ở đây, trong khi mà chúng ta rất có may mắn được sống một cách dễ dàng hơn là những con người đó. Họ là những người hết sức lạc quan và họ mang lại sự lạc quan cho chúng ta ».

Về bộ phim, anh Đặng Thái Bình, một người Pháp gốc Việt, rất quan tâm đến xã hội Việt Nam và thường trở lại Việt Nam trong thời gian gần đây, nhận xét :

« Qua bộ phim tài liệu này, tôi thấy Việt Nam không thực sự có nhiều tiến bộ. Thường chúng ta hay bị thu hút bởi sự phát triển ở các thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội. Trên thực tế, Việt Nam vẫn chủ yếu là một nước nông nghiệp. Đặc biệt là ở nông thôn, mọi thứ có vẻ không thay đổi nhiều. Qua bộ phim, tôi thấy những người ở nông thôn vẫn còn rất bảo thủ. Chúng ta có thể thấy qua các vụ tấn công nhắm vào các nghệ sĩ chuyển giới, chuyện này diễn ra thường ngày (sau buổi công chiếu đầu tiên ngày 24/03, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm có đưa ra một lời giải thích rằng đa số các vụ tấn công nhắm vào các thành viên trong đoàn không phải xuất phát từ sự kỳ thị đối với người đồng tính, mà do những xích mích, va chạm do các cạnh tranh mang tính cá nhân - ndr).

Tôi có ấn tượng là người ta đến xem biểu diễn, nhưng không hiểu gì về người chuyển giới. Họ bác bỏ đồng tính luyến ái. Ngày nay vẫn vậy ở Việt Nam, nhiều người vẫn coi đồng tính là bệnh hoạn đặc biệt là ở vùng nông thôn. May mắn thay là ở các thành phố, nhờ internet, nhờ các mạng xã hội, giới trẻ ngày càng cởi mở hơn với người đồng tính, chấp nhận như là một thực tế. Tuy nhiên, ở nông thôn, mọi người vẫn còn bảo thủ. »

Hai phản ứng hết sức khác nhau mà quý vị vừa theo dõi cho thấy tính đa chiều của bộ phim « Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng ». Mỗi người xem phim có thể rút ra một nhận thức riêng, tùy theo sự quan tâm. Chị Brigitte Baleo ghi nhận sức sống, sự đoàn kết vươn lên đáng khâm phục của những nhân vật trong phim. Anh Đặng Thái Bình rất ấn tượng bởi thân phận bị khinh rẻ và bị ngược đãi của cộng đồng người đồng tính, chuyển giới. Người quan tâm đến nghệ thuật có thể thích thú với một tác phẩm đời thực phảng phất nhiều ẩn dụ. Nhà nghiên cứu xã hội có thể rút ra nhiều điều về thân phận của những người đồng tính, chuyển giới, vừa là nạn nhân của hoàn cảnh, vừa nỗ lực bằng cách này hay cách khác thay đổi hình ảnh của chính mình. Nhà làm chính trị, nhà hoạt động xã hội, nhân quyền có thể đặt câu hỏi về trách nhiệm của Nhà nước, của các định chế xã hội, của xã hội dân sự…

Cây cầu nối kết lòng người 

Đối với nhiều khán giả, trong bộ phim tài liệu đầu tay này, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã thực hiện thành công sứ mạnh cây cầu nối, giúp cho những con người ở các chân trời xa lạ có thể đồng cảm với các nhân vật trong phim.

Điều đáng tiếc là trong xã hội Việt Nam hiện nay, những bộ phim như « Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng » chưa có được chỗ đứng trong các sân chơi do Nhà nước phụ trách. Trong thời gian gần đây, công chúng ngày càng quan tâm hơn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng những cây cầu vượt sông, vượt suối, ở rất nhiều vùng thôn quê hẻo lánh.

Cũng như vậy, trong xã hội Việt Nam còn thiếu bao nhiêu cây cầu nối thông những tâm hồn, giúp con người ta đến được với những cảnh đời oan trái, những nỗi lòng bị hắt hủi. Những bộ phim tài liệu chân thực như của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm rất cần để giúp cho con người được giãi bày, được hiểu nhau, để tiếng nói của cả một cộng đồng được nhìn nhận. Một xã hội hướng đến văn minh ắt hẳn không thể không trân trọng những tác phẩm như vậy.

RFI xin chân thành cảm ơn đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, cùng các vị khán giả đã chia sẻ về bộ phim

Các tin bài liên quan

Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa : Phim bộ đồng tính "My Best Gay Friends"

Human Rights Watch : Tình hình nhân quyền Việt Nam 2013 xấu đi

Việt Nam : Hai đám cưới đồng tính đầu tiên

Cưới tập thể : Hành động tượng trưng của giới LGBT Việt Nam

Việt Nam : Cuộc cách mạng của giới đồng tính ?

Việt Nam : Người nhiễm HIV/AIDS vẫn chịu nhiều kỳ thị

Gay pride Hà Nội: Mở màn "tháng hoạt động" của giới đồng tính Việt Nam

Hot Boy nổi loạn : Phỏng vấn đạo diễn Vũ Ngọc Đãng

Bộ phim đồng tính "A single man": Một thành công của Tom Ford

Xuân Phong: phim đồng tính theo cách nhìn của Lâu Diệp

Giới đồng tính theo đạo Mẫu-Tứ Phủ ở Việt Nam qua bộ phim "Love Man, Love Woman"

Bệnh AIDS tăng nhanh trong giới đồng tính

"Bóng" phá vỡ bức tường vô hình của sự im lặng

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.