Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Paris tháng Ba : Văn học và điện ảnh Việt Nam khoe sắc

Đăng ngày:

Theo thông lệ tháng Ba thường được xem là tháng của khối Pháp ngữ Francophonie. Tháng Ba 2014 này lại trùng hợp với Năm Việt Nam tại Pháp, mà Việt Nam lại là một nước sáng lập khối Pháp ngữ. Trong bối cảnh thuận lợi đó, các sinh hoạt liên quan đến Việt Nam đặc biệt nở rộ tại Pháp, nhất là tại Paris, trong tháng Ba này. Độc đáo nhất trong số này có lẽ là ba sinh hoạt văn học nghệ thuật có sự tham gia tích cực của Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông INALCO tại Paris.

Affiche giới thiệu Hội thảo quốc tế "Việt Nam đương đại : Văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ" tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông Paris.
Affiche giới thiệu Hội thảo quốc tế "Việt Nam đương đại : Văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ" tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông Paris.
Quảng cáo

Đáng chú ý nhất là ba ngày hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề « Việt Nam đương đại : Văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ », do 8 trường đại học cùng tham gia tổ chức : Bốn trường ở Pháp là Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông INALCO - Paris, Đại học Paris-Diderot (hay Paris VII), Đại học Paris-Est Créteil, phụ cận Paris, Đại học Aix-Marseille, miền Nam Pháp, cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học San Francisco ở Mỹ, Đại học Ngọai ngữ Tokyo ở Nhật, và Đại học Chulalongkorn Thái Lan.

Văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ Việt Nam tại INALCO (17-19/03)

Với mục đích xem xét tình hình nghiên cứu và giới thiệu văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ Việt Nam đương đại trên thế giới, cuộc hội thảo sẽ kéo dài ba ngày, từ 17 đến 19 tháng Ba, tại Học Viện Inalco Paris. Theo ban tổ chức, sẽ có hơn 50 nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học, phê bình điện ảnh, dịch giả từ khắp nơi trên thế giới về dự, bảo đảm được tính chất đa dạng của các quan điểm sẽ được nêu lên.

Danh sách chưa đầy đủ cho thấy là ngoài chủ lực đến từ các Đại học Pháp (Đoàn Cầm Thi, Danh Thành Do-Hurinville –Inalco ; Delphine Robic-Diaz – Đại học Montpellier ; Nguyễn Phương Ngọc - Đại học Aix-Marseille ; Emmanuel Poisson - Đại học Paris-Diderot ; Tôn Thất Thanh Vân - Đại học Paris-Est Créteil), phải kể đến các nhà nghiên cứu từ Việt Nam (Phùng Ngọc Kiên -Viện văn học ; Phạm Xuân Thạch - Đại học quốc gia Hà Nội), từ Mỹ (Karl Ashoka Britto - Đại học Berkeley ; Jack Yeager - Louisiana State University ; Michele Janette - Kansas State University ; Timothy K. August - University of Minnesota ; Viêt Lê - California College of the Arts), từ Úc (Leslie Barnes - Australian National University), từ Nhật (Nohira Munehiro - Đại học ngọai ngữ Tokyo ; Kato Sakae - Đại học Daito-Bunka), từ Hàn Quốc (Park Yeon kwan - Đại học Chungwoon), từ Thái Lan (Montira Rato - Đại học Chulalongkorn)…

Ngoài ra còn có nhiều nhà văn, nhà điện ảnh, nghệ sĩ đến tham gia, như Việt Linh, Clément Baloup, Trương Quế Chi, Phong Điệp, Đỗ Khiêm, Thuận, Aimee Phan, Nguyễn Hoài Hương…

Theo chương trình dự kiến, lễ bế mạc lúc 17g00 ngày 19/3 cũng là lễ ra mắt 4 tiểu thuyết mới trong tủ sách « Văn Học Việt Nam đương đại » của Nhà xuất bản Riveneuve : « Saigon samedi » của Đỗ Khiêm, bản tiếng Pháp « Thọat kỳ thủy » của Nguyễn Bình Phương (Danh-Thành Dô-Hurinville dịch), bản tiếng Pháp « Blogger » (Nguyễn Phương Ngọc dịch), bản tiếng Pháp « Song Song » của Vũ Đình Giang (Yves Bouillé dịch), với sự có mặt của các nhà văn và dịch giả.

Văn học nữ Việt Nam thời toàn cầu hóa (21/03)

Bên cạnh ba ngày hội thảo nói trên, giới yêu mến văn học Việt Nam sẽ có dịp trao đổi ý kiến một cách trực tiếp hôm 21/03, lúc 18g30, tại thư viện Jean-Pierre Melville, quận 13 Paris với nhà văn Phong Điệp, đến từ Việt Nam, nhà văn Thuận sống tại Paris và nhà nghiên cứu kiêm dịch giả Đoàn Cầm Thi, xung quanh một đề tài lý thú « Văn học nữ Việt Nam trong thời toàn cầu hóa ».

Đoàn Cầm Thi là phó giáo sư Học Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông Paris, tác giả công trình nghiên cứu « Ecrire le Vietnam contemporain. Guerre, corps, littérature » (Presses de l’Université Paris-Sorbonne, 2010). Nhà văn nữ - ký tên đơn giản là Thuận - sống tại Paris, là tác giả của 6 tiểu thuyết trong đó 3 quyển đã được dịch sang tiếng Pháp (Chinatown, T. mất tích và Thang máy Sài Gòn, Nhà xuất bản Seuil và Riveneuve ấn hành).

Riêng Phong Điệp, đến từ Việt Nam, là tác giả của tập truyện ngắn Delete và tiểu thuyết Blogger, đã được dịch sang tiếng Pháp, in tại Nhà xuất bản Riveneuve.

Sài Gòn nhìn từ 5 hướng

Sau cùng, ngày 22 tháng Ba, tại Grand Palais, Paris, từ 18h30-21h, sẽ diễn ra bàn tròn đối thọai của các nghệ sĩ, nhà văn và dịch giả xung quanh đề tài « Sài Gòn giữa văn chương và hình ảnh ».

Có thể nói là lần đầu tiên có sự đối chiếu quan điểm trực tiếp giữa các « chuyên gia » trong những lãnh vực nghệ thuật khác nhau về một chủ đề chung là Sài Gòn, vì 6 khách mời đều là những người hoạt động lâu năm trong ngành nghề của mình : Đạo diễn điện ảnh Trần Anh Hùng, Họa sĩ Marcelino Trương, Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet, Nhà văn Thuận, Nhà văn Đỗ Khiêm và dịch giả Đoàn Cầm Thi.

Đạo diễn điện ảnh Trần Anh Hùng sẽ bình luận một số trích đọan phim Xích Lô, giải thưởng Sư tử Vàng 1995. Họa sĩ Marcelino Trương sẽ dẫn chúng ta phiêu lưu trong Sài Gòn của « Un si jolie petite guere ». Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet mở cho chúng ta xem bộ ảnh của anh về một Saigòn « đa chủng tộc » với các khu phố Việt, Hoa, Khờ me, Chàm, Chà và…

Dịch giả Đoàn Cầm Thi sẽ nói về nhóm Mở Miệng, về thơ dơ-thơ rác-thơ nghĩa địa. Nhà văn Thuận giới thiệu tiểu thuyết mới nhất của chị, « Thang máy sài Gòn » qua bản Pháp văn và Việt văn. Nhà văn Đỗ Khiêm ra mắt tiểu thuyết « Sài Gòn thứ Bảy », đưa chúng ta về Hòn ngọc Viễn đông những ngày tháng Giêng 1975 giữa tiếng đại bác và tiếng nhạc vũ trường.

Trả lời phỏng vấn của RFI, Phó Giáo sư Đoàn Cầm Thi thuộc Học viện INALCO, đã cho biết thêm chi tiết về các sự kiện sắp diễn ra, đồng thời chia sẻ cảm tưởng của mình.

15:25

Phó Giáo sư Đoàn Cầm Thi - INALCO - Paris

Trọng Nghĩa

- Về cuộc hội thảo khoa học quốc tế « Việt Nam đương đại : Văn chương, điện ảnh, ngôn ngữ », giáo sư Thi đã nhấn mạnh rằng sở dĩ ban tổ chức chọn chủ đề Việt Nam đương đại, đó là để tránh không rơi vào những vấn đề chung chung như quan hệ Pháp-Việt, như Điện Biên Phủ, như thời kỳ thực dân, tóm lại những vấn đề quá khứ, được đề cập đến trong khuôn khổ những sinh hoạt khác nhân Năm Việt Nam tại Pháp.

Mặt khác, nhân cuộc hội thảo này, Pháp không phải là "điểm đến", mà là "cánh cửa" giúp nhìn ra thế giới...

- Hội thảo diễn ra dưới nhiều hình thức : bàn tròn, tham luận, chiếu phim, đọc sách…, chia thành 6 tiểu ban :

(1) Một thế hệ văn chương mới : đề tài và lối viết ; (2) Điện ảnh : Một cách tiếp cận xã hội đương đại ; (3) Văn học Việt Nam trên thế giới : Dịch, giới thiệu và tiếp nhận ; (4) Văn học hải ngoại : Sự đa dạng và những đặc điểm ; (5) Các tác giả Pháp gốc Việt : Những biến tấu của cuộc đi tìm bản thể ; (6) Hiện tượng ngôn ngữ học : Ngôn ngữ Việt đương đại trong sự tương phản với ngôn ngữ Pháp.

- Các đề tài tham luận vô cùng phong phú. Một vài ví dụ : Francois-Xavier Tercinet nói về « Tính dục và tình dục trong tác phẩm điện ảnh của Phan Đăng Di » ; Nohira Munehiro : « Vấn đề Phạm Công Thiện đã đặt, để lại cho văn học đương đại Việt Nam » ; Michele Janette : « I Virginia Dare You của Monique Trương : Một cách tiếp cận lịch sử qua hư cấu » ; Phong Điệp : « Viết như là một khám phá »…

Bàn tròn « Sài Gòn giữa văn chương và hình ảnh »

- Một thời mệnh danh « Hòn ngọc Viễn Đông », cũng một thời là sân khấu của cuộc chiến tranh Việt Nam kinh hoàng, Sài Gòn đã từng say mê giới văn chương nghệ thuật, từ Duras tới Coppola. Hôm nay là đô thị lớn nhất Việt Nam, Sài Gòn vẫn là nguồn cảm xúc của nghệ sĩ Việt Nam và thế giới. Tác phẩm của họ, như vậy, đã và đang góp phần tạo dựng nên hình ảnh về Sài Gòn trong tâm niệm riêng và chung của mỗi chúng ta.

- Sáu khách mời là Đạo diễn Trần Anh Hùng, dịch giả Đoàn Cầm Thi, Họa sĩ Marcelino Truong, Nhà văn Thuận, Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet và Nhà văn Đỗ Khiêm. Họ đã sống ở Sài Gòn, đang sáng tác về Việt Nam hoặc không còn sáng tác về Việt Nam. Một điều chắc chắn : Sài Gòn vẫn ở trong họ, nổi hay chìm. Và mỗi người trong số họ, trong con đường của mình, bằng nghệ thuật của mình, đều đã biến đổi nó một cách phong phú nhất, cầu kỳ nhất, biểu cảm nhất.

Sài gòn cũng là cái cớ : mục tiêu là để 5 nghệ thuật khác nhau giao lưu trên cùng một chủ đề.

Các sinh hoạt văn hóa khác liên quan đến Việt Nam

Ngoài ba sinh hoạt trên đây, những ai ở Paris trong tháng Ba này cũng sẽ có dịp xem tác phẩm nổi tiếng của nữ văn hào Marguerite Duras Un Barrage contre le Pacifique (Rào chắn Thái Bình Dương), được chuyển thể thành kịch và biểu diễn tại nhà hát Athénée Théâtre Louis Jouvel, Paris (06-22/03).

Ai thích điện ảnh thì nên đến Liên hoan Quốc tế Phim Phụ nữ (Festival international du Film de Femmes) tại Créteil, vùng phụ cận Paris từ 14-23/03. Năm nay, các nữ đạo diễn Việt Nam được chọn làm khách mời danh dự.

Cũng từ ngày 14 tháng 03, và kéo dài đến 29/06, Viện Bảo tàng Cernuschi Paris sẽ triển lãm bộ sưu tập ảnh rất xưa của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp về các phong tục và các di tích khảo cổ tại Việt Nam. Cuộc triển lãm mang tên rất đơn giản : Objectif Việt Nam, với từ objectif vừa có nghĩa là mục tiêu, mục đích, vừa có nghĩa là ống kính.

Sau cùng, những ai thích thủ công mỹ nghệ có thể ghé cuộc triển lãm "Các làng nghề ở Việt Nam" tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở quận 13, Paris.

------------------------------------

Ba sinh hoạt do Học viện INALCO tổ chức đều vào cửa tự do. Riêng bàn tròn ở Grand Palais cần đăng ký trước ở địa chỉ grandpalais.fr.

Muốn biết thêm chi tiết, xin theo các đường link sau đây :

http://www.anneefrancevietnam.com/france-vietnam/programmation/education-sciences/colloque-le-vietnam-contemporain-litterature-cin...

http://www.anneefrancevietnam.com/france-vietnam/conference-la-litterature-feminine-vietnamienne-a-lheure-de-la-mondialisation/

http://www.anneefrancevietnam.com/france-vietnam/programmation/education-sciences/table-ronde-saigon-entre-texte-image/

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.