Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp Việt: Chia sẻ tư liệu lịch sử để xây dựng ký ức chung

Đăng ngày:

Nhân năm Pháp - Việt Nam và năm Việt Nam- Pháp 2013-2014, ngày 13/02/2014, với sự hiện diện của hai bộ trưởng Văn hóa Pháp Aurélie Filippetti và Việt Nam Hoàng Tuấn Anh, ông Đào Quốc Hùng, tổng giám đốc Viện Phim Việt Nam VIF và ông Mathieu Gallet, chủ tịch tổng giám đốc Viện nghe nhìn quốc gia Pháp INA đã ký một hiệp định trao cho phía Việt Nam một bộ sưu tập những tư liệu phát thanh truyền hình, ghi lại những thời điểm quan trọng kể từ khi Việt Nam giành độc lập cho đến hiệp định Genève, tức là thời kỳ 1945-1954.

Ông Đào Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam và ông Mathieu Gallet, chủ tịch INA tại lễ ký kết ngày 13/04/2014.
Ông Đào Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam và ông Mathieu Gallet, chủ tịch INA tại lễ ký kết ngày 13/04/2014. Ministère de la Culture
Quảng cáo

Trong bài diễn văn tại lễ ký kế hiệp định, bộ trưởng Văn hóa Pháp Filippetti nhấn mạnh rằng những tư liệu nói trên sẽ đóng góp vào việc tái hiện lịch sử và duy trì ký ức ở Việt Nam về một giai đoạn rất quan trọng :

« Đây là một vinh dự lớn đối với tôi, cùng với Ngài bộ trưởng Việt Nam chủ trì lễ ký kết hiệp định giữa chủ tịch INA Mathieu Gallet và Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Đào Quốc Hùng trao cho phía Việt Nam những tư liệu truyền hình và truyền thanh.

Lễ ký kết này diễn ra rất đúng thời điểm, vào dịp khai mạc Năm Việt Nam tại Pháp. Năm Pháp - Việt Nam và năm Việt Nam- Pháp giúp cho người dân, và nhất là giới trẻ, hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa hai nước chúng ta, giúp tăng cường quan hệ đối tác và hình thành những mối quan hệ lâu bền giữa người dân hai nước.

Tôi vui mừng khi thấy hai bên ký kết một hiệp định có ý nghĩa biểu tượng và lịch sử rất lớn. Nhờ sự hợp tác này mà nước Pháp chia sẻ một phần di sản tư liệu nghe nhìn cho Viện Phim Việt Nam, với hơn 100 giờ tư liệu, một bộ sưu tập ghi lại những dấu mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của Việt Nam, từ năm 1945 đến hiệp định Genève năm 1954. Bộ sưu tập này sẽ đóng góp vào việc tái hiện lịch sử và duy trì ký ức ở đất nước của các bạn, và cũng góp phần củng cố mối quan hệ giữa Pháp với Việt Nam.

Những tư liệu đánh dấu những thời điểm quan trọng này sẽ được phổ biến cho các thế hệ trẻ. Sự hợp tác này cũng rất quan trọng đối với nước Pháp, vì đây là cũng là bước khởi đầu để chúng ta cùng nhau xây dựng một ký ức chung, bao gồm cả những thời điểm đáng ghi nhớ, những thời điểm khó khăn nhất, đau thương nhất của lịch sử hai nước. Tôi hy vọng là những hình ảnh và âm thanh tạo thành ký ức chung này sẽ được phổ biến cho nhiều người dân Việt Nam. »

Đáp lại bộ trưởng Pháp, ông Hoàng Tuấn Anh, bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, cũng cho rằng rất cần phổ biến những tư liệu nói trên cho giới trẻ ở Việt Nam :

02:06

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh

Bộ sưu tập này bao gồm 203 tư liệu nghe nhìn và 128 tư liệu âm thanh, tức là tổng cộng hơn 100 giờ. Qua những tư liệu này, chúng ta có thể khám phá lại cuộc sống thường nhật của Việt Nam vào thời đó, như ngày Tết Nguyên Đán năm 1945, hay chuyến đi của đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu đến Lào sau khi được bổ nhiệm làm Tổng cao uỷ Pháp tại Đông Dương tháng 8 năm 1945.

Trong số các tư liệu này còn có những hình ảnh về các chiến dịch quân sự trong chiến tranh Đông Dương, về các chuyến viếng thăm của các giới chức Pháp đến Đông Dương và của các giới chức Việt Nam đến Pháp, như chuyến đi của vua Bảo Đại. Người xem cũng biết được là cuộc bầu cử hội đồng thành phố đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1953 diễn ra như thế nào.

Các trích đoạn phát thanh đã lưu lại những bài diễn văn của ông Hồ Chí Minh ngày 15/09/1946, hay của Vua Bảo Đại ngày 24/06/1949, cũng như của thủ tướng Pháp Pierre Mendès France ngày 21/07/1954 trong phiên họp cuối cùng của hội nghị về Đông Dương.

Trả lời RFI Việt ngữ sau lễ ký kết hiệp định, ông Mathieu Gallet, chủ tịch tổng giám đốc viện INA cho biết thêm về bộ tư liệu mà ông vừa trao cho Viện trưởng Viện Phim Việt Nam :

« Tất cả những tư liệu này là thuộc kho lưu trữ của INA, được thu thập từ rất nhiều nguồn, và toàn bộ đã được số hóa. Cho nên chúng tôi đã có thể trao cho phía Việt Nam một đĩa cứng chứa những tư liệu đó, kèm theo các bản hướng dẫn sử dụng để có thể truy tìm dễ dàng toàn bộ những tư liệu đó.

Đó là những hình ảnh và âm thanh từ kho tư liệu của hệ thống phát thanh và truyền hình Nhà nước Pháp về thời kỳ 1945-1954. Chúng tôi trao cho phía Việt Nam để họ hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử phức tạp này của hai nước. Đó là những năm tháng rất khó khăn, nhưng rất quan trọng đối với cả hai dân tộc, vào lúc mà chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng những trang sử chung.

Riêng về hợp tác giữa INA với Việt Nam thì đã có từ rất lâu. Cách đây gần hai năm tôi có đến Việt Nam để gặp tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, để làm việc với những người thuộc bộ phận tư liệu. Giữa INA với Việt Nam đã có rất nhiều trao đổi, nhất là về mặt đào tạo và kỹ thuật bảo quản. Tôi hy vọng là quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục lâu dài. »

Những tư liệu nói trên sẽ được giới thiệu cho công chúng Việt Nam trong khuôn khổ những hoạt động bất vụ lợi của Viện Phim Việt Nam. Cụ thể, những tư liệu đó sẽ được sử dụng ra sao, và hợp tác giữa Viện Phim Việt Nam với viện INA như thế nào, sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn ông Đào Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam:

06:30

Ông Đào Quốc Hùng

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.