Vào nội dung chính
VĂN HÓA - CHÂU Á

Festival phim Vesoul, chiếc cầu đưa khán giả đến với điện ảnh châu Á

100 bộ phim trình chiếu trong 7 ngày, hàng chục đạo diễn đến từ 20 quốc gia để hội ngộ với khán giả Vesoul. Sự trung thành và đồng cảm của khán giả luôn là động cơ thúc đẩy các nhà làm phim tên tuổi của châu Á đến với một thị trấn nhỏ ở miền đông nước Pháp.

Phóng ảnh giới thiệu Liên hoan Phim châu Á Vesoul ở tuổi 20.
Phóng ảnh giới thiệu Liên hoan Phim châu Á Vesoul ở tuổi 20. RFI/Thanh Hà
Quảng cáo

Liên hoan phim châu Á Vesoul lần thứ 20 chính thức khai mạc đêm hôm qua (11/02/2013) tại nhà hát Edwige Feuillère của thành phố. Ca sĩ Hương Thanh chính thức tuyên bố khai mạc festival dành cho điện ảnh châu Á lâu đời nhất trên đất Pháp. Đặc phái viên Thanh Hà đã có mặt tại chỗ để ghi nhận bầu không khí.

07:28

Thanh Hà tại Vesoul

Liên hoan Vesoul năm nay tròn hai mươi tuổi và đây là một niềm tựu hào của thị trấn nhỏ bé với 19 ngàn dân, nằm ở phía đông nước Pháp. Giám đốc điều hành liên hoan, Martine Therouanne và người chủ nhiệm chương trình Jean Marc Therouanne không khỏi hãnh diện là cách nay 20 năm Vesoul là điểm hội ngộ đầu tiên của những người say mê nghệ thuật thứ 7 của châu Á. Nay lại cũng Vesoul gần như mở màn năm văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Như đã biết khách mời danh dự của liên hoan năm nay là Việt Nam và Phlippines. Trong buổi lễ khai mạc, giám đốc liên hoan đã trịnh trọng mời các đạo diễn Đặng Nhật Minh và Bùi Thạc Chuyên cùng đạo diễn Philippines, chủ tịch ban giám khảo Brillante Mendoza lên sân khấu. Tất cả chỉ phát biểu ngắn gọn để nhường chỗ cho phần văn nghê và phần giới thiệu 17bộ phim tranh tài, trong đó có 8 phim tài liệu.

Trong số những phim truyện tranh giải Xích lô vàng năm nay, có ‘Quick Change’ của đạo diễn trẻ tuổi Philippines, Eduardo Roy. Roy được xem là một trong những gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Philippines hiện nay. Hai đạo diễn Nhật Bản, Kanai Junichi và Kumakiri Kazuyoshi đem đến Vesoul lần này ‘Again’ và ‘Summer’s end’. Bên cạnh các nhà làm phim của Nhật, của Hàn Quốc hay Thái Lan, còn có sự đóng góp của diện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Ấn Độ.

Về phần các bộ phim tài liệu đi tranh giải, ban giám khảo Vesoul đã đặc biệt quan tâm đến những chủ đề đa dạng và gần gũi với đời sống của mỗi người trong chúng ta. Đó là những đề tài như trái đất bị hâm nóng ; áp lực tiến thân trong xã hội nhờ qua bằng cấp, hay là đề tài nói về một người cha từ Hàn Quốc sang tận Pháp đi tìm lại những đứa con ông đã cho làm con nuôi, đấy cũng có thể là những thân phận con người đi tìm nguồn cội như trong tác phẩm ‘Một ngàn ngày ở Sài Gòn’ ….

Như giải thích của ban tổ chức thì những bộ phim tài liệu phải luôn luôn là những chiếc cầu nối liên lục địa và là những tấm gương phản ánh cuộc sống, thế giới ngày hôm nay.

Trong phần văn nghệ, để đánh dấu năm Việt Nam tại Pháp liên hoan Vesoul lần này đã mời nữ ca sĩ Hương Thanh đem lại một thoáng Việt Nam cho liên hoan. Khăn đóng và chiếc áo dài đỏ của cô đã chinh phục khán giả Vesoul. Trong chương trình Hương Thanh đã gửi đến khán giả ba ca khúc đượm màu sắc Việt Nam : Qua cầu gió bay, Ru con Nam bộ và Lý ngựa ô.

Sau Hương Thanh đến lượt đoàn múa của Philippines, 4 nữ, 2 nam bước lên sân khấu biểu diễn hai vũ điệu dân gian nổi tiếng : vũ điệu đèn sao và bức họa đồng quê. Lễ khai mạc liên hoan đã kết thúc với một bộ phim tài liệu ‘Nos 20 ans’ Tuổi 20 của chúng ta’. Nhặt lại những hình ảnh tư liệu của liên hoan trong hai thập niên qua, Jean Claude Boisseaux và Marc Haaz điểm lại sự hình thành và những chặng đường mà festival Vesoul đã đi qua.

Khi biết rằng những tên tuổi của làng điện ảnh châu Á như Kitano Takeshi, Jafar Panahi, Giả Chương Kha, Vương Tiểu Soái, Kore Eda, Kim Ki Duk, Hầu Hiếu Hiền hay nhà đạo diễn gốc Việt, Trần Anh Hùng đều đã đạt những giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim quốc tế lớn như Berlin, Cannes, Venise hay Busan câu hỏi đặt ra là động cơ nào đưa chân họ đến Vesoul ?

Có thể đơn giản là vì đây là một trong những nơi hiếm hoi có được một sự trao đổi thực sự giữa khán giả và các nhà làm phim. Khán giả đã từng bắt quả tang những đạo diễn như Kore Eda hay Hầu Hiếu Hiền, núp trong bóng tối ở cuối rạp để theo dõi phản ứng, sự cảm nhận của khán giả. Sự đồng cảm đó là món quà quý giá nhất mà liên hoan Vesoul đã từ 20 năm qua liên tục dành tặng cho các nhà làm phim.

Cuộc tranh tài thực sự mở màn vào hôm nay, với 22 bộ phim ra mắt khán giả. Hai phim Việt Nam được chiếu trong ngày là ‘Bao giờ cho đến tháng Mười’ của Đặng nhật Minh và ‘Bi đừng sợ’, của Phan Đăng Di. Về phần Bùi Thạc Chuyên, trong những ngày tới anh sẽ giới thiệu ‘Chơi vơi’ và 'Sống trong sợ hãi' với khán giả Vesoul.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.