Vào nội dung chính
VIỆT NAM - NHÂN QUYỀN

Thân mẫu tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh điều trần tại Quốc hội Mỹ

Do các hoạt động bảo vệ quyền lợi công nhân tại Việt Nam, năm 2010, cô Đỗ Thị Minh Hạnh lãnh án 7 năm tù giam. Hai người bạn của cô là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị 9 năm tù, và Đoàn Huy Chương 7 năm. Tình cảnh của lao động Việt Nam, của tù nhân lương tâm và của Minh Hạnh đã được thân mẫu là Trần Thị Ngọc Minh trình bày trước Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos trong cuộc điều trần tại Washington hôm qua, 16/01/2014.

Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của nhà hoạt động Đổ Thị Minh Hạnh, tại buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ ngày 16/01/2014.
Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của nhà hoạt động Đổ Thị Minh Hạnh, tại buổi điều trần ở Quốc hội Mỹ ngày 16/01/2014.
Quảng cáo

Phẩn uất trước bản án bất công và hành động ngược đãi con gái trong nhà giam, bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Minh Hạnh cho biết đã tìm cách sang châu Âu. Ngày hôm qua tại Washington, bà đã có cơ hội trình bày trước một ủy ban nhân quyền của Quốc hội Mỹ về tình cảnh chung của người dân Việt Nam, của dân oan bị cướp đất, công nhân bị bóc lột sức lao động, của các tù nhân lương tâm và của chính con gái bà là Đỗ Thị Minh Hạnh, 28 tuổi.

Theo tường thuật của AFP, bà Trần Thị Ngọc Minh kêu gọi Hoa Kỳ dùng hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình dương (Trans-Pacific Partnership,TPP ) để gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam chấm dứt tình trạng mà các tổ chức quốc tế xem là « vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng ».

Trước Ủy ban Tom Lantos, mẹ của nữ tù nhân Minh Hạnh nhận định là chính quyền Việt Nam có tham vọng gia nhập hiệp định TPP mà tiến trình đàm phán đang diễn ra giữa 12 nước trong đó có Hoa Kỳ, Nhật và Úc. Do vậy, bà kêu gọi Hoa Kỳ hãy « nhân cơ hội lớn này gây sức ép đòi Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, trong đó có con gái của bà và phải cải thiện điều kiện làm việc của nhân công Việt Nam ».

Trong chính sách « xoay trục » sang châu Á- Thái Bình Dương, tổng thống Mỹ Barack Obama xem dự án Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là ưu tiên số một, là cơ sở để thiết lập quan hệ vững chắc với châu Á. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải sự phê phán mạnh mẽ ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ, vì nhiều dân biểu quan ngại về quyền lợi của người lao động và nhiều vấn đề khác.

Dân biểu Christ Smith, nhà hoạt động nhân quyền của đảng Cộng Hòa, cũng không hài lòng, vì theo ông, chính quyền Obama đã nới lỏng áp lực nhân quyền quá sớm đối với Hà Nội, trước khi bình thường hóa quan hệ thương mại Mỹ-Việt.

Chính quyền Việt Nam hiện nay kiểm soát rất chặt chẽ hoạt động nghiệp đoàn và vào năm 2010 đã kết án ba nhà hoạt động trẻ từ 7 đến 9 năm tù, sau khi họ phát tán truyền đơn tố giác chủ một một hãng giày gia công ở Trà Vinh bóc lột công nhân.

Theo thông tin của hiệp hội VOICE, ngoài bà Trần Thị Ngọc Minh, trong phái đoàn sang điều trần về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam còn có thân nhân của các tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân, Đinh Nguyên Kha, cùng với ba blogger trong Mạng lưới Blogger Việt Nam.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.