Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Biển Đông và Nhân quyền : Yếu tố căn bản trong quan hệ Việt-Mỹ

Đăng ngày:

Kể từ ngày 14/12/2013 vừa qua, sau nhiều lần bị đình hoãn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry rốt cuộc đã chính thức đi thăm Việt Nam từ ngày ông nhậm chức, trong khuôn khổ vòng công du Đông Nam Á cũng sẽ đưa ông qua Philippines. Theo giới phân tích, đây là một chuyến thăm rất được Hà Nội và Manila mong đợi, trong bối cảnh chủ quyền biển đảo của cả hai đều bị Trung Quốc lấn lướt tại Biển Đông, và cần đến sự hiện diện của Mỹ để hạn chế tham vọng bành trướng ngày càng rõ của Bắc Kinh.

Cuộc hội kiến giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 16/12/2012
Cuộc hội kiến giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (T) với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội ngày 16/12/2012 REUTERS/Brian Snyder
Quảng cáo

Tại Việt Nam, lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ đã không phụ lòng mong đợi của nước chủ nhà khi loan báo quyết định tăng cường giúp đỡ Việt Nam trong lãnh vực an ninh trên biển – một hình thức gián tiếp hỗ trợ Việt Nam bảo vệ tốt hơn vùng Biển Đông của mình. Tuy nhiên, ông John Kerry cũng không quên nhắc lại một trong những mối quan tâm lớn của Washington trong quan hệ với Hà Nội. Đó là Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa tình hình nhân quyền.

Nhận xét chung về vòng công du của Ngoại trưởng Mỹ qua Việt Nam và Philippines lần này, các nhà phân tích đều nhấn mạnh đến khía cạnh « bù đắp » thiếu sót của Hoa Kỳ cách nay không lâu, khi chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải bỏ lỡ hai Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng của khu vực là Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Indonesia, cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Brunei. Lợi dụng sự vắng mặt của lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc được cho là đã « mặc sức tung hoành » và biểu thị uy lực của mình.

Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ tại các hội nghị đó được cho là rất đáng tiếc trong bối cảnh Hoa Kỳ bắt đầu chuyển ưu tiên qua vùng Châu Á Thái Bình Dương trong chiến lược gọi là xoay trục hay tái cân bằng.

Riêng đối với Việt Nam, chuyến viếng thăm của ông John Kerry là dịp để hai bên thúc đẩy quan hệ tiến thêm một bước nữa, gần nửa năm sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chính thức loan báo sự hình thành của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ Việt, một bước chuyển mới trong bang giao song phương.

Là một chuyên gia theo dõi sát tình hình Biển Đông trong mối quan hệ giữa Việt Nam, Hoa Kỳ, Trung Quốc, cũng như nhiều cường quốc khác, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã xác định trở lại tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách châu Á mới của Mỹ.

Theo giáo sư Long, Việt Nam có một vị trí ưu tiên trong chiến lược xoay trục của Hoa Kỳ qua vùng châu Á Thái Bình Dương, do đó nêu biết tranh thủ, Việt Nam có thể có thêm hậu thuẫn của Mỹ, tăng cường được tiềm lực của mình, hạn chế được sự lân lướt của Trung Quốc, vốn đang muốn áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Ngoài việc cần phải làm rõ chính sách Biển Đông của mình, Việt Nam cần phải tạo điều kiện để chính quyền Hoa Kỳ vận động được sự ủng hộ của dư luận Mỹ. Trong vấn đề này, việc cải thiện nhân quyền tại Việt Nam là điều cần thiết

Sau đây, mời quý vị nghe phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long trong bài trả lời phỏng vấn của RFI.

16:09

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

Ngoại trưởng Mỹ đến Việt Nam để tái khẳng định quan hệ toàn diện

Ông Kerry đến thăm Việt Nam lần này, theo tôi, là để chứng minh cho Việt Nam, Philippines và các nước khác trong khu vực là Mỹ sẽ tiếp tục chính sách xoay trục, trở về Á Đông để giúp ổn định tình hình trong khu vực.

Đó là lý do chính, mà theo tôi, cũng giải thích lý do vì sao ông đến Việt Nam trước, rồi sau đó mới qua Philippines : Việt Nam có lãnh hải dài nhất trong khu vực và bị Trung Quốc đe dọa nhiều nhất, không những ở trên biển, mà cả trên đất liền.

Khẳng định quan hệ « hợp tác toàn diện » với Việt Nam - mà hai bên đă ký khi Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang qua Mỹ tháng Bảy vừa qua - là một vấn đề quan trọng dối với chuyến thăm của ông Kerry.

Thỏa thuận đối tác toàn diện dĩ nhiên còn bao hàm nhiều mặt khác, nhưng theo tôi, vấn đề chính là khẳng định quan hệ của Mỹ đối với Việt Nam trong việc giúp ổn định khu vực. Vấn đề là Mỹ cần phải có sự giúp đỡ của các nước trong khu vực.

Ở Biển Đông, sự giúp đỡ của Việt Nam và Philippines rất quan trọng, bởi vì Mỹ không thể đơn độc nhảy vào rồi nói : « Tôi đây, tôi sẽ làm thế này, thế kia ! »

Như chúng ta đã nói nhiều lần trên đài này, Mỹ cần được sự ủng hộ của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, hai nước rất quan trọng trong vấn đề Biển Đông.

Hỗ trợ chính quyền Mỹ chống lại thế lực thân Trung Quốc ngay tại Mỹ

Việt Nam và Philippines do đó phải kết hợp với nhau để tranh thủ dư luận tại Mỹ, phải giúp chính phủ Mỹ thuyết phục được người Mỹ, bởi vì quan hệ kinh tế và mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc rất lớn, và có biết bao thế lực kinh tế bên Mỹ - và biết bao thế lực chính trị - trong đó có Kissinger, Brzezinski… - đang giúp đỡ Trung Quốc vì họ được lợi nhiều.

Nếu Việt Nam không giúp thì chính phủ Mỹ, dù có muốn cách mấy, cũng khó mà giúp đỡ cho đến cùng, vì người Mỹ hay nói « to have bigger fish to fry / có việc khác quan trọng hơn để làm », và Trung Quốc dư biết điều đó. Hai nước – trong và ngoài khu vực - có quan hệ kinh tế lớn nhất với Trung Quốc trước tiên là Mỹ và sau đó là Nhật…

Việt Nam phải ủng hộ Philippines trong vụ kiện Trung Quốc

Trước hết về mặt chiến lược và Biển Đông, Việt Nam phải đẩy mạnh thêm (việc thuyết phục) các nước Đông Nam Á, nói rõ đường lối của Việt Nam đối với Biển Đông, cũng như Philippines đã tỏ thái độ rõ ràng bằng cách đưa Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc.

Việt Nam phải ủng hộ Philippines trên vấn đề này, có thái độ rõ ràng để giúp Mỹ, ít ra là trong việc làm áp lực trên các nước khác, thúc đẩy các nước này ủng hộ Việt Nam và Philippines.

Hoa Kỳ không phải là nước mà chính phủ tự nhiên muốn làm gì cũng được. Chính phủ Mỹ cần có sự ủng hộ của người dân.

Vì thế, khi nói đến vấn đề nhân quyền với Việt Nam, chính quyền Mỹ muốn cho Việt Nam biết rằng : « Nếu các anh giúp chúng tôi trên vấn đề nhân quyền, thì đó chính là các anh tự giúp các anh, giúp cho nhân dân các anh được tự do…, nhưng mà điều đó cũng giúp chúng tôi dùng việc đó để chứng minh cho dân chúng Mỹ rằng nước Việt Nam hiện nay, rằng chính sách của chính phủ Việt Nam, cần được sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ, không phải chỉ vì chính phủ Việt Nam, mà là vì người dân Việt Nam, và vì an ninh, ổn định cho khu vực châu Á Thái Bình Dương. »

Nếu chứng minh được những điều đó, theo tôi, chính phủ Mỹ sẽ được sự hỗ trợ lón hơn của nhân dân Mỹ, qua đó là của Quốc hội Mỹ...

Ngoài Biển Đông, Đồng bằng sông Cửu Long cũng là nhân tố quan trọng đối với Mỹ

Quan hệ Mỹ-Việt đã được hai bên thúc đẩy (…) dẫn đến việc ký kết quan hệ đối tác toàn diện. Vấn đề đối tác toàn diện không phải chi là quan hệ quân sự giữa hai bên trên Biển Đông, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác mà Mỹ muốn Việt Nam cùng với họ đẩy mạnh từ lâu.

Từ thời bà Clinton, ngoài vấn đề Biển Đông, Mỹ cũng đã nói đến vấn đề tự do, nhân quyền ở Việt Nam, nhưng quan trọng và lâu dài cho khu vực là Sáng kiến vùng Hạ lưu sông Cửu Long (Lower Mekong Initiative).

Đây là sáng kiến nhằm đẩy mạnh việc hợp tác giữa Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Miến Điện, không những trên lãnh vực môi trường - như là việc Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập lụt, mà Việt Nam đã, đang và sẽ bị thiệt hại nhiều nhất – mà còn nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 5 nước kể trên với Mỹ trong những lãnh vực khác như giáo dục, y tế, biển đổi khi hậu, năng lượng…

Kỳ này ông Kerry cũng lập lại nhưng chính sách đó với Việt Nam. Theo tôi đó cũng là lý do tại sao Ngoại trưởng Mỹ đi về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để chứng minh một lần nữa là nước Mỹ không « đánh trống rồi bỏ dùi », không chỉ nói rồi thôi, mà là muốn tiếp tục thúc đẩy Sáng kiến Hạ lưu sông Cửu Long này...

Việc các nước cùng hoạt động với nhau và với Mỹ, sẽ giúp chính quyền Mỹ chứng minh với người dân Mỹ rằng có sự hợp tác giữa nhiều nước với nhau trong vùng.

Việc đó cũng giúp cản trở những hành động không hay của Trung Quốc trong khu vực, kể cả việc xây đập trên thượng nguồn sông Cửu Long.

Quan hệ đối tác toàn diện đã có nhưng phải tiếp tục nuôi dưỡng

Yếu tố nổi bật nhất trong quan hệ Việt Mỹ trong năm là sự kiện hai nước ký thỏa thuận đối tác toàn diện và việc Chủ tịch nước Việt Nam sang thăm Mỹ theo lời mời của Tổng thống Obama. Hai bên, theo tôi, muốn chứng minh rằng quan hệ hai bên sẽ đi đên một giai đoạn mới.

Nhưng phải nói rằng ký một thỏa thuận đối tác chiến lược như vậy mà không thi hành thì cũng không đi đến đâu. Cho nên, tôi nghĩ rằng ký rồi thì bên Việt Nam phải tiếp tục thúc đẩy, không nên chờ xem Mỹ làm gì rồi mình làm tiếp theo.

Lý do là vì Mỹ là một nước lớn, có nhiều việc khác để làm, mình là một nước nhỏ, muốn người ta ủng hộ mình thì mình phải thúc đẩy, nhưng mà theo tôi, nói thật ra là Việt Nam chưa thúc đẩy đủ…

Dư luận Mỹ nói chung, nếu không được ai thúc đẩy, thường không để ý đến vấn đề đối ngoại, bởi vì có bao nhiêu là vấn đề trong nước phải lo. Trên báo chí, họ thấy rất là mơ hồ, là lâu lâu có một cuộc tập trận chung giữa lính Mỹ với Việt Nam ở trên biển, nhỏ thôi, và chỉ vài cuộc thôi, cho nên họ không để ý đến vấn đề đó.

Việt Nam phải nỗ lực trên hồ sơ cải thiện nhân quyền

Trong khi đó, vấn đề nhân quyền lại là vấn đề được nhiều nhóm dùng để tấn công chính sách của Mỹ ở Việt Nam, hay là để tấn công Việt Nam.

Không chỉ những nhóm thực sự bảo thủ là ủng hộ vấn đề nhân quyền này để chống Việt Nam, mà còn có cả các nhóm gọi là « tự do », những nhóm phản chiến ngày xưa giúp đỡ Việt Nam, nhưng bây giờ lại trở thành những nhóm quan tâm đến nhân quyền…

Điều đó cũng đúng thôi, vì khi họ ủng hộ Việt Nam lúc người Việt Nam làm cách mạng, và chống lại Mỹ, thì người ta nghĩ đến chủ trương hay hy vọng của ông Hồ Chí Minh, đã nói là « không có gì quý hơn độc lập tự do ».

Người ta đã tranh đấu cho độc lập của Việt Nam, rồi người ta thấy rằng sau khi độc lập, thì vấn đề tự do ở Việt Nam ngày càng bị giới hạn, thấy rằng bao nhiêu công sức của họ trở thành « công dã tràng » đổ vào Biển Đông ! Thành ra họ có ý kiến về vấn đề này.

Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam phải chứng minh cho người Mỹ là chính phủ Việt Nam đang có chính sách thực hiện vấn đề tự do cho dân chúng, vấn đề nhân quyền, vấn đề hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam…

Có thế thì người nước khác người ta mới thấy đây là vấn đề ích lợi cho người Việt Nam, ích lợi cho nhân dân trên thế giới, ít lợi cho con người. Có thể họ mới tranh thủ, nếu không thì họ có bao nhiêu vấn đề của họ trong nội bộ, thì tại sao họ bỏ công hoạt động ủng hộ cho Việt Nam làm gì ?

Cho nên tôi nghĩ rằng vấn đề thúc đẩy, thành lập các cơ chế bảo vệ quyền lợi của nhân dân Việt Nam, là vấn đề rất cần thiết và thiết thực, cho Việt Nam trên nhiều mặt.

Đây là cơ hội rất là lớn, nếu Việt Nam không tiếp tục làm, thì Việt Nam sẽ khó khăn. Chẳng hạn như là về vấn đề nhân quyền, nếu Việt Nam không chứng minh cho Mỹ hay cho thế giới biết là quan hệ của Việt Nam đối với Mỹ, không chỉ là trong vấn đề quân sự, để chống Trung Quốc,

Cho nên theo tôi, chính chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh vấn đề nhân quyền, vì nếu không, những nhóm tả cũng như hữu tại Mỹ, sẽ dùng hồ sơ nhân quyền này để chống Việt Nam, trong nhiều lãnh vực.

Họ sẽ liên kết vấn đề này với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, với quan hệ thương mại song phương Việt Mỹ, với quan hệ quân sự…

Khi họ đẩy mạnh vấn đề này, thì sẽ có hiệu ững ngược lại ở bên Việt Nam, là nhiều nhóm vốn đã không muốn Việt Nam mở cửa, không muốn Việt Nam có thêm tự do… họ sẽ nói : « Thấy không ? Bên Mỹ họ chống Việt Nam, họ làm thế này thế kia... »

Họ sẽ dùng cớ đó để tiếp tục đàn áp, và nếu tiếp tục đàn áp hay là tiếp tục đường lối hiện nay, điều đó sẽ không có ích lợi gì cho Việt Nam về lâu về dài.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.