Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Việt Nam : Người nhiễm HIV/AIDS vẫn chịu nhiều kỳ thị

Đăng ngày:

Trong những năm gần đây, về mặt chính thức dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam có chiều hướng suy giảm. Tuy nhiên con đường tiến đến mục tiêu « Ba không » (không người nhiễm HIV mới...) đòi hỏi những nỗ lực to lớn, bởi hàng năm vẫn có hơn 10.000 người nhiễm HIV. Ngành y phải thay đổi những gì để giảm kỳ thị và mang lại các hỗ trợ thích đáng cho người bệnh/người có nguy cơ bị lây nhiễm ? Các nhóm có nguy cơ cao đối mặt như thế nào với hiểm họa này ?... Đây là một số câu hỏi chính của tạp chí tuần này.

Triển lãm “Nỗi đau và Hy vọng – 20 năm HIV/AIDS ở Việt Nam" do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD) và Đại học Columbia (Hoa Kỳ) tổ chức, 2010-2011.
Triển lãm “Nỗi đau và Hy vọng – 20 năm HIV/AIDS ở Việt Nam" do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD) và Đại học Columbia (Hoa Kỳ) tổ chức, 2010-2011.
Quảng cáo

Về mặt chính thức Việt Nam được công nhận là nước đã thực hiện được ba giảm : giảm số người nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong vì AIDS.

Mặc dù số lượng người mắc bệnh được coi là ít hơn, theo các số liệu thống kê chính thức, mỗi năm vẫn có thêm khoảng 10.000 người nhiễm. Theo một số liệu thống kê gần đây của Bộ Y tế Việt Nam, cả nước có hơn 200.000 người nhiễm HIV còn sống, hơn 52.000 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và hơn 53.000 người đã tử vong vì bệnh này.

Con đường tiến đến mục tiêu "Ba không" (không người nhiễm HIV mới, không thêm ai bị AIDS và không ai tử vong vì AIDS) đòi hỏi những nỗ lực to lớn của Việt Nam.

Tạp chí của RFI tuần này có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Khuất Hải Oanh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (Hà Nội), một cơ sở hoạt động từ nhiều năm nay trong lĩnh vực này. Luyến ái đồng giới (chủ yếu là đồng giới nam) ngày càng được coi là một quan hệ có nguy cơ lây truyền HIV thuộc hàng cao nhất. Về vấn đề cộng đồng những người đồng giới đối phó với thực tế này, RFI xin giới thiệu tiếng nói của ông Trần Khắc Tùng, giám đốc Trung tâm ICS (Nhóm Kết nối và Chia sẻ Thông tin/Information Connecting and Sharing), tổ chức có mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam.

                                 Sợ đi xét nghiệm HIV do kỳ thị trong cộng đồng và cơ sở y tế

Bác sĩ Khuất Hải Oanh : (…) vẫn đang có khá nhiều thách thức cho chương trình phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Hiện nay một số cơ sở xét nghiệm HIV tại Việt Nam có rất ít người đến. Cũng tương tự như vậy, các bác sĩ nghĩ rằng sẽ có nhiều bệnh nhân đến điều trị hơn, nhưng số lượng bệnh nhân đến không được nhiều như mong muốn.

16:47

Bác sĩ Khuất Hải Oanh (Hà Nội)

Bởi vì sự kỳ thị ở trong cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế khá lớn, cho nên bệnh nhân rất là ngại đi xét nghiệm. Và khi xét nghiệm biết là dương tính rồi, người ta cũng rất ngại đi khám và điều trị. Trong khi đó, có một số bệnh nhân không có các giấy tờ thích hợp, nên người ta không được đưa vào điều trị. Đấy là hai lý do cơ bản nhất.

Mới đây chúng tôi có một cuộc thảo luận với khoảng xấp xỉ 100 người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao nhiễm HIV, như những người có tiêm chích ma túy, những người lao động tình dục và những người có quan hệ tình dục đồng giới. Mọi người có một số nhận định chung như sau.

Thứ nhất, chủ quan không nghĩ là mình có hành vi nguy cơ cao, nên người ta không đi xét nghiệm. Thứ hai, một số người rất e ngại, nếu đi xét nghiệm HIV, thì kết quả xét nghiệm có thể sẽ bị tiết lộ. Và việc tiết lộ kết quả xét nghiệm sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và gia đình người ta, cho nên nhiều người chọn không đi xét nghiệm. Thứ ba, cũng có người biết mình có HIV rồi, nhưng thấy một số bạn bè, hoặc một số người quen khi đi điều trị HIV, rồi sau đó về nhà bị phát hiện ra, bị hàng xóm xung quanh biết nên bị ảnh hưởng đến bản thân và gia đình, đến công ăn việc làm nên không dám đi điều trị.

Rồi thái độ của các cán bộ y tế ở các cơ sở, đôi khi cũng làm cho người ta rất nản lòng. Ví dụ như, một người khi đến xét nghiệm HIV có thể khi thăm khám, cán bộ y tế sẽ hỏi có các hành vi nguy cơ hay không ? có tiêm chích ma túy hay không ? có bán dâm hay không ? có quan hệ tình dục với người bán dâm hay không ?... Những câu hỏi này đối với cán bộ y tế hoàn toàn là bình thường, để đánh giá về « hành vi nguy cơ » của người đến xét nghiệm. Thế nhưng đối với những người đến xét nghiệm, người ta lại rất nhạy cảm với những câu hỏi đấy, và người ta cảm thấy đời sống riêng tư của mình bị soi mói, chính vì thế họ rất ngại đến xét nghiệm. Thái độ của các y bác sĩ ở các cơ sở điều trị đôi khi cũng làm cho bệnh nhân cảm thấy rất nản lòng.

Cũng có trường hợp người nhiễm HIV đến một cơ sở cấp huyện để điều trị, và tin tưởng rằng ở xã, làng mình mọi người sẽ không biết mình nhiễm HIV. Sau đó, tự nhiên đến ngày Tết, thấy được mời lên để nhận quà của chính quyền xã, của hội phụ nữ, cho những người nhiễm HIV, hay con cái họ. Lúc đấy người ta hiểu rằng thông tin về tình trạng nhiễm HIV của mình đã bị lộ, nên những người khác nhìn vào thì thấy rất ngại.

Hiện nay, để được điều trị HIV tại các cơ sở y tế thì người bệnh bị đòi hỏi các giấy tờ, thí dụ như chứng minh thư, hộ khẩu, nếu như không có sổ hộ khẩu, thì phải có giấy tạm trú dài hạn. Một số địa phương chấp nhận có giấy tạm trú ngắn hạn. Một số người không có bất cứ giấy tờ nào, thì trong một số trường hợp không được điều trị.

Có một nghịch lý là những người có quê quán, đủ giấy tờ thì rất sợ bị kỳ thị (không dám đi điều trị), còn những người không có giấy tờ, rất muốn được điều trị, thì lại không được. Đấy là bất cập tương đối lớn trong chương trình điều trị HIV ở Việt Nam.

Nguy cơ lây nhiễm : Từ tiêm chích chuyển sang tình dục đồng giới

Thời gian vừa rồi, một số chương trình dự phòng đang được thực hiện rất tích cực, đặc biệt là chương trình điều trị thay thế methadone cho người nghiện hút. Chương trình này đã giúp khống chế đáng kể việc lây nhiễm HIV trong những người tiêm chích ma túy. Hiện nay, nguy cơ lây HIV cao nhất là qua đường tiêm chính ma túy. Tuy nhiên, lây nhiễm HIV ở Việt Nam đang chuyển dần từ lây nhiễm qua con đường tiêm chích sang lây nhiễm qua đường tình dục, trong đó có cả qua lây nhiễm qua tình dục đồng giới. Quan hệ tình dục đồng giới ở Việt Nam trong thời gian gần đây được nghe thấy nói hơn rất nhiều. Những người đồng giới bây giờ cũng mạnh dạn hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm này đang ngày càng cao, mà số người đi xét nghiệm để phát hiện thì vẫn còn đang rất là thấp.

RFI : Nói đến tình dục đồng giới là một trong những nguy cơ cao hàng đầu, hiện tại có những biện pháp gì để có thể giảm thiểu tác hại, thưa bác sĩ ?

BS Khuất Hải Oanh : Có lẽ có ba biện pháp cơ bản. Biện pháp thứ nhất là sử dụng bao cao su và chất bôi trơn.

Biện pháp thứ hai là điều trị những biện pháp lây nhiễm qua đường tình dục, cho những người này. Tôi không có số thống kê chính thức. Nhưng khi trao đổi qua các bạn nam, có các quan hệ tình dục đồng giới, thì có rất nhiều người mắc các bệnh qua đường tình dục, như bệnh « sủi mào gà » chẳng hạn, một bệnh rất phổ biến ở những người đồng tính nam. Nếu mắc bệnh về đường tình dục thì xác suất mắc HIV hoặc và truyền HIV cho người khác là cao hơn. Nếu điều trị triệt để các bệnh này thì góp phần làm giảm xác xuất lây HIV.

Biện pháp thứ ba, mà mọi người đang áp dụng, là điều trị dự phòng (theo nghiên cứu được công bố từ 2010). Với một người nhiễm HIV, nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus, thì nguy cơ lây cho người khác giảm đi đến 96%. Nhưng để làm được như vậy, thì thứ nhất, hướng dẫn về điều trị ở Việt Nam phải thay đổi. Để cho với những người nam có quan hệ tình dục đồng giới, khi phát hiện ra bị nhiễm HIV, thì được điều trị luôn.

Cái điều thứ hai là (mà có lẽ điều này phải đặt lên trước hết) người ta phải biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, người ta phải đi xét nghiệm HIV. Hiện nay, các bạn nam có quan hệ đồng giới rất ngại đi xét nghiệm, vì các bạn rất sợ, nếu mình bị nhiễm HIV, thì khả năng tìm kiếm bạn tình sẽ rất khó khăn, người ta sẽ bị kỳ thị rất nhiều. Nên ngay cả khi, biết tình trạng HIV của mình rồi, người ta cũng rất sợ chia sẻ với những người khác, rất sợ người khác biết, vì sợ cô đơn, sợ bị kỳ thị, bị bỏ rơi, sợ không có bạn tình.

Có lẽ cái thách thức lớn nhất trong phòng chống HIV trong thời gian tới là kiểm soát lây nhiễm HIV trong cộng đồng nam có quan hệ tình dục đồng giới này.

RFI : Bác sĩ nói đến thách thức lớn nhất là cộng đồng đồng tính nam như là một thực tế thuộc về lĩnh vực bệnh tật, vậy còn đứng từ góc độ của nghề y, hay hệ thống y tế, thì thách thức nào là quan trọng nhất trong việc thay đổi ứng xử của bộ máy y tế, để giúp cho những người trong môi trường này có được cách dự phòng tốt nhất và trong trường hợp bị mắc thì có thể kịp thời điều trị ?

BS Khuất Hải Oanh : Đầu tiên là việc xét nghiệm HIV. Hiện nay, muốn xét nghiệm, thì phải đến cơ sở y tế. Nếu như có xét nghiệm tại cộng đồng, hoặc có xét nghiệm mà người ta có thể tự xét nghiệm ở nhà, thì có thể giúp ích rất nhiều.

Cái thứ hai là hướng dẫn về điều trị HIV ở Việt Nam cần phải thay đổi với những người có nguy cơ cao. Để cho người ta đến cơ sở điều trị, thì thái độ của nhân viên y tế cần được cải thiện hơn nữa, để người ta cảm thấy dễ chịu và không bị kỳ thị. Và đặc biệt là việc bảo mật thông tin, sẽ phải tuân thủ tuyệt đối. Ngoài ra về giấy tờ, thủ tục, có khá nhiều việc phải làm và phải làm một cách tương đối đồng bộ, chứ không thể chỉ là một việc.

Xét nghiệm nhanh giúp phát hiện sớm người mắc HIV

RFI : Bác sĩ có nói đến chuyện xét nghiệm sớm, vậy ở Việt Nam đã áp dụng nhiều chưa ?

BS Khuất Hải Oanh : Bên ngành y tế đang e ngại rất nhiều thứ. Trong đó có việc sợ bệnh nhân xét nghiệm không có tư vấn, thì có thể có những khủng hoảng tâm lý, thì lúc đó không có ai ở xung quanh hỗ trợ, bệnh nhân có thể có những hành động tiêu cực, như tự sát.

Hiện nay, xét nghiệm HIV ở Việt Nam rất phức tạp. Gần đây ngành y tế đã có linh hoạt hơn, là tổ chức các xét nghiệm lưu động. Nhưng xét nghiệm lưu động chưa phải là nhiều. Ở các nước muốn mở rộng chương trình xét nghiệm, thì khuyến khích xét nghiệm tại cộng đồng hoặc tại nhà. Như Campuchia chẳng hạn, tổ chức các nhóm cộng đồng, của những người có cùng cảnh ngộ, thì tổ chức xét nghiệm cho nhau bằng phương pháp xét nghiệm nhanh rất đơn giản. Trong xét nghiệm nhanh, người ta loại trừ được những trường hợp không nhiễm HIV, còn những trường hợp nghi ngờ, thì người ta sẽ lấy mẫu để đi khẳng định ở phòng xét nghiệm. Các test này có giá trị loại trừ rất cao, nếu đã nói là không, thì gần như chắc chắn là không. Còn nếu dương tính với test này, thì có thể là có, có thể là không. Lúc đó, người ta sẽ đem gửi cái mẫu máu để đi xét nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Tôi được biết, Bộ Y tế đang cân nhắc việc này, hy vọng trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ quyết định thực hiện xét nghiệm tại cộng đồng. Nếu áp dụng được như vậy, tôi nghĩ là chắc chắn sẽ phát hiện được nhiều người nhiễm HIV hơn và sẽ điều trị được cho nhiều người hơn, giúp cho việc giảm lây nhiễm.

Các tổ chức « Tự lực » cần được ưu tiên hỗ trợ

RFI : Còn một cộng đồng nữa cũng trong nhóm nguy cơ cao, tức là những người làm nghề bán dâm. Thì tại Việt Nam trong thời gian gần đây, có những biến chuyển nào trong môi trường này ?

BS Khuất Hải Oanh : Gần đây, có một thay đổi rất quan trọng. Hiện nay, người bán dâm ở Việt Nam không bị bắt đưa về các trung tâm giáo dục lao động xã hội, mà trước đây gọi là trung tâm 05. Cái điều đấy cũng giúp cho những người bán dâm đỡ phải lẩn tránh hơn, và người ta cũng tự tin hơn trong việc mang bao cao su theo người. Đối với người bán dâm, hiện nay tỷ lệ nhiễm HIV khá là thấp (so với nhóm có nguy cơ cao), cỡ đâu vào khoảng 3%. Còn với người bán dâm nghiện ma túy, tỷ lệ có thể rất là cao. Ví dụ ở Hà Nội, tỷ lệ nhiễm HIV trong người bán dâm là khoảng 22%. Đây có thể là số liệu về ở những người bán dâm có sử dụng ma túy.

Thời gian gần đây, có rất nhiều những tổ chức của người bán dâm, hỗ trợ lẫn nhau. Tôi thấy rất hiệu quả, bởi vì chị em giúp nhau, chia sẻ các kiến thức với nhau, kỹ năng sử dụng bao cao su như thế nào, kỹ năng thương thuyết với khách hàng để sử dụng bao cao su.

Hy vọng là những thay đổi ấy trong chính sách, cũng như việc tiếp tục chính sách dự phòng cho người bán dâm tiếp cận các điều trị bằng thuốc kháng virus, thì hy vọng tỷ lệ nhiễm ở nhóm phụ nữ bán dâm ngày càng giảm đi.

Thời gian gần đây có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt là sự xuất hiện của những tổ chức « Tự lực » của những người trong cuộc. Những tổ chức của những người nhiễm HIV, của những người nam có quan hệ đồng giới, của người bán dâm, của người sử dụng ma túy… Các tổ chức này hiện nay đang tạo thành cái gọi là hệ thống cộng đồng. Tôi nghĩ rằng việc phát triển hệ thống cộng đồng này là vô cùng quan trọng đối với chương trình HIV ở Việt Nam. Bởi vì hiện nay tài trợ nước ngoài đang rút dần đi, và trong vòng vài năm nữa, thì ở Việt Nam có thể không còn tài trợ nước ngoài cho HIV nữa. Mà khi không còn tài trợ nước ngoài nữa, trong khi đầu tư của các tổ chức chính phủ rất là ít, thì việc có một hệ thống ở trong cộng đồng, tồn tại trong cộng đồng, có năng lực, có hiểu biết, có mạng lưới để tiến hành các can thiệp HIV rất là cần thiết. Vì vậy, tôi rất mong chính phủ Việt Nam, rồi các nhà tài trợ quan tâm đến việc hỗ trợ các mạng lưới Tự lực, tổ chức cộng đồng, để chương trình HIV có thể bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Giúp sống thật để giảm kỳ thị : Gốc rễ của việc phòng chống HIV

Những người có quan hệ đồng tính nam là nằm trong số những nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất. Bên cạnh các tổ chức của xã hội dân sự làm việc trực tiếp để hỗ trợ những người có nhu cầu, những người có nguy cơ, trong lĩnh vực này, Trung tâm ICS – cộng đồng của những người đồng giới, lưỡng giới và chuyển giới - có một chiến lược hành động riêng. Sau đây, ông Trần Khắc Tùng, giám đốc Trung tâm ICS, tổ chức thúc đẩy và bảo vệ quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) cho biết.

Ông Trần Khắc Tùng : Trực tiếp làm về HIV, thì ICS chưa làm, vì ICS nghĩ rằng cũng có khá nhiều tổ chức làm về mảng HIV rồi. Cái công việc từ trước đến nay của ICS là tập trung vào giải quyết nguyên nhân gốc rễ với HIV. Có thể chưa giải quyết trực tiếp, chưa nói đến việc xét nghiệm, chưa nói đến việc safe sex (tình dục an toàn), dùng bao cao su, dùng chất bôi trơn… Nhưng mà nó là công việc xây dựng cái nền tảng làm cho các bạn vững mạnh, làm giảm kỳ thị trong cộng đồng. Từ đó, các bạn có thể lựa chọn được lối sống phù hợp với mình, không phải sống lén lút, trong bóng tối, sợ hãi, từ đó không dám lộ diện, không dám tìm kiếm thông tin về bản thân mình, tiếp tục các thông tin đúng.

07:05

Ông Trần Khắc Tùng (Hà Nội)

Đó là cái quan niệm của ICS vào đóng góp của hiệp hội vào việc phòng chống HIV như thế nào. Tôi nghĩ rằng có hai điểm chính. Thứ nhất là làm mạnh cộng đồng, từ đó các bạn có thể sống thật, sống công khai. Thứ hai là làm môi trường xã hội giảm kỳ thị và hiểu hơn những bạn trong cộng đồng, từ đó có thể tiếp cận được các thông tin một cách dễ dàng hơn.

Trong chiến lược của ICS và thực sự trong công việc hàng ngày, trung tâm cũng nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, hay thư email cầu cứu của các bạn trong cộng đồng. Có điều những thông tin mà ICS nhận được chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý, như đang sống chung với nhau như vậy, có người can thiệp thì sẽ xử lý như thế nào… Cho đến thời điểm này, ICS cũng ít khi nhận được thông tin về sự kỳ thị với những người nhiễm HIV. Có thể nó biểu hiện dưới dạng khác, hoặc khi các bạn đến thì không nói về việc đó.

Hòa giải gia đình và trách nhiệm bản thân

Cách mà ICS hỗ trợ cho các bạn thì chủ yếu là việc không được gia đình chấp nhận. Việc của ICS là cung cấp thông tin cho các bạn, hướng dẫn các bạn cách đưa thông tin, cách nói chuyện với gia đình. Cũng có trường hợp ICS phải nói chuyện trực tiếp. Cũng có trường hợp phải kết nối với các phụ huynh khác trong cùng cảnh ngộ, để họ có thể chia sẻ, có lời khuyên cho nhau. Thường thường cách ICS lựa chọn là hơi trung hòa một chút, ít khi có sự can thiệp của chính quyền… Vì ICS nghĩ rằng, cuối cùng điều tốt nhất cho các bạn vẫn là được gia đình chấp nhận, ủng hộ. Thường sau những lần tiếp xúc như vậy, không thấy các bạn quay lại nữa, nghĩa là ICS cũng cảm thấy việc ấy tạm ổn trong gia đình.

ICS cũng từng đứng ra kết nối để cung cấp các dịch vụ cho các bạn. Làm việc với nhà cung cấp dịch vụ để dịch vụ thân thiện hơn với người LGBT để các bạn đến đấy không cảm thấy bị kỳ thị, cảm thấy được nói chuyện với những người hiểu biết về mình, về cộng đồng mình. ICS từng làm việc với các trung tâm tư vấn tâm lý và các văn phòng luật.

Trong thời gian tới, ICS bắt đầu chuyển hướng một chút để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của các bạn trong cộng đồng. Hướng hoạt động có thể sẽ bao gồm việc đáp ứng nhu cầu về sức khỏe tinh thần và sức khỏe tình dục. Trong tương lai, tiếp cận của ICS về HIV sẽ là thông qua việc các bạn tự thấy rằng đây là trách nhiệm của mình, mình phải là một phần của tiến trình đấy. Mình phải là người take action, phải hành động vì lợi ích của chính mình, không thể trông chờ vào ai khác. Đó là điều mà ICS đã tiến hành thành công trong tiến trình vận động luật trong cộng đồng. Hy vọng cái tiếp cận đấy (approach) nó sẽ phù hợp để giải quyết các vấn đề khác trong cộng đồng, bao gồm cả HIV.

***

Những lực cản chính hiện nay đối với cuộc chiến ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, về phía xã hội, đó là sự kỳ thị còn rất nặng nề tại nhiều nơi trong cộng đồng, chỗ làm việc, về phía ngành y tế, bên cạnh thái độ kỳ thị (hoặc không tôn trọng con người) của nhiều nhân viên y tế, đặc biệt đáng chú ý là việc thiếu đi một hướng dẫn điều trị phù hợp (cụ thể là điều trị bằng liệu pháp kháng ARV sớm hướng đến tất cả mọi người có nhu cầu) và việc thiết lập các cơ sở xét nghiệm chẩn đoán nhanh, dễ tiếp cận cho những người có nguy cơ nhiễm HIV. Các rào cản thủ tục do người bệnh thiếu giấy tờ cũng là một trở ngại lớn cho việc điều trị.

Tại Sài Gòn, theo một nguồn tin tại chỗ, có một số dấu hiệu cho thấy bắt đầu có những thay đổi thuận lợi hơn cho việc điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở ngay tại cộng đồng, hay điều trị HIV/AIDS trong các trung tâm giam giữ. Ngành y tế cũng có một số động thái hướng đến việc đưa dần điều trị HIV/AIDS vào bảo hiểm y tế để chuẩn bị cho thời điểm không còn trợ giúp của quốc tế sau 2015.

Các tổ chức "Tự lực" có thực sự tự lực ?

Trong thời gian khoảng gần 10 năm trở lại đây, một hiện tượng được đông đảo công chúng ghi nhận là sự xuất hiện của hàng loạt các tổ chức tự lập của các giới dễ bị tổn thương, dễ có nguy cơ bị nhiễm HIV, như những người nghiện ma túy, người bán dâm hay quan hệ đồng giới. Một số chuyên gia hay nhà quan sát ghi nhận các tổ chức hiệp hội hay mạng lưới cộng đồng thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người - mang dáng dấp của một xã hội dân sự hiện đại đang thành hình tại Việt Nam - góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn dịch bệnh HIV/AIDS. Các tổ chức "Tự lực" cho phép đẩy lui sự kỳ thị là gốc rễ của việc phòng chống HIV, như chiến lược trên đây của trung tâm ICS.

Ngược lại, cũng có nhiều người cho rằng các nhóm kể trên không có tư cách độc lập, phụ thuộc nhiều vào các tổ chức ngoại vi của nhà nước hay của ngành y tế. Bản thân các tổ chức « dân sự » này không đủ thực lực để triển khai các dự án riêng. Cũng có ý kiến cho rằng, hoạt động của « xã hội dân sự » trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đang « chết lâm sàng » so với nhiều hoạt động khác, sau một thời gian rộn ràng sôi nổi vì kinh phí dồi dào.

Vòng xoáy kỳ thị vô hình và những nỗi đau âm thầm

Trên thực tế, chắc chắn là có một khoảng cách không nhỏ giữa các con số được ghi nhận chính thức của ngành y tế nhà nước với thực trạng HIV/AIDS ở các nhóm xã hội khác nhau. Không khí kỳ thị ngự trị ở nhiều nơi và sự thiếu hiểu biết khiến rất nhiều người, vì các lý do cụ thể và riêng tư khác nhau, không có điều kiện được chẩn đoán HIV (để có thể được điều trị hay sử dụng các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm). Thiếu điều tra nên hiện tại dường như khó có thể xác định rõ bao nhiêu người nhiễm HIV đã và đang âm thầm đau khổ vì căn bệnh này, và bao nhiêu người phải ra đi trong sự thờ ơ xung quanh. Và không loại trừ sự phát triển âm thầm của dịch bệnh tại một số khu vực, một số giới, như ghi nhận của Bác sĩ Khuất Hải Oanh : « tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam đang ngày càng cao, mà số người đi xét nghiệm để phát hiện thì vẫn còn đang rất là thấp ».

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm những người bán dâm được coi là đã xuống khá thấp, sau khi chính quyền quyết định từ bỏ chính sách đưa phụ nữ bán dâm vào trại cải tạo. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có những nghiên cứu thực sự đáng tin cậy về số lượng người nhiễm HIV trong nhóm xã hội vốn luôn là đối tượng trấn áp của các nhân viên công lực, bị coi là các thành phần tội lỗi trong xã hội ?

Một cuộc điều tra năm 2012 với hơn 1.000 người mang HIV - tại 5 tỉnh thành có tỷ lệ nhiễm HIV thuộc hàng cao nhất nước - cho thấy những người mang HIV phải chịu nhiều hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử. Một ví dụ tiêu biểu là một tỷ lệ cao những người « có H » bị phân biệt đối xử nặng nề trong lĩnh vực công ăn việc làm (tỷ lệ thất nghiệp cao, mất việc, buộc phải thay đổi công việc hay bị kỳ thị tại nơi làm việc). Rất nhiều phụ nữ mang HIV và đặc biệt là những người bán dâm tại Hà Nội bị áp lực phải thay đổi chỗ ở hay không thể thuê được nhà. Một số người nhiễm HIV và con cái họ bị cản trở trong việc học hành... Điều tra « The People Living with HIV Stigma Index in Vietnam » kể trên do VNP+ chủ trì, với sự hỗ trợ của UNAIDS - Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, Tổ chức Y tế Thế giới và GIZ- Cơ quan hợp tác quốc tế Đức. [Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Ông Đỗ Đăng Đông, Chủ tịch Mạng lưới những người sống chung với HIV tại Việt Nam (VNP+) đã hướng dẫn tham khảo tài liệu này].

Không khí kỳ thị trong xã hội khiến người nhiễm HIV hay có nguy cơ nhiễm HIV kỳ thị trở lại chính mình (theo một bài viết trên tờ báo của Quốc hội Việt Nam, hiện chưa có một nghiên cứu định lượng nào ghi nhận về sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV). Cũng có khi sự kỳ thị đó biến người trong cuộc trở thành kẻ trả thù đời, buông thả, vô trách nhiệm. Và không loại trừ, cũng từ đó cái vòng xoáy kỳ thị lại ngày một trở nên khốc liệt hơn.

Một đồng đẳng viên (thuộc câu lạc bộ Tự lực) tại TP Hồ Chí Minh kỳ vọng ở việc Nhà nước gia tăng các biện pháp tuyên truyền để giúp mọi người hiểu được rằng HIV/AIDS không đáng sợ, HIV/AIDS là một căn bệnh mãn tính và có thể tương đối dễ dàng phòng tránh. Trong khi đó, theo một chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế về mối liên hệ giữa HIV và nghề nghiệp, thì việc làm là điều kiện cơ bản để có cơ hội điều trị bằng liệu pháp kháng HIV. Tình trạng rất nhiều người nhiễm HIV bị đuổi việc được báo chí trong nước liên tục báo động. Và hầu như chúng ta ai cũng biết, bần cùng đã đẩy rất nhiều phụ nữ vào con đường bán dâm.

RFI xin chân thành cảm ơn Bác sĩ Khuất Hải Oanh và Ông Trần Khắc Tùng đã dành thời gian cho tạp chí.

Các tin bài liên quan

Ngày Thế giới chống Sida : 16 triệu bệnh nhân thiếu thuốc

Quốc hội Pháp thảo luận về dự luật chống bóc lột tình dục

Nạn "Nô lệ" tại Việt Nam

Việt Nam : Hai đám cưới đồng tính đầu tiên

Có đủ ARV: Thách thức lớn của cuộc chiến chống SIDA tại Việt Nam

SIDA : Hy vọng sau 30 năm nghiên cứu

Nạn buôn phụ nữ Đông Nam Á làm gái mại dâm ngày càng nghiêm trọng

Dịch bệnh Sida vẫn còn nghiêm trọng, dù có nhiều tiến bộ lớn

Nhân hội nghị thế giới về SIDA : Hy vọng khống chế được nạn dịch thế kỷ

Việt Nam : Điều trị ma túy với các nhóm tương trợ tình nguyện

Cộng đồng quốc tế nỗ lực diệt trừ dịch bệnh Sida

Thuốc Truvada với việc ngăn ngừa hiểm họa HIV

Để chống AIDS có hiệu quả, Việt Nam quy định giữ bí mật danh tánh cho những người nhiễm HIV

Định kiến là rào cản lớn cho việc phòng chống AIDS/SIDA tại Việt Nam

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.