Vào nội dung chính
VIỆT NAM - KINH TẾ

Hiệp định TPP có thể thúc đẩy cải cách ở Việt Nam

Nhịp độ cải tổ kinh tế ở Việt Nam phụ thuộc một phần vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mậu dịch do Hoa Kỳ chủ xướng, bởi vì hiệp định này đòi hỏi các nước thành viên phải giảm bớt tỷ trọng của các doanh nghiệp Nhà nước. Đó là nhận định của tuần báo The Economist số đề ngày hôm nay, 19/10/2013.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Thượng đỉnh Đông Á -Brunei, ngày 10/10/2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Thượng đỉnh Đông Á -Brunei, ngày 10/10/2013. REUTERS/Ahim Rani
Quảng cáo

Tờ báo nhắc lại là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm ngoái chỉ đạt khoảng 5%, mức thấp nhất kể từ năm 1999. Tình trạng tăng trưởng chậm lại phần lớn là do đảng Cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước và giải quyết vấn đề nợ xấu ngân hàng. Cũng như ở nước Trung Quốc láng giềng, các nhân vật có thế lực trong đảng và vây cánh của họ cố giữ nguyên trạng để phục vụ cho quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, theo The Economist, tính chính đáng của chính quyền tùy thuộc vào khả năng của họ cải thiện đời sống của 90 triệu dân Việt Nam. Trong những tháng gần đây, các giới chức chính quyền đã bắt đầu đề ra những cải cách kinh tế sâu rộng. Trong số những dấu hiệu đáng lạc quan, có nghị quyết mà Bộ Chính trị thông qua vào tháng 4, đưa vấn đề hội nhập kinh tế lên ưu tiên hàng đầu. Các đại biểu Quốc hội gần đây cũng đã thảo luận về kế hoạch « cổ phần hóa », tức là tư nhân hóa một phần, các doanh nghiệp Nhà nước.

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hứa sẽ đối xử với 1.300 doanh nghiệp Nhà nước như là những công ty tư nhân và sẽ nâng tỷ lệ vốn của các nhà đầu tư ngoại quốc trong các ngân hàng Việt Nam từ 30% lên thành 49%.

The Economist trích lời kinh tế gia Việt Nam Phùng Đức Tùng nhận định rằng việc hiệp định TPP chú trọng đến các doanh nghiệp Nhà nước tạo ra một vỏ bọc chính trị cho các nhà lập pháp Việt Nam có đầu óc cải cách tiếp tục thúc đẩy cải tổ. Chưa biết là họ sẽ đạt kết quả đến đâu, nhưng ông Phùng Đức Tùng nghĩ rằng tư nhân hóa phần lớn các doanh nghiệp Nhà nước sẽ thúc đẩy kinh tế và thiết lập nền tảng cho một hệ thống thuế doanh nghiệp lành mạnh hơn.

Tờ báo nhắc lại rằng các doanh nghiệp Nhà nước, hiện chiếm 40% tổng sản phẩm nội địa, vẫn liên kết chặt chẽ một cách nguy hiểm với các ngân hàng Nhà nước, tức là những ngân hàng đã cấp vốn để các doanh nghiệp Nhà nước mở rộng hoạt động sang lĩnh vực địa ốc vào thời gian mà thị trường này đang bùng nổ cùng với việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.

Tuy báo chí chính thức khẳng định là các doanh nghiệp Nhà nước đang được tích cực « tái cơ cấu », nhưng các công ty này vẫn làm ăn thiếu hiệu quả, một số công ty nợ nần chồng chất đến mức không có tiền để trả lương cho nhân viên. 

Theo tờ The Economist, nhờ hiệp định TPP, những ngành công nghiệp sử dụng nhiều nhân công của Việt Nam như dệt may, da giày, sẽ xâm nhập dễ dàng hơn vào thị trường Mỹ. Nhưng đại sứ Mỹ tại Hà Nội, David Shear đã nói rằng Việt Nam cần phải có « những tiến bộ rõ rệt » về nhân quyền để có thể nhận được sự ủng hộ của công luận Mỹ đối với hiệp định TPP.

Việc kết án tù luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Lê Quốc Quân trong tháng này với tội danh « trốn thuế » đã không giúp cải thiện hình ảnh của Việt Nam. Tuy vậy, theo The Economist, rất có thể Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ký hiệp định TPP vào một thời điểm nào đó trong năm tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.