Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp gây bối rối cho chính quyền

 Hôm nay, báo chí chính thức của Việt Nam mới bắt đầu loan tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời chiều hôm qua vào lúc 18 giờ 9 phút tại Viện quân y 108 ở Hà Nội, thọ 103 tuổi. Cũng trong ngày hôm nay, Văn phòng Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa ra thông cáo sẽ để quốc tang tướng Giáp trong hai ngày 12 và 13 tháng 10.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài tại Hà Nội ngày 22/8/1995.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài tại Hà Nội ngày 22/8/1995. REUTERS/Claro Cortes IV/Files
Quảng cáo

Thật ra, nếu chiếu theo Nghị định 105 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 17/12/2012, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp không nằm trong danh sách “các đồng chí đang giữ hoặc thôi giữ chức đối với các chức vụ sau khi từ trần được tổ chức lễ quốc tang”. Cụ thể, do tướng Giáp chưa bao giờ giữ chức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội, cho nên trên nguyên tắc, không được tổ chức quốc tang cho ông, mà chỉ có thể tổ chức tang lễ cấp Nhà nước.

Nhưng Nghị định 105 cũng có quy định rõ là : "Bộ Chính trị quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với cán bộ cấp cao khác có quá trình đóng góp và công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế". Như vậy, nếu tướng Giáp được coi là thuộc diện trên, chính quyền Việt Nam có thể tổ chức Quốc tang cho ông.

Vào tháng 5/2010, nhân dịp Đại tướng Võ Nguyên Giáp được 100 tuổi, hai tướng Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đã từng cho đăng trên trang Bauxite Việt Nam một bức thư yêu cầu trong trường hợp tướng Giáp qua đời, phải đối xử với ông đúng với vai trò của một vị khai quốc công thần. Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, trước khi có thông báo của Ban chấp hành Trung ương, tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã nhắc lại yêu cầu đó :

« Trước đây tôi đã đề nghị rồi, nhưng mà bây giờ tôi đoán là họ sẽ tổ chức quốc tang cho Đại tướng, là bởi vì xét về những người lãnh đạo bây giờ : Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng, không ai có công lao bằng

01:05

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh-Hà Nội

tướng Võ Nguyên Giáp, cho nên phải phá lệ đi, mà tổ chức quốc tang cho Đại tướng thì mới được.

Cái đó cũng có thể có nhiều khó khăn, nhưng không biết là chính quyền sẽ thành lập như thế nào, họ đối phó thế nào, bởi vì là sẽ có hàng vạn người, không chỉ ở Hà Nội, mà còn từ các tỉnh chung quanh, rồi các tướng tá nghỉ hưu sẽ đến viếng Đại tướng. Tôi chưa biết là chính quyền phải tổ chức thế nào" .

Như vậy, với quyết định để quốc tang cho tướng Võ Nguyên Giáp, giới lãnh đạo Hà Nội đã làm đúng theo mong muốn của các vị cựu tướng lãnh. Nhưng chuyện tổ chức tang lễ cho tướng Giáp có vẻ như sẽ là một vấn đề gây đau đầu cho giới lãnh đạo Việt Nam, bởi vì như tướng Vĩnh nói ở trên, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người từ khắp nơi kéo đến tiễn đưa vị tướng quá cố này.

Trong bối cảnh hiện nay, tang lễ tướng Giáp rất có thể trở thành một thời điểm nhạy cảm đối với chính quyền. Trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, người ta đã từng thấy ảnh tướng Giáp trong đoàn người biểu tình. Tướng Giáp cũng từng là biểu tượng của phong trào chống dự án khai thán bauxite Tây Nguyên.

Sự bối rối của chính quyền Việt Nam đã thể hiện qua việc báo chí chính thức đưa tin chậm trễ về cái chết của tướng Giáp, trong khi tin này từ hôm qua đã được lan truyền trên mạng và được các phương tiện truyền thông quốc tế loan tải chỉ vài giờ sau khi ông qua đời.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.