Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHỎNG VẤN

Chó Thái Lan cung ứng cho thị trường Việt Nam

Mỗi năm, hàng trăm ngàn con chó bị bắt ở Thái Lan và buôn lậu qua Việt Nam hay Trung Quốc để giết thịt. Đây là một loại buôn bán mà cho đến gần đây chính quyền Thái Lan không hề chú ý đến. Thế nhưng mọi việc bắt đầu thay đổi : Giết chó để ăn thịt hay bán chó với mục tiêu này là đều là hành động phi pháp ở Thái Lan.

Ảnh minh họa (Anne Andlauer / RFI)
Ảnh minh họa (Anne Andlauer / RFI)
Quảng cáo

Từ đầu năm nay, cảnh sát Thái Lan đã tiến hành nhiều chiến dịch nhắm vào giới buôn bán chó để làm thịt. Nhiều tổ chức phi chính phủ rất khuyến khích các chiến dịch này. Thông tín viên Arnaud Dubus tại Bangkok giải thích rõ thêm về các đường dây buôn bán chó làm thịt nói trên :

04:13

Thông tín viên Arnaud Dubus, Bangkok

Arnaud Dubus : Đây là những đường dây phi pháp, có tổ chức chặt chẽ, hoạt động ở mọi cấp trong một dây chuyền dài, đi từ các ngôi làng ở vùng Đông Bắc Thái Lan đến các nhà hàng, quán nhậu ở Việt Nam hay Trung Quốc.

Người thuộc các băng đảng buôn chó đó đi xe vận tải nhẹ pick- up đến các ngôi làng trong vùng, lùng bắt chó hoang, và thậm chí cả chó có chủ của cư dân. Chó bị nhốt vào trong các chuồng sắt chật hẹp, nhiều khi bị chết ngạt ngay trong quá trình vận chuyển.

Các chiếc chuồng này được lén lút đưa lên thuyền, băng qua sông MêKông từ Thái Lan sang Lào, rồi từ đó chuyển theo hai hướng, qua Việt Nam hay lên Trung Quốc, hai nước - cùng với Hàn Quốc – thuộc diện tiêu thụ thịt chó nhiều nhất ở châu Á. Tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, người ta thường tin là thịt chó rất bổ, lại giúp đàn ông cường dương.

Giết chó bán thịt không những không phải là điều phạm pháp ở Việt Nam, mà lại rất có lời. Để thấy rõ quy mô của hiện tượng buôn bán thịt chó này, chỉ cần nêu lên hai con số : Mỗi năm người ta ước lượng là có khoảng 200.000 con chó bị bán từ miền Đông Bắc Thái Lan sang Việt Nam. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 5 triệu con chó bị giết để lấy thịt.

RFI : Như anh nói ở trên thì những con chó bị bắt bị nhồi nhét rất dã man trong những cái chuồng trên đường vận chuyển ?

Arnaud Dubus : Người ta đã thấy những con chó bị chồng chất lên nhau trong những cái chuồng. Nhưng còn tệ hơn thế nữa là một khi đến Việt Nam rồi chẳng hạn, chúng bị các lái buôn dùng ống nhồi nhét thức ăn để tăng trọng lượng và bán được tiền nhiều hơn. Nhiều con đã bị chết ngạt vì phương thức này.

Ác độc hơn nữa là người ta còn cho rằng con vật phải đau đớn nhiều trước khi chết thì thịt mới ngon hơn nữa. Cho nên phải lấy gậy đập chó trước khi giết. Người Hàn Quốc cũng dùng cách này. Tôi đã từng thấy xác chó đông lạnh vẫn còn nhe răng vì bị đập chết ở các quầy hàng thịt chó tại Seoul.

RFI : Thế cảnh sát Thái Lan và các tổ chức phi chính phủ bảo vệ thú vật đối phó như thế nào với các đường dây nói trên ?

Arnaud Dubus : Cảnh sát Thái Lan và các tổ chức phi chính phủ hợp tác rất chặt chẽ với nhau. Môt số tổ chức có người hoạt động ở vùng biên giới, tìm kiếm thông tin về hoạt động các đường dây. Việc theo dõi này rất nguy hiểm, họ có thể bị sát hại, vì các kẻ buôn lậu này có thể mất hàng trăm ngàn đô la nếu kế hoạch bị đổ bể.

Khi những người theo dõi có đầy đủ thông tin, biết được lúc nào sắp có một chuyến chuyển hàng đi, thì họ lập tức báo cho cảnh sát để tung chiến dịch bố ráp.

Có một vấn đề khiến cho việc buôn bán thịt chó phát triển là tại Thái Lan có cả triệu con chó hoang, như ngay tại Bangkok có đến 300.000 con. Vì theo đạo Phật, cho nên người Thái không muốn ban hành luật cho phép giết chó hoang một cách ‘nhân đạo’ – như chích thuốc độc - như ở Mỹ chẳng hạn. Rốt cuộc thì hệ quả là các con thú này có kết cục thê thảm hơn nữa trong tay các lái buôn.

RFI : Thành thật cám ơn Arnaud Dubus đã tham gia chương trình hôm nay từ Bangkok.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.