Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Biến đổi khí hậu tác động lên vùng đồng bằng Cửu Long

Đăng ngày:

Vào đầu tháng Tư vừa qua, Cơ Quan Viện Trợ Quốc Tế Hoa Kỳ - Ủy Ban Đặc Trách Phát Triển Khu Vực Á Châu (USAID-RDMA) đã ra một báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng hạ lưu Mekong, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. 

Một đồng lúa ở vùng đồng bằng Cửu Long
Một đồng lúa ở vùng đồng bằng Cửu Long
Quảng cáo

Trước những tác động này, nông dân đồng bằng Cửu Long và chính quyền Việt Nam nên có những biện pháp như thế nào để đối phó? Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn với tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu.

16:53

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân

RFI :Xin kinh chào tiến sĩ Huỳnh Long Vân. Trước hết ông có nhận định thế nào về báo cáo của cơ quan USAID về tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng hạ lưu Mekong?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân : Báo cáo của Cơ Quan Viện Trợ Quốc Tế Hoa Kỳ - Ủy Ban Đặc Trách Phát Triển Khu Vực Á Châu (USAID-RDMA), mang tên “Khả năng Thích ứng và Hồi phục của vùng Mekong đối với BĐKH” là đề án nghiên cứu khoa học có thời hạn 5 năm được USAID-RDMA tài trợ, có mục đích nghiên cứu những tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH) và ứng phó của vùng hạ lưu Mekong.

Đặc điểm của phần nghiên cứu là chọn 9 tỉnh thành tiêu biểu trong vùng hạ lưu Mekong và xem đây như là những “điểm nóng” của khu vực gồm : Kiên Giang và Gia Lai ở Việt Nam, Mondul Kiri, Kamong Thom và Stung Treng ở Cao Miên; Champasak và Khammouan ở Lào và Sakon Nakhon và Chang Rai ở Thái Lan. Những nơi này có những đặc tính tượng trưng cho hệ sinh thái của toàn thể lưu vực, sản xuất hỗn hợp các mùa màng chánh có giá trị thương mại, được dự đoán có nhiệt độ không khí và lượng mưa biến đổi và sau cùng những thay đổi do BĐKH sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể về sản xuất và cuộc sống của người dân nơi đây. Để từ đó tìm hiểu về những tác động của BĐKH trên hệ sinh thái, trên các khu vực trồng trọt hiện rất thích hợp cho mùa màng và trên cuộc sống cùng cơ hội sống còn của người dân điạ phương.

Kết quả nghiên cứu được công bố tại Bangkok vào 08/04/2013 cho thấy những ảnh hưởng của BĐKH trên hạ lưu Mekong có phần nghiêm trọng hơn các nơi khác trên thế giới. Ông Jeremy Carew-Reid, người cầm đầu đề án nghiên cứu đồng thời cũng là Giám Đốc Trung tâm Quốc tế Quản lý Môi trường cho rằng vùng hạ lưu Mekong sẽ trải nghiệm những biến đổi cực đoan về nhiệt độ và lượng mưa, vượt xa những tiên đoán trước đây; nhiệt độ không khí trong vùng có chiều hướng tăng gấp 3 lần so với các nơi khác trên thế giới và đến năm 2050, nhiệt độ không khí vùng hạ lưu Mekong tăng khoảng 4°C.

Báo cáo này còn cho biết là dưới ảnh hưởng của nhiệt độ tăng và thiếu nước vào mùa khô, năng suất của lúa sẽ giảm ở 7 (ngoại trừ Sakon Nakhon) trong số 8 nơi [Mondul Kiri, Kampong Thom, Stung Treng (Cao Miên); Gia Lai (Việt Nam); Champasak, Khammouan (Lào); Chang Rai, Sakon Nakhon (Thái Lan)] được nghiên cứu. Những vùng hiện nay trồng cây cà phê như Gia lai của Việt Nam, Mondul Kiri ở phía Đông Cao Miên và Champasak, Attapeu của Lào trong tương lai sẽ không còn thích hợp, do nhiệt độ không khí và lượng mưa gia tăng.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho biết khoai mì trồng ở những vùng đất thấp ở Hạ Lào, Cao Miên và Cao nguyên ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ không khí gia tăng. Thiệt hại nặng nề nhứt là bắp và đậu nành hiện trồng ở Darlac, Kampong Thom, Battambang, Vientianne, Khamouane (Lào); những nơi này trong tương lai có lượng mưa gia tăng làm giảm năng suất và toàn vùng hạ lưu Mekong sẽ không có nơi nào thích hợp để trồng hai loại hoa màu này.

Tuy nhiên cũng theo báo cáo này, thì gia tăng nhiệt độ và lượng mưa không đồng nghĩa với hoàn toàn gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp vì hiên nay một số nơi như vùng Bắc Thái Lan, Bắc Lào, Kontum vốn có nhiệt độ thấp và ít mưa nhưng trong tương lai nhờ vũ lượng cao và khí hậu ấm hơn sẽ là những vùng thích hợp để trồng hai loài cây cao su và cà phê.

Về thủy sản, báo cáo cho biết BĐKH sẽ làm giảm khối lượng cá có trong vùng vì mưa bất thường làm thay đổi chu kỳ lũ tự nhiên của sông Mekong ảnh hưởng đến sự hoán trú và sinh trưởng của các loài cá và ngoài ra còn ảnh hưởng đến ngành nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển vì các trận lũ đột ngột sau những lần mưa lớn sẽ bất ngờ làm giảm độ mặn, gây thiệt hại ngành nuôi tôm nước mặn.

RFI : Cho tới nay thì các nhà khoa học dựa trên những kịch bản nào để dự đoán về biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu Mekong?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân : Vào năm 1999, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường của Việt Nam (MONRE) dựa trên dữ liệu khí tượng ghi được trong khoảng thời gian 1980-1999 và dùng kịch bản phát thải khí nhà kính B2, dự đoán nhiệt độ sẽ tăng 0.6°C ở miền Nam Việt Nam vào năm 2030, và qua trao đổi cá nhân với một nhà khoa học VN về BĐKH, được biết gần đây nhất vào ngày 17/04/2013, MONRE đưa ra bản đánh giá mới, dự đoán nhiệt độ ở miền Nam Việt Nam sẽ gia tăng khoảng 2.2°C vào năm 2100.

Mặt khác, báo cáo của Nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Biến Đổi Khí Hậu Dragon-Mekong, Trường Đại học Cần Thơ và Trung Tâm Start Đông Nam Á, thuộc Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, sử dụng 2 kịch bản phát thải khí nhà kính A2 và B2 với mô hình PRECIS RCM nhờ có độ phân giải cao nên được dùng để dự đoán BĐKH ngay cả cho những khu vực có kích thước chỉ đến 25km đường kính và kết quả cho thấy nhiệt độ tối đa trung bình ở vùng đồng bằng Cửu Long Việt Nam (ĐBCLVN) có thể tăng khoảng 2°C vào thập niên 2030.

Tương tự như vậy, nghiên cứu của Nhóm Lobell năm 2008 dự đoán khu vực nằm trong vĩ độ 23 ½° Bắc và 23 ½° Nam, trong đó có vùng hạ lưu Mekong, nhiệt độ tăng khoảng 1°C từ 1980-1999 đến 2000-2039 trong các quốc gia nông nghiệp và đang phát triển, và có thể tăng lên đến 2°C trong vài trường hợp.

Khác với những kết quả nêu trên, báo cáo của nhóm USAID-RDMA cho thấy tác động của BĐKH trên vùng hạ lưu Mekong có phần khốc liệt hơn, nhiệt độ vùng hạ lưu Mekong có chiều hướng tăng vọt, tăng khoảng 4°C vào năm 2050 và tăng 6°C vào năm 2100. Thông tin này gây ít nhiều dao động cho giới hữu trách của khu vực hạ lưu và đặt ra một số câu hỏi cần giải đáp:

- Trong thực tế vùng hạ lưu Mekong trong suốt thời gian gần 30 năm qua, nhiệt độ không khí chỉ tăng khoảng 0.5° C và những dữ liệu về khí tượng của Thái Lan, thí dụ như ở vùng Songkhla cho thấy trong khoảng thời gian 30 năm từ 1981-2010 nhiệt độ tối đa của không khí trong vùng tăng 0.52°C/30năm và nhiệt độ tối thiểu tăng 0.55°C/30 năm. Như thế thử hỏi yếu tố nào khiến nhiệt độ không khí vùng hạ lưu Mekong tăng thêm 4°C trong vòng 37 năm sắp tới và trở thành một khu sa mạc của vùng Đông Nam Á?

- Những thông số về biến đổi khí hậu như nhiệt độ không khí, lượng mưa, mực nước biển là kết quả dự đoán của nhiều mô hình khác nhau, là những đáp số của các phương trình toán học dựa trên những giả thuyết về các kịch bản phát thải khí nhà kính, được thiết lập từ 5 dẫn lực có biên độ thay đổi rất cao như yếu tố dân số, phát triển kinh tế, sử dụng năng lượng, ứng dụng công nghệ và sản xuất nông nghiệp. Vì thế phải chăng đây là lý do khiến có những khác biệt đáng kể nêu trên trong những dự đoán về nhiệt đô gia tăng dưới tác động của BĐKH trên vùng hạ lưu Mekong?

- Nếu những dự đoán mới đây của các nhà khoa học USAID-RDMA là điều sẽ thực sự xảy ra trong tương lai, thử hỏi các mô hình và các kịch bản thải khí nhà kính được dùng trước đây để tiên đoán về những tác động của BĐKH còn có giá trị và hữu dụng nữa không?

Ngoài ra báo cáo của Nhóm USAID-RDMA còn cho biết: do ảnh hưởng của BĐKH, nên lượng mưa trong vùng hạ lưu Mekong sẽ thay đổi bất thường, làm giảm khối lượng cá trong sông Mekong; tuy nhiên thiết nghĩ tác động này của BĐKH có thể là thứ yếu so với những hậu quả vô cùng tai hại của các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu Mekong.

Chúng ta hoan nghênh những đóng góp của cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ các quốc gia trong hạ lưu Mekong ứng phó với những tác động của BĐKH vì thế nêu lên những nhận xét trên, không có nghĩa là phủ nhận hay hoài nghi về giá trị của công trình nghiên cứu của Nhóm USAID-RMDA, vì chúng ta đồng ý với những kết quả và nhận định sau đây :

* Các vùng Chang Rai ở Bắc Thái Lan, Loaung Namtha, PhongSali, Oudomxal ở Bắc Lào, Kontum ở Việt Nam hiện có nhiệt độ thấp và ít mưa sẽ trở nên thích hợp cho các cây cao su, cà phê vì trong tương lai khi nhiệt độ ở đấy sẽ tăng lên và lượng mưa cũng nhiều hơn.

* Ngành nuôi tôm nước mặn vào mùa khô sẽ bị ảnh hưởng vì các trận mưa lớn có khả năng làm giảm độ mặn của nước trong các ao nuôi tôm; kết quả này trùng hợp với những dự đoán của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu BĐKH Dragon-Mekong trong một nghiên cứu về tác động của BĐKH ở các vùng ven biển của châu thổ ĐBCLVN vào mùa khô.

* Mùa màng có thể bị thất thoát nặng vì bệnh dịch hay bị hủy hoại bởi sâu, rầy, côn trùng. Thực vậy, vì nhiệt độ cao sẽ gia tốc chu trình sinh trưởng giúp các nấm độc nảy nở (như nấm Pyricularia oryzae Cav. hay P. grisea (Cook ) Sacc. gây bịnh ôn đạo ở cây lúa), vi sinh vật nguy hiểm bộc phát (vi trùng Xanthomonas campestris Oryzea gây bịnh bạc lá lúa, vi khuẩn Rice grassy stunt virus (RGSV) gây bịnh vàng lùn-lúa cỏ, vi khuẩn Rice ragged stunt virus (RRSV) gây ra bịnh vàng xoán lùn) và sinh ra nhiều sâu, rầy, bọ xít, bọ trỉ làm hại lúa (như rầy nâu Nilaparvata lugens, là vectơ truyền bịnh vàng lùn và vàng xoắn lùn).

ĐBCLVN là vựa lúa của VN đóng góp vào an ninh lương thực cho xứ sở và toàn cầu và khoa học đã chứng minh nhiệt độ cao ảnh hưởng đến năng xuất của cây lúa:hoặc trên tiến trình quang hợp, hô hấp hay trên khả năng làm ra hột gạo của cây lúa. Vì thế báo cáo của Nhóm các nhà khoa học USAID-RDMA không có phần đề cập chi tiết đến những tác động của BĐKH riêng biệt cho vùng châu thổ ĐBCLVN là điều đáng tiếc, nếu không nói là thiếu sót.

RFI : Như vậy, riêng về vùng đồng bằng sông Cửu Long, biến đổi khí hậu có tác động như thế nào, nhất là trên mùa màng ở vùng này ?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân : Ủy Ban Liên Chánh phủ về BĐKH (IPCC 2007) qua phân tích chuỗi số liệu về nhiệt độ và mực nước biển đo đạt trong suốt thế kỷ qua đã xếp châu thổ ĐBCLVN là một trong 3 châu thổ trên toàn cầu [châu thổ ĐBCLVN, châu thổ sông Ganges (Ấn Độ) và châu thổ sông Nile (Ai Cập)] bị tác hại trầm trọng nhứt bởi BĐKH. ĐBCLVN là vùng đất hình thành từ sự trầm tích phù sa của sông Mekong, tiêu biểu với điạ hình rất thấp và bằng phẳng, ngập nước ở ven biển. Tổng quát mặt đất có cao độ khoảng 1-2m so với mực nước biển trung bình. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản là hai trụ cột kinh tế của cư dân trong vùng, mỗi năm góp phần cho cả nước trên 50% nông sản lúa, 65% thủy sản và khoảng 75% sản lượng trái cây.

Nếu tốc độ phát thải khí nhà kính tiệp tục gia tăng như hiện nay hay nhiều hơn nữa và nhân loại không có những biện pháp hữu hiệu để đối phó, thì đến cuối thế kỷ XXI, ĐBCLVN sẽ có khoảng 2 triệu ha nằm dưới mực nước biển. Chương trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc UNDP 2007 có phần đánh giá như sau: “Khi mực nước biển tăng lên 1m, Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người dân mất nhà cửa và sản lượng nông nghiệp giảm 7%, tương đương với 10 % tổng sản phẩm nội địa (GDP)”.

Năm 2009, Trung tâm START Vùng Đông Nam Á (Đại học Chulalongkorn, Thái Lan) và Viện Nghiên cứu BĐKH Dragon-Mekong, Trường Đại học Cần Thơ đã phối hợp nghiên cứu BĐKH vùng châu thổ ĐBCLVN, sử dụng hai kịch bản phát thải khí nhà kính A2 và B2 và mô hình PRECIS RCM để dự đoán về những tác động của BĐKH và kết quả thu thập được như sau:

Nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô sẽ tăng từ 33-35°C đến 35-37°C. Khu vực bị tác động chủ yếu là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang. Ở các vùng giáp biên giới với Cao Miên, vùng Tây sông Hậu, số ngày nắng nóng trên 35°C cũng nhiều hơn khoảng 2 tháng.

Lượng mưa đầu vụ lúa Hè Thu sẽ giảm khoảng 10-20% trên toàn thể ĐBCLVN, đầu mùa mưa bắt đầu trễ hơn khoảng 2 tuần lễ. Mưa có khuynh hướng giảm vào đầu và giữa vụ Hè Thu, nhưng gia tăng vào cuối mùa mưa ở các vùng ven biển.

Diện tích ngập lụt ở ĐBCLVN do lũ gây ra sẽ gia tăng và ranh giới ngập lũ vào tháng 9-10 có xu hướng mở rộng về phía bán đảo Cà Mau.

Khí áp thấp nhiệt đới và bão có khuynh hướng gia tăng vào cuối năm và số trận bão lốc ở vùng ven biển ĐBCLVN có xu thế gia tăng.

Mực nước biển dọc theo bờ biển VN có dấu hiệu gia tăng và ước tính đến năm 2050 mực nước biển sẽ dâng thêm 33cm và đến năm 2100 lên đến 1m.

Nhiệt độ không khí gia tăng không những làm giảm năng xuất của các loài ngũ cốc,nhưng còn có thể gây ra các trận cháy các rừng ngập mặn ở bán đảo Cà Mau, rừng tràm U Minh, Trà Sư, Tam Nông, các đồng cỏ ở Kiên Giang, Đồng Tháp và từ đó thu hẹp diện tích của những khu vực có khả năng tích giữ carbon, điều này làm tăng thêm hiệu ứng của khí nhà kính.

Ngoài ra, do nhu cầu phát triển kinh tế, an ninh lương thực và áp lực của dân số gia tăng khiến các quốc gia ở thượng nguồn đẩy mạnh việc khai thác nguồn nước sông Mekong. Các đập thủy điện, công trình chuyển nước sông Mekong cho những vùng khô hạn, sự hình thành các khu kỹ nghệ, khu dân cư dọc theo hai bờ sông Mekong sẽ làm tình hình thêm nghiêm trọng.

Hậu quả là dòng chảy sông Mekong sẽ bất thường, mùa khô ít nước và chu kỳ lũ ngập thiết yếu cho tính phì nhiêu của ruộng đồng và thủy sản dồi dào, cũng sẽ biến đổi. Phù sa bị giữ lại ở các hồ chứa khiến đất đai vùng đồng bằng thiếu màu mỡ, hệ sinh vật thiếu dinh dưỡng và sự bồi tụ bán đảo Cà Mau cũng bị giới hạn. Các đập thủy điện sẽ ngăn cản các loài cá di chuyển lên xuống dọc theo dòng sông khiến chu trình sinh trưởng của các loài cá bị gián đoạn và từ đó khối lượng cá bị giảm sút.

RFI : Cho tới nay, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ứng phó như thế nào với những tác động của biến đổi khí hậu ?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân : Từ xưa nông dân vùng ĐBCLVN đã sáng tạo ra nhiều hình thức “sống chung với lũ” như xây đê lửng, cất nhà sàn, điều chỉnh lịch thời vụ, chọn các giống lúa thích hợp. Tất cả các phương cách đối phó của người dân ĐBCLVN thường mang tính tự phát, hoặc chọn lựa theo tình hình, nhằm giảm thiểu tác động và thích ứng với tự nhiên.

Giờ đây, đứng trước những tác động tiêu cực của BĐKH, quan điểm “sống chung với BĐKH” hiện chưa phải là một khẩu hiệu chính thức tuy nhiên một số nơi trong ĐBCLVN đã được người dân nói đến và cả hai đường hướng giảm nhẹ và thích ứng được thể hiện song song với nhau trong xã hội ĐBCLVN như xây các ao hồ để trữ nước, cùng lúc với tiết kiệm nước, chọn giống cây có tính kháng chịu bất lợi về thời tiết, điều chỉnh thời vụ, trồng lúa vào mùa mưa và nuôi tôm vào mùa khô ở các vùng ven biển, sử dụng nguồn năng lương thay thế như dùng khí sinh học từ phân chuồn.

RFI : Về phía chính phủ Việt Nam, theo ông thấy họ đã thực hiện những biện pháp nào để đối phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân : Do nhận thức được nguy cơ về tác động của BĐKH và nước biển dâng trên khả năng phát triển kinh tế và xã hội của VN nói chung và ĐBCLVN nói riêng, các nhà khoa học của VN và quốc tế đã cảnh báo, và đề nghị những giải pháp cần thiết nhằm ứng phó với ảnh hưởng của quả đất bị hâm nóng đối với vùng ĐBCLVN, vì đó là mối đe doạ lớn cho an ninh lương thực và sinh kế của người dân.

Kết quả là trong những năm vừa qua Việt Nam thực sự có tiến hành một số chương trình ứng phó với những tác động của BĐKH nhằm bảo đảm sản xuất nông ngư nghiệp của ĐBCLVN như xây dựng đê biển, trồng cây, trồng rừng để bảo vệ vùng ven biển, thiết lập các cống ngăn mặn ở vùng ven biển, xây dựng các nhà cộng đồng làm nơi cư ngụ tránh lũ bão cho người dân v.v...và ngoài ra VN hiện có chánh sách nhằm ứng phó với nội dung gồm 4 điểm:

Đánh giá tác động của BĐKH đối với các lãnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn. (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường vừa công bố báo cáo mới nhứt vào ngày 17/04/2013 cập nhựt hoá những Tác động của BĐKH đối với VN).

Thiết lập kế hoạch hướng dẫn có tính khả thi để ứng phó với hậu quả của BĐKH cho từng giai đoạn. (Viện Nghiên cứu B ĐKH Dragon-Mekong tiến hành kế hoạch “Lồng ghép BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương vùng ĐBCLVN” và qua đó, các nhà khoa học tiếp cận với người dân và nhà cầm quyền địa phương để thu thập, phân tích các dữ liệu liên quan đến BĐKH; phân tích cội gốc của vấn đề: khó khăn, tác động và đề xuất các giải pháp cho hiện tại và tương lai cùng mở các khóa tập huấn cho người dân địa phương.

Tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp (Đầu tư khai thác thủy điện, thiết lập Trung tâm Năng lượng Sinh học Hòa An, Đại học Cần Thơ).

Tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH (“Sáng kiến Hạ lưu Mekong” với chương trình “Dự đoán Mekong” do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ và đề án CLUES của Úc châu, nghiên cứu chế độ canh tác nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính Methane trong sản xuất nông nghiệp).

RFI : Cụ thể hai chương trình của Mỹ và Úc dành cho vùng hạ lưu Mekong đuợc thực hiện như thế nào?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân : “Sáng Kiến Hạ lưu Mekong” do bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton đề nghị và được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bảo trợ, ra đời vào năm 2009 với mục đích cổ vũ hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực trong các lãnh vực giáo dục, y tế, môi trường và phát triển các cơ sở hạ tầng.

Riêng đối với ĐBCLVN, Trung tâm Khảo sát Điạ chất của Hoa Kỳ (US Geological Survey) và Đại học Mississipi phối hợp giúp thành lập Viện Nghiên cứu B ĐKH DRAGON-Mekong (Delta Research And Global Observation Network) tại Đại học Cần Thơ và với chương trình “Dự đoán Mekong” (Forecast Mekong), đã thiết lập những mô hình để tiên đoán tác động của BĐKH và những thách thức trong sự phát triển bền vững của vùng hạ lưu Mekong; sử dụng hệ thống vệ tinh để ghi đo mực nước biển vùng ĐBCLVN cũng như theo dõi sự di chuyển của các loài cá trong sông Mekong góp phần đánh giá những tác động tiêu cực của các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu Mekong trên khối lượng cá.

ĐBCLVN là vùng sản xuất lúa gạo chánh của Việt Nam. Về nông nghiệp ĐBCLVN có thể được phân loại theo các vùng sinh thái nông nghiệp khác nhau, tùy theo chế độ thủy văn, đặc biệt là ảnh hưởng của độ sâu và thời gian ngập, khả năng tưới và độ mặn của nguồn nước.

Trong hơn 30 năm qua, nông dân ĐBSCLVN đã tự thích ứng với những thay đổi của môi trường bằng cách điều chỉnh và đa dạng hóa hệ thống sản xuất, tuy nhiên ĐBCLVN vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại hạn chế khả năng thích ứng của nông dân, đặc biệt là trong tương lai trước những khó khăn gây ra bởi BĐKH.

Qua chương trình viện trợ giảm nghèo của Chánh phủ Liên bang Úc châu dành cho ĐBCLVN, Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Úc châu (ACIAR) đã tài trợ đề án CLUES nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến việc sử dụng đất ở ĐBCLVN: “Sự Thích ứng của hệ thống canh tác lúa trước những ảnh hưởng của BĐKH”.

Đây là một chương trình nghiên cứu quốc tế do Viện Nghiên cứu Quốc tế Lúa của Phi Luật Tân (IRRI) chủ quản với các đối tác là Viện Nghiên cứu Khoa hoc và Ứng dụng Công nghệ Úc châu (CSIRO), Viện Nghiên cứu BĐKH Dragon - Mekong Trường Đại Học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa Cửu Long, Viện Thủy lợi Miền Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam v.v…

Mục đích tổng thể của dự án là tăng cường khả năng thích ứng của các hệ thống sản xuất lúa ở ĐBCLVN và mục đích này được thực hiện bằng những nghiên cứu đánh giá sự tổn thương và tác động của BĐKH trong từng vùng, cải thiện khả năng chịu ngập, chịu mặn và chịu nhiệt độ cao của các giống lúa địa phương và các dòng cao sản, quản lý tổng hợp tài nguyên và cây trồng để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của môi trường, tìm giải pháp khuyến nông thích hợp, đánh giá khả năng thích ứng tổng hợp ở thí điểm Bạc Liêu và từ đó phát triển một kế hoạch tổng thể cho toàn thể châu thổ ĐBCLVN.

RFI : Quan điểm của Nhóm NCVHĐNCL Úc châu về vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân : Biến đổi khí hậu là hiện tượng không chối cãi. Vùng hạ lưu Mekong và ĐBCLVN có nhiệt độ không khí gia tăng và mực nước biển vùng ven biển cũng có chiều hướng dâng lên rõ rệt. Tuy nhiên tiên đoán về mức độ gia tăng của nhiêt độ không khí và mực nước dâng là một công tác nghiên cứu có phần thiếu tính khẳng định. vì những thông số có được là kết quả của những dự đoán dựa vào những giả thuyết ảnh hưởng bởi nhiều dẫn lực.

Vì hệ thống sinh học luôn luôn có những cơ chế tự điều chỉnh thí dụ như “cơ chế phản hồi có tính âm” và những tác động của BĐKH chỉ hiện rõ sau khoảng thời gian thập niên nên ảnh hưởng của BĐKH không thể được ứng phó bằng những quyết định và hành động có tính phản xạ nhưng phải được thực hiện bằng những kế hoạch được phối hợp chặt chẽ giữa khoa học kỹ thuật với các điều kiện xã hội và kinh tế, qua cách tiếp cận cả “trên-xuống” lẫn “dưới-lên”; ngoài ra tác động của biến đổi khí hậu cần được tiếp tục lượng định , chẳng hạn theo từng giai đoạn, để từ đó thiết lập những phương án ứng phó hữu hiệu và kịp thời.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng châu thổ ĐBCLVN, người dân địa phương trong suốt mấy trăm năm qua đã tỏ ra có khả năng thích ứng với các điều kiện thiên nhiên, biến vùng đất vốn là rừng rậm hoang dã, những nơi ngậm chua, nhiễm mặn thành khu vực sản xuất nông nghiệp chính của xứ sở và đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất lúa đứng hàng thứ nhì trên thế giới.

Ngày nay với những kiến thức khoa học quý báu, chúng ta hy vọng nông dân vùng châu thổ ĐBCLVN sẽ được trang bị đầy đủ thông tin, kiến thức và đặc biệt là những hỗ trợ từ giới hữu trách để có đủ khả năng ứng phó với những tác động của BĐKH và tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho xứ sở và toàn cầu.

Là một thành viên của Nhóm NCVHĐNCL Úc châu, trong thời gian nhiều năm qua và tiếp tục đến hiện nay, qua quỹ Phan Thanh Giản Foundation, hằng năm chúng tôi trợ cấp học bổng cho một số sinh viên hậu đại học (Trường Đại Học Cần Thơ) theo đuổi các chương trình nghiên cứu trong lãnh vực nông ngư nghiệp và ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH.

RFI : Xin cám ơn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.