Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHÂN TÍCH

Việt Nam bị phê phán về tệ nạn buôn lậu sừng tê giác

Hai ngày trước lúc Hội nghị Công ước cấm buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) - họp ở Bangkok - bế mạc, vào hôm qua, 12/03/2013, Việt Nam đã bị cộng đồng quốc tế phê phán đích danh là thiếu cố gắng trong cuộc chiến chống tệ nạn buôn lậu sừng tê giác trên thế giới. Thị trường sừng tê rất năng động tại Việt Nam bị coi là căn nguyên khiến cho loại động vật này bị tàn sát vô tội vạ tại châu Phi, đặc biệt là ở Nam Phi.

Các nhân viên cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya đặt chip định vị cho một con tê giác tại Vườn quốc gia Lake Nakuru, ngày 12/10/2010.
Các nhân viên cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya đặt chip định vị cho một con tê giác tại Vườn quốc gia Lake Nakuru, ngày 12/10/2010. REUTERS/Thomas Mukoya/Files
Quảng cáo

Một cách tổng quát, 178 quốc gia thành viên của Công ước CITES đã kêu gọi các nước nỗ lực hơn nữa trong việc chống buôn lậu sừng tê giác, đặc biệt là truy tố một cách tích cực và có hiệu quả hơn những kẻ phạm tội, đồng thời tìm cách giảm thiểu nhu cầu về mặt hàng được ngành đông y cho là dược liệu cực tốt này.

Tuy nhiên, CITES đã chủ yếu đòi hỏi các cố gắng từ Việt Nam, một trong những thị trường sừng tê giác hàng đầu thế giới, cũng như Mozambique, quốc gia xuất xứ của những kẻ săn trộm qua hoành hành tại nước láng giềng Nam Phi, giết tê giác lấy sừng để cung ứng cho thị trường Việt Nam.

Đối với CITES, chính quyền Hà Nội cần phải thực hiện ba công việc chủ yếu :

1/ Xây dựng một cơ sở dữ liệu về các sừng tê được dùng làm vật trang trí hợp pháp, để xóa bỏ tình trạng nhập nhằng hiện hữu, vì nhiều chiếc sừng thu được trong những vụ săn bắn bất hợp pháp đã được tuồn vào thị trường theo cách này.

2/ Phát triển các « chiến lược giảm nhu cầu » về sừng tê giác, trong bối cảnh mặt hàng này được cho là có khả năng trị bách bệnh, từ việc chữa khỏi ung thư cho đến tăng cường sinh lực hay chống nghiện rượu.

3/ Từ nay đến cuối tháng Giêng năm 2014, tức là trong vòng gần một năm, chính quyền Việt Nam phải nộp báo cáo chi tiết cho CITES về các nỗ lực đã thực hiện, trong đó có số lượng các vụ bắt giữ, tịch thu và kết án liên quan đến nạn buôn lậu sừng tê giác.

Phải nói là Việt Nam đã từng bị than phiền là thiếu cố gắng trong việc trấn áp những kẻ buôn lậu sừng tê giác. Trong một báo cáo chuẩn bị cho hội nghị, Ban thư ký của Công ước CITES đã lưu ý rằng bất chấp luật lệ hiện hành, việc bắt giữ và truy tố liên quan đến việc nạn buôn bán bất hợp pháp có dấu hiệu rất hạn chế.

Theo hãng tin Pháp AFP, trước các yêu cầu của CITES, Việt Nam đã hứa là sẽ « làm hết sức mình » để thực hiện các khuyến cáo kể trên, nhưng kêu gọi quốc tế « hỗ trợ kỹ thuật và tài chính. »

Các khuyến cáo cụ thể của CITES đối với Việt Nam (và Mozambique) dĩ nhiện đã được giới bảo vệ thiên nhiên hoan nghênh. Ông Carlos Drews, thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF cho rằng : « Tại hội nghị CITES, các chính phủ đã có một sự lựa chọn rõ ràng là bảo vệ loài tê giác mạnh mẽ hơn khi đồng ý trên một lịch trình có tác dụng giúp hai nước vi phạm nặng nề nhất luật lệ về buôn bán sừng tê giác là Việt Nam và Mozambique » cải tiến hành động của mình.

Nhân vật này nói thêm : « Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ tê giác, một động vật thời tiền sử đang bị giết để lấy sừng với một tốc độ đáng báo động, chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu tại Việt Nam ». Theo AFP, vào năm ngoái, một số lượng kỷ lục 668 con tê giác đã bị giết chết tại Nam Phi, một tốc độ tiếp tục tăng với gần 150 con bị hạ sát kể từ đầu năm đến nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.