Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Văn hóa cổ truyền : Làm sao đến được với công chúng ?

Đăng ngày:

Năm 2013 được chọn làm năm văn hóa Pháp - Việt. Trong năm này, sẽ có nhiều chương trình giới thiệu các hoạt động văn hóa nghệ thuật cổ truyền Việt Nam tại Pháp. Trong bối cảnh các di sản nghệ thuật cổ được tôn vinh, cùng lúc với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang màu sắc cố truyền có xu hướng lan rộng, có nhiều câu hỏi đặt ra là : Nghệ thuật như thế nào xứng đáng được coi là bảo lưu di sản ? Nên quảng bá các nghệ thuật truyền thống như thế nào với bạn bè quốc tế ? Và nếu có thể cách tân, thì cách tân như thế nào ?

Hiện tượng trình diễn đồng ca quan họ bị nhiều chỉ trích tại Việt Nam. Kỷ lục đồng ca với sự tham gia của hơn 3.500 người, tháng 2/2012, tại hội Lim, Bắc Ninh (DR)
Hiện tượng trình diễn đồng ca quan họ bị nhiều chỉ trích tại Việt Nam. Kỷ lục đồng ca với sự tham gia của hơn 3.500 người, tháng 2/2012, tại hội Lim, Bắc Ninh (DR)
Quảng cáo

Từ những năm gần đây, đặc biệt sau khi một số loại hình nghệ thuật cổ truyền Việt Nam như quan họ, nhã nhạc cung đình, cồng chiêng Tây Nguyên… được Unesco tôn vinh làm di sản phi vật thể của nhân loại, việc giới thiệu quảng bá với công chúng Pháp và công chúng phương Tây nói chung ngày càng được chú ý.

Tạp chí Cộng đồng của RFI tuần này đặc biệt giới thiệu với quý vị về văn hóa quan họ, như một ví dụ cho các cách nhìn khác nhau xung quanh vấn đề gìn giữ, phát huy và cách tân các di sản nghệ thuật cổ truyền. Quan họ là một di sản có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Việt Nam, nhất là tại xứ Kinh Bắc, và được Unesco thừa nhận là di sản nhân loại năm 2009, tiếp theo nhã nhạc cung đình Huế và không gian cồng chiêng Tây Nguyên.

Trước hết, mời quý vị theo dõi phần phỏng vấn với nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học Trần Quang Hải (Paris). Để quảng bá tốt các môn nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, theo giáo sư Trần Quang Hải, cần phải giới thiệu những gì trung thực nhất với truyền thống.

Trung thực với truyền thống : Điều công chúng phương Tây mong đợi

RFI : Xin ông cho một số điều lưu ý để quảng bá tốt nghệ thuật cổ truyền Việt Nam ra bên ngoài.

Ông Trần Quang Hải : Điều thứ nhất là muốn đi quảng bá, thì phải tuyển lựa những nghệ nhân có trình độ cao, và làm đúng theo truyền thống. Đừng có nên, vì cái thị hiếu, muốn vui lòng người Âu Châu, mà pha trộn những khía cạnh gọi là « giao lưu văn hóa », thì sẽ đi đến chỗ làm cho người Pháp sẽ thất vọng. Tại vì, họ muốn tìm hiểu những cái gì gọi là nguyên xi và trung thực với truyền thống, hơn là để làm vui nhộn, theo những hình ảnh múa, theo kiểu vũ đạo, để đệm cho những bài hát.

06:26

Ông Trần Quang Hải

Theo như tôi thấy, ở Việt Nam bây giờ, có xu hướng những bài hát dân gian, những bài hát dân tộc gọi là « canh tân hóa », thêm vào những tiết mục, thêm vào những điệu hòa âm, phối khí, vũ đạo đệm vào mất đi tính chất nguyên xi của một truyền thống nào đó. Thành ra cái đó rất uổng. Nếu chúng ta hiểu biết được cái đòi hỏi của người Tây phương, thì chúng ta sẽ làm những chương trình đúng theo tiêu chuẩn. Tại vì tôi thấy rằng, các xứ khác, giống như xứ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, khi họ đi sang Tây phương, họ trình diễn các tiết mục đúng theo truyền thống, chứ không phải có những màu sắc, màu mè, hay làm cho chương trình nó được hoành tráng.

Nghệ thuật của chúng ta không phải là nghệ thuật sử dụng đa âm, tức là polyphonie, hay là các điệu màu mè, mà chúng ta cần làm những loại nhạc đơn điệu, tức là monodie, chú trọng đặc biệt đến khía cạnh gọi là dịu dàng, tha thiết, và đặc biệt là lồng vào trong loại nhạc ngũ cung và những truyền thống mà chúng ta phải phát triển nhiều hơn.

RFI : Xin ông cho biết một thí dụ cụ thể.

Ông Trần Quang Hải : Ví dụ như trong điệu hát quan họ. Ở xứ Việt Nam, quan họ có ba loại. Thứ nhất là quan họ chay, tức là quan họ làng, hát ở trong làng và hát theo đúng truyền thống, có lễ kết nghĩa, tục ngủ bọn, và hát những kỹ thuật gọi là « vang, rền, nền, nảy ». Phải chú ý, phải học nhiều năm, chứ không phải học vài bài, theo như tôi được nghe ở xứ Việt Nam bây giờ. Thứ hai là có quan họ đoàn, tức là những bài dân ca quan họ, đã được đổi đi một chút, tức là theo điệu thanh nhạc. Cái đó có thể là mới mẻ đối với người Việt Nam. Cũng như hội Lim – một hội rất lớn về quan họ vào dịp Tết, nhưng có điều bây giờ ở Việt Nam lại đưa ra cách gọi là « hát du thuyền ». Tức là người quan họ, ngồi trên thuyền, dùng máy vi âm, hát to lên, rồi đi dọc theo bờ sông, rồi đưa cái nón lá ra, để hứng tiền người ta thảy vào trong đó. Cái đó là hình thức đi xin tiền, giống như hát xẩm ngày xưa, thì cái đó là đi sai đường lối. Hay là, hát thật nhiều giọng với nhau, thì hoàn toàn sai. Vì quan họ là chỉ hát, một cặp nữ đối với một cặp nam. Thành ra, vấn đề chúng ta phải phát triển là làm sao hát không có đệm nhạc, hát mà không có làm rùm beng, mà làm sao cho thấy cái kỹ thuật hát nó đi đến cái chỗ rất đặc biệt, mà bên Châu Âu này không có. Đó là cái mà tôi thấy rằng mình nên thận trọng khi đi biểu diễn ở xứ ngoài.

Cái vốn cổ phải giữ làm căn bản

Mình tự hào về cái vốn cổ của mình, thì mình phải làm sao giữ cho được đúng theo truyền thống, thì tôi thấy là hay nhất, chứ không có gì phải thay đổi hay biến chế, đặng cho nó hợp với thị hiếu của đại đa số quần chúng.

Cái vốn cổ của mình, mình giữ cái đó đi, làm căn bản. Ngoài ra, có những sự phát triển, thì mình để cho phát triển. Cái căn bản mình phải giữ hoài, thì từ đó nó mới đẻ ra nhiều chuyện khác nữa. Chứ bây giờ, mình lo mình phát triển mà quên đi cái nguồn gốc, cái vốn cổ, thì dần dần sẽ mất đi, sẽ không còn là vốn cổ nữa.

Tôi muốn lưu ý rằng, khi muốn đưa một đoàn hát, hay đoàn nghệ thuật sang ngoại quốc, thì chúng ta phải ý thức rằng, làm sao đưa nghệ nhân nào có trình độ cao, và hát đúng theo truyền thống, chứ đừng đưa những người trẻ đẹp, mặc quần áo cho thiệt đẹp, đi lên sân khấu để trình diễn. Đối với mình, cái vấn đề nghệ thuật là căn bản, chứ không phải là màu sắc. Làm sao những nghệ nhân (đi quảng bá) phải là những người có căn bản vững chắc, có thể, khi trình diễn ở hải ngoại, đáp ứng được những cái gì mà người Tây phương chờ đợi, tức là sự trung thực với truyền thống.

Di sản xưa và quan họ hôm nay

Ở trong nước, cũng cùng mối lo ngại với ông Trần Quang Hải, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (trong bài phỏng vấn « Cần phục hồi nguyên gốc quan họ cổ ») nhấn mạnh đến việc « di sản quan họ đã thực sự mai một từ những năm 60 của thế kỷ trước », mặc dù di sản này vừa được Unesco nhìn nhận. Theo ông Bùi Trọng Hiền, «Thực chất, giá trị của di sản còn lại (...) chỉ là làn điệu âm nhạc và kho tàng lời ca quan họ cổ, còn những phong tục tập quán, những sinh hoạt văn hóa bao chứa trong đó thì không còn nữa », ông khuyến cáo cần tìm cách phục hồi lại di sản này.

Bên cạnh đó cũng có quan điểm rất khác, như của nhà nghiên cứu Trần Minh Chính (trong bài phỏng vấn « Một ‘‘cuộc chiến’’ về văn hóa trong nội bộ vùng Quan họ »), thì cho rằng : Cần phải thừa kế tối đa các tinh túy của di sản, nhưng điều cốt yếu nhất là tạo dựng được « nền văn hóa quan họ của ngày hôm nay ». Theo ông Trần Minh Chính, « con người quan họ, nhất là lớp trẻ, bắt đầu lúng túng với cảnh ‘‘bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước…’’ ».

Những nghệ nhân - người lưu truyền các « di sản sống » – suy nghĩ như thế nào về văn hóa quan họ ngày hôm nay ? Sau đây là một số chia sẻ của chị hai Thềm (Bắc Ninh), một nghệ nhân nổi tiếng xứ Kinh Bắc :

02:13

Bà Nguyễn Thị Thềm

Chị hai Thềm : Thật ra trong lối chơi quan họ, phải là những người nào rất tâm huyết mới theo được lối chơi này. Bởi vì, chơi quan họ ngày xưa, người ta ý tứ khiêm nhường, mà người ta lịch sự, tinh tế lắm. Ví dụ như, đi hát cả một buổi tối ở « nhà chứa », thì nam ngồi một bên, một bên nữ ngồi, cái ngọn đèn dầu ở giữa, thì có khi hát cả tối có khi không nhìn thấy mặt nhau. Đấy là những cái tinh tế và những cái rất là khác biệt với những loại hình ca hát khác. Ví dụ như ngày xưa, chơi thì đúng thực là chơi tàn canh, rạng sáng. Hát suốt đêm đến rạng sáng, rồi nghỉ, rồi lại hát tiếp. Nhưng mà đấy là theo như thời ngày xưa, còn theo như bây giờ, thì cũng không hát được như thế, vì xã hội bây giờ, cái công việc nó cũng không cho phép mình được chơi bời như thế. Ví dụ trong khuôn khổ hạn hẹp một đêm thôi. Ví dụ như ngày xưa các cụ chơi, các cụ giữ lề, giữ lối, các anh hai, chị hai, chơi với nhau gọi là tình tứ, tình cảm lắm, yêu vụng, nhớ thầm, chứ không như bây giờ, họ đi chơi bời với nhau, có khi đi tới hôn nhân, nhưng ngày xưa các cụ chơi kết chạ các cụ không như thế đâu.

Bây giờ, chúng tôi ở đây, cốt lõi là mình phải gìn giữ những gì cổ, nhưng đồng thời vẫn dạy cho các em những cái phát triển lên, là nó phải lồng nhạc vào, để nó biểu diễn trên sân khấu, ví dụ như ở trong tỉnh, mở những cái cuộc liên hoan tiếng hát của các em bé chẳng hạn, thì mình phải đưa lên sân khấu, mình phải lồng nhạc. Các em mà cho ngồi hát ê a, như tôi và các cụ, thì các em cũng chưa hát được. Cho nên bây giờ cũng khuyến khích các em phải học quan họ nhiều, thì mình phải có các bài hát của lứa tuổi thiếu nhi hoặc mình sáng tác thêm những lời mới, đưa các em để tham gia sân khấu biểu diễn liên hoan.

Còn đồng thời mình vẫn dạy thêm các em những cái gì của vốn liếng cổ của mình, mình vẫn cứ giữ.

Càng thêm bạn, càng muốn phát huy lối chơi cổ

Tiếp theo đây là tiếng nói của anh hai Hiển (Bắc Ninh), một liền anh được lớn lên trong một gia đình nhiều đời theo quan họ :

Anh hai Hiển : Tôi được đắm mình trong dòng sữa dân ca. Thứ nhất là tôi học lối chơi quan họ, sau là tôi học hát quan họ. Từ đó, tôi đã có sự tâm huyết rồi. Cứ mùa trảy hội, là tôi đi các làng tôi trảy hội, du xuân. Từ đó tôi được kết bạn rất nhiều, các quý vị từ các tỉnh, thành đến với tôi. Tôi có cảm nhận là cuộc đời tôi cứ mỗi năm tôi lại vui thêm lên, nhân rộng lên, do là tôi được đi ra ngoài, tôi biết ứng xử quan họ, tôi cũng biết cách hát quan họ với du khách. Từ đó du khách thân thiện với mình hơn. Cứ lệ làng là các du khách đều hứa hẹn, hẹn hò sẽ về quê hương của chúng tôi. Thứ nhất là để biết cảnh hội, thứ hai là để tìm hiểu cái nét văn hóa ẩm thực nơi đây.

06:52

Ông Ngô Công Hiển

Tôi cũng rất tự hào là xung quanh hàng xóm, hoặc dân làng cứ ca ngợi là tôi được đi ra ngoài lắm bạn bè về, cũng chẳng phải học cùng, chẳng phải họ hàng gì cả, mà cứ ngày hội là đông chật ních hết cả nhà. Nhưng mà người ta chỉ biết là tôi chơi rộng và quan hệ thôi, nhưng mọi người cũng chưa biết cái sâu sắc của người chơi quan họ như thế nào. Cứ một năm đi trẩy hội là tăng thêm bạn bè lên, rồi các du khách từ xa đến nhiều hơn, từ đó tôi nghĩ là mình càng phải phát huy, làm sao càng phải tìm hiểu, phát huy được cái lối chơi càng nhiều hơn nữa.

Vì đi ra ngoài, tôi ít gặp được các bậc tiền bối có cái lề lối chơi như ngày xưa. Bây giờ các bậc tiền bối hầu như đã mất rồi. Những bậc từ 80 trở lên còn rất ít. Được gặp thì tôi cũng hay hỏi, hay lân la tìm hiểu các cụ ngày xưa chơi quan họ như thế nào, những lời văn nào hay hay, thì mình lại tiếp thu. Tôi tâm huyết là giữ được những lời văn như thế, để truyền cho thế hệ sau. Người ta bảo là « ăn nửa miếng, cười nửa nụ, mà hụ cũng chỉ nửa chén thôi ». Bây giờ mà chúng tôi ra ngoài mà nghe được những câu như thế là hiếm lắm. Chúng tôi được nghe và chúng tôi rất thích những lời ấy, và chúng tôi lúc nào cũng để vào trong tâm đắc của chúng tôi. Chúng tôi ra ngoài thỉnh thoảng chúng tôi cũng dùng để chúng tôi nói chuyện, dãi bày với các bạn bè, du khách. (…)

Dịch vụ quan họ thời hiện đại

Các tỉnh cũng có những ngày lễ, ngày hội, người ta nhờ về xây dựng cho một buổi tối vui liên hoan văn nghệ cho dân làng, hoặc chương trình chúc thọ, người ta cũng muốn nghe những làn điệu dân ca quan họ, rồi đám cưới, rồi tân gia, nhà mới, khách sạn… Nói chung họ đều sử dụng dòng nhạc dân ca này. Thì chúng tôi gặp chương trình nào, thì chúng tôi dàn dựng theo đề nghị của khách hàng.

RFI : Còn cái lối chơi quan họ, thì nó có thể hiện qua các chương trình này không ?

Anh hai Hiển : Không. Nếu lối chơi quan họ cổ mà mang ra các tỉnh bạn, thì họ không hiểu, họ chưa hiểu, thì mình cảm giác như là bị « cô đọng lại ». Cái lối chơi cổ tôi chỉ mong gìn giữ được ở vùng quê Kinh Bắc thôi. Thời hiện đại này, mình… những bài cổ thì họ có hiểu đâu, mà không hiểu, thì mình mang ra cũng bằng thừa thôi, cho nên nó khác nhau là như thế. Thời hiện đại mình chỉ mang những lời ca mới, cũng theo điệu quan họ, nhưng lời mới là nhiều.

Thật sự là thế này. Bây giờ là thời hiện đại, chúng tôi đi chơi xuân, « làm chương trình », chúng tôi cũng phải có chút hoa hồng mới làm được. Thứ hai là chúng tôi cũng phải bảo đảm cuộc sống gia đình, có đúng không ? Tất nhiên là thời hiện đại, « vấn đề nào » có tiền là bọn tôi làm.

Lề lối xưa mộc mạc, nhưng mà ngấm

Nhưng mà tôi rất thích và mong muốn giữ được lề lối chơi quan họ ngày xưa, để giữ và phát huy được lối chơi cổ : Ăn quan họ, nói quan họ, rồi cười quan họ… đủ kiểu mới gọi là chơi quan họ. Chứ không phải (chỉ) là biết hát quan họ, mà đã vào chơi. Mình nghĩ là làm sao giữ được các lề lối, lấy những ngôn ngữ, lời văn, ý hay ngày xưa, tuy rằng rất mộc mạc, nhưng mà chứa đựng được rất chi là nhiều cái tình trong cái lời nói đó. Thì mới có cái ngấm.

Còn hiện đại bây giờ, theo nhạc, theo mix. Do cái trào lưu, thì cái dòng dân ca quan họ này rất phát triển và lan tỏa, cho nên là, nếu như không có nhạc, không có mix, thì ra không gian rộng, thì cũng không tỏa được hết.

Tôi mong các quý vị bên ấy, làm sao có cái thông điệp tôn vinh, có những cái tạo điều kiện, về vùng quê Kinh Bắc. Hát quan họ thì đã đành rồi, nhưng xây dựng được cái lối chơi quan họ mới là cái điểm nhấn. Tại sao bây giờ chúng tôi đi, kể cả các du khách mời chúng tôi đến các nhà hàng, khách sạn, chúng tôi cũng phải nói những lời của các cụ ngày xưa, có khi các du khách cũng chưa được nghe bao giờ.

Thật ra là, nếu (thế hệ) chúng tôi mà không (tiếp nối) nữa, thì may ra chỉ có ngọn, còn gốc không biết ở đâu, trôi đến đâu. Tôi chỉ lo là do điều kiện, do xã hội nó đưa đẩy, do họ không để ý nữa, thì… Mong phải có những gì để giữ gìn, phát huy, bảo tồn… cho thế hệ sau này mới còn cái gốc. Lo là thế thôi, nhưng chúng tôi vẫn còn ở đây, thì cái lối chơi vẫn có, vẫn còn.

Làng Diềm với làng Hoài Thị (Sim), kết nghĩa với nhau hàng mấy trăm năm rồi, là có lối chơi vẫn như thế. Tức là cứ đến mùa là quan họ bên này lại mời quan họ bên kia, và ngược lại, tức là ngày tục lệ, ngày đám của hai làng, thì vẫn mời nhau, thì đến vẫn lề lối, vẫn vào nhà chứa, vẫn hát lề lối. Còn một số bậc tiền bối vẫn đến chào nhau, nói bằng quan họ, ăn cũng bằng quan họ. Tôi nghĩ là, nếu ở khu vực Kinh Bắc này, chỉ còn hai làng này là còn thôi. Các bậc tiền bối hết rồi, thì tôi nghĩ chỉ còn mỗi bà Sang, bà Thềm, là giữ được, vì các bà ấy rất ngấm rồi. Cho đến chúng tôi bây giờ cũng là ngấm. Hiểu biết lề lối và ứng xử quan họ, quan trọng là ứng xử và biết để kết bạn như thế nào.

Cách tân nghệ thuật truyền thống : mâu thuẫn giữa nhà nghiên cứu và nhà quản lý

Khép lại chương trình là tiếng nói của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan từ Hà Nội. Ông Đặng Hoành Loan giới thiệu hai quan điểm đối lập nhau về vấn đề tiếp nối truyền thống quan họ, cũng như nhiều môn nghệ thuật cổ truyền khác, tại Việt Nam. Không phải nghệ thuật cổ truyền nào cũng sẵn sàng cho việc cách tân. Trong thời gian gần đây, có nhiều thử nghiệm cách tân di sản nghệ thuật cổ truyền đến từ chính bản thân những người lưu truyền di sản, đặc biệt trong một số môn nghệ thuật mang tính tín ngưỡng như : hát văn, hát then…

Ông Đặng Hoành Loan : Cách nhìn của tôi cũng tương đối thống nhất với một số học giả ở Việt Nam hiện nay, thế nhưng nó lại không thống nhất lắm với các nhà quản lý văn hóa, đặc biệt những nhà gọi là « văn hóa quần chúng ». Thực hiện cái « văn hóa quần chúng » hiện nay, thì có hai ý kiến khác nhau. Cái ý kiến thứ nhất, nói rằng là phải giữ nó trong không gian văn hóa truyền thống, và tất cả các sinh hoạt của nó là phải theo phương thức truyền thống. Thì cái đó nó căn cứ theo yêu cầu của Unesco là, cái hiện tượng văn hóa ấy nó phải là tập tục sinh hoạt có từ thời xưa và được bảo tồn trong đời sống cộng đồng cho đến ngày nay, vì thế gọi là nó có « gốc gác » và nó có tính truyền thống của nó. Cái thứ hai nữa là, cùng với tính truyền thống đấy, (vấn đề là) con người Việt Nam hiện nay còn yêu thích nó không và thích sinh hoạt theo lối đó không, thì cái hồ sơ quốc gia phải trả lời rất minh bạch. Thì đấy là cái quan niệm của các nhà khoa học Việt Nam, mà tôi cho rằng rất chính xác. Năm ngoái, có một cuộc hát quan họ với sự tham gia của hàng nghìn người, thì người ta cho rằng đấy là « phi truyền thống » và làm mất đi cái tính nghệ thuật, tính âm nhạc của chính bản thân quan họ.

04:34

Ông Đặng Hoàng Loan

Thế nhưng các nhà văn hóa quần chúng hiện nay, thì họ cho rằng bây giờ phải làm như thế, thì mới đưa được âm nhạc cổ truyền, nghệ thuật cổ truyền vào đời sống con người hiện đại. Mà muốn đưa được vào đời sống con người hiện đại, thì họ cho rằng phải cách tân. Cách tân tức là cho nó đông người lên, cho nó sinh hoạt với đầy đủ các thiết bị hiện đại. Thứ hai là phải tạo cho nó những sân khấu lớn để nó có thể được trình diễn trên đó. Hiện nay hai việc đó vẫn cứ tồn tại và vẫn có những ý kiến trái ngược. Hiện nay đây là một mắc mớ khó giải quyết ở Việt Nam.

Đối với nghệ nhân, người ta rất thích trở lại cái không gian truyền thống, mà người ta hát nhỏ nhẹ trong nhà, trong các sinh hoạt nhỏ, vì nó vẫn thể hiện được toàn bộ cái tình cảm, cái nội tâm của họ đối với nhau. Vì thực sự ra, chúng ta biết, quan họ sinh ra để hát trong tất cả các tập tục giao tiếp, tình cảm con người ở Kinh Bắc, chứ nó không phải là một trình diễn nghệ thuật, với người thưởng thức và người ca hát. Hiện nay, chính cái điều mà các nhà nghiên cứu không tán thành lắm, tức là quan họ biến thành nghệ thuật trình diễn. Có nhiều ý kiến cho rằng như thế nó không đúng với truyền thống mà bản thân nó có từ xưa đến nay.

Riêng ý kiến của tôi, thì tôi cho rằng, người dân, nghệ nhân dân gian người ta muốn giữ lại tất cả những gì mà họ biết được từ xưa đến giờ. Họ rất thích trong việc họ gìn giữ, biểu diễn những nghệ thuật đấy đúng như thời xưa. Cho nên, phần lớn khi chúng tôi tổ chức gặp gỡ các nghệ nhân, thì các cụ nói, bây giờ làm mới nó đi, thì không biết để làm gì ? Vì nếu mới, so với mới hiện nay, thì không mới được, còn so với cái cũ, thì không cũ được. Thì như thế là, nó nằm ở lưng chừng. Đấy là ý kiến của nghệ nhân.

Chúng ta biết rằng, năm nay các cụ quan họ rất thích tự hát với nhau, để tìm đời sống tinh thần thưở xưa mà nó còn tồn tại lại trong tâm hồn của họ. Thì tôi cho là giữa nghệ nhân, giữa các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý hiện nay đang chưa có được một cái nhìn thống nhất, toàn diện về cổ truyền và cách tân, chính xác là như thế.

Hát văn, hát then : Nghệ nhân tự cách tân để thu hút công chúng

RFI : Vậy trong các môn nghệ thuật cổ truyền khác ở Việt Nam có sự cách tân hay không ?

Ông Đặng Hoành Loan : Những nghệ thuật « tâm linh » (tín ngưỡng) như là hát văn, hát then… thì lại được bảo lưu rất là tốt. Thì người ta lại không cách tân mấy, thì chính là tự các nghệ nhân, những người hành nghề, người ta cách tân, chúng ta thấy hiện tượng tự cách tân rất lớn. Các nghệ thuật ấy, thì bên ngoài không cách tân nó được, nhưng tự nó thay đổi nó, thì thay đổi được. Thí dụ như, hát văn bây giờ, người ta đưa nhạc cụ mới vào, tức là đưa cả đàn organ vào. Nghệ nhân người ta đưa vào thôi, chẳng ai bảo người ta cả. Người ta đưa thêm những bài hát mới vào. Như thế tức là người ta tự vận động, không ai yêu cầu họ cả. Họ tự vận động với mục đích kéo những người yêu thích cái nghệ thuật ấy (và tín ngưỡng ấy) đến gần nghệ thuật ấy hơn, họ làm cho hấp dẫn hơn. Có nhiều nhóm hát văn đã tạo ra nhiều điệu hát, nhiều âm nhạc khác nhau.

Tôi cho rằng, để cho nghệ nhân họ tự thay đổi, thì hay hơn tác động (từ bên ngoài), vì thường tác động, thì nó biến đổi theo chiều hướng khác. Để cho các nghệ nhân làm, thì tốt hơn là « chúng ta » tác động và tổ chức, vì thường nó sai lệch đi nhiều.

RFI xin chân thành cảm ơn anh Ngô Đức Hiển, chị Nguyễn Thị Thềm, các nhà nghiên cứu Trần Quang Hải và Đặng Hoành Loan đã dành thời gian cho tạp chí

02:59

Nhà nghiên cứu Trần Quang Hải

Các bài liên quan

Vẻ đẹp của Quan Họ cổ truyền xứ Kinh Bắc

Ca trù trước ngã ba đường: Phục sinh hay mai một

Lãng du cùng bài vọng cổ "Cô bán đèn hoa giấy"

Điều kỳ diệu của bài vọng cổ

Giọng ca Chế Linh với những người hâm mộ Việt Nam (với phần nhà thơ Inrasara nói về quan họ Bắc Ninh và văn hóa Chăm)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.