Vào nội dung chính
MỸ - VIỆT NAM

Tân Ngoại trưởng John Kerry và quan hệ Mỹ-Việt

Đầu tháng Hai vừa qua, Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry chính thức nhậm chức Ngoại trưởng, thay thế bà Hillary Clinton. Ông Kerry là cựu chiến binh, có nhiều kinh nghiệm trong và sau chiến tranh Việt Nam. Dưới thời tổng thống Bill Clinton, ông Kerry là người đã tham gia vào quá trình đàm phán tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt Nam. Vậy quan hệ Mỹ - Việt sẽ phát triển ra sao dưới thời tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Sau đây là một số nhận định của giáo sư Carld Thayer, chuyên gia về Việt Nam, thuộc Học viện Quốc phòng Úc.

Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, 14/02/2013
Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, 14/02/2013 REUTERS
Quảng cáo

Trong tài liệu được gửi tới các phương tiện truyền thông, ngày 11/02/2013, giáo sư C.Thayer cho rằng nhiệm kỳ của Ngoại trưởng John Kerry sẽ phản ánh những ưu tiên của tổng thống Obama và những di sản mà bà Hillary Rodman Clinton để lại. Trong năm 2010, một báo cáo của bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định Việt Nam là một trong ba đối tác chiến lược tiềm tàng tại Đông Nam Á. Các nước khác là Indonesia và Malaysia.

Theo giáo sư Thayer, Việt nam là một cường quốc trung bình đang trỗi dậy trong khu vực. Điều này sẽ rất quan trọng đối với Hoa Kỳ do vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam dường như đứng hàng thứ sáu trong thứ tự xếp hạng mức độ quan trọng đối với Hoa Kỳ. Danh sách này chỉ là tương đối chứ không phải là tuyệt đối. Singapore đứng đầu danh sách đối tác chiến lược, rồi đến lượt Philippines và Thái Lan, với tư cách là những đồng minh có ký hiệp định, sau đó là Indonesia và Malaysia, tiếp theo là Việt Nam.

Liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, giáo sư Thayer nhận định chính sách của Mỹ trong hồ sơ này sẽ không thay đổi. Hoa Kỳ sẽ không đứng về phía Việt Nam, Trung Quốc hay bất kỳ bên tranh chấp nào. Mỹ sẽ tiếp tục kêu gọi là các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về quan hệ song phương, các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam đang bị ngưng lại do tình trạng nhân quyền xấu đi tại Việt Nam. Có nhiều khả năng là Ngoại trưởng Kerry sẽ tiếp tục gây áp lực đối với Việt Nam để lật ngược xu hướng này. Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lôi kéo Việt Nam hợp tác cải thiện cơ cấu an ninh khu vực, như Cuộc gặp các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng và Thượng đỉnh Đông Á.

Mặt khác Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục đặt lên hàng ưu tiên các chương trình y tế công cộng và trợ giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hồ sơ này sẽ được xử lý trong khuôn khổ song phương và đa phương thông qua Sáng kiến Hạ lưu sông Mêkông do cựu Ngoại trưởng Clinton đưa ra.

Giáo sư Thayer cho biết, Ngoại trưởng Kerry có nhiều kinh nghiệm làm việc với ban lãnh đạo Việt Nam, trong nhiều thập niên qua. Với tư cách là thành viên, rồi chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện, ông đã gặp gỡ tất cả những quan chức cao cấp của Việt Nam khi họ tới thăm Washington. Do Việt Nam coi trọng mối quan hệ cá nhân, điều này sẽ có lợi cho Ngoại trưởng Kerry khi ông tham dự các cuộc họp cấp bộ trưởng của ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.