Vào nội dung chính
VIỆT NAM - PHỎNG VẤN

Chương trình Táo Quân tại Việt Nam bị đặt dưới sự kiểm duyệt

Từ nhiều năm gần đây, tại Việt Nam, chương trình truyền hình Táo quân trước thời khắc Giao thừa thu hút được nhiều chú ý. Năm nay, lần đầu tiên chương trình hài hước mang tính châm biếm chính trị này gặp một số « sự cố » với cơ quan kiểm duyệt văn hóa, đặc biệt vì một số chi tiết trong kịch bản bị đánh giá là « phản cảm ».

Chương trình táo quân nhân dịp Tết Quý Tỵ (DR)
Chương trình táo quân nhân dịp Tết Quý Tỵ (DR)
Quảng cáo

Để chuyển đến thính giả một góc nhìn về chủ đề này, RFI đặt câu hỏi với nhà thơ Đỗ Trung Quân (Sài Gòn). Theo nhà thơ Đỗ Trung Quân, « nói tục giảng thanh » là một truyền thống văn hóa ở Việt Nam, kiểm duyệt không cần phải can thiệp. Tuy nhiên nhìn rộng ra, chương trình tấu hài mang lại những tràng cười sảng khoái vào dịp cuối năm này, thực chất vẫn luôn luôn được đặt dưới sự theo dõi của các cơ quan kiểm duyệt văn hóa.

09:30

Nhà thơ Đỗ Trung Quân

RFI : Xin chào nhà thơ Đỗ Trung Quân, xin anh cho biết nhận xét của anh về chương trình truyền hình Táo quân, một tiết mục được khá nhiều người Việt Nam hâm mộ.

Đỗ Trung Quân : Tôi nghĩ là Táo quân hàng năm là một điều quen thuộc của văn hóa dân gian, gần đây thì trên truyền hình trở thành một tiết mục biểu diễn. Tùy theo mức độ kịch bản, phía nam, ví dụ Sài Gòn thì có khuynh hướng hài hước, còn phía bắc thì có thể có sự châm biếm đối với một vài vấn đề.

Đây là một cái nét mà tôi cho rằng, người Việt mình quen rồi, nên không có thì chắc là người ta cũng thấy thiếu, còn tùy thuộc vào nội dung hàng năm thôi. Sài Gòn thì như tôi nói nghiêng về khuynh hướng châm biếm nhưng hài hước, còn ở phía bắc thì cũng hài hước, nhưng có thể châm biếm sâu cay hơn một chút. Năm nay thì tôi không biết phía bắc chọn cái gì và miền nam chọn cái nội dung gì.

Vừa rồi, thì có một vụ thổi còi, thì thú thật tôi cũng không được xem, nên cũng không biết là có đủ nội dung gọi là « dung tục hóa » để thổi còi hay không.

Thực ra Táo quân là cái gì ? Đó là tổng hợp các vấn đề chọn lựa trong năm, trong số những chuyện đã xảy ra. Ở Sài Gòn, lâu nay người rất nổi tiếng trong vai Ngọc Hoàng là nghệ sĩ Bảo Quốc, và một số nghệ sĩ khác, cũng có châm biếm, có hài hước, nhưng chủ yếu là nhẹ nhàng, để cho ngày Tết mà, quan niệm là để vui vẻ thôi.

Còn chuyện dung tục hay không thì là do đối đáp, nhưng mình không biết, vì không được xem kịch bản đó. Nhưng tôi chủ trương là như thế này : Ông bà mình có cái gọi là « Nói tục nhưng giảng thanh » chẳng hạn. Nếu đạt được yêu cầu đó thì hay, còn nếu không thì cùng lắm là làm cho nhăn mặt một tý, chẳng đến nỗi phải cấm.

RFI : Xin anh cho biết các phản ứng của công chúng nói chung.

Đỗ Trung Quân : Tôi thấy hàng năm người ta vẫn xem những tiết mục này như một cái giải trí cuối năm. Có thể vui một tí. Nó cũng như cái xả xú páp ấy. Tức là người ta cũng cho châm biếm một chút để người ta xả. Tôi cho là hình thức thôi. Nhiều khi châm chọc Nhà nước một tý để mà xả hơi. Nhưng nếu Nhà nước thấy mức độ mà làm quá, thì tôi thổi còi anh. Nhưng làm quá thế nào, thì năm nay mình chưa biết. Nhưng thấy được cho diễn, thì chắc là Nhà nước cũng ok.

RFI : Trong các chương trình Táo quân, riêng anh có thấy đọng lại những cái châm biếm hay hài hước nào không ?

Đỗ Trung Quân : Tôi thấy, công chúng bình dân, đa số công chúng của truyền hình nhiều miền thì chắc là họ thích. Nhưng nói thật là châm biếm như thế thì tôi châm biếm còn ghê hơn. Nhưng đứng về phía công chúng, thì tôi thấy đó là nhu cầu của họ. Thực ra là thế này : Tâm lý của người dân mình, cả năm vất vả rồi, thì cuối năm cần một tiếng cười, tôi gọi là xả van, xả xú páp. Nếu mà cái Táo quân mà châm biếm được cái ông Giao Thông, cái ông Cửa Quyền, châm biếm được ông Quan Liêu, ông Tham Nhũng, thì người ta cảm thấy có người nói thay cho mình, thì người ta thấy dễ chịu. Tất nhiên trên truyền hình, thì ở mức độ nào đấy thôi. Mức độ nào thì ok, còn ở mức độ nào thì họ không ok. Nhưng tôi cho rằng, cũng mỵ dân thôi.

RFI : Tức là theo anh, thì như thế nào là không « ok » ?

Đỗ Trung Quân : Ví dụ như, mức độ mà phê gay gắt quá thì không, phê lớt phớt thì ok. Tâm lý ấy tôi nghĩ không chỉ trong nước đâu, ngoài nước cũng thế. Kiều bào mình ở nước ngoài cũng thế thôi. Vấn đề mà cảm thấy có người nói cho mình, nói ra thì mình cũng thấy nhẹ nhàng.

RFI : Nhưng mà anh nói đến kiều bào ở nước ngoài, thì nhiều người dường như cũng rất muốn phê phán đến nơi ?

Đỗ Trung Quân : Đúng rồi. Nhưng khổ nỗi, giới hạn nào gọi là tới nơi và cái nào là không tới nơi, thì cái đó chúng ta lại phải bàn với nhau. Vì truyền hình họ quyết định cái đó, trong nước họ quyết định cái đó. Tôi xem (chương trình này) chỉ là để thỏa mãn tâm lý một chút, chứ tôi không xem những cái tiết mục đó là có một ảnh hưởng mà… Nhưng thực sự nếu Táo quân làm tới nơi tới chốn, thì nó sẽ có ảnh hưởng lớn đó. Chỉ có điều là, ở Việt Nam chắc là khó, vì về mặt kịch bản là khó.

RFI : Mới đầu, sự hấp dẫn của chương trình Táo quân là mở ra một con đường phê phán đến cấp cao nhất, tức là cấp Ngọc Hoàng.

Đỗ Trung Quân : Thực ra mà nói, vẫn là ẩn dụ và ước lệ thôi. Tâm lý người Việt mình là thỏa mãn khá là dễ dãi, hễ vấn đề đó được ai đặt ra, nó mắng cho một câu, hoặc phê phán một câu thì mình ok thôi, nhưng để đào sâu nó là cả một vấn đề. Không ai cho đào sâu đâu.

Táo quân ở Việt Nam là một vấn đề giải trí, thỏa mãn tâm lý ức chế một chút trong một năm trước các vấn đề của xã hội. Nếu có đặt vấn đề phê phán là để thỏa mãn cái đó một chút. Tức là nếu trong năm đó, có xảy ra cái này cái kia, thì Táo quân đặt ra vấn đề đó, phê phán nó một chút, để thỏa mãn một chút. Nhưng để giải quyết những cái đó thì là một vấn đề khác.

Năm nào cũng thế, cũng chỉ thỏa mãn một vài phút mà thôi. Còn các vấn đề xã hội cứ phải giải quyết mãi thôi.

Tôi thấy mình vẫn cần một chương trình Táo quân. Đa phần người bình dân của mình cần, để như tôi nói, là có chỗ, giống như người ta nói dùm, nói thay cho mình. Ông Táo thì nói thay cho mình, ông Ngọc Hoàng thì lắng nghe, có khi ông Ngọc Hoàng bị khều móc một chút, người dân cũng sung sướng, ví dụ vậy.

RFI : Cái điều anh nói, có lẽ được nhiều người chia sẻ. Nhưng dường như, đấy phải chăng là sự tự giới hạn, khi mà mình tự đặt ra theo một truyền thống, chỉ có một năm một lần là có một dịp này, mà không phải là thường xuyên, hàng tháng chẳng hạn. Liệu nếu có một câu chuyện hàng tháng xảy ra như vậy, thì có trở thành một dịp giải trí, xả hơi thoải mái như anh nói không ?

Đỗ Trung Quân : Tôi nghĩ là trong đời sống hàng ngày, cũng có những hình thái mà chúng ta lên tiếng, không phải đợi đến cuối năm, nhưng vì đến cuối năm nên mới có ông Táo. Nhưng bình thường, vẫn có những hình thái chúng ta châm biếm và bầy tỏ được, như (chương trình truyền hình) « Trong nhà ngoài phố », ví dụ vậy. Nếu « Trong nhà ngoài phố » tới nơi tới chốn…

RFI : Như anh nói, ở Việt Nam bình thường vẫn có những hình thức phê phán về văn hóa, văn nghệ về những vấn đề trong xã hội, nhưng nó chỉ đến lưng chừng thôi. Thế thì phải chăng, khi mình đặt cho mình một giới hạn là một năm chỉ có một lần được phê phán đến mức cao nhất, là tự mình giới hạn mình ?

Đỗ Trung Quân : Tôi đồng ý với nhận định này vô cùng. Vì Táo quân vừa là điều rất cần thiết cho cuối năm, nhưng đồng thời cũng giới hạn mình là phải đợi đến cuối năm mới. Còn bình thường thì có lẽ chúng ta có những hình thức khác, ví dụ như kịch, ví dụ như…Tất nhiên, không thể đòi hỏi xã hội chỉ có một việc là phê phán thôi. Nhưng mà trong một xã hội như Việt Nam chẳng hạn thì bao giờ họ cũng có một giới hạn nhất định là cho phép hay không cho phép. Cái văn hóa văn nghệ ở Việt Nam là ở trong một giới hạn, luôn luôn bị kiểm soát. Vấn đề là kiểm soát bao nhiêu phần trăm thì có thể chấp nhận được, quá bao nhiêu phần trăm thì không thể tin được.

RFI : Nhân nói chuyện năm mới, nói chuyện Táo quân, anh có suy nghĩ gì về câu chuyện xa xưa mà vẫn còn sống động này trong đời sống văn hóa Việt Nam ?

Đỗ Trung Quân : Về mặt dân gian, về mặt truyền thống, các thế hệ cũng nên biết ông Táo này ở đâu ra, chúng ta cũng được biết nhiều rồi, ví dụ như một bà, hai ông cũng là Táo trong cổ tích Việt Nam... Còn sử dụng hình thức Táo quân như thế nào có lẽ là từng thời kỳ, từng giai đoạn, từng thể chế.

Tôi nói, nếu các anh, chị ở nước ngoài, ở trong một điều kiện xã hội cởi mở hơn, có khi Táo quân phê phán vui hơn, nặng hơn. Ở trong nước, thì chỉ có thể nói được thế đó thôi, ví dụ vậy. Nhưng nó lại là một vấn đề khác.

RFI xin cảm ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.