Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Công Binh, đêm dài Đông Dương : Phỏng vấn đạo diễn Lê Lâm

Đăng ngày:

Kể từ ngày chương trình Việt ngữ được phát sóng trên đài phát thanh quốc tế từ nước Pháp RFI, chỉ có hai người đã khóc khi trả lời phỏng vấn ban biên tập chúng tôi. Hai người đó là ca sĩ Khánh Ly, khi chị tưởng nhớ tác giả Trịnh Công Sơn và đạo diễn Lê Lâm, khi anh nói về bộ phim tài liệu Công Binh, đêm dài Đông Dương.

Đạo diễn Lê Lâm, tác giả của bộ phim Công Binh, đêm dài Đông Dương  (ảnh do tác giả cung cấp)
Đạo diễn Lê Lâm, tác giả của bộ phim Công Binh, đêm dài Đông Dương (ảnh do tác giả cung cấp)
Quảng cáo

Đạo diễn Lê Lâm, tác giả trước đây của bộ phim Poussière d’Empire (Đế chế tàn bụi) đã có nhã ý đến thăm đài RFI, để nói về những kỷ niệm của riêng anh trong suốt quá trình thực hiện bộ phim Công Binh, đêm dài Đông Dương sẽ được công chiếu tại Pháp vào ngày 30 tháng Giêng năm 2013 (tựa đề tiếng Pháp là Công Binh, la longue nuit Indochinoise).

Trong tác phẩm này, đạo diễn Lê Lâm đã ghi lại lời chứng của hai mươi bác công binh về một giai đoạn lịch sử Pháp-Việt, ít khi nào được nhắc tới, thời mà chính quyền thuộc địa đã cưỡng bức 20 ngàn thanh niên Việt Nam sang Pháp làm lính thợ. Từ lúc khởi đầu dự án cho tới ngày hoàn tất bộ phim, nhà đạo diễn đã mất đúng ba năm. Nói rằng, anh Lê Lâm là một người có nhiều tâm huyết và nhất là giàu tình cảm có lẽ cũng không quá đáng.

Đạo diễn Lê Lâm : Để quay bộ phim Công Binh, đêm dài Đông Dương, tôi đã về Việt Nam bốn lần nhằm chuẩn bị, nhằm gặp gở những nhân chứng còn sống sót trong giới công binh đã về nước và một số công binh ở bên Pháp, có tổng cộng là 20 người (10 bác ở Việt Nam, 10 bác ở Pháp). Từ ngày đầu tiên viết kịch bản cho tới ngày hoàn thành phim để ra mắt khán giả, thì tôi mất ba năm trời.

Đề tài của bộ phim có liên quan tới Việt Nam và thời thuộc địa, một đề tài mà phía Pháp không muốn nêu lên vì phim nói về thời thực dân Pháp cưỡng bức 20 ngàn công nhân Việt Nam sang Pháp, buộc họ đi làm trong những xưởng chế tạo súng ống, đạn dược, thay thế cho những công nhân Pháp đang cầm súng ra trận. Những công binh Việt Nam không được trả lương bổng, mà còn bị kẹt tại Pháp trong 12 năm trời, không được về nước. Những chuyện đó, lịch sử Pháp không bao giờ nêu lên cả. Ngay đến lúc phim được chiếu và đoạt giải tại các liên hoan phim như liên hoan phim quốc tế Amiens hay liên hoan phim lịch sử Pessac, thì khán giả rất là ngạc nhiên, họ nhìn thấy quá khứ lịch sử của họ, và họ không ngờ rằng thực dân Pháp tồi tệ như vậy.

Một đề tài như vậy cũng khó mà tìm nguồn tài trợ. Cũng may là bên Pháp này có Cục điện ảnh quốc gia (Centre National de la Cinématographie) ứng trước một số tiền trước khi quay phim, và phim còn nhận được tài trợ của các hội đồng cấp vùng, nhưng các khoản tài trợ chỉ bằng một nửa chi phí sản xuất phim. Thành ra, tôi đành phải quay với một nửa kinh phí đó. Vất vả ở chỗ là cái gì mình cũng phải tự làm lấy hết. Nhưng rốt cuộc vẫn thành công. Thế thì tôi về Việt Nam bốn lần : khi gặp được các nhân chứng, tôi rất là xúc động.

Tuấn Thảo : Xin anh kể cho thính giả RFI chuyến đi Việt Nam của anh ?

Đạo diễn Lê Lâm : Lúc về Việt Nam, tôi cũng không ngờ là tiếng tăm đạo diễn của mình vẫn còn, từ thời tôi về Việt Nam quay bộ phim Đế chế tàn bụi (Poussière d’Empire). Nhà sản xuất phim truyện 1 ở Hà Nội do anh Đặng Tất Bình điều khiển, đồng ý sản xuất bộ phim của tôi. Đoàn làm phim của tôi chỉ có 4 người mà thôi, vì tiền đâu mà trả hết cho nhân viên, như trong trường hợp của một bộ phim làm tại Pháp. Tôi quay phim với hai camera. Camera thứ nhì do một anh Việt kiều sinh trưởng bên Pháp cầm quay, do anh không biết nói tiếng Việt cho nên các bác, các cụ công binh, khi tâm tình với tôi, họ không ngại ngùng gì cả.

Thật tình thì tôi không phỏng vấn các bác công binh theo kiểu phỏng vấn báo chí. Tôi có phải là nhà báo đâu ! Cách hỏi chuyện của tôi như là tâm sự của người con với người cha. Đến khi tôi dựng phim, xem lại 150 tiếng đồng hồ các đoạn phim mình quay, thì tôi thật sự bất ngờ. Trời ơi ! Lối trả lời của mấy bác sao mà cao thượng quá, sao mà gần gũi với mình quá …

Tôi chợt hiểu ngay là các bác (năm nay đã ngoài 90 tuổi, có cụ thọ đến hơn 100 tuổi) một khi đã kể hết đầu đuôi câu chuyện môt cách thân mật với tôi, thì họ đã được giải thoát khỏi cái ngục tù, nằm trong tâm hồn của họ từ 70 năm nay. Quá khứ của các bác công binh nhục nhã quá đi, thành ra họ không bao giờ muốn kể lại cho con cháu, mà dù có kể thì con cháu cũng không tin nổi. Hơn nữa, bao giờ bố mẹ cũng muốn kể cho con những điều thành công, những gì xuất sắc nhất để làm gương cho con cái, chứ chuyện đi làm nô lệ thì ai mà muốn kể …

Mấy bác công binh nói thẳng với tôi : lần đầu tiên có một người Việt Nam chịu khó nghe hết những lời kể của các bác, mà lại hiểu vấn đề đó. Trước khi về Việt Nam, tôi từng tham khảo rất nhiều tài liệu. Vấn đề này thật ra đã được nghiên cứu từ năm 1988. Vào năm đó, một sinh viên người Việt là cô Trần Nữ Liêm Khê, tức là chị vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng, đã làm luận án về đề tài lịch sử này. Hồi đó, chưa có internet, nên tập luận án chỉ trong giới đại học mà thôi, chứ ít có ai mà được đọc. Khổ thế !

Mãi đến năm 2000 trở đi, nhờ có internet mà luận án mới lưu hành. Anh Pierre Daum, một nhà báo người Pháp tiếp tục nghiên cứu đề tài này để viết ra quyển sách mang tựa đề "Immigrés de Force", do nhà xuất bản Acte Sud phát hành. Đến lúc đó, thì thông tin mới bùng ra … Đấy thì, bổn phận của tôi rất là nặng … tôi buộc phải thành công trong việc thực hiện cuộn phim này …

Tuấn Thảo : Từ 150 tiếng đồng hồ quay phim thu hình, anh làm thế nào để thu gọn lại thành hai tiếng ?

Đạo diễn Lê Lâm : Thật tình, trong phần dựng đầu tiên, bộ phim dài đến bốn tiếng. Bởi vì tôi không những phỏng vấn các bác công binh, mà còn phỏng vấn luôn con cái của họ nữa. Tôi cũng phỏng vấn những người Pháp mà hồi xưa từng điều hành các trại công binh, những người Pháp làm nghề trồng lúa ở vùng Camargue, con cái của họ cũng còn nhớ đến những anh công binh Việt Nam từng làm việc tại các nông trại của gia đình họ … Nói tóm lại, tôi muốn hỏi hết tất cả những người nào đã có liên quan đến chuyện này.

Tôi nói thật với anh, tôi đã gặp năm ông người Pháp để hỏi về chuyện công binh. Họ từng tốt nghiệp trường đào tạo quan chức thuộc địa (Ecole de l’Administration Coloniale), và bây giờ cũng đã ngoài 90 tuổi rồi. Cả năm vị quan chức Pháp này nhìn thẳng vào mặt tôi, trả lời : công binh Việt nam sang Pháp … tại vì ở xứ họ không có công việc để làm, họ chết đói thì phải sang Pháp chứ ! Không có quan chức nào của thời này công nhận rằng công binh Việt Nam bị chính quyền thuộc địa cưỡng bức sang Pháp … khổ cái chỗ đó.

Từ bốn tiếng đồng hồ trong phần dựng phim ban đầu, tôi đành phải rút ngắn lại còn hơn hai tiếng. Tôi buộc phải thay đổi góc nhìn : Tôi muốn kể câu chuyện này trong mắt của các bác công binh ... tức là họ nhìn lịch sử thời mà họ sống, khi họ mới có 18 hay 19 tuổi, sang Pháp mà không biết tiếng Pháp, không hiểu lịch sử thế giới, không hiểu gì cả, vậy thì họ chấp nhận tình trạng làm nô lệ như thế nào ?

Tuấn Thảo : Thưa anh, Công Binh là phim tài liệu mà khi nhắc đến thể loại này thì khán giả thường nghĩ đến những đề tài khô khan, cách thể hiện quan điểm dấn thân của tác giả. Nhưng phim của anh lại có rất nhiều tình người. Bằng cách nào, anh đã tạo ra được sự cảm thông với các bác ?

Đạo diễn Lê Lâm : Tôi rất mừng là anh đã hiểu điều mà tôi muốn nhắn gửi. Khi bắt tay thực hiện dự án này, tôi coi nó như là phim truyện, và 20 bác công binh ở Việt Nam hay ở Pháp, tôi vẫn xem họ như nhân vật phim truyện. Từ góc nhìn đó, tôi phải tìm cho ra một phong cách, một lối kể chuyện làm sao cho hấp dẫn, để cho khán giả từ từ đi vào câu chuyện của các bác công binh, biết thêm về một giai đoạn lịch sử và đồng thời hiểu được tâm hồn của họ …chính vì thế mà tôi đã dùng nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam.

Tôi muốn kể câu chuyện một cách khác, dẫn chuyện qua hình tượng của những con rối, tức là các bác công binh đi sang Pháp, rồi bị kẹt bên Pháp trong 12 năm, thì tất cả những gì xẩy ra tại Việt Nam thì làm sao mà họ biết được. Nhờ múa rối nước, tôi mới có thể kể lại cho khán giả thời thuộc địa ở Việt Nam là như thế nào. Bên cạnh đó, còn có một ẩn dụ là các bác công binh bị chính quyền thực dân điều khiển như những con rối, các bác, các cụ bị họ đẩy đi, khi thì chỗ này, lúc thì chỗ nọ. Đi đâu cũng được, làm gì thì làm.

Tuấn Thảo : Anh có thể kể lại vài kỷ niệm đẹp trong những lần gặp gở với các bác ?

Có một kỷ niệm mà mỗi lần tôi nghĩ đến, tôi lại khóc rất nhiều, là kỷ niệm với một bác công binh còn sống ở bên Pháp. Tôi hỏi ông : Bác ơi, lúc mà bác đi sang Pháp năm 1949, mẹ của bác có đan áo len cho bác, như là mẹ của cháu khâu cho cháu không ? Tôi hỏi câu này vì tôi sang Pháp du học từ năm 1966, mà lúc đó tôi đi từ miền Nam. Sau năm 1975, thì chưa chắc gì tôi đã được cho về. Lúc từ biệt gia đình, tôi thật sự không biết khi nào mới có dịp trở lại, gia đình coi như là cho tôi đi luôn. Đến năm 1981, tôi mới về Việt Nam để quay bộ phim Đế chế tàn bụi.

Khi mà tôi hỏi câu đó, thì hai chú cháu lăn ra mà khóc. Bác công binh hỏi tôi : sao mà cháu biết ? Tôi kể lại trường hợp của tôi, cho dù tôi thừa biết rằng trường hợp của bác công binh còn tệ hại hơn thế nữa. Tôi thì chỉ du học, còn bác thì bị cưỡng bức lao động. Nhưng bác công binh vẫn còn giữ chiếc áo len của mẹ ông, chiếc áo len đã nát bấy mà vẫn giữ cho tới ngày hôm nay. Tôi cũng vậy.

Thời tôi qua Pháp năm 1966 để đi học tại trường Bách Khoa (École Polytechnique), việc chuyển tiền qua ngân hàng từ Việt Nam sang Pháp rất khó. Tiền đâu mà sống, khi tôi chỉ là con nhà nghèo, được sang Pháp du học là nhờ có học bổng. Mấy bác công binh còn khổ nhiều lần hơn thế nữa. Họ tiết kiệm từng đồng xu để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Mấy ông quan ở làng giữ lại hết, họ lấy luôn. Khổ thế đấy !

Phim ảnh của tôi, tôi muốn để lại làm di sản cho con cháu, tiền của tôi không có, có gì quý báu hơn là để lại phim ảnh cho con, để cho con hiểu thêm về quá khứ, về hành trình của dân tộc ta. Nhờ những câu chuyện tâm sự đó, mà bộ phim có một tình cảm đặc biệt lắm. (Trong số 20 nhân chứng, có 5 bác công binh đã qua đời trong thời gian dựng phim). Tôi chú trọng đến con người, đến xúc cảm nhiều hơn là khía cạnh tư liệu lịch sử. Một khi mà nhân chứng kể lại thành thật, thì cái phần lịch sử tự nó hiển hiện lên.

Thật tình mà nói, cho dù tiền của không có đủ để sản xuất bộ phim này, nhưng tôi cố gắng làm sao để cho bộ phim xứng đáng với tấm lòng cao thượng của các bác công binh, để cho khán giả hiểu rằng : mấy bác công binh không bao giờ khiếu nại, đòi hỏi gì cả. Họ không thèm ! Dù có một quá khứ nhục nhã như vậy, họ không bao giờ than phiền. Phần đông khán giả hiểu là : các bác công binh có rất nhiều nhân cách, mà phim cũng có nhiều nhân cách.

Thay mặt RFI Việt ngữ, xin thành thật cảm ơn đạo diễn Lê Lâm.

***

Bộ phim Công Binh sẽ được công chiếu tại Pháp ngày 30/01/2013. Riêng tại thủ đô Paris và các vùng phụ cận, đạo diễn Lê Lâm còn hiện diện tại các buổi ra mắt, ngoài phần chiếu phim còn có thêm các cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sử gia. Sau đây là chi tiết của chương trình công chiếu :

Au cinéma Le Champo :
MARDI 29/01/2013 : à 20 heures (Antoine de Baecque / Pierre Brocheux).

Au cinéma Les 7 Parnassiens :
JEUDI 31/01/2013 à 20H : projection et débat avec Matthieu Renault

Au cinéma La Clef :
MERCREDI 30/01/2013 - 20 H projection + débat en présence de Lam Lê et Pierre Daum
DIMANCHE 03/02/2013 -16 H projection + débat en présence de Lam Lê et de Gilles Manceron (rédacteur en chef de la revue Hommes et Libertés et vice-président de la Ligue des Droits de l'Homme)
MERCREDI 06/02 - 20 H projection + débat organisé par Hoa My Nguyen, animé par Monsieur Emmanuel Poisson, Maître de conférences à l'université Paris VII- Denis Diderot, avec Lam Lê,
SAMEDI 09/02 - 20 H projection + débat en présence de Lam Lê et Alain Ruscio (historien du colonialisme)

VENDREDI 01/03/2013 - 20H30 dans le cadre de la Semaine Anticoloniale
Cinéma Le Clef : 34, rue Daubenton – 75005 Paris
Tél : 09 53 48 30 54 -www.cinemalaclef.fr
programmation du film 3 fois / jour pendant plusieurs semaines 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.