Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam vẫn quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước

Kể từ hôm nay, 02/01/2013, người dân Việt Nam được mời tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp, mà toàn văn đã được báo chí chính thức đăng tải hôm nay. Việc lấy ý kiến nhân dân sẽ kéo dài đến ngày 30/03/2013. Theo dự thảo Hiến pháp vừa được công bố, có 8 nội dung sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân, trong đó có Lời nói đầu của Hiến pháp; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bộ máy Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp, v.v...

Ông Phan Trung Lý trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong cuộc họp báo ngày 29/12/2012 (DR)
Ông Phan Trung Lý trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong cuộc họp báo ngày 29/12/2012 (DR)
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo ngày 29/12/2012 vừa qua, ông Phan Trung Lý, trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tuyên bố là nhân dân có thể cho ý kiến đối với mọi nội dung trong bản dự thảo, kể cả điều 4 của Hiến pháp Việt Nam, « không có cấm kỵ gì cả ».

Trong bản hiến pháp 1992, điều 4 quy định vai trò của Đảng là « lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội », đồng thời khẳng định : « Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. ». Trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, điều 4 vẫn quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước, chỉ có thêm một câu nghe giống như một khẩu hiệu: « Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. »

Cho tới nay, ở Việt Nam, điều 4 Hiến pháp vẫn là chủ đề cấm kỵ. Cựu chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết khi còn tại chức đã từng tuyên bố rằng : « Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát ». Một số người như Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã bị kết án tù nặng nề một phần là vì đã dám lên tiếng đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp, tức là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong chỉ thị 22 mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đã xem việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cho bản dự thảo Hiến pháp là « một đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị ». Thế nhưng, ngay trong chỉ thị đó, ông Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu công an và quân đội phải « ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước. »

Lời răn đe này chắc chắn là khiến chẳng có mấy ai dám góp ý về những vấn đề nhạy cảm trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, như điều 4, sợ rồi sẽ bị khép vào tội « tuyên truyền chống Nhà nước », theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Trong « Lời kêu gọi thực thi quyền con người theo Hiến pháp tại Việt Nam », đề ngày 28/12/2012, một số nhân sĩ trí thức có tên tuổi ở Việt Nam đã yêu cầu hủy bỏ điều 88 Bộ Luật Hình sự, một điều luật mà theo họ « thực chất là bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về những quyền chính trị và dân sự ghi nhận và bảo đảm ».

Các nhân sĩ trí thức này yêu cầu chính quyền phải trả tự do cho những người đã bị quy vào tội danh theo điều 88 Bộ luật Hình sự. Họ còn yêu cầu chính phủ hủy bỏ nghị định ngày 18/03/2005 « quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng », mà thực chất là một nghị định « cấm biểu tình », hoàn toàn vi hiến. Nói chung, các nhân sĩ trí thức chỉ yêu cầu chính quyền Việt Nam thực thi đúng những gì mà bản Hiến pháp hiện hành quy định.

Nhưng những đòi hỏi đó chỉ có thể được đáp ứng trong một thể chế chính trị có tam quyền phân lập, tức là có sự độc lập và sự kiểm soát lẫn nhau giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp. Một khi Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là « lực lượng lãnh đạo Nhà nước » thì không thể nào có tam quyền phân lập.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.