Vào nội dung chính
Tạp chí Việt Nam

Cần đưa "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông" đến tay mọi người

Đăng ngày:

Ngày 07/08/2012, công trình biên khảo « Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông » về chủ quyền của Việt Nam tại các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chính thức ra mắt độc giả trong nước. Truyền thông Trung Quốc đã lập tức tung ra nhiều bài đả phá những điều nêu trong quyển sách, chứng tỏ rằng công trình vừa xuất bản đã đánh trúng vào chỗ yếu của Trung Quốc.

Bìa quyển "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông", phát hành ngày 07/08/2012.
Bìa quyển "Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông", phát hành ngày 07/08/2012. DR
Quảng cáo

Quyển « Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông » - dày khoảng 400 trang, bao gồm 4 chương và một phụ lục – là một công trình tập thể của các chuyên gia thuộc nhiều lãnh vực, với ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam chủ biên, và do nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành.

Chương 1 quyển sách giới thiệu vị trí và vai trò của biển đảo Việt Nam trong nền kinh tế, quốc phòng, an ninh của Việt Nam ; chương 2 đề cập đến các cơ sở pháp lý xác định chủ quyền Việt Nam trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam ; chương 3 đề cập cụ thể đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ; và chương 4 nói về tình hình tranh chấp hiện nay và những giải pháp.

Chỉ ít lâu sau khi quyển « Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông » được chính thức phát hành, báo chí Trung Quốc đã liên tục lên tiếng bác bỏ những quan điểm được nêu lên trong quyển sách.

Ngày 13/08 vừa qua chẳng hạn, trong một bài viết mang tựa đề « Giới chuyên gia bác bỏ đòi hỏi chủ quyền trên các đảo của một tác giả Việt Nam », tờ Hoàn cầu Thời báo – Global Times của Trung Quốc đã viện dẫn hai chuyên gia Trung Quốc để đặc biệt đả phá phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17 trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được nêu lên trong quyển « Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông ».

Tuy nhiên, lý do mà Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Địa lý và Lịch sử Biên giói Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc hoàn toàn không có gì mới, mà chỉ lập lại quan điểm từ xưa đến nay vẫn được Bắc Kinh sử dụng : « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa), vì Trung Quốc đã phát hiện và đặt tên cho các khu vực này cách đây 2.000 năm, sớm hơn nhiều so với Việt Nam ».

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về các phản ứng gay gắt của Trung Quốc trước sự kiện Việt Nam cho phát hành tập biên khảo « Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông ». Phản ứng của Trung Quốc cho thấy là Việt Nam đã đi đúng hướng trong việc công khai hóa các quan điểm của mình trên vấn đề Biển Đông, đẩy các học giả Trung Quốc vào thế bị động.

Là người thường xuyên theo dõi các diễn biến liên quan đến Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, đã cho rằng sự kiện Việt Nam xuất bản được một công trình có hệ thống về vấn đề Biển Đông là một điều rất đáng khích lệ, đặc biệt trong bối cảnh từ trước đến nay hầu như không có công trình nào loại này được công bố cho công chúng rộng rãi được biết. Theo giáo sư Long, hướng tiếp cận này cần phải được thúc đẩy thêm, tạo điều kiện đưa quyển sách đến tận tay mọi người, song song với việc tổ chức thêm các hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông.

10:22

Giáo sư Ngô Vĩnh Long - Đại học Maine (Hoa Kỳ)

Trọng Nghĩa

Sự kiện đáng khích lệ, đặc biệt vào lúc báo chí được nói nhiều hơn về Biển Đông

Trước hết, tôi xin thú thật là tôi chưa đọc quyển sách này bởi vì nó chỉ mới ra mắt đọc giả ngày 07/08/2012... Tuy nhiên, tôi đã đọc nhiều bài báo giới thiệu sách, kể cả bài phỏng vấn với người chủ biên, ông Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới của Việt Nam.

Tôi thấy nói chung việc xuất bản cuốn sách này - mà ông Trần Công Trục nói là đã soạn trong khoảng một năm - cùng lúc với việc nhiều bài báo về Biển Đông càng ngày càng được đăng trên các phương tiện truyền thông Việt Nam, là một điều rất khích lệ và bổ ích cho những nhu cầu của công chúng.

Từ trước đến bây giờ Việt Nam chưa có quyển sách nào (về Biển Đông)… có hệ thống như cuốn này. Đây là quyển sách cuốn trình bày (vấn đề) một cách có hệ thống nhất là cho độc giả Việt Nam, chứ không phải là cho những người chuyên viên về vấn đề Biển Đông ở nước ngoài…

Cuốn sách giới thiệu có trình tự về tổng thể vị trí địa lý của Việt Nam, rồi về cơ sở pháp lý, của vùng biển và thềm lục điạ của Việt Nam... Tôi thấy đây là một vấn đề hợp lý. Nhưng vì tôi chưa đọc, tôi không biết trong cuốn sách đó có những vấn đề gì mà những người chuyên về Biẻn Đông có thể nói thêm hay không.

Nhưng tôi nghĩ đây là một bước đầu rất là quan trọng cho độc giả Việt Nam. Sau này, nếu mà tiếp tục mở cửa như hiện nay thì sẽ có nhiều công trình khác, bổ túc cho quyển sách này thì tôi thấy đó là một điều rất khích lệ.

Từ trước đến nay, đã có những bài báo, lấy từ những bài ở nước ngoài, rồi cũng không đăng hết (toàn bộ), cũng không có hệ thống, rất tạp nham, thành ra người đọc ở Việt Nam không biết được cái chung của vấn đề biển đảo, vấn đề ranh giới của Việt Nam như thế nào.

Việc sắp xếp lại một cách tổng hợp, tuần tự như cuốn sách Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, là một việc rất khích lệ như tôi vừa nói.

Bước kế tiếp : Cần phải đưa « Dấu ấn » đến mọi người đọc

Tôi nghĩ trước hết là ở Việt Nam không có khả năng đưa những vấn đề lớn hay những vấn đề chung về biển đảo, về ranh giới của Việt Nam đến cho nhiều người Việt Nam đọc… Nếu chính phủ muốn làm điều đó thì phải mở mạng ra ở trong nước, rồi tổng hợp lại.

Ví dụ như trước hết là với quyển sách này : Sách in đến tay rất ít người, chính phủ do đó có thể đưa công trình này lên các hệ thống truyền tin ở trong nước để cho mọi người có thể đọc. Chứ còn tôi thấy những bài giới thiệu rất sơ sài, chỉ là quảng cáo, mà quảng cáo không có phê phán thì không đi đến đâu.

Đó là vấn đề mà trong nước có thể làm được. Nhưng cuối cùng, theo tôi, cần phải có sự hợp tác của chính phủ với những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, để tiếp tục đưa những vấn đề về Biển Đông, về những tranh cãi với Trung Quốc và các nước khác một cách đàng hoàng và có hệ thống.

Như thế sẽ giúp ích rất nhiều, không những cho dư luận trong nước, mà còn cho cả các nhà khoa học, nghiên cứu về Biển Đông.

Trung Quốc tuyên truyền rất dữ nhưng sai lạc về Biển Đông

Trung Quốc tuyên truyền rất dữ dội trong công chúng của họ về vấn đề Biển Đông. Họ có không biết bao nhiêu người làm việc này, những người gọi là « học giả » của họ.

Nhưng tôi nghiên cứu về Trung Quốc, tôi thấy phần lớn những cái gọi là « nghiên cứu » của họ không có giá trị. Còn những nghiên cứu có giá trị thì tôi thấy họ chưa đưa ra, chỉ dùng riêng cho họ với nhau thôi.

Vấn đề đó cực kỳ nguy hiểm, bởi vì khi đưa thông tin ra rất nhiều, ở trong nước cũng như ngoài nước, nhưng lại là những thông tin sai lạc, thì đến khi phải thay đổi chính sách hay là bị buộc phải nhượng bộ trước công luận quốc tế, thì không làm được - tôi thấy Trung Quốc hiện nay họ cũng chưa làm được điều đó - thành ra đã nói càn rồi thì tiếp tục làm càn. Mà tiếp tục làm càn như vậy, lấy thịt đè người, là điều rất nguy hiểm.

Việt Nam đi chậm nhưng chắc hơn Trung Quốc trong việc quảng bá về Biển Đông

Tôi thấy chậm nhưng mà nếu đi đàng hoàng thì sẽ chắc. Quyển sách này tôi chưa đọc, nhưng qua những lời giới thiệu, kể cả phỏng vấn với ông chủ biên thì tôi thấy đây là một bước đi vững chắc. Có bước đi đầu vững chắc thì nên tiếp tục làm như vậy.

Và nên tiếp tục làm sao để có sự tham gia của những người không chỉ là nghiên cứu trong chính phủ. Bởi vì những người nghiên cứu trong chính phủ, dù muốn dù không, bên Trung Quốc hay bên Việt Nam cũng vậy, đều phải nghe theo chỉ dẫn của các lãnh đạo, mà khi nghe lời chỉ dẫn, nghĩa là dù muốn dù không, nghiên cứu cũng sai lệch, hay là có nhiều cái không dám nói thẳng nói thật. Mà như vậy rất nguy hiểm.

Tôi nghĩ là Việt Nam đi sau Trung Quốc (trong lãnh vực này), nhưng mà đi sau, không có nghĩa là không có lợi, đi sau là học được những bài học của người ta.

Trong năm qua, ở Mỹ hay là ở nước ngoài, tôi gặp rất nhiều những người gọi là « học giả » của Trung Quốc, họ có bằng cấp cao, nhũng chức vụ rất cao, nhưng mà họ vênh váo ăn nói ngang tàng. Có thể nói là cùng trong một bài nói chuyện, họ có thể có những phân tích ngược lại nhau, nhưng họ chả cần để ý vì họ lấy sức mạnh đè người. Làm như vậy không được.

Một nước nhỏ như Việt Nam cần làm việc đàng hoàng chứng minh cho người ta biết mình làm việc đàng hoàng, có tình, có lý, bởi vì thật ra vấn đề này không chỉ là vấn đề nghiên cứu (thuần túy) mà là nghiên cứu để cung cấp tài liệu cho việc tranh đấu, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, bảo vệ an ninh trong khu vực. Và như thế, phải chứng minh cho thế giới biết là người Việt Nam đàng hoàng.

Cần đẩy mạnh các cuôc hội thảo quốc tế về Biển Đông

Đây là vấn đề rất tốt, tốt không chỉ vì giúp cho Việt Nam quảng bá vấn đề biển đảo của mình, mà tốt để cho Việt Nam học được cách quảng bá, hay là trao đổi với nước ngoài. Theo dõi những hội thảo mà chính phủ Việt Nam hay Bộ Ngoại giao Việt Nam giúp tổ chức, thì ta thấy tiến triển rất khả quan.

Từ hội thảo lần đầu cho đến hội thảo lần thứ 3 vừa rồi, và sắp tới, tháng 11 sẽ có hội thảo lần thứ 4, các hội thảo đó ngày càng tập hợp được nhiều người trên thế giới đến để trao đổi, kể cả những học giả của Trung Quốc.

Thành ra mình học hỏi được cùng người khác, những người nói sai, mình cũng thấy cái sai của họ như thế nào. Những người nói như « họng cối xay » thì mình cũng biết, qua đó mình tìm được cách để trình bày vấn đề của Việt Nam.

Và hơn thế nữa, thái độ của Việt Nam ở các hội thảo quốc tế, cũng sẽ làm cho người ta thấy là người Việt Nam đàng hoàng, muốn tìm hiểu vấn đề, muốn tìm giải pháp, chứ không phải là cứ nói ngang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.