Vào nội dung chính
VIỆT NAM

Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác chống chất độc da cam

Thứ năm 10/08/2012 vừa qua, Mỹ và Việt Nam cùng bắt đầu thực hiện chiến dịch tẩy rửa chất độc màu da cam, do quân đội Mỹ rải xuống trong thời kỳ chiến tranh. Sự kiện được nhật báo công giáo La Croix số ra hôm nay quan tâm đến qua bài viết đề tựa « Việt Nam và Hoa Kỳ cùng hợp tác chống chất độc da cam ». Bài viết cho rằng đây cũng là dịp để cho hai quốc gia cựu thù thắt chặt lại mối quan hệ nhằm đối phó với tham vọng của Trung Quốc.

Một màn trình diễn nghệ thuật nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Hà Nội, 10/08/2012.
Một màn trình diễn nghệ thuật nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Hà Nội, 10/08/2012. REUTERS/Kham
Quảng cáo

Tờ báo nhận xét, đây là lần đầu tiên Mỹ trực tiếp thực hiện kiểu chiến dịch như thế tại Việt Nam, kể từ sau khi rút quân khỏi ra đất nước vào năm 1973. Tuy nhiên, từ năm 1989, Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 50 triệu đô-la để giúp những người Việt Nam tàn tật, thông qua các tổ chức y tế và tổ chức phi chính phủ.

Tờ báo nhắc lại rằng vào năm 1961, trước các khó khăn của giới quân sự, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông John Kennedy đã bật đèn xanh, cho phép quân đội Mỹ và quân đội miền Nam Việt Nam sử dụng chất độc da cam để tiêu hủy các cánh rừng, nơi ẩn náu của quân du kích, làm cho mùa màng bị nhiễm độc để chặn đứng nguồn lương thực tiếp tế cho bộ đội.

La Croix giải thích chất độc da cam là một hỗn hợp gồm hai thứ thuốc diệt cỏ, bị nhiễm độc trong quá trình sản xuất bằng các chất dioxin, trong đó có chất dioxin nổi tiếng gọi là Seveso hay TCDD. Loại chất này có thể là nguồn gốc của bệnh ung thư máu.

Năm 1997, Trung tâm nghiên cứu chống bệnh ung thư quốc tế đã liệt loại hóa chất này vào dạng gây bệnh ung thư. Nhưng mãi đến năm 2003, Học viện Y khoa của viện Hàn lâm Mỹ mới nhìn nhận rằng phơi nhiễm chất độc da cam có thể gây bệnh ung thư máu.

Ỏ những vùng nào bị phun thuốc, và nhất là những nơi chất độc này được cất giữ và sang chiết vào bình đưa lên máy bay và trực thăng – như trường hợp sân bay Đà Nẵng, hàm lượng chất độc da cam tồn tại trong đất, trên các lớp trầm tích và tầng nước ngầm là rất cao.

La Croix thuật lại lời một nhân chứng, bà Nguyễn Thị Bình, 78 tuổi ở Đà Nẵng. Ba trong số 5 người con của bà có bị dị tật bẩm sinh và tổn thương về tâm thần. Bà nói : « Người ta nói với tôi là đó có thể là do chất độc màu da cam. Trong thời kỳ chiến tranh, khi chúng tôi sống gần sân bay, có nhiều đêm chúng tôi phải che mồm vì có mùi rất khó ngửi ».

La Croix cho biết, khu căn cứ Đà Nẵng chỉ bị cấm mở cửa cho công chúng cách đây có năm năm. Đây cũng là một trong số ba địa điểm nhiễm độc nặng nhất của quốc gia, với nồng độ độc hại cao hơn 400 lần so với chuẩn chấp nhận được. Theo ước tính của Hà Nội, có khoảng 3 triệu người bị phơi nhiễm thuốc diệt cỏ, và khoảng một triệu người trong số đó đang phải chịu đựng các di chứng để lại.

Dự án tẩy độc tại Đà Nẵng, với ngân sách tốn khoảng 43 triệu đô-la sẽ kéo dài trong vòng hai năm. La Croix cho là đây cũng là lúc hai quốc gia cựu thù thắt lại mối quan hệ trước những tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tại Trung Quốc, « tiểu độc tài Trùng Khánh » bị xét xử

Trở lại phiên xử bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, Bí thư thành ủy Trùng Khánh và bốn viên công an tham gia vào vụ án, báo Le Monde hôm nay có bài nhận định cho rằng hai phiên xử nhanh chóng diễn ra hồi tuần rồi chỉ nhằm mục đích hạ uy tín ông Bạc Hy Lai trước những người ủng hộ ông.

Trong bài viết đề tựa « Tại Trung Quốc, « tiểu độc tài Trùng Khánh » bị xét xử », Le Monde cho biết, chỉ trong hai ngày, thứ Năm và thứ Sáu 9-10/8, tại Trung Quốc, đã diễn ra hai phiên xử chớp nhoáng. Ngày đầu tiên, xử bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, Bí thư thành ủy Trùng Khánh về tội cố sát cố vấn người Anh Neil Heywood. Ngày thứ hai, xử bốn viên công an đã cố tình bao che tội ác cho vợ ông Bí thư thành ủy.

Le Monde cho rằng phiên xử bà Cốc Khai Lai và bốn viên công an cũng chính là phiên xử một « tên tiểu độc tài ». Bởi vì, cả một hệ thống đã được huy động để bảo vệ quyền lợi riêng tư của gia đình nhà lãnh đạo.

Theo lời thú tội của bà Cốc Khai Lai, động cơ gây án bắt nguồn từ việc bảo vệ cậu « quý tử » của mình, bị Neil Heywood bắt cóc đe dọa nhằm mục đích thu hồi số tiền 16,5 triệu euro – tiền hoa hồng 10% mà gia đình ông Bạc Hy Lai hứa chi trả trong một dự án bất động sản tại Pháp và Trùng Khánh.

Từ sự việc đó, bà Cốc Khai Lai đã lên kế hoạch để trừ khử Neil Heywood. Bà cho mời ông đến Trùng Khánh. Và trong bữa ăn tối, bà đã chuốc say rượu và đầu độc ông.

Le Monde viết rằng điều đáng sợ trong vụ án này là có sự tham gia của lực lượng an ninh. Đầu tiên là ông Vương Lập Quân, cựu Phó thị trưởng và Giám đốc công an tỉnh Trùng Khánh. Vương Lập Quân đã chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hôm 6/2. Và để cứu mạng sống của mình, chính ông ta đã bán các thông tin này cho phía Mỹ.

Ngay khi nhận được tin đòi tống tiền của Neil Heywood, bà Cốc Khai Lai đã đến hỏi ý kiến Vương Lập Quân. Ban đầu, ông ta đề nghị dàn dựng một chiến dịch chống buôn thuốc phiện để giết Neil Heywood. Nhưng sau đó, viên cựu giám đốc đã từ bỏ ý định. Tuy nhiên, bà Cốc Khai Lai đã báo cho ông Vương biết kế hoạch đầu độc, theo như lời của một nhân chứng. Một khi tội ác được thực hiện, vợ ông Bí thư thành ủy đã đến thuật lại chi tiết vụ việc với Vương Lập Quân mà không ngờ rằng ông ta đã ghi âm lại toàn bộ câu chuyện.

Đây cũng điểm mấu chốt dẫn đến hành vi phạm tội của bốn viên công an, trong phiên xử thứ hai. Le Monde cho biết bốn viên công an này cũng không phải là những người tầm thường : Quách Vệ Quốc – nhân vật số hai trong ngành công an tỉnh Trùng Khánh, được xem như là tay chân thân tín của Bạc Hy Lai ; ông trưởng bộ phận chống tội phạm tỉnh Trùng Khánh ; người phụ trách nhóm bác sĩ pháp y và một phó chủ tịch quận.

Le Monde trích dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã : « Bốn người này đã che giấu sự có mặt của bà Cốc Khai Lai tại hiện trường bằng cách tạo ra các nhân chứng giả, dựng chứng cứ giả và bằng nhiều thủ đoạn khác ».

Theo phân tích của ông Jean-Philippe Beja, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Bắc Kinh, phiên xử lần này còn nhằm mục đích « tiến hành một sự tấn công chống lại mô hình Trùng Khánh (do Bạc Hy Lai dựng nên), thông qua việc mô tả nó giống như là một vương quốc độc lập, có người phục vụ riêng cho gia đình. Ngay cả chính vợ ông bí thư, trên nguyên tắc là không giữ một chức vụ nào, nhưng lại có khả năng huy động được các thể chế của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân để bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình ».

Cũng theo vị chuyên gia trên, thì chắc chắn là Bạc Hy Lai cũng bị liên đới. Và phiên xử Vương Lập Quân chỉ nhằm mục đích xác định rõ trách nhiệm liên quan của ông bí thư. Theo ông Beja, « bằng cách trưng bày ra rằng luật pháp đã bị bẻ cong vì quyền lợi cá nhân, như vậy sẽ hạ uy tín Bạc Hy Lai trước những người ủng hộ ông».

Cuối cùng, nhà nghiên cứu Trung Quốc học này đưa ra kết luận rằng trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18, thời điểm chuyển giao quyền lực trên thượng tầng, « đây cũng là cách để chứng tỏ cho những người ủng hộ Bạc Hy Lai hiểu rằng tốt hơn hết là nên buông xuôi và cũng đừng ủng hộ cho ông ta nữa ». Như vậy, Đại hội có thể ra quyết định khai trừ đảng Bạc Hy Lai trước khi đem giao nộp cho công lý.

Thông tin giả dối trên các hiệu kem chống nắng

Gần đây, bà Laurence Coiffard – giáo sư dược học trường đại học Nantes, chuyên gia về mỹ phẩm, cho công bố kết quả một công trình nghiên cứu đáng ngại. Theo bà, gần ¼ các sản phẩm kem chống nắng khác nhau có chỉ số bảo vệ thấp hơn mức ghi trên bao bì. Liên quan đến chủ đề này, Libération đăng một bài điều tra đề tựa « Có nên để kem chống nắng ? ».

Từ nhiều năm nay, giáo sư Laurence Coiffard nghi ngờ hiệu quả thực tế của các loại kem chống nắng. Trong một nghiên cứu gần đây, bà cho thực hiện hơn 200 cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm (in vitro). Theo bà, phương pháp thử nghiệm trên con người (in vivo) là không chính xác do nó đánh giá quá cao hiệu quả của một số dòng kem, chẳng hạn như các sản phẩm lọc từ các khoáng sản hay có chứa chất kháng viêm.

Theo Libération, đề tài khoa học này đáng được đưa ra bàn cãi nhanh chóng. Trong vòng 25 năm, số lượng bệnh nhân ung thư da đã tăng lên gấp 3 lần. Dĩ nhiên, bảo vệ chống lại các tia cực tím UV không chỉ lệ thuộc vào chất lượng loại kem mà còn vào cách hành xử của từng cá nhân. Mục đích căn bản của nghiên cứu là quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, do đó các sản phẩm phải giữ đúng lời cam kết của mình.

Trong một kết quả nghiên cứu công bố vào tháng sáu năm nay, giáo sư Laurence Coiffard khẳng định rằng nhiều hiệu kem chống nắng đã để quá liều chất kháng viêm có nguồn gốc thực vật (Allantoine, Bisabolol,…), chẳng hạn như kem chống nắng của Yves Rocher.

Cũng theo giáo sư, chỉ số bảo vệ chống các tia UV đã bị đánh giá quá cao. Thử nghiệm trên người chỉ cho phép đo trong bao lâu vết bỏng xuất hiện. Như vậy, chất kháng viêm có tác dụng làm chậm lại hiện tượng này, góp phần nâng chỉ số chống nắng, trong khi mà chúng không thật sự bảo vệ da trước các tia UV, gây ung thư.

Liên quan đến các loại kem chống nắng có chứa khoáng chất và sinh học, giáo sư Laurence Coiffard cho rằng dòng sản phẩm này thiếu tính hiệu quả. Bà cho biết, các dòng sản phẩm này không có chứa màng lọc hóa chất và chỉ có lớp lọc khoáng chất : ô-xít kẽm và ô-xít titan. Kết quả là các loại kem này « không thể nào đạt tới mức bảo vệ cao từ 50 hay 50+. Chỉ số cao nhất cũng chỉ ở mức 30, với điều kiện phải sử dụng các màng lọc dưới dạng hạt nano ». Nghĩa là mỏng hơn sợi tóc đến 10.000 lần. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã nhìn nhận với Libération rằng sản xuất kem « sinh học » có hiệu quả rất khó làm và đòi hỏi một bí quyết thật sự.

Tóm lại, nghiên cứu của giáo sư Laurence Coiffard đã gây ra nhiều tranh cãi. Chủ yếu, các nhà sản xuất cũng như là Cơ quan an toàn dược phẩm Pháp chỉ trích nhiều về phương pháp thực hiện, cho rằng các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của bà là vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.