Vào nội dung chính
NGA

Nga thương lượng mở lại căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba

Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti hôm nay 27/07/2012 dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nga loan báo, Matxcơva đang thương thảo để mở lại các căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba. Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đang ở thăm Nga cũng tuyên bố, Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác quân sự với Matxcơva.

Vịnh Cam Ranh từng là nơi Nga đóng căn cứ Hải Quân (1979-2001). Ảnh chụp  trong chuyến thăm vịnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 3/6/ 2012.
Vịnh Cam Ranh từng là nơi Nga đóng căn cứ Hải Quân (1979-2001). Ảnh chụp trong chuyến thăm vịnh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 3/6/ 2012. REUTERS/Jim Watson/Pool
Quảng cáo

Trả lời hãng tin Nga về tình hình các cuộc thương lượng từ nhiều năm qua đã đi đến đâu, Phó đô đốc Viktor Tchirkov, Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nga khẳng định : « Chúng tôi tiếp tục hành động để lực lượng hải quân Nga có thể đóng quân ở ngoài biên giới Liên bang Nga. Trong khuôn khổ kế hoạch mang tính quốc tế này, chúng tôi đang nghiên cứu vấn đề thành lập các căn cứ hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật tại Cuba, quần đảo Seychelles và tại Việt Nam ».

Cuộc phỏng vấn trên đây được đăng tải trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Sotchi, Hắc Hải trong ngày hôm nay. 

Trước khi bước vào cuộc họp, Chủ tịch Trương Tấn Sang khi trả lời đài phát thanh Tiếng nói nước Nga đã tuyên bố : « Việt Nam đã từng có quan hệ hợp tác và đối tác chiến lược chặt chẽ với Nga trong một thời gian dài, và quan hệ đối tác này sẽ tiếp tục được triển khai »

Ông Trương Tấn Sang nói thêm : « Đó là lý do vì sao chúng tôi ưu tiên cho Nga thuê căn cứ Cam Ranh, đặc biệt là trong mục đích hợp tác quân sự. Sau khi Nga chấm dứt sự hiện diện quân sự tại đây, Việt Nam đã quản lý toàn bộ cảng Cam Ranh và không hề có ý định hợp tác với quốc gia nào khác theo hướng sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự ». Chủ tịch Việt Nam nhấn mạnh : « Việt Nam có toàn quyền quyết định trên lãnh thổ của mình, và Cam Ranh là một cảng của Việt Nam ». 

Cảng Cam Ranh nằm tại vịnh Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, là cảng nước sâu lý tưởng nhất Đông Nam Á, có vị trí chiến lược quan trọng. Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, đến năm 1979 cảng Cam Ranh đã được Hà Nội cho cho Matxcơva thuê với thời hạn 25 năm và trở thành căn cứ hải quân ở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô thời đó. 

Hồi năm 2001, lúc đó ông Vladimir Putin đã là Tổng thống Nga, đã loan báo việc chấm dứt hợp đồng, rời khỏi căn cứ hải quân Cam Ranh. Nga cũng rút khỏi Cuba, nơi có một trạm nghe trộm đặt ở Lourdes từ thời Liên Xô. Vào thời đó, Matxcơva giải thích các quyết định trên đây là do bàn cờ chính trị thế giới thay đổi, và sự cần thiết phải tập trung các nỗ lực để đối phó với mối đe dọa khủng bố.

Ngoài cảng Sébastopol tại Crimée ở miền nam Ukraina, nơi đặt căn cứ của hạm đội Hắc Hải, Nga chỉ giữ lại một « điểm tiếp liệu và hỗ trợ kỹ thuật » tại cảng Tartous thuộc Syria, được Hải quân Nga sử dụng từ thập niên 70.

Về phía Hoa Kỳ thì khẳng định không quan ngại trước khả năng Matxcơva và Hà Nội xích gần lại với nhau. Hôm nay ông George Little, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nói với báo chí là : « Chính phủ Nga có quyền lợi ở nhiều nơi trên thế giới, và có quyền xúc tiến các lợi ích này. Bản thân Hoa Kỳ cũng có lợi ích quan trọng trong việc duy trì quan hệ quân sự tốt đẹp với Nga ».

Trả lời câu hỏi, liệu đây có phải là đáp trả của Nga trước chiến lược mới của Mỹ hướng về châu Á – Thái Bình Dương nhằm phát triển quan hệ quân sự với các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho rằng « trong giai đoạn hiện nay, chưa thấy xu hướng nào cụ thể ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.