Vào nội dung chính
VIỆT NAM

WWF : Việt Nam là trọng điểm của tệ buôn lậu động vật quý hiếm

Theo AFP, Tổ chức Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên World Wide Fund for Nature Fund (WWF) xếp Việt Nam và Mozambic là những nước buông lỏng đấu tranh chống tệ buôn lậu các sản phẩm làm từ động vật quý hiếm cần được bảo vệ như voi, hổ và tê giác.

Sừng tê giác bị hải quan Hồng Kông tịch thu.
Sừng tê giác bị hải quan Hồng Kông tịch thu. Reuters
Quảng cáo

Trong bảng xếp hạng các nước liên quan đến tệ buôn lậu các sản phẩm từ voi, hổ và tê giác, WWF đưa ra 23 nước châu Á và châu Phi. Đây là những nước bị tổ chức bảo vệ động vật hoang dã coi là nơi xuất phát điểm và trung chuyển buôn lậu động vật và các sản phẩm từ động vật quý hiếm.

Theo tổ chức phi chính phủ này, Việt Nam, Lào và Mozambic là những nước thiếu tích cực, thậm chí không có biện pháp nào để đấu tranh chống tệ săn bắt, buôn bán động vật quý hiếm. Đặc biệt WWF còn ghi nhận Việt Nam là nơi vẫn thường diễn ra các vụ buôn lậu sừng tê giác, tuy nhiên các vụ như vậy rất ít khi bị bắt giữ.

Hồi năm ngoái, cảnh sát Nam Phi đã nhiều lần bắt giữ các đối tượng người Việt Nam buôn lậu sừng tê giác với số lượng lớn. Ngoài ra nhiều lô hàng ngà voi với số lượng lên đến hàng tấn vẫn liên tục bị phát hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng các đối tượng buôn lậu không mấy khi bị đưa ra xét xử.

Về tình trạng buôn bán các sản phẩm làm từ ngà voi, WWF cũng đưa ra cảnh báo du khách đến Thái Lan không nên mua các sản phẩm loại này tại đây. Ở Thái Lan việc buôn bán ngà của voi đã thuần dưỡng là được phép, vì vậy những tổ chức buôn lậu ngà voi đã sử dụng Thái Lan như một địa điểm để trung chuyển. Các loại ngà voi được chuyển đến từ châu Phi sau đó được đóng nhãn mác ngà voi Thái và được bán lại một cách hợp pháp.

Theo con số của cảnh sát quốc tế Interpol mà WWF có được thì hàng năm thị trường chợ đen buôn bán các loại động thực vật quý hiếm cần được bảo vệ trên thế giới hàng năm lên tới 13 tỉ euro.

Theo WWF, các nước trung chuyển phải tích cực hơn nữa trong việc đấu tranh với tệ buôn lậu các loại sản phẩm nói trên. Thời gian gần đây nhiều nước châu Âu đã tăng cường các biện pháp kiểm tra tại cửa khẩu, và đã phát hiện có hiệu quả nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm từ các động vật hoang dã, quý hiếm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.