Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Tiểu thuyết « Biển và Chim bói cá » : tâm hồn thơ trong một thế giới đang tan rã

Đăng ngày:

Đầu tháng Tư vừa qua, có một sự kiện văn hóa quan trọng. Đó là tác phẩm "Biển và Chim bói cá " của nhà văn Bùi Ngọc Tấn được trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 - 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới.

Trang bìa cuốn "La Mer et le Martin-pêcheur/Biển và Chim bói cá"
Trang bìa cuốn "La Mer et le Martin-pêcheur/Biển và Chim bói cá"
Quảng cáo

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn nổi tiếng với tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000, nói về nhà tù, trại cải tạo ở Việt Nam, mà bản thân ông đã từng là một chứng nhân bất đắc dĩ. Sau khi ra tù, nhà văn Bùi Ngọc Tấn được nhận vào làm việc tại một xí nghiệp hải sản ở thành phố Hải Phòng. Hai mươi năm gắn bó với những người làm nghề biển đã cho ông chất liệu để làm nên cuốn tiểu thuyết này.

Tiểu thuyết "Biển và Chim bói cá" xuất bản ở Việt Nam năm 2009, được tái bản năm 2010, sau đó được dịch giả Tây Hà chuyển sang tiếng Pháp. Cuốn sách được nhà xuất bản l'Aube phát hành năm 2011, với tựa đề "La mer et le martin-pêcheur". Nhân sự kiện này, chúng tôi đã hỏi chuyện nhà văn Bùi Ngọc Tấn và dịch giả Tây Hà.

14:14

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn và dịch giả Tây Hà

 
Biển và Chim bói cá – cuốn duy nhất trong 5 tiểu thuyết ra đời suôn sẻ

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn rất ít trả lời báo chí truyền thông. Chúng tôi rất mừng vì được ông nhận lời nói chuyện. Trước hết, chúng tôi xin hỏi cảm tưởng của nhà văn sau khi biết tin về giải thưởng mang tên Henri Queffélec của Festival Sách và Biển (Pháp) được trao tặng cho tác phẩm Biển và chim bói cá. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho biết tâm sự của ông :

Bùi Ngọc Tấn : « Tôi muốn nói điều này trước khi trả lời. ‘‘Biển và Chim bói cá’’ là một trong năm cuốn tiểu thuyết của tôi. Và đấy là quyển duy nhất được công bố suôn sẻ mà không gặp khó khăn gì. Còn ba quyển tiểu thuyết đầu khi tôi viết, thì bị tịch thu khi tôi bị bắt năm 1968. Và quyển thứ tư của tôi là ‘‘Chuyện kể năm 2000’’ thì khi in xong cũng bị cấm, gọi đúng danh từ là ‘‘thu hồi, tiêu hủy’’.

Biển và Chim bói cá không bị số phận như bốn quyển trước, mà lại có số hên là được giải thưởng, mà lại là một giải thưởng danh giá ở Pháp, là một nước có nền văn hóa lâu đời, một nền văn hóa đầy sức thuyết phục với lại thế giới. Tôi nhận được tin. Đây là điều mình không ngờ đến.

Duyên kỳ ngộ với dịch giả Tây Hà

… Phải nói thật với anh là, cái giải thưởng này, cái Liên hoan Livre et Mer này, chính tôi cũng không biết là có nó. Bây giờ, nhận được giải thì mới biết. Nhận được giải thưởng tôi vui lắm. Đây là một giải thưởng quốc tế mà tôi tin chắc là Ban giám khảo rất công tâm, và không có một yếu tố nào ngoài văn học chen vào trong việc thẩm định giá trị của nó. Cho nên tôi tự hào, vì đây là một cuộc thi mà tôi thấy gồm có những người tài giỏi, những nhà văn chuyên nghiệp, kể cả có ông cựu đô đốc hải quân, là người rất hiểu về biển. Rồi có những nhà văn ở Canada, ở Bỉ. Cho nên tôi nói đùa với dịch giả Tây Hà là chiến thắng của anh em mình là được đấy, chứ không đến nỗi xoàng đâu. »

Tác phẩm Biển và Chim bói cá được dịch giả Tây Hà chuyển sang tiếng Pháp với tên gọi La mer et le martin-pêcheur, do nhà xuất bản L’Aube phát hành năm ngoái. Cơ duyên nào và vì sao dịch giả Tây Hà lại quyết định chọn dịch cuốn sách này.

Tây Hà : « Tôi muốn dịch Bùi Ngọc Tấn, vì trong quyển Hợp tuyển thi văn Việt Nam/Anthologie de la littérature vietnamienne của giáo sư Lê Thành Khôi, có lời khen Bùi Ngọc Tấn. Vì thế, năm kia về Việt Nam, tôi mới nhờ một người trong họ liên lạc và xuống Hải Phòng gặp tác giả. Ông đưa cho tôi quyển Biển và Chim bói cá, và nói rằng, ông rất mừng vì có người định dịch quyển này. Khi cầm quyển sách đọc qua, tôi thấy cũng khó. Tôi cũng biết là có nhiều người trong nghề đã xem qua cuốn sách nhưng không nhận dịch. Nhưng chúng tôi khi gặp nhau đã có cảm tình với nhau ngay. Thế thì, vì tình cảm, vì liều lĩnh, tôi cũng thử liều xem dịch quyển này. »

Định cư ở Pháp từ lâu, dịch giả Tây Hà là người gắn bó với cả hai nền văn hóa Việt Pháp, sau đây là suy nghĩ của ông về công việc dịch thuật cuốn tiểu thuyết vừa được vinh danh của nhà văn Bùi Ngọc Tấn :

Tây Hà : « Dịch Bùi Ngọc Tấn là một thử thách, vì ông viết rất hay, từ vựng của ông cũng rất phong phú. Văn của ông vừa dí dỏm, vừa đậm hồn thơ. Báo chí ở Festival Concarneau so văn của Bùi Ngọc Tấn với Vaclav-Havel, với Milan Kundera, rất nên thơ và rất dí dỏm. Dịch sang tiếng Pháp thì phải chuyển được cái hồn thơ. Cái dí dỏm thì nằm trong ý của chuyện rồi. Còn để chuyển được cái hồn thơ cũng khó, vì mỗi ngôn ngữ - trong tâm của độc giả - có cái gì đó khác hẳn nhau. Khi một lời được nói ra thì nó đập vào tâm hồn người đọc. Tâm hồn của người đọc Pháp khác với tâm hồn người đọc Việt Nam. »

Đời sống ở biển qua cái nhìn thơ trẻ

Về Biển và Chim bói cá, phản ứng của độc giả Việt Nam có nhiều khác biệt. Trong khi một số người ca ngợi sự phong phú của đời sống trong cuốn tiểu thuyết, thì một số người khác lại cho rằng cuốn sách khó theo dõi vì ngồn ngộn chi tiết, rất nhiều nhân vật, nhưng thiếu đi một cốt truyện rõ ràng. Về việc làm thế nào để đi đến được với chiều sâu của Biển và Chim bói cá, chúng tôi đặt câu hỏi với tác giả, hy vọng những gì ông nói sẽ giúp thêm cho quý vị trong việc thưởng thức tác phẩm này.

RFI : « Thưa nhà văn, có một số người cho rằng tác phẩm này tương đối khó đọc. Riêng bản thân tôi, khi đọc thấy phần một của câu chuyện, có nhiều tuyến nhân vật đan xen, nhưng có một nhân vật là cậu bé, mà ông đã dành cho một lượng trang khá lớn. Và dường như cái nhìn cuộc sống của những người ở biển, qua con mắt cậu bé đó, thì nó làm cho phần này có một cái gì đó tươi mát, cuốn hút. Vô hình chung, nó trở thành một chất keo, kết dính những mảnh đời khác, những cảnh ngộ khác, trở thành một động lực của phần một. Nhưng đến phần hai thì cậu bé không còn xuất hiện nữa. Có cảm giác như phần hai của tiểu thuyết có một cái đó ngột ngạt. Phải chăng đó là một trong những điều mà ông muốn truyền đến độc giả ? »

Bùi Ngọc Tấn : « Đúng là như thế. Cái cậu bé lần đầu tiên ra biển, được bố thưởng một chuyến đi biển, sau khi thi đỗ chuyển cấp trung học, chính là tôi, … là anh, ... là những cậu bé được sinh ra, nhìn đời với con mắt trong trẻo tuyệt vời, nhìn biển với con mắt háo hức, và cảm thấy tất cả là của mình, và dành cho mình. Tôi muốn diễn đạt cái cảm xúc rất trong trẻo đối với đời, đối với người và những gì chờ đợi mình.

Thế nhưng rồi, cái thực tế không phải thế. Thực tế là, cậu bé dần dần nhận ra mỗi người có hai khuôn mặt. Cuộc sống có hai khuôn mặt. Thế rồi, có lẽ phải định nghĩa lại về bố chăng ? Vì bố mình không như mình hằng tưởng tượng, hằng nghĩ, hằng quan niệm.

Tôi muốn nói một ý thế này : Hãy vun trồng những gì tốt đẹp nhất cho con người, đừng để thui chột đi, đừng để thất vọng. Trong phần hai, tôi trình bày một thực tế mà cậu bé sẽ sống, rồi sống trong cái ấy, như cậu ta đã đi, không phải lái tầu, mà chuyên khám tầu, chuyên đi lập biên bản tầu, và cậu ta thành một con người khác. Và cậu ta coi đó là cậu ta nhận thức được cuộc đời. Đó là một điều rất buồn. »

Cuộc sống vừa lỏng lẻo, vừa chặt chẽ

Phần một của tiểu thuyết Biển và Chim bói cá kết thúc với cuộc chia tay giữa thuyền trưởng Chơn và Hòa vào một sớm mù sương bên bờ biển, khi tàu của Chơn bắt đầu một đợt ra khơi rất dài ngày, chia tay ngay sau vào lúc họ vừa mới đến được với nhau, sau bao nhiêu ngăn trở. Kết thúc phần một cũng là lúc tính cách hồn nhiên của nhân vật cậu bé mất đi hoàn toàn. Trong phần hai, cuộc sống của những người lao động trên biển ít hiện diện hơn nhiều. Tác giả Biển và Chim bói cả dành sự chú ý nhiều hơn cho cuộc sống trên bờ. Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối dường như đã rất khác. Cuộc sống đang sang một trang mới. Nói về phần hai của tiểu thuyết, nhà văn Bùi Ngọc Tấn cho biết :

Bùi Ngọc Tấn : « Trong cái phần này, tôi muốn trình bày một cuộc sống như tôi nhìn thấy và như tôi thấu hiểu nó. Cuộc sống mà tôi sống hai mươi năm ở xí nghiệp đánh cá này không chia ra tuyến nọ, tuyến kia, không có người cực xấu và người cực tốt, người buôn ma túy và anh công an đi bắt kẻ buôn ma túy, có ông Jean Valjean và cảnh sát Javert.

Cuộc sống của đa số dân Việt Nam bình thường, sống trong giai đoạn đang rất gian lao đó, là cuộc sống người ta quanh quẩn kiếm ăn, bằng lòng với những gì nhỏ nhoi đạt được, rồi hợp tác với nhau chuyện này, rồi lại rời nhau ra, rồi lại hợp tác với người khác chuyện khác, cốt làm sao qua được ngày. Đấy là cuộc sống là tôi chứng kiến và tôi muốn mô tả.

Tôi chiêm nghiệm điều này từ lâu lắm rồi : Cuộc sống sao rất lỏng lẻo, mà nó lại chặt chẽ đến thế. Chẳng hạn, chúng tôi chẳng liên can gì đến ông Mao Trạch Đông cả, nhưng vì có ông Mao Trạch Đông mà chúng tôi bị bắt ấy. Nói được điều ấy tôi cho là một nhà văn đích thực. Tôi thì tôi cố để đạt được một chút cái phẩm chất ấy. »

Biển và Chim bói cá với công chúng

Cảm nhận của các độc giả Pháp như thế nào đối với cuốn Biển và Chim bói cá/La mer et le martin pêcheur, chúng tôi đặt câu hỏi với dịch giả Tây Hà. Ông chia sẻ :

Tây Hà : « Độc giả Pháp rất cảm động khi đọc về những người mà cuộc sống khổ sở, vất vả như thế. Đọc xong họ rất cảm động, thương cho những người sống ở đấy. Cuốn sách viết rất nhiều tình cảm, rất có hồn thơ. Người ta thích là thế. Ngay cách đùa dí dỏm của người Việt Nam, người Pháp cũng hiểu, cũng thích. Còn về cấu trúc của truyện, thì ở Đại hội Liên hoan Sách và Biển, rất được người ta hoan nghênh. Trong bản tuyên dương của Ban giám khảo có lời khen, cấu trúc rất tuyệt vời. »

Tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn được người đọc tiếp nhận ở nhiều góc độ khác nhau, nhà văn cho chúng ta biết thêm một con đường khác đưa Biển và Chim bói cá đến với công chúng.

Bùi Ngọc Tấn : « Ngoài việc báo chí có một số bài, nhưng đặc biệt là [tiểu thuyết Biển và Chim bói cá] lại được đài Tiếng nói Việt Nam đọc dòng dã trong vòng một năm trời. Tôi rất vui khi thấy đài Tiếng nói Việt Nam đọc tác phẩm của tôi. Tôi cũng xin kể một chuyện vui ở đây. Sau đó, tôi được 800.000 đồng nhuận bút, tức là khoảng 40 đô la, nhưng vui lắm. Chân tôi bị đau, tôi đi chữa chân bằng xoa bóp, mấy ông xoa bóp khi biết tôi là tác giả Biển và Chim bói cá, thì họ vui lắm, rồi họ làm đấm bóp, rồi chuyện trò thích lắm. Cái đó động viên tôi nhiều lắm ! »

Viết vì bị dồn đến chân tường, viết để giải tỏa, viết để ghi lại

Biển và chim bói cá nói về đời sống của một liên hiệp đánh cá biển, về thân phận những con người lấy biển là nguồn sống. Mô tả chân thực và cụ thể đời sống thường ngày của những người dân biển qua hai thập niên đầy biến chuyển, Bùi Ngọc Tấn đồng thời làm công việc của một người « chép sử ». Trả lời Diễn đàn, một tờ báo mạng của trí thức gốc Việt ở Pháp, khi được hỏi nếu có thể tóm lại một câu về cuốn sách này, thì ông nói gì, nhà văn cho biết : đây là sử thi, quyển tiểu thuyết sử thi về sự tan rã. Đáp lại đề nghị của chúng tôi xin được giải thích rõ hơn về điều này, nhà văn Bùi Ngọc Tấn giải thích :

Bùi Ngọc Tấn : « Tôi có nói với Diễn đàn là, đây là một quyển sử thi về sự tan rã. Sử thi không chỉ là để nói về chuyện thành lập cái này, cái kia. Trong cái tan rã, có những cái rất bi hùng. Tan rã ở đây là về ý thức hệ, từ chỗ tuyệt đối tin tưởng, rồi đến hoang mang dao động rồi mất lòng tin ; tan rã từ chỗ đoàn kết gắn bó với nhau trở nên rời rạc, phân rã, mỗi người một kiểu ; tan rã trong tình bè bạn, tan rã trong tình đồng chí, tan rã trong một tổ chức, một lý thuyết tổ chức chỉ đạo sản xuất. Tôi nghĩ rằng, tôi cố gắng phản ánh thực tế của sự tan rã ấy bằng những chi tiết cụ thể, chi tiết sinh động, mà không ai có thể chối cãi được. Không ai có thể bảo là tôi bịa đặt. »

Tác giả của ba cuốn tiểu thuyết bị tịch thu trước khi xuất bản, bị giam giữ nhiều năm, rồi cuốn tiểu thuyết thứ tư lại bị thu hồi và tiêu hủy, chưa kể bao nỗi gian truân trong cuộc đời, sức mạnh nào khiến ông vẫn tiếp tục sáng tác. Chúng tôi đặt câu hỏi với nhà văn.

Bùi Ngọc Tấn : « Tôi có viết một câu về ông Lê Đại Thanh, trong bài ‘‘Một ông già sống cho đến khi chết’’ (in trong Rừng Xưa xanh lá, NXB Hải phòng, 2003). Tôi viết như thế này : Ông viết như một người bị dồn đến chân tường. Dồn đến chân tường cũng tạo nên sức mạnh. Tôi cũng là người viết vì bị dồn đến chân tường.

Cái thứ hai là để mà vợi. Trong Chuyện kể năm 2000, tôi có nói, một anh đi tù ra không có chỗ nào để đi đến nữa thì kinh lắm. Cái trải nghiệm của Dostoievski là có thật đối với tôi. Mà Trần Dần có câu thơ tôi thích lắm : ''Hãy chỉ cho tôi nơi nào vợi bớt được tôi đi''. Không còn nơi nào vợi, chỉ còn trang giấy trắng mà vợi chứ không thì … Có lẽ nếu không viết được như thế thì tôi, hoặc là ung thư, hoặc là mắc một bệnh thần kinh gì đó rồi.

Trở lại lúc tôi viết Chuyện kể năm 2000, là khi tôi chưa đến 60 tuổi. Tôi viết thâu đêm. Hồi đấy tôi vẫn còn đi làm. Tôi viết, người khỏe ra. Sáng tôi đến cơ quan, tôi lại làm mọi việc, hoặc là tôi lại uống bia. Thế rồi, tôi tìm một chỗ nào, tôi ngồi cày nốt. Rồi đêm tôi thức, chong đèn dầu, mũi đen xì, viết không có quạt, nóng bức, … nhưng mà khỏe ra. Cái đó là nhu cầu cần được giãi bày.

Thứ nữa, tôi nghĩ rằng mình đã chứng kiến những việc này, đã sống những ngày như thế này, mà bỏ qua, đến tuổi chết mang theo thì không thể được. Bây giờ nói nôm na, nói to tát ra là trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà văn, nhưng mà tôi chỉ thấy, nếu không viết thì tiếc quá, thế thành ra tôi cố viết … ».

RFI xin chân thành cảm ơn nhà văn Bùi Ngọc Tấn và dịch giả Tây Hà đã vui lòng dành thời gian cho tạp chí hôm nay. 

Cảm nghĩ và nhận xét của một số nhà văn và nhà phê bình về

"Biển và Chim bói cá"

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

« Ông viết về thực tế của đời mình, khi ông làm việc ở một nhà máy đánh bắt hải sản. Khi viết thành tác phẩm văn học, ông đã mô tả lại cả một giai đoạn của nền kinh tế Việt Nam, của xã hội Việt Nam, từ thời bao cấp chuyển qua thời kinh tế thị trường, chuyển đổi cơ chế quản lý. Nhưng nói đến văn học là nói về con người. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã nói đến sự biến chuyển của con người, sự tha hóa đạo đức (…) Tôi đánh giá đây là một tác phẩm tốt, chứng tỏ được ngòi bút của Bùi Ngọc Tấn ».

Nhà văn Tạ Duy Anh, người biên tập cuốn "Biển và Chim bói cá"

« Trước hết tôi nồng nhiệt chúc mừng nhà văn Bùi Ngọc Tấn về giải thưởng mà ông vừa được nhận, mặc dù tôi không biết giải thưởng đó có quan trọng với ông hay không.

Cái được của tiểu thuyết này là ở nội dung hiện thực đầy chất thơ, thứ chất thơ đang là của hiếm bởi nó rất khó bảo tồn, trong một môi trường lao động nghiệt ngã mà sự nghiệt ngã ở đây là ngoài việc con người phải vật lộn với thiên nhiên như một thế lực khổng lồ - yếu tố khách quan không thể chi phối - còn phải vật lộn với cơ chế xã hội tù túng và méo mó, làm tiêu tan ý chí và khát vọng, làm gỉ mòn những điều tốt đẹp vốn rất cần để tăng sức mạnh cộng đồng. Nếu hình dung Biển và Chim bói cá như một bức tranh, thì quả thật nó có yếu tố trữ tình hoành tráng, bi tráng, một thứ lãng mạn khắc khổ, có hơi hướng chống lại sự tuyệt vọng.

Tôi muốn kể lại đôi chút quá trình biên tập để bản thảo cuốn Biển và Chim bói cá có thể ra đời. Khi tôi nhận bản thảo thì nó đã nằm ở nhà xuất bản Hội nhà văn chừng 2 năm và trước đó nữa còn nằm ở đâu thì tôi không biết. Khi đó nó mang tên khác mà hiện tôi không còn nhớ. Tôi đọc bằng tâm trạng khá hồi hộp, vì cũng lo không biết liệu mình có đủ bản lĩnh cho nó ra đời hay không (bản thảo này đã nằm trên bàn biên tập người khác vài năm). Nhưng khi đọc thì tôi lại có xu hướng cứ chờ đợi xem bao giờ thì đến phần gay cấn khiến cho việc ra đời của nó khó khăn? Và khi gập sách lại thì tôi rất ngạc nhiên: Một cuốn sách hiền lành, trong sáng, đậm dấu ấn Hiện thực xã hội chủ nghĩa - thứ lý thuyết văn chương hầu như đã chết ở Việt Nam trừ vài nơi người ta mang ra làm trò cười - mà tại sao nó lại gặp khó khăn khi muốn xuất bản? Thì ra mọi người ngại cái tên của tác giả Chuyện kể năm 2000 (điều này vẫn là tình trạng phổ biến của hầu hết các nhà xuất bản ở Việt Nam. Nhiều cái tên vẫn luôn bị chú ý, trước khi tác phẩm của họ được mổ xẻ về nội dung).

Cho dù vô cùng hâm mộ nhà văn Bùi Ngọc Tấn cả về tài năng và bản lĩnh sống, thì tôi cũng phải nói thật là cuốn này của ông không thực sự thu phục được tôi (như những gì ông từng có trước đó). Nói thế không có nghĩa cuốn sách bị đánh giá thấp. Trước hết, với Bùi NgọcTấn, không thể chất lên vai ông nhiệm vụ tạo ra những cách tân văn chương mà phần nhiều người ta nghĩ đến cách tân hình thức, giọng điệu, hệ thống biểu tượng. Ông không có sứ mệnh ấy. Trước sau ông vẫn là nhà văn trung thành với nhiệm vụ phản ánh hiện thực và rất khó thoát những quy phạm mang tính định hướng chính trị độc tôn một thời, làm nên chân dung của thế hệ nhà văn lớp tuổi của ông. Ông chỉ là người tự đi chệch ra khỏi cái đường ray ấy, do những biến cố không mong muốn.

Bùi Ngọc Tấn hấp dẫn người đọc như một nhà văn phản kháng lại hiện thực nhưng bằng tấm lòng vị tha. Ngay cả Chuyện kể năm 2000, với hình thức mang nặng yếu tố Hồi ký, thì tính hấp dẫn là ở cái nội dung hiện thực khốc liệt, kinh sợ được kể lại một cách chân phương. Nếu cuốn đó mà cách tân về thủ pháp thì có khi lại hỏng. Đến cuốn Biển và chim bói cá cũng vậy. Tôi đồng ý là nó khó đọc (với một số nào đó, nhất là những người trẻ) có lẽ do nó thiếu hấp dẫn về hành văn, giọng kể, ít kịch tính, ít gây tò mò. Nó cũng không có sự thách đố nhức nhối của tư tưởng triết học hay thẩm mỹ, mặc dù hình như tác giả cũng cố gắng làm điều đó.

‘‘Lý thuyết Hiện thực xã hội chủ nghĩa’’ đề cao tính sự kiện, tính lớp lang rõ ràng. Người viết không được đi ra ngoài những quy phạm về thẩm mỹ, về ý nghĩ. Người ta đã được mặc định trước là, bản chất của xã hội là phải đẹp, bản chất của cuộc sống là phải đẹp, rồi bản chất của người lao động, của tất cả những yếu tố tạo nên xã hội này là đẹp. Chỉ có điều, những điều xảy ra trong xã hội ấy có thể nó không được như người ta mong muốn. Nhưng cuối cùng, tất cả đều phải hướng đến một tương lai sáng lạng, khiến con người phải tin vào xã hội, tin vào cuộc đời, tin vào thể chế. Trong tiểu thuyết của anh Tấn, có dấu ấn của sự tả chân, thiên về liệt kê các sự kiện, rồi những mô tả, …

Thường thường ở những nhà văn tin vào lý thuyết hiện thực xã hội chủ nghĩa, bao giờ [tác phẩm] cũng chân chất, cũng rành mạch giữa cái tốt - cái xấu, giữa cái đúng – cái sai, cái đen – cái trắng. Tất nhiên tôi không nói cuốn này theo lý thuyết ấy, nhưng nó không thoát ra khỏi. Nhiều khi người viết cũng không ý thức được điều đó, nhưng mà nó cứ khuôn theo, vì nó ăn vào tiềm thức rồi. Lớp nhà văn ở lớp tuổi anh Tấn khó thoát, trừ một vài trường hợp.

Tất nhiên, anh Tấn là một người có những trải nghiệm đau thương qua cuộc đời, để hiểu rằng hiện thực của xã hội không đơn giản như người ta nói. Ở đây, những trải nghiệm thực tế vượt qua những định hướng về mặt tinh thần mà một lớp nhà văn không thể nào thoát ra được. Ngay bản thân những người như tôi, thực sự cũng có lúc không thoát ra được. Đó là cái vĩ đại của sự tuyên truyền ».

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh

« Tôi nghĩ cuốn sách không dừng lại ở chỗ tả thực, mà muốn đi sâu hơn nữa, nói đến thân phận của một con người, như con chim bói cá kiếm miếng ăn ngoài biển. (…) Trong hoàn cảnh như thế mà vẫn giữ được nụ cười. Phải nói thật là khó. Đọc cuốn sách của anh ấy, từ đầu đến cuối chúng ta đều thấy những nhận xét hóm hỉnh, những chuyện vui trong cuộc đời, tếu trong cuộc đời. Từ thời ông Vũ Trọng Phụng mất đi, những tác gia Việt Nam ít khi lấy được cái nụ cười nhiều như vậy. Anh đã trải qua nhà tù rồi, ở giữa trần gian cũng đầy những cái cười ra nước mắt.

Cái cuốn sách của anh Tấn, anh em người viết như chúng tôi lớn tuổi, trạc tuổi anh Tấn rất thích. Ngoài Chuyện kể năm 2000 ra, Biển và Chim bói cá là một cuốn tiểu thuyết hay của Việt Nam. Tôi mong độc giả nhận được cái hay, cái khó khăn của một thời chúng tôi đã sống, mà anh Tấn là đại diện đã viết ra để mọi người đọc như thế là rất quý ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.