Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Truyền thống nuôi voi ở Việt Nam và Lào, di sản văn hóa có nguy cơ diệt vong

Đăng ngày:

Tại nhiều nơi thuộc vùng Nam Á và Đông Nam Á, có truyền thống thuần dưỡng voi rừng rất lâu đời. Ở vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam hay ở Lào, voi được thuần dưỡng đã trở thành một thành viên đặc biệt của cộng đồng. Đối với rất nhiều người, voi là một người bạn - người thân, biểu tượng của một di sản văn hóa sống động, thiêng liêng. Di sản ấy, văn hóa đặc biệt ấy hiện nay đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt. 

Lễ hội voi Tây Nguyên.
Lễ hội voi Tây Nguyên. Reuters
Quảng cáo

Truyền thống nuôi voi bị đe dọa nghiêm trọng do những biến động hết sức mạnh mẽ của đời sống, đặc biệt là việc rừng, môi trường sinh sống của voi bị tàn phá, thu hẹp, và  chính bản thân cuộc sống của các cộng đồng nuôi voi cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của các thay đổi xã hội.

Voi với truyền thống văn hóa Việt Nam, các vấn đề đặt ra đối với sự sinh tồn của voi hiện nay là các câu hỏi chính trong tạp chí Văn hóa hôm nay. Bên cạnh đó, kinh nghiệm bảo tồn voi ở Lào cũng là một bài học đáng chú ý.

Khách mời của Tạp chí Văn hóa hôm nay là giáo sư Phạm Cao Dương (từ California), nhà sử học Dương Trung Quốc (từ Hà Nội), ông Vũ Minh Thoại - trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk, nhà thơ Văn Công Hùng (từ Pleiku) và nhà văn Linh Nga Niê Kdăm (từ Buôn Mê Thuột).

Voi – con vật đứng đầu trong thế giới biểu tượng của người Việt

Trước hết, xin mời quý vị nghe Giáo sư Phạm Cao Dương lược qua một vài nét về ý nghĩa và sự hiện diện của voi trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Giáo sư Phạm Cao Dương : « So với con trâu, so với con ngựa, so với con bò, con dê, … thì hình ảnh con voi rất là quen thuộc. Nó xuất hiện trong ca dao, trong các bài hát cho trẻ con, trong tranh vẽ của dân gian… Tôi chắc là bất cứ một người Việt Nam nào cũng đều quen thuộc với cái bài : ‘‘Con vỏi con voi, cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, còn cái đuôi thì đi sau rốt …’’. Trong ngôn ngữ Việt Nam, những thành ngữ, ca dao, hình ảnh con voi cũng là một hình ảnh. Thí dụ có những câu như là : ‘‘Voi không đẻ, nhưng đẻ thì rất lớn’’ hay ‘‘Người một mắt như voi một ngà’’, hay là ‘‘Sức voi mà làm được chuyện đó’’, hay ‘‘Theo voi ăn bã mía’’, ‘‘Rước voi về dày mả tổ’’, … Thế rồi các đền thờ, cũng có voi phục trước cửa, có cả đền Voi Phục luôn, mình gọi là ‘‘ông voi’’.

Rồi thì trong tranh vẽ cũng vậy, mình có tranh Bà Triệu cưỡi voi, rồi Trưng Vương phá Hán tặc, cũng là con voi… Về Hai Bà Trưng, Vũ Hoàng Chương có hai câu nói lên việc Hai Bà Trưng bình định giặc Hán, giải phóng dân tộc : ‘‘Ngàn sau nhuệ khí con nòi lạc, Mũi kiếm đầu voi đủ tượng trưng’’. Mũi kiếm đầu voi tượng trưng cho tinh thần anh dũng của dòng giống Việt Nam rồi. (Liên quan đến các nghiên cứu về voi trong trận chiến Việt - Thanh 1789, Giáo sư Phạm Cao Dương giới thiệu khảo cứu của nhà sử học Nguyễn Duy Chính "Tượng binh và chiến thắng Kỷ Dậu")

Trong văn chương thì, tôi chắc sự hiểu biết của tôi không đầy đủ đâu, nhưng theo tôi hiểu, từ thời xưa, ngay từ thời Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo cũng có nói tới voi, trong câu ‘‘Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, Voi uống nước nước sông phải cạn, Đánh một trận sách không kình ngạc, Đánh hai trận tan tác chim muông.’’ Rồi vua Lê Thánh Tông cũng có bài nói về voi, ca tụng sức mạnh, nhưng đồng thời cũng ca ngợi tinh thần kỷ luật, tinh thần tôn trọng luật pháp của voi. Bài đó có 4 câu như thế này : ‘‘Xông pha bốn cõi bể chông gai, Vùng vẫy mười phương bụi cát bay, Phép nước gọi là tơ chỉ buộc, Sức nào quản được búa rìu lay’’. Phép nước chỉ là sợi tơ thôi, sức voi chỉ cựa một cái là sợi tơ đứt, nhưng voi không làm việc như thế. (...) »

Voi được thuần dưỡng là người thân trong các gia đình người Tây Nguyên

Về mối quan hệ của voi với người ở các cộng đồng thiểu số Tây Nguyên, nơi tập trung chủ yếu của các voi nhà ở Việt Nam, sau đây mời quý vị nghe tiếng nói của nhà văn Linh Nga Niê Kdăm. Nhà văn Linh Nga Niê Kdăm là người Ê đê, vốn là không phải là cộng đồng săn bắt voi về thuần dưỡng, nhưng là một trong các cộng đồng nuôi voi nhà chủ yếu ở vùng Cao nguyên.

Nhà văn Linh Nga Niê Kdăm : « Thưở xưa, voi chỉ dùng để làm phương tiện di chuyển từ nơi này sang nơi khác, rồi phương tiện chuyên chở. Ví dụ người ta làm rẫy xa, người ta có thể dùng voi để chuyên chở các sản vật về, rồi kéo gỗ về làm nhà. Khi di chuyển từ buôn này sang buôn kia, thì việc ngồi trên lưng voi để đi là ‘‘oai’’ lắm. Phải là người như thế nào mới có được nhiều voi. Ngày xưa người Tây Nguyên nuôi voi, mang tiếng là voi nhà, nhưng không phải sống trong nhà, mà là thả trong rừng, khi cần thì mới đi bắt về.

Người Đắk Lắk nói chung, người Buôn Đôn nói riêng đều rất yêu quý voi. Ví dụ như hàng năm người ta phải có lễ cúng sức khỏe cho voi. Rồi voi có ‘‘quan hệ’’ với nhau ở đâu đấy, thì phải làm lễ cưới cho voi, chưa nói chuyện đặt tên cho voi như là anh chị em, nếu mà cùng lứa tuổi với đứa trẻ nào đấy, thì nó cùng lớn lên như anh chị em trong nhà. »

Loài voi thân thiết - "Hiện thân của rừng" - đang đứng trước hiểm họa

Nhà thơ Văn Công Hùng, là người gắn bó hàng chục năm với Tây Nguyên, cho biết những suy nghĩ của ông về mối quan hệ sâu sắc giữa voi với người, cũng như những lo ngại của ông về nỗi khổ ải mà các con voi phải gánh chịu.

Nhà thơ Văn Công Hùng : « Người Tây Nguyên thì bản thân họ sống với rừng. Họ có một nền văn hóa rừng riêng của họ. Tất cả cuộc sống của họ đều dựa vào rừng. Và họ có một mối quan hệ tương hỗ, vô cùng biện chứng giữa con người với rừng. Hiện nay chúng ta đang làm ngược lại, tức là tách rời con người ra khỏi rừng.

Đối với người Tây Nguyên, con voi là hiện thân của rừng. Cũng như các loài vật khác, họ bắt voi về thuần dưỡng. Họ có những Gru – thợ săn voi. Họ có những điều khoản rất chặt chẽ để bắt voi. Họ chỉ bắt voi con để thuần dưỡng. Những con voi đấy nó trở thành những người bạn trong gia đình. Nó cũng có thần linh, cũng có linh hồn. Con voi cũng có những cái lễ như con người. Con người Tây Nguyên, từ sinh ra đến khi chết đi, đều có những cái lễ để ‘‘chứng giám’’ sự tồn tại của con người trên đời, thì con voi cũng thế.

Còn điều nữa là, gọi là bắt voi, nhưng người Tây Nguyên bắt rất ít, họ chỉ bắt để thể hiện quyền uy của mình, của làng này so với làng kia. Không phải làng nào ở Tây Nguyên cũng có voi. Theo tôi biết chỉ có một số nơi, như Buôn Đôn ở Đắk Lắk, ở Krông Bông, Krông Pắk, … Ở Gia Lai có làng Nhân Hòa, nhưng thật ra họ không bắt mà chỉ đi mua voi.

Nhưng sau này đến một thời kỳ, rừng cạn kiệt, voi bị bắt nhiều quá, thì nó dẫn đến một sự mất cân bằng sinh thái. Những con voi nhà không sinh nở được. Về nguyên tắc, mỗi lần voi sinh nở kinh hoàng lắm. Mỗi kỳ động dục, nó dắt nhau vào trong rừng, nó tàn phá cả một khu rừng thì mới xong một cuộc giao phối để trở về sinh nở. Nhưng sau này, người ta cột nó nhiều quá, thì nó ‘‘đù’’ đi không sinh sản được nữa. Một mặt nữa là rừng hết rồi, voi rừng trở nên hết sức dữ dội, nó tấn công người, còn voi nhà bị người ta biến thành công cụ để kiếm sống ».

Nhà văn Linh Nga Niê Kdăm bày tỏ nỗi lo ngại của bà về khả năng tuyệt diệt của voi tại Việt Nam :

Nhà văn Linh Nga Niê Kdam : « Đến một lúc nào đó, thì cái thương hiệu voi Đắk Lắk, cái xứ sở du lịch trên lưng voi sẽ không còn nữa. Bởi vì, cho đến bây giờ, người ta đưa ra rất nhiều giải pháp. Bao nhiêu nhà khoa học trong nước, ngoài nước, địa phương, bàn với nhau, nhưng họ chẳng thực hiện được gì cả. Con voi hiện vẫn bị con người tận dụng cái sức lực của nó một cách tàn bạo bởi cái lòng tham, cũng như sự hiếu kỳ của con người. Nên là người ta đã có mấy cái hội thảo khoa học về bảo tồn voi rồi, nhưng mà từ cái hội thảo ấy đến giờ, có khi nó đã mất đi hàng chục con nữa rồi.

Các Gru – các dũng sĩ săn voi thưở xưa ở Buôn Đôn – đã có lần đưa ra nguyện vọng, hay là cho săn voi lại, để khỏi mất đi một cái nghề truyền thống có từ hàng trăm năm, để bổ sung cho lượng voi nhà, cho khỏi mất đi thương hiệu du lịch của Đắk Lắk, của Tây Nguyên. Nhưng cái điều ấy không được chấp nhận. Sao ở Thái Lan người ta bảo tồn được voi, người ta đưa vào bao nhiêu hoạt động du lịch, mà mình không đi sang đấy học người ta, … Ví dụ như về vụ cái đàn voi Tánh Linh trước đây, đi thuê người nước ngoài về bắn thuốc mê, rồi lại đi tiêm thuốc mê, để rồi nó chết, thậm chí voi chết lại đang có chửa. Sao không để các Gru của Buôn Đôn, người ta dùng cách săn voi của người ta ngày xưa mà làm việc này ? ». 

Sự trở lại của một số phong tục trọng voi trong hội lễ Buôn Đôn

Những lo ngại ngày càng gia tăng từ phía công luận có lẽ cũng là một nhân tố khiến cho việc đối xử với voi ở Việt Nam, trước hết là tại tỉnh Đắk Lắk có một vài chuyển biến đáng chú ý trong thời gian rất gần đây. Cụ thể là việc tổ chức hội voi Buôn Đôn vào cuối tháng 3 này – hội voi duy nhất tại Việt Nam - , sẽ có một số hoạt động mới nhằm phục hồi lại những phong tục đặc sắc và quý giá trong văn hóa ứng xử với voi ở người Thượng. Động thái phục hồi này khiến công chúng có thể hy vọng là, hiểu biết về văn hóa voi ở vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam sẽ được nâng cao, và điều này sẽ giúp cho việc cứu vãn đàn voi nhà, cũng như bảo vệ môi trường sinh thái cho voi rừng. Sau đây là tiếng nói của ông Vũ Minh Thoại - trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk.

Ông Vũ Minh Thoại : « Thông thường, cứ đến dịp từ 24/03 đến 26/03 hàng năm là huyện Buôn Đôn chúng tôi tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống. Bắt đầu từ năm 2008 đến nay, thì cứ hai năm một lần. Trong các hoạt động văn hóa của 18 dân tộc trong địa bàn huyện, thì có thể nói đặc sắc nhất là hội đua voi và tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Một số trò chơi mới như : voi đá bóng, voi bơi, … Mọi năm có voi bơi, nhưng năm nay do dòng sông Srê Pốk người ta làm thủy điện, nên nước cạn không tổ chức được. Năm nay có lẽ đặc sắc nhất là lễ Cúng Bến Nước có ý nghĩa sâu sắc về mặt tâm linh đối với đồng bào Tây Nguyên sẽ được tái hiện, theo sự tham mưu của ngành văn hóa chúng tôi với Ủy ban và ban Tổ chức.

Vào lúc 3 giờ chiều ngày 24/03 năm 2012 sẽ tổ chức lễ Cúng Bến Nước, sau đó một tiếng đồng hồ sẽ là lễ Cúng sức khỏe cho voi tại địa điểm đó. Các thầy cúng có uy tín của làng và các già làng sẽ cũng sức khỏe cho voi trước khi vào hội. Năm nay chúng tôi sẽ huy động toàn bộ các con voi có mặt chạy một lượt, cho nên sẽ rất là hào hứng và rất khí thế. Du khách cũng rất thích cái đó.

Trong tín ngưỡng của đồng bào, đúng nguyên gốc những gia đình sở hữu voi, người ta coi con voi giống như một thành viên của gia đình, như một con người. Khi con voi chết đi, người ta cũng chôn nó, người ta cũng thương tiếc nó lắm. Gần đây, tại vì cái ngành văn hóa chưa khai thác được đúng cái bản sắc của họ, nên chúng ta chưa coi trọng đúng cái phần tín ngưỡng và cái cách người ta đối xử rất nhân văn với con voi. Năm nay chúng tôi khai thác điều này.

Đầu tiên khi voi vào hội, trong lễ Cúng sức khỏe cho voi, chúng tôi sẽ cố gắng tái hiện lại toàn bộ khung cảnh, làm sao cho gần đúng nhất với bản sắc truyền thống mà ngày xưa đồng bào ta thường làm. Sau khi kết thúc toàn bộ lễ hội, thì sẽ có một lễ Tắm và Cúng sức khỏe cho voi, vào chiều ngày 25/03.

Và năm nay, huyện cũng quan tâm xây dựng lại hai bến nước. Bến thứ nhất là một bến nước của Buôn Đôn trước đây. Bến này là nơi xưa kia vua voi Khun Yu Nốp, mỗi lần săn voi đi về, thì đến đấy làm lễ cúng để cầu an lành. Bến thứ hai là bến Buôn Trí A (xã Krông Na). Ngày xưa cựu hoàng đế Bảo Đại mỗi lần lên Cao nguyên đi săn, thì thường sau đó ra quãng sông này để câu cá và ngắm cảnh ở khu vực bến sông  ... »

Việt Nam chưa có giải pháp thích đáng để bảo vệ voi 

Cũng như các ý kiến đã được trình bày, lo ngại khả năng tuyệt chủng của voi ở Việt Nam là mối quan tâm đặc biệt của nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Cùng ý kiến với nhà văn Linh Nga Niê Kdam, cũng như nhiều người khác, nhà sử học cho rằng : nếu không có các biện pháp thực sự thích đáng, số phận của loài voi tại Việt Nam là hết sức đen tối.

Nhà sử học Dương Trung Quốc : « Một ngày nào đó, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, thì không chỉ voi rừng, mà cả voi nhà cũng đang trong bước đường suy thoái.

Thứ nhất là con voi không còn không gian sống truyền thống, đó là rừng. Rồi dần dần nó tách khỏi cộng đồng rất gắn kết với nó, đó là đồng bào các dân tộc ít người. Và chính vì thế, nó đang ở trong tình trạng hầu như chỉ là con vật được người ta khai thác vào một dịch vụ để có thể kiếm tiền. Và hầu như không có các điều kiện để chăm sóc cho nó, để có thể nhân giống nó nữa. Một ngày không xa con voi sẽ không còn trên đất nước Việt Nam nữa. Đó không chỉ là điều đáng tiếc, mà còn là điều đáng trách.

Tôi đã nói điều này trước Quốc hội. Tôi đã chất vấn ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng những trả lời vẫn chưa thỏa đáng. Và hình như vẫn chưa tìm ra được khả năng đưa đến lối thoát.

Không phải không có những nước cũng đứng trước nguy cơ như Việt Nam. Phải biết học hỏi những nước đã thành công trong việc bảo tồn và phát huy con voi trong môi trường hiện đại. Phải có sự chuyển đổi, đầu tư về cả tiền bạc, cả khoa học công nghệ và sự hợp tác quốc tế thì mới có thể cứu vãn được. Làm như vậy là vừa đóng góp cho di sản về thiên nhiên chung của nhân loại, nhưng trước hết là cứu một di sản không chỉ quý báu, mà còn thiêng liêng đối với người Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng việc bảo vệ voi chính là bảo vệ bản sắc văn hóa Việt. Tôi cũng đã phát biểu ở Quốc hội rằng : phải chăng việc quản lý đàn voi hiện nay giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (bộ này hiện nay đã phải đảm nhiệm nhiều lĩnh vực rộng lớn) có thể khiến cho các nhà quản lý không thể ôm xuể chăng ? 

Để làm được việc này cần phải có sự tham gia của các nhà khoa học, của cộng đồng tạo ra những cơ chế để cộng đồng có thể tham gia vào xây dựng được những phương án có hiệu quả, bên cạnh những hỗ trợ tích cực của Nhà nước và cộng đồng thế giới, thì mới có cơ bảo tồn được.

Phải nói là cá nhân tôi cảm thấy rất bi quan ! »

Hoạt động cứu voi ở Lào của hiệp hội Pháp ElefantAsia

Cũng tương tự như ở Việt Nam, voi ở Lào đang có nguy cơ trên đường tuyệt chủng. Từ một đất nước được mệnh danh là Vạn Tượng, có truyền thống thuần dưỡng voi từ hàng nghìn năm, hiện nay số voi nhà ở Lào chỉ còn chưa đầy 500 con, bên cạnh 1.500 con sống trong rừng hoang. Lệnh cấm săn voi khiến cho số lượng voi nhà không ngừng sụt giảm. Phần lớn các con voi đều phải lao động rất nặng nhọc, chủ yếu trong việc vận chuyển gỗ, một công việc làm phá hủy chính môi trường sinh sống của chúng, để mang lại nguồn sống cho khoảng 10.000 người.

Lĩnh vực du lịch voi mới phát triển từ năm 2002 trở lại đây, đặc biệt với hội voi tại tỉnh Sayaboury – thủ phủ voi của Lào, đã mang lại một cơ hội mới cho dân cư địa phương, cũng như cho chính các con voi nhà. Tuy nhiên, nếu chỉ phát triển du lịch mà không chú ý đến sức khỏe của voi, thì du lịch cũng không phải là một lối thoát cho hiểm họa tuyệt chủng của voi.

Một trong các tổ chức hoạt động rất tích cực trong việc cứu vãn đàn voi tại Lào là hiệp hội Pháp ElefantAsia – hiệp hội bảo vệ Voi châu Á và đặc biệt voi ở Lào, đứng đầu là ông Norin Chai - phụ trách thú y vườn Jardin des Plantes (Paris). Ngay từ năm 2002, ElefantAsia đã tổ chức một cuộc hành trình xuyên Lào trong vòng ba tháng, rất lặng lẽ nhưng để lại nhiều ảnh hưởng, trong việc cảnh báo công luận về việc voi bị đối xử tệ và có nguy cư bị tuyệt chủng. Kể từ đó đến nay, Hiệp hội ElefantAsia đã có nhiều hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thông tin về voi đến cộng đồng và phát triển ngành thú y chăm sóc sức khỏe voi. Năm 2010, Trung tâm bảo tồn voi Sayaboury đã bắt đầu được xây dựng. Bệnh viện voi đầu tiên của Lào này bao gồm cả một cơ sở đào tạo thú y cho những người làm công việc chăm sóc voi.

Việc thành lập Trung tâm bảo tồn voi tại Sayboury tại Lào cũng là một cơ hội để Hiệp hội ElefantAsia mở rộng việc thông tin về voi, và đặc biệt là phát triển các hoạt động hợp tác bảo vệ voi tại khu vực Đông Nam Á.

RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn các nhà văn Linh Nga Niê Kdăm và Văn Công Hùng, ông Vũ Minh Thoại,  nhà sử học Dương Trung Quốc và nhà giáo Phạm Cao Dương đã vui lòng dành thời gian cho Tạp chí Văn hóa hôm nay

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.