Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Bích Thuận, nghệ sĩ tiền phong sân khấu cải lương

Đăng ngày:

Nghệ sĩ cải lương dù đang còn ở trong nước hay đã định cư nơi hải ngoại, đều rất lấy làm hãnh diện có được một nghệ sĩ bậc thầy, một nghệ sĩ lão thành tiêu biểu cho nghệ thuật sân cải lương Việt Nam : Nữ nghệ sĩ Bích Thuận. Bích Thuận cũng là tấm gương sáng cho nghệ sĩ đàn em về tinh thần học hỏi trau giồi nghề nghiệp, về tinh thần tương thân tương ái và đoàn kết trong giới nghệ sĩ với nhau và tinh thần biết ơn và tôn trọng khán giả.

Bích chương giới thiệu buổi diễn của nghệ sĩ Bích Thuận năm 1999 tại UNESCO (Paris)
Bích chương giới thiệu buổi diễn của nghệ sĩ Bích Thuận năm 1999 tại UNESCO (Paris) DR
Quảng cáo

Soạn giả Nguyễn Phương hân hạnh được gặp lại nữ nghệ sĩ tiền phong Bích Thuận, người nghệ sĩ cải lương cao niên nhất trong Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Paris nhân dịp Hội tổ chức một tiệc thân hữu đón tiếp vợ chồng Nguyễn Phương khi chúng tôi đến Paris vào ngày 12 tháng 11 năm 2006. Vào thời ấy, giọng ca Bích Thuận nổi bật trong vai Lữ Bố tuồng Phụng Nghi Đình, hát trên sân khấu Maubert Mutualité Paris.

Lúc đó Cô Bích Thuận đã 84 tuổi, cô vẫn còn giữ được giọng ca thanh thoát và một dung nhan sắc sảo như thuở cô còn hát trên sân khấu những thập niên 50, 60. Các nữ nghệ sĩ cải lương đồng thời với cô, những nữ nghệ sĩ đã vào lứa tuổi trên 80, không có ai còn giữ được một dung nhan kiều diễm bền vững với thời gian như nữ nghệ sĩ tiền phong Bích Thuận.

Nữ nghệ sĩ tiền phong Bích Thuận, quê ở tỉnh Bắc Ninh, quê hương của những điệu hát quan họ. Lúc lên 10 tuổi, cô Bích Thuận và em gái là Tường Vi gia nhập gánh hát Đồng Ấu Nhật Tân Ban của ông Bầu Tài ở Hà Nội. Thời đó ở Hà Nội có phong trào hát cải lương theo điệu nhạc tài tử Nam Kỳ, có người gọi là gánh hát cải lương hát theo điệu Saigon nghĩa là trong tuồng có ca vọng cổ Bạc Liêu, ca các bài cổ nhạc Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán, Nam Xuân, Nam Ai, Đảo Ngũ Cung, Xàng Xê, Phụng Hoàng, và các bài cổ nhạc ngắn, nói lối và ngâm thơ theo điệu Tao Đàn Saigon.

Các đoàn cải lương hát điệu Saigon mới được thành lập gồm nhiều học viên nghệ thuật trẻ tuổi từ 10 tuổi đến 15 tuổi. Các ông bầu gánh hát Đồng Ấu phỏng theo cách tổ chức của các gánh hát Tiều từ bên Tàu sang Việt Nam trình diễn ở Hà Nội, các học viên trẻ gia nhập đoàn hát của họ phải được cha mẹ làm giấy ký kết cho con học hát nơi đoàn hát đó ( vì các em đều ở tuổi vị thành niên) Trong khi học hát, bầu gánh bao ăn, ở, may cho y phục và khi nào hát được trên sân khấu, học viên sẽ được phát lương tháng. Tờ cam kết có thời hạn hai năm kể từ ngày học viên hát được và có lãnh lương. Nếu chưa mãn hạn cam kết mà học viên bỏ sang gánh hát khác thì cha mẹ phải bồi thường công nuôi nấng, dạy dỗ của bầu gánh và của các nghệ sĩ đàn anh chăm sóc sân khấu đó. Thông thường giá tiền bồi thường thiệt hại cho bầu gánh nặng gấp nhiều lần hơn số tiền họ đã bỏ ra để nuôi dạy học viên trẻ, vì vậy khi một học viên trẻ được đào luyện ở đoàn Đồng Ấu nào thì thường hát ở đoàn hát đó ít nhất năm, ba năm.

Trong thời kỳ mới đi học hát của cô Bích Thuận, tại Hà Nội có ba gánh hát Đồng Ấu nỗi danh, đó là gánh hát Nhật Tân Ban của ông bầu Tài, gánh hát Quảng Lạc Ban của ông bầu kiêm họa sĩ Trần Phền, gánh hát Đồng Ấu Sán Nhiên Đài của ông bầu kiêm kép Sáu Cương. Ba ông bầu gánh Đồng Âu này chung đậu một số tiền lớn để mua chuộc các nghệ sĩ Nam Kỳ trong đoàn hát Nghĩa Hiệp Ban để họ ở lại Hà Nội dạy cho các đoàn hát mang bảng hiệu hát cải lương ca theo điệu nhạc tài tử Nam Kỳ.

Nữ nghệ sĩ Bích Thuận chỉ qua sáu tháng học ca cổ nhạc và học hát là đã đóng vai đào chánh trên sân khấu đoàn Nhật Tân Ban. Theo lời cô Bích Thuận kể lại, kỷ niệm trong đời đi hát của cô là khi học ca theo điệu nhạc tài tử Nam Kỳ, cô ca vẫn đúng theo bài bản, nhịp điệu nhưng không thể nào bắt chước được giọng Nam Kỳ. Cô ca vọng cổ trong đoàn hát Nhật Tân Ban hay đoàn Tố Như mà đa số diễn viên hát giọng Bắc, cô thấy hòa hợp và diễn xuất được tự nhiên. Khi vô Saigon hát, dầu chỉnh sửa thế nào cũng không giấu được âm hưởng Bắc trong giọng nói và câu ca. Cô chọn lối hát Quảng, hát tuồng Tàu và nổi danh qua các vai Lữ Bố, An Lộc Sơn, Triệu Tử Long.

Sau khi hết hợp đồng với đoàn Đồng Ấu Nhật Tân Ban, nữ nghệ sĩ Bích Thuận gia nhập đoàn hát Tố Như và nổi danh là nghệ sĩ danh ca thinh sắc lưỡng toàn, đồng thời với các ngôi sao sân khấu miền Bắc như Bích Hợp, Kim Chung, Khánh Hợi, Túy Định. . .

Năm 1948, khi đoàn hát Tố Như vào Nam lưu diễn, cô Bích Thuận ở lại miền Nam và lập gánh hát Bích Thuận. Hai năm sau cô giải tán đoàn hát Bích Thuận để đầu quân vô gánh hát Phụng Hảo của cô Phùng Há, và sau đó đi hát cho gánh hát Nam Phi của cô Năm Phỉ và Bảy Nam.

Sau năm 1954, Bích Thuận lại gia nhập gánh hát Phụng Hảo 3, hát chung sân khấu với các nữ diễn viên tài danh người miền Nam như Phùng Há, Kim Thoa, Thanh Tùng, Ngọc Hải. Cô Bích Thuận và cô Phùng Há cùng hát chia vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình. Cô Tư Thanh Tùng trong vai Điêu Thuyền, kép Năm Định trong vai Đổng Trác. Trong tuồng Trường Hận, cô Bích Thuận chia vai với cô Phùng Há hát vai võ tướng An Lộc Sơn hoặc vai ông vua si tình Đường Minh Hoàng. Trong tuồng Mộng Hoa Vương, Bích Thuận để lại một ấn tượng sâu sắc cho sân khấu Saigòn trong vai võ tướng Triệu Tuấn, người si mê Mộng Hoa Vương và là tình địch của sứ thần Ngô Trung Cảnh.

Thời đó, tuồng Mộng Hoa Vương với các diễn viên tài danh vừa kể là một vở tuồng ăn khách, lấy nước mắt khán giả nhờ vào mối tình tay ba : Mộng Hoa Vương, sứ thần Ngô Trung Cảnh và võ tướng Triệu Tuấn. Kết cuộc của vở Mộng Hoa Vương, vì tranh tình mà võ tướng Triệu Tuấn so tài với Ngô Trung Cảnh, đâm chết Ngô Trung Cảnh. Triệu Tuấn - Bích Thuận tưởng đã giết chết kẻ tình địch thì sẽ cướp được tình yêu của Mộng Hoa Vương. Không ngờ Mộng Hoa Vương bỏ cả ngai vàng, chở xác người yêu xuống thuyền ra khơi trở về cố quốc của Ngô Trung Cảnh. Một cuộc tranh tình mà ba trái tim đều tan vỡ.

Tôi còn giữ được nhiều ảnh chụp cô Bích Thuận năm 1956 trong tuồng Mộng Hoa Vương của soạn giả Tư Trang. Cô Bích Thuận đóng vai võ tướng Triệu Tuấn, người si mê Mộng Hoa Vương nhưng không được yêu lại. Nam nghệ sĩ Thanh Phong trong vai sứ thần Ngô Trung Cảnh, vai hát để đời của cố nghệ sĩ Tư Út; cô Phùng Há trong vai Mộng Hoa Vương, cô Kim Lan trong vai tướng cướp Bạch Cúc, Kim Cương trong vai nữ tướng Hồng Liên….

Cô Bích Thuận vì là người Bắc nên ca những bài bản lớn cổ nhạc của miền Nam như Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng không hay bằng các diễn viên miền Nam, nhưng bù lại thì cô Bích Thuận ca những bài hát quảng, ca những bài bản nhỏ có âm hưởng và nhịp điệu như tân nhạc của soạn giả Mộng Vân thì rất hay. Bích Thuận có điệu múa theo bộ hát Quảng, hát tuồng Tàu cũng đẹp không thua cô Phùng Há nên Bích Thuận thành công dễ dàng trong các vai tướng võ trong tuồng Tàu như vai Lữ Bố trong tuồng Phụng Nghi Đình; vai An Lộc Sơn trong tuồng Trường Hận, vai tiểu tướng Phùng Mậu trong tuồng Phùng Mậu hạ san; vai vua Trần Khắc Chung trong tuồng Sương Gió Chiêm Thành.

Trước năm 1975, cô Bích Thuận được mời làm giáo sư Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon, cô là một nghệ sĩ đa tài trong các bộ môn cải lương, kịch nói, ngâm thơ ba miền, ca tân nhạc và giỏi về các vũ đạo tuồng Tàu theo lối hát Quảng.

Sau khi định cư ở Pháp vào đầu thập niên 80, Bích Thuận và phu quân, người được giới nghệ sĩ thân mật gọi là Tonton Hiếu, hai ông bà luôn luôn là những khách mời trân trọng nhứt trong các buỗi hợp mặt văn nghệ, những buỗi giới thiệu ra mắt sách, thơ, văn. . . cô Bích Thuận đến những nơi có kiều bào định cư ở Hải Ngoại để trình diễn những trích đoạn tuồng cải lương nổi tiếng xưa của cô trên các sân khấu Phụng Hảo, Kim Chung…. Cô ngâm thơ Tao đàn, ngâm sa mạc, ca quan họ, hát ả đào. Có khi cô thủ diễn lại vai Lữ Bố trong trích đoạn Lữ Bố Hí Điêu Thuyền với nữ nghệ sĩ Kiều Lệ Mai làm Điêu Thuyền, Minh Đức trong vai Tư Đồ Vương Doãn….

Ngày 13 tháng 6 năm 1999, Hội Đông Y giới Việt Nam Tự Do và các môn sinh của cô Bích Thuận tổ chức vinh danh cho cô tại phòng khánh tiết Trung TâmVăn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO ) nằm trong quận 7 Paris. Gần đây một số Hội đoàn trên đất nước Hoa Kỳ làm lễ vinh danh cho 50 năm sự nghiệp trình diễn văn nghệ của cô Bích Thuận. Cô Bích Thuận đã hát Quan Họ trong màn trẩy hội du xuân vùng Kinh Bắc, cô thủ vai Thúy Kiều trong lớp tâm sự với Thúc Sinh do nghệ sĩ Hoàng Long thủ diễn., cô cũng thủ diễn vai Trưng Trắc, múa song kiếm gợi lại hình ảnh của nghệ sĩ đàn em Thanh Nga trong tuồng Tiếng Tiếng Trống Mê Linh.

Năm 2009, người bạn đời của nữ nghệ sĩ lão thành tài danh Bích Thuận là ông Tonton Hiếu về cõi vĩnh hằng, bạn bè nghệ sĩ Paris và các nghệ sĩ đàn em ở Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu và Việt Nam đã gủi thư, e mail, điện thoại chia sẻ nỗi đau đớn mất mát to lớn này với nữ nghệ sĩ tiền phong Bích Thuận.

Nửa thế kỷ trôi qua, nữ nghệ sĩ Bích Thuận vẫn còn chói sáng một tài năng hiếm có về nhiều bộ môn nghệ thuật ca ngâm diễn xuất. Cô không những không mòn mỏi trong nghệ thuật ca diễn dầu cho tuổi đời chồng chất, Bích Thuận là hạt nhân đoàn kết của các nghệ sĩ cải lương ở Paris và ở Hải ngoại. Cô Bích Thuận có đạo Gia Tô, là người theo đạo Thiên Chúa mà vẫn luôn luôn có mặt trong các dịp cúng Tổ cải lương, khi còn ở trong nước cũng như mấy mươi năm ở hải ngoại. Cô nói « Niềm tin Chúa thì mình vẫn giữ trong lòng, còn theo nghề hát thì Tôn Sư Trọng Đạo là một đạo đức nghề nghiệp, người nghệ sĩ vẫn phải tôn trọng chứ.»

Nghệ sĩ cải lương chúng tôi dù đang còn ở trong nước hay đã định cư nơi hải ngoại, chúng tôi rất lấy làm hãnh diện có được một nghệ sĩ bậc thầy, một nghệ sĩ lão thành tiêu biểu cho nghệ thuật sân cải lương Việt Nam. Nữ nghệ sĩ Bích Thuận cũng là tấm gương sáng cho nghệ sĩ đàn em về tinh thần học hỏi trau giồi nghề nghiệp, về tinh thần tương thân tương ái và đoàn kết trong giới nghệ sĩ với nhau và tinh thần biết ơn và tôn trọng khán giả.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.